NHỮNG BÀI HỌC CẦN HỌC NƠI CHÚA
Thiên Chúa là Đấng toàn năng, còn con người là thụ tạo mang trên mình những yếu đuối mỏng giòn. Để con người là thụ tạo thấp hèn có thể hiệp thông với Thiên Chúa, con người cần hoàn thiện chính mình nhờ ơn Chúa giúp. Bởi lẽ, chính Chúa mời gọi con người nên hoàn thiện như chính Chúa (x. Mt 5,48). Để có thể hoàn thiện, con người cần đến ơn Chúa và học nơi Chúa những bài họ cần thiết. Nơi Chúa, con người có nhiều bài học để học. Tuy nhiên, Lời Chúa trong phụng vụ hôm nay mời gọi mọi người học nơi Chúa những bài học thiết yếu để sống hữu hiệu trong cuộc sống lữ hành và cách riêng sống tốt hơn trong năm thánh hóa đời sống gia đình này.
1. Bài học nhân hậu
Trước hết, mọi người được mời gọi học theo Chúa bài học nhân hậu. Thiên Chúa là Đấng nhân hậu và từ bị (x. Xh 34,6). Ngài đối xử mọi người cách nhân hậu (x. Tt 3,4). Ngài luôn nhẫn nại, chờ đợi con người hối cải và thăng tiến đời sống của họ. Lòng nhân hậu của Thiên Chúa biểu lộ cách cụ thể và trọn vẹn nơi Đức Kitô (x. Ep 2,7).
Thậy vậy, Đức Giêsu Kitô đã biểu lộ lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Người đối xử mọi người cách nhân hậu từ bi đặc biệt là đối với những người tội lỗi và những người cùng khổ. Gặp người tội lỗi, Đức Giêsu không kết án nhưng mời gọi họ hối cải ăn năn. Với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, Người không kết án nhưng mời gọi chị không phạm tội nữa (x. Ga 8,11). Gặp người bất toại, Chúa Giêsu chữa lành bệnh tật cho anh và mời gọi anh từ bỏ con đường tội lỗi (x. Ga 5,14). Với thánh Phêrô, trong lúc sợ hãi, ngài đã chối Chúa cách công khai, Chúa Giêsu không giận dữ, oán trách nhưng nhìn Phêrô với ánh mắt trìu mến và nhân hậu để thánh nhân hối cải những lầm lỗi của mình (x.Lc 22,61). Với Phaolô, một người nhiệt thành bách hại các kitô hữu tiên khởi, Đức Kitô phục sinh đã không báo thù nhưng tra vấn ông cách hiền từ và nhân hậu: “Saun, Saun, tại sao ngươi bách bớ Ta” (Cv 9,5). Lời tra vấn yêu thương đã giúp Phaolô biến đổi và trở nên chứng nhân hữu dụng của Đức Kitô phục sinh. Đối với những người làm hại Chúa, Người không oán hận nhưng tha thứ và cầu nguyện cho những người bách hại mình (x. Lc 23,34). Đối với những người tội lỗi biết ăn năn hối cải, Đức kitô đã ban thưởng hạnh phúc cho họ, mà anh gian phi bị treo trên thập tự là một ví dụ điển hình (x. Lc 23,43).
Đức Giêsu Kitô đã nên mẫu gương nhân lành tuyệt hảo để mỗi người noi theo. Giờ đây, Người gọi mọi người học nơi Người gương nhân hậu: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu” (Mt 11,29). Bài học này thật cần thiết cho mọi người, cách riêng cho các bậc làm cha làm mẹ trong gia đình. Vai trò giáo dục của cha mẹ trong gia đình không ai có thể thay thế. Con cái trong vòng tay của cha mẹ chưa phải là những người trưởng thành. Chúng là những người được thụ huấn với cách thế giáo dục rất hiền từ và nhân hậu nơi cha mẹ. Sự hiền hậu của cha mẹ trong việc giáo dục sẽ phần nào giúp cho con cái trưởng thành trong yêu thương. Lời Chúa trong thư Êphêxô đã nhắc nhở điều ấy cho mọi người nhất là những bậc làm cha làm mẹ: “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại, hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ep 4,2). Lời Chúa trong thư Phêrô cũng mời gọi mọi người, nhất là những thành viên trong gia đình sống yêu thương, hiệp nhất và nhân hậu: “Tất cả anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn” (1Pr 3,8).
2. Bài học khiêm nhường.
Kế đến, Lời Chúa trong phụng vụ hôm nay mời gọi mọi người hãy học gương khiêm nhường. Đây là bài học rất cần thiết vì những ai khiêm nhường được Chúa nâng đỡ phù trì: “Chúa ha bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,52). Chính Thiên Chúa là Đấng khiêm nhường (x. Dcr 9,9). Và Chúa Giêsu Kitô đã biểu lộ gương mẫu khiêm nhường ấy.
Lời Chúa trong thư Philípphê đã cho thấy sự khiêm nhường tột cùng của Chúa Giêsu: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2.6 -7). Không những thế, Đức Giêsu còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (x. Pl 2,8). Sự khiêm nhường của Đức Giêsu không phải là thái độ nhu nhược nhưng là cách thế tuyệt vời để phục vụ con người cách tốt nhất. Người đã đến trần gian không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (x. Mt 20,28).
Giờ đây, Đức Giêsu mời gọi mọi người sống nhân đức khiêm nhường: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường (x. Mt 11,29). Đồng thời, Người cũng mời gọi mọi người phục vụ nhau trong khiêm nhường: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35). Sự khiêm nhường trong phục vụ sẽ đưa đến hiệu quả tốt đẹp. Bởi lẽ, phục vụ không khiêm nhường sẽ dẫn đến kiêu ngạo, mà Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo (x. 1Pr 5,5). Trái lại, lòng khiêm nhượng được Chúa yêu thương và ban ơn nâng đỡ (x. Gc 4,6). Nhờ sự nâng đỡ này, mỗi người có thể chu toàn bổn phận của mình.
Trong đời sống gia đình, mọi thành viên trong gia đình được mời gọi sống phục vụ nhau trong tôn trọng và yêu thương: “Anh em hãy tùng phục lẫn nhau” (Ep 5,21). Người chồng yêu thương vợ (x. Ep 5, 25) và vợ cũng kính sợ chồng (x. Ep 5, 23). Cha mẹ cùng dạy dỗ con cái trong tinh thần yêu thương và tôn trọng. Phần con cái tôn kính cha mẹ và vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa (x. Ep 6,1).
3. Bài học bổn phận
Cuối cùng, Chúa mời gọi mọi người chu toàn bổn phận khi chấp nhận mang lấy ách của Chúa. Thiên Chúa đã đi bước trước khi mang lấy ách tội lỗi của con người và Chúa Giêsu đã gồng mình gánh ách ấy. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá (x. 1Pr 2,24). Mang gánh tội của con người nhưng Chúa Giêsu không kêu than, oán trách. Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca, như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng (x. Is 53,7). Dẫu rằng gánh tội nhân loại nặng nề đến độ Đức Giêsu đã phải xin Chúa Cha bớt chén đắng nhưng Người vẫn vâng phục đến cùng (x. Mt 26,39).
Hoàn tất gánh nặng của nhân loại qua hiến tế thánh giá, giờ đây, Chúa Giêsu mời gọi mọi người mang lấy ách của Chúa (x. Mt 11,29). Ách của Chúa là một đời phục vụ tha nhân như Chúa đã phục vụ. Ách của Chúa là bài học yêu thương như Chúa đã yêu mọi người (x. Ga 15,12). Ách của Chúa cũng là chu toàn bổn phận của mỗi người trong gia đình như người tôi tớ trung tín đợi chủ về.
Dẫu biết rằng, trong cuộc sống hôm nay, nhiều người cha, người mẹ phải gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống khi chu toàn bổn phận, nhưng chúng ta tin tưởng và tín thác vào Chúa bởi lẽ Chúa đã chiến thắng thế gian (x. Ga 16,33). Mặt khác, Chúa đã mời gọi những ai mang gánh nặng nề hãy đến với Chúa (x. Mt 11,28) để chính Người sẽ cho tâm hồn của họ được nghỉ ngơi bồi dưỡng (x. Mt 11,29). Và một khi có Chúa hiện diện trong gia đình, mọi người sẽ nghiệm thấy ách của Chúa thật êm ái và gánh của Người thật nhẹ nhàng.
Lạy Chúa xin cho chúng con học nơi ngài những bài học nhân hậu, khiêm nhường và chu toàn bổn phận để chúng con sống trong cuộc đời lữ hành này đầy ý nghĩa và hạnh phúc.
Linh mục Vinhsơn Trần Minh Hòa