Năm 2002, Hội Đồng Truyền Bá Văn Hóa nước Anh đã mở cuộc bình chọn 70 từ đẹp nhất trong tiếng Anh. Cuộc bình chọn đã diễn ra trên 102 nước với 40.000 người tham gia. Kết quả là từ đứng đầu danh sách những từ đẹp nhất chính là từ “người mẹ” (mother).
Quả thật, danh từ “mẹ” rất gần gũi với mọi người và là một danh từ gợi lên một cái gì đó rất thiêng liêng, bao hàm tình mẫu tử cao cả mà mọi người đều trân trọng.
Vào ngày 05/9/1997, khi trái tim Mẹ Têrêsa Calcutta ngừng đập, thi hài của Mẹ được đặt trên một xe cứu thương, chở đến nhà thờ thánh Tôma, thuộc dòng Loretto. Phía trước xe, người ta để một tấm bảng, trên đó ghi một chữ “Mẹ” duy nhất, danh từ gói ghém tất cả tình thương của Mẹ Têrêsa dành cho những người con cái nghèo khổ tại Ấn Độ.
Hôm nay, trong bài Tin Mừng theo thánh Matthêu, chúng ta cũng bắt gặp tình mẫu tử thiêng liêng và cao quý nơi bà mẹ xứ Canaan. Vì thương con gái bị quỉ ám, bà đã lặn lội đi tìm Chúa Giêsu, nài nỉ van xin Ngài chữa người con gái khỏi bệnh. Bị từ chối, thậm chí bị khinh bỉ, bà vẫn kiên trì cầu xin Chúa mà không nản lòng.
Sự kiên nhẫn và lòng khiêm tốn của người mẹ xứ Canaan không những chứng tỏ một tình yêu mãnh liệt dành cho con gái mình, mà còn biểu lộ một đức tin mạnh mẽ không gì lay chuyển, đến nỗi Chúa Giêsu đã khen ngợi : “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”.
Đức tin và tình yêu chính là đôi cánh được tháp vào cuộc đời người tín hữu, giúp họ bay lên cao, vượt qua những bão giông cuộc đời, để gặp gỡ được bầu trời tràn ngập hạnh phúc.
Tình yêu.
Tình yêu có một sức mạnh vạn năng và mạnh hơn cả sự chết. Vì thế, tình yêu là động lực thúc đẩy người ta vượt qua mọi thử thách và gian khó. Với tình yêu, người ta bất chấp tất cả và cũng chấp nhận tất cả, để đạt được điều mình mong muốn.
Người đàn bà ngoại giáo xứ Canaan vì quá thương con gái bị quỉ ám, đã chạy đến với Chúa, để khẩn khoản xin Chúa cứu chữa con gái mình.
Trước lời cầu xin của người đàn bà ngoại giáo, Chúa Giêsu đã thử thách bà ta : Ngài không đáp lại một lời nào. Thế nhưng trái tim của người mẹ đã không lùi bước trước thái độ im lặng của Chúa, nhất là sự thiếu kiên nhẫn của các môn đệ : muốn Chúa cho bà ta về kẻo bà ta kêu mãi. Còn Chúa Giêsu thì tỏ ra không quan tâm đến lời thỉnh cầu của bà : “Ta chỉ được sai đến với chiên lạc nhà Israel”.
Tuy nhiên, tình mẫu tử vẫn thúc đẩy người phụ nữ đi theo Chúa một cách kiên trì, cho dù Chúa quay lại từ chối một cách lạnh lùng : “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Với tình yêu một người mẹ, bà vẫn khiêm tốn nài xin : “Nhưng chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn chủ rơi xuống”.
Cuối cùng, tình yêu đã chiến thắng và vượt qua được những thử thách. Tình yêu đã mở lối cho tình yêu. Tình yêu của người mẹ quá mãnh liệt, đã gợi lên tình thương xót từ trái tim Chúa Giêsu. Ngài đã chữa lành cho con gái bà ta.
Chính tình yêu của người mẹ đã cho người phụ nữ ngoại giáo sức mạnh vượt qua những “rào cản” tôn giáo để đến với Chúa. Là một người không có đức tin, bà đã bước đến ranh giới niềm tin một cách can đảm và kiên trì. Chính tình yêu mãnh liệt của bà đã mở lối cho tình yêu của Thiên Chúa từ tâm. Đó là tình yêu không biên giới, sẵn sàng đón nhận tất cả mọi người vào vòng tay từ ái của Người.
Đức tin.
Niềm tin cũng là sức mạnh giúp người ta vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống. Niềm tin cũng còn là điều kiện con người phải có để Chúa làm phép lạ chữa lành bệnh tật.
– Khi chữa lành bệnh cho người đầy tớ viên đại đội trưởng ngoại giáo, Chúa nói với ông : “Ông về đi, ông tin thế nào thì được như vậy” (Mt 8, 5-13).
– Với người phụ nữ bị bệnh loạn huyết đã chạm vào gấu áo Chúa, Chúa nói : “Lòng tin của con đã cứu chữa con” (Mc 5, 34).
Cũng vậy, dù là một người ngoại giáo, người phụ nữ xứ Canaan cũng tìm đến Chúa với một lòng tin mạnh mẽ. Trước lời nói đầy vẻ khinh miệt của Chúa, người phụ nữ vẫn khiêm tốn nài van Chúa cứu chữa con gái mình. Bà không tự ái, không buồn giận trước những lời nói khinh rẻ của Chúa, thậm chí bà còn dùng chính lời Chúa để đáp trả một cách tinh tế : “Nhưng những con chó nhỏ cũng được ăn những bánh vụn rơi xuống từ bàn ăn”.
Với niềm tin mãnh liệt, bà đã nhìn thấy lòng xót thương ẩn sâu trong trái tim Chúa, Đấng đã từng nuôi năm ngàn người ăn no với 5 chiếc bánh và 2 con cá, còn dư 12 thúng đầy bánh vụn. Giờ đây, lẽ nào Ngài lại từ chối những vụn bánh rơi xuống từ bàn ăn của con cái Thiên Chúa ?
Với một niềm tin mạnh mẽ, bà đã vượt qua được những cản trở của tín ngưỡng, sắc tộc, của những đố kỵ ghen ghét, để bước vào vòng tay yêu thương của Chúa.
Với một niềm tin vững vàng, bà đã chạm tay đến phép lạ kỳ diệu do tình thương của Chúa : “Bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được như vậy”.
Cũng thế, ngày nay nếu chúng ta biết không ngừng vỗ đôi cánh Tin – Yêu để bay lên cao, chúng ta sẽ vượt lên trên chính mình, vượt qua những thử thách của cuộc sống, vượt qua những rào cản của cuộc đời, để vươn lên đến ngưỡng cửa của những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa sẽ thực hiện trong cuộc đời chúng ta.
Mở rộng vòng tay Tin – Yêu.
Bài trích sách tiên tri Isaia thuật lại : Thiên Chúa đã đưa Dân Người hồi hương từ chốn lưu đày. Người muốn mở rộng đoàn dân này, để trong đó, không chỉ có người Israel mà có cả lương dân nữa, như lời Thiên Chúa phán : “Nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”.
Thiên Chúa muốn mở rộng vòng tay để ôm lấy mọi dân tộc vào lòng mình. Ngài không muốn loại trừ ai, nhưng đón nhận tất cả vào một đoàn chiên duy nhất.
Chúa Giêsu cũng đã mở rộng vòng tay yêu thương đón nhận người phụ nữ xứ Canaan và cứu chữa con gái bà. Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi mở rộng vòng tay thân ái đón nhận mọi người : dù đó là kẻ tội lỗi hay là người lương dân. Qua đời sống bác ái và những nghĩa cử yêu thương, chúng ta sẽ mau chóng dẫn đưa họ về với Chúa, làm cho vòng tay tin yêu của Giáo Hội mỗi ngày một thêm rộng lớn hơn.
Vào một buổi chiều nọ, trên con đường hoang vắng thuộc vùng rừng núi Kontum hướng về Sàigòn, một chiếc xe hơi chết máy nằm ven đường. Đó là chiếc xe của một gia đình gồm hai vợ chồng và đứa con đang nôn nóng trở về Sàigòn sau chuyến đi Kontum.
Giữa lúc hai vợ chồng đang lo lắng bên cạnh chiếc xe hư, thì từ xa, một chiếc xe Jeep đi tới và dừng lại. Một “ông tây” từ trên xe bước xuống. Khi biết chiếc xe bị hỏng máy, “ông tây” liền xắn tay áo, chui vào gầm xe sửa chữa rất nhiệt tình. Một lúc sau, chiếc xe được sửa xong. Hai vợ chồng mừng rỡ, cám ơn “ông tây” rối rít. “Ông tây” liền rút ra một tấm danh thiếp trao cho hai vợ chồng. Trên tấm danh thiếp ghi hàng chữ :
Paul Léo Seitz Kim
Hội Thừa Sai Paris (MEP)
Giám mục Giáo Phận Kontum.
Thì ra, “ông tây” kia chính là Đức Cha Seitz, Giám Mục Giáo Phận Kontum. Từ đó trở đi, hai vợ chồng dù là người ngoại giáo, đã trở nên thân thiết với Đức Cha. Về sau, cảm kích trước tinh thần phục vụ và tấm lòng yêu thương của Đức Cha, cả gia đình họ đã trở lại đạo.
Với tinh thần phục vụ trong yêu thương, chúng ta cũng hãy biết mở rộng vòng tay đón nhận mọi người, nhất là những người chưa nhận biết Chúa. Với đôi tay Tin – Yêu, chúng ta sẽ dẫn dắt nhiều người về với Chúa.