Ngày kia, vào lúc nhà hiền triết vĩ đại của Trung Hoa là Lão Tử đang hấp hối trên giường bệnh, các môn đệ của ông vây quanh, xin ông dạy bài học cuối cùng trước khi ông lìa đời. Lão Tử há miệng ra, rồi hỏi các học trò :
– Răng ta còn không ?
Các học trò đồng thanh đáp :
– Thưa thầy, răng thầy đã rụng hết !
Lão Tử lại hỏi :
– Lưỡi ta còn không ?
Các học trò đáp :
– Thưa thầy, lưỡi thầy vẫn còn !
Lão Tử nói :
– Răng cứng thì mất, lưỡi mềm thì còn. Như thế, nhu luôn thắng cương. Hãy lấy sự hiền lành mà đối lại với sự hung dữ.
Nói xong, Lão Tử nhắm mắt lìa đời.
Bài học của Lão Tử dẫn chúng ta vào bài học của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng theo thánh Matthêu hôm nay : “…Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng …”. Chúa Giêsu không dạy bài học đó trên lý thuyết, nhưng bài học đó được rút ra từ cuộc sống của Ngài. Cuộc đời Chúa Giêsu là một cuốn sách mở ra biết bao bài học. Nhưng “bài học vỡ lòng” dành cho các môn đệ chính là sự hiền lành và khiêm nhường.
Bài học hiền lành.
Sự hiền lành của Chúa được thể hiện qua dung mạo Người Tôi tớ của Ngài : “Người sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng Người giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, Người chẳng nỡ tắt đi” (Is 42, 2-3).
Với dung mạo hiền lành như thế, Chúa đã đến với mọi người mang theo một trái tim nhân hậu, một tấm lòng bao dung. Đặc biệt, đối với những kẻ hèn mọn, nghèo khó và cả những người tội lỗi, hư hỏng, Chúa luôn biểu lộ tình xót thương và lòng rộng lượng :
– Với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, Chúa hiền từ nói với chị : “Tôi cũng không kết án chị đâu, chị hãy về và đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 11).
– Với người thu thuế Giakêu đang leo cây sung để nhìn xem Chúa, Chúa đưa mắt nhân từ ngước lên và nói : “Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta sẽ lưu lại nhà ông” (Lc 19, 5).
– Với người trộm lành, Chúa tỏ lòng khoan dung đại lượng : “Ngay hôm nay, anh sẽ ở trên thiên đàng với Ta” (Lc 23, 43).
Sự hiền lành của Chúa còn được thể hiện qua hình ảnh Chúa bị dẫn ra trước đám đông dân chúng, với khuôn mặt đẫm máu, vòng gai quấn trên đầu, thân hình tan nát vì đòn vọt. Lúc ấy, Philatô nói với dân chúng : “Đây là người” (Ga 19, 5). Quả thật, khuôn mặt đau thương của Chúa đã phản chiếu trung thực dung mạo Người Tôi Tớ Giavê : “Người đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu, đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ ” (Is 50, 6).
Sau cùng, sự hiền lành của Chúa được diễn tả một cách rõ ràng nhất qua hình ảnh Ngài giang tay trên thánh giá, chết một cách lặng lẽ, không la hét, không chửi rủa, nhưng chỉ gục đầu trong sự nhẫn nại hiền lành.
Bài học khiêm nhường.
Biến cố nhập thể là bài học đầu tiên về sự tự hạ của Chúa. Ngài đến trần gian trong âm thầm lặng lẽ qua hình hài một bé thơ nghèo hèn. Chúa khiêm nhường nên ra đời giữa những kẻ bé mọn : Đức Maria, thánh Giuse, các mục đồng … Chúa khiêm nhường nên ẩn mình đi trong cái vỏ bề ngoài thật tầm thường. Vì khiêm nhường, Ngài chôn vùi vinh quang Thiên Chúa trong thân phận một người lao động. Vì khiêm nhường, Chúa hòa mình vào kiếp phàm nhân tội lỗi.
