Vào đầu thế kỷ thứ tư, hoàng đế Constantinô cho xây sáu vương cung thánh đường đầu tiên tại Rôma. Nếu có năm thánh đường cùng quay mặt về hướng Đông theo như kiểu các đền thờ lúc bấy giờ, thì riêng đền Thánh Phaolô ngoài bờ tường phía Đông thành phố lại xoay về hướng Tây, đối diện với Đền thánh Phêrô. Đây rõ ràng là một chủ ý trong kiến trúc, như muốn để cho ánh mắt của hai vị Tông đồ bao trùm toàn thể kinh thành của Giáo Hội, đồng thời muốn làm nổi bật ý nghĩa cuộc đời của hai vị thánh đã cùng chung tay dựng xây Giáo Hội, cùng chung lời làm chứng cho Đức Kitô, và giờ đây chắc chắn vẫn chung lời cầu bầu cho toàn thế giới.
Trong lòng Giáo Hội : đá tảng và cột trụ
Ngày Simon được đổi tên thành Phêrô chính là ngày Chúa Giêsu chính thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng Giáo Hội. Không còn tên riêng quen thuộc của người ngư phủ, nhưng đã có một tên mới hàm chứa vai trò phải đảm trách cho cả một công trình. Việc xây dựng đã bắt đầu, nhưng diễn biến không hề đơn giản, khối đá còn quá “non”, còn đầy dấu vết của con người (x. Mt 16, 21-23), còn chưa đủ sức đương đầu với gió bão (Mt 14, 30), và thật không ngờ, đã có lần viên đá tảng đó như bị xê dịch khỏi vị trí (Ga 18, 26), và đích thân Đức Kitô phục sinh đã phải ba lần nhấc khối đá lên để đưa trở về đúng chỗ. Đó là chưa kể lần Phêrô phải hỏi Đấng đang vác Thánh giá đi ngược chiều với mình : “Quo vadis ?” Cuối cùng, vì vẫn giữ được độ bền của lòng mến, nên “tảng đá”ù đã làm cho người kỹ sư trưởng yên tâm (x. Ga 21, 15-17). Phêrô đã không mất lòng tin, và khi trở lại đã làm cho các anh em nên vững mạnh (x. Lc 22, 31).
Nhưng công việc có quá nhiều đòi hỏi, nên không chỉ một mình Phêrô, cũng không chỉ nhóm Mười Hai đáp ứng được tất cả nhu cầu của công trình đồ sộ mà Đức Kitô muốn thiết lập. Trên nền móng Đức Tin, Giáo Hội còn cần đến những cây cột trụ vững chắc cho giáo lý Tin Mừng luôn phải được loan báo. Trên đường Đamas, Đấng đã tìm thấy Tảng Đá, nay như mới phát hiện một khối cẩm thạch vừa ý. Một cú đập khá mạnh tay rõ ràng là cần thiết để tách Saulô ra khỏi khối núi Lề Luật mà ông đã gắn bó từ lâu, một ánh chớp phải lóe lên để đưa người đồ đệ của Biệt phái ra khỏi bóng mây Cựu ước để có thể nhận ra ánh sáng mới, một câu hỏi được gửi tới để bắt con người nhiệt tình này phải suy nghĩ về điều ông đang làm, và ẩn trong tất cả những gì vừa xảy ra, đó là tiếng gọi của chính Đấng mà ông đang truy bắt. Khi đứng dậy, con người Saulô đã chuyển sang hướng khác.
Trong ngày lễ hôm nay, hai thánh Phêrô và Phaolô nhắc cho chúng ta một điều quan trọng trong đời, đó là dành cho Chúa quyền sử dụng cuộc đời của chúng ta. Phần chúng ta, hãy thưa “vâng” khi nghe tiếng Chúa gọi mời và nhiệt thành cộng tác vào công trình dựng xây Giáo Hội, mỗi người theo ơn gọi riêng của mình. Hãy dùng tình yêu để biến chính mình thành hạt cát, viên sỏi, hòn gạch để góp phần vào công trình cứu thế.
Giữa lòng thế giới : nhà truyền giáo và người qui tụ
Ước vọng của vị kiến trúc sư là thiết kế một Giáo Hội cho mọi người mọi nơi mọi thời, nên công trường không chỉ là Giêrusalem hay Rôma nhưng là cả thế giới ngút ngàn của cánh đồng truyền giáo. Để xây dựng Giáo Hội, Đức Kitô cần đến cả Phêrô lẫn Phaolô. Một Phêrô như dấu chỉ của Giáo Hội tông truyền và thánh thiện, một Phaolô như thừa tác viên của Hội Thánh duy nhất nhưng công giáo trong mọi dị biệt từ muôn dân.
Trong khi Phêrô dựng xây các cộng đoàn cho người Do thái, thì Phaolô xoay bước về phía dân ngoại (x.Cv 13, 46). (Có thể đó cũng là lý do để tên gọi Saulô bằng tiếng aram quá cá biệt đã được thay bằng tên Phaolô hy lạp dễ hội nhập hơn với thế giới đang cần gặp gỡ). Nếu như Phaolô là nhà truyền giáo ra đi không ngưng nghỉ để Tin Mừng cứu độ được loan xa đến tận cùng thế giới, thì Phêrô là hình ảnh của một đoàn Dân có cùng