ĐỨC TIN ĐƯỢC MINH CHỨNG QUA THỬ THÁCH
Christopher Columbus, còn được gọi là Kha Luôn Bố, sinh năm 1451 tại Genoa thuộc Ý Ðại Lợi, được coi là người đầu tiên phát hiện ra Châu Mỹ, mặc dù lúc đó ông cứ ngỡ là Á Châu. Năm 1482, ông thỉnh cầu vua Bồ Ðào Nha là John II tài trợ cho chuyến thám hiểm Ấn Ðộ, nhưng nhà vua từ chối. Không nản chí, Kha Luôn Bố sang Tây Ban Nha diện kiến vua Ferdinand và hoàng hậu Isabella để xin được giúp đỡ. Ban đầu cũng không được chấp thuận, nhưng sau đó hoàng hậu Isabella đã đồng ý giúp đỡ tài chánh cho chuyến đi của ông.
Kha Luôn Bố được trao quyền chỉ huy ba chiếc tàu thám hiểm với đoàn thủy thủ gồm 88 người. Vào ngày 3 tháng 8 năm 1492, ông cho đoàn tàu rời bến cảng ra khơi. Mục đích cuộc thám hiểm là tìm ra con đường ngắn nhất đến Á Châu, cụ thể là Ấn Ðộ và Trung Hoa, nơi được nghe nói là có nhiều vàng, ngọc trai, kim cương và gấm vóc. Chuyến đi dài hơn dự tính, nên sau hai tháng lên đênh trên biển không tìm thấy đất liền, thủy thủ đoàn chán nản, bắt ông phải cho tàu quay về. Ông hứa trong hai ngày nữa, nếu không thấy đất liền sẽ làm theo ý họ. Thật may mắn, chưa đầy 48 giờ sau, ngày 12 tháng 10, họ đã gặp được miền đất ngày nay có tên là Châu Mỹ.
Với sự kiên trì và niềm say mê khám phá, Kha Luôn Bố đã tìm ra châu lục mới. Nhờ niềm tin kiên vững và lòng khiêm tốn của người đàn bà xứ Canaan mà con gái bà được Đức Giêsu chữa lành.
Qua những gì Kinh Thánh kể, chúng ta thấy người đàn bà dân ngoại có niềm tin thật kiên vững. Tin vào quyền năng và lòng nhân hậu của Đức Giêsu thành Nazaret, bà đến xin Người chữa cho đứa con bị quỷ ám, vậy mà chỉ nhận được sự im lặng; chẳng những thế, chính tai bà còn nghe Người nói: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” (Mt 15, 26) Người Do Thái miệt thị và coi dân ngoại như loài chó. Mặc dù Đức Giêsu đã giảm nhẹ kiểu nói khi dùng từ “chó con”, nhưng lời ấy đã như gáo nước lạnh hắt vào mặt một người đang khốn khổ vì có cô con gái bị quỉ hành hạ.
Đức Giêsu từng chủ động tìm cơ hội gặp gỡ để hoán cải chị phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp và cứu người đàn bà ngoại tình khỏi bị ném đá. Chắc chắn, Đấng cứu độ trần gian cũng thương cô con gái của người đàn bà Canan đang bị ma quỉ trói buộc như đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Sự im lặng và kiểu nói có vẻ khinh thị của Đức Giêsu là cơ hội để niềm tin của bà được bộc lộ: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” (Mt 15, 28) Ngay khi Đức Giêsu nói lời ấy, quỉ đã xuất ra và cô gái được lành mạnh. Nhờ lòng tin, sự khiêm tốn và kiên trì, người đàn bà dân ngoại đã nhận được điều mong muốn.
Động cơ thúc đẩy người đàn bà ngoại giáo tìm đến với Đức Giêsu là con gái của bà bị quỉ ám mà không ai có thể chữa lành. Nhưng trước hết, phải kể đến ơn soi sáng từ trời cao, vì: “Đức tin là hồng ân nhưng không do Thiên Chúa ban tặng cho con người.” (GL của GHCG, số 162) Hồng ân đức tin là món quà vô giá Thiên Chúa ban cho toàn thể nhân loại, nhưng tin hay chối từ lại hoàn toàn tùy thuộc vào sự chọn lựa và quyết định của mỗi người.
Tin là mở lòng để đón nhận hồng ân của Thiên Chúa, sẵn sàng thực thi thánh ý của Đấng là Tình Yêu và Sự Sống. Nhờ đức tin, chúng ta trở nên người nhà của Thiên Chúa và người đồng hương với các thánh. Nhưng niềm tin vào Thiên Chúa không giúp các Kitô hữu tránh khỏi khó khăn và thử thách trong cuộc đời.
Muốn có mùa lúa bội thu, người nông dân phải vất vả, kiên trì và nhẫn nại với nắng mưa trên ruộng đồng. Để cầm tấm bằng đại học trên tay, gia đình và bản thân của người vừa tốt nghiệp đã phải trả giá bằng biết bao cố gắng, hy sinh. Cũng vậy, đau khổ và thử thách là cơ hội giúp cho các tín hữu minh chứng niềm tín thác vào Thiên Chúa hơn: “Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội; vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự.” (1 Pr 1, 7)
Biết rằng tin vào Thiên Chúa, chúng ta sẽ được hưởng muôn ân phúc trong cuộc sống này và đời sau, nhưng nhiều Kitô hữu không có đức tin kiên vững, nên rơi vào thái độ quá dễ tin hoặc thờ ơ trước ân huệ của Đấng là chủ tể của vũ hoàn.
Người vội tin dễ nghe theo những lời đồn đại thiếu chứng cứ, ưa tìm đến bùa ngải và bói toán, hoặc thực hành những hành vi tôn giáo hoàn toàn trái ngược với đức tin Công Giáo.
Nhiều Kitô hữu đọc kinh hay tham dự các nghi lễ của Giáo Hội với tâm hồn trống rỗng, khô khan; bởi lẽ, họ thực hành những việc ấy chỉ vì thói quen, hoặc muốn tránh lời bình phẩm của cộng đoàn.
Cũng phải kể đến những tín hữu thành tâm cầu nguyện, tham dự thánh lễ và lãnh các bí tích, nhưng khi ý nguyện dâng lên Thiên Chúa chưa được chấp nhận, họ chán nản hoặc nghi ngờ về sự hiện diện và quyền năng của Người.
Đức tin chỉ thực sự đem đến niềm vui, bình an và hạnh phúc vĩnh cửu khi chúng ta biết mở lòng đón nhận, và tín thác vào Đấng luôn yêu thương chăm sóc mọi người. Đức tin ấy giúp chúng ta biết dâng lời tạ ơn khi được an lành, thúc đẩy các tín hữu gia tăng lời cầu nguyện và hy sinh lúc gặp sự gian nan khốn khó.
Đức tin không giống như gia sản được thừa kế, có thể bán dần để tiêu dùng suốt đời. Với hồng ân đức tin đã lãnh nhận, mỗi người chúng ta phải không ngừng củng cố bằng việc chăm chỉ lắng nghe và thực hành Lời Chúa, đón nhận giáo huấn của Hội Thánh, sống tình bác ái với tha nhân và hiệp thông với cộng đoàn phụng vụ. Có như vậy, chúng ta mới trưởng thành trong đức tin và xứng đáng với muôn vàn ân huệ Thiên Chúa hứa ban.
Xin cho chúng ta luôn vững tin vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa, biết dâng lời tạ ơn khi hân hoan và xin Người ủi an nâng đỡ khi gặp gian nan khốn khó.