Chúa khiêm nhường, nên Ngài đứng về phía những kẻ bé mọn. Ngài chúc tụng Thiên Chúa Cha, vì đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Chúa không chọn cho mình những kẻ giàu sang phú quý, hay những người khôn ngoan thông thái, nhưng lại dành ưu tiên cho những người bị gạt ra bên lề xã hội. Người cùi bị mọi người lánh xa, thì Chúa lại đi tìm họ, chạm đến và chữa lành họ. Người thu thuế bị người ta coi là phường tội lỗi, Chúa lại tìm đến và ngồi đồng bàn với họ. Chúa bênh vực những kẻ hư hỏng và ân cần ưu ái với những người bị bỏ rơi và áp bức.
Chúa đã đi xuống tận cùng của sự khiêm nhường khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ (Ga 13, 1-13). Sự khiêm nhường đã đẩy Chúa xuống sự cùng cực của kiếp nô lệ. Vì khiêm nhường, Ngài đã trở thành người phục vụ hèn kém nhất. Ngài đã quên mất mình là một Thiên Chúa ! Chúa quỳ xuống để nâng mọi người đứng lên, Chúa cúi xuống để con người được vươn cao.
Ách êm ái, gánh nhẹ nhàng.
Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường không có nghĩa là Ngài cổ võ cho sự uỷ mị và nhu nhược. Trái lại, Ngài đứng lên để bênh vực sự thật, chống lại sự dữ. Ngài thẳng thắn kiện toàn những gì chưa hoàn thiện.
Hôm nay, Chúa mời gọi : “Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng. Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi”.
Chúa nhìn thấy “những kẻ bé mọn” đang bị đè nặng dưới ách của lề luật cũ. Đó là thứ lề luật giam hãm con người trong sự giả hình và câu nệ. Chúa muốn cất bỏ cái ách và gánh nặng mà các luật sĩ và biệt phái đang đặt lên vai dân chúng. Ngài muốn thay vào đó “cái ách tình thương” của Ngài. Chúa muốn kiện toàn lề luật cũ trở thành lề luật yêu thương. Vì thế, Chúa đã mời gọi mọi người : “Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta … vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.
Trong một cuộc biểu tình chống chiến tranh tôn giáo tại Ấn Độ, người ta đọc được biểu ngữ như sau : “Nếu chúng ta lấy mắt đền mắt, thì cả thế giới sẽ trở nên mù lòa”. Lề luật cũ “mắt đền mắt, răng đền răng” đã được Chúa thay thế bằng lề luật yêu thương : “Ai vả má bên phải, hãy đưa cả má bên trái nữa” (Mt 5, 38-39).
Quả thật, với lề luật yêu thương, Chúa đang làm cho thế giới hôm nay được hoàn thiện và tươi sáng hơn. Hãy mang lấy ách của Chúa và hãy học cùng Chúa bài học tình yêu ấy.
Hôm nay, trong bài đọc I, tiên tri Zacaria đã phác họa hình ảnh thật khiêm tốn của Vua Messia. Ngài không đến trên lưng con tuấn mã. Ngài không đến trong tiếng vó ngựa dồn dập. Nhưng Ngài đến âm thầm trên lưng con lừa hèn mọn. Ngài đến như một kẻ bé mọn nhất trong số những kẻ bé mọn. Chỉ có những người hiền lành và khiêm tốn mới gặp được Ngài.
Khi còn là một chủng sinh, thánh Gioan Vianney học hành rất kém. Một lần kia, thấy thầy Vianney quá kém cỏi, một cha giáo tức bực hét lên : “Thầy dốt như một con lừa !”. Thầy Vianney rất mực khiêm tốn trả lời : “Thưa cha giáo, ngày xưa, chỉ với một cái hàm của con lừa, Samson đã đánh đuổi cả đội quân Philitinh. Giờ đây, với cả một con lừa như con, chẳng lẽ không giúp ích gì được cho Hội Thánh sao ?”.
Thánh Vianney đã giúp ích rất nhiều cho Hội Thánh. Như một kẻ bé mọn hiền lành và khiêm tốn, ngài đã dẫn đưa nhiều tâm hồn về với Chúa.
Chúng ta hãy đến với Chúa như một kẻ bé mọn, hãy trút bỏ cho Ngài tất cả gánh nặng cuộc đời. Qua con đường hiền lành và khiêm nhường, chúng ta sẽ gặp gỡ được Ngài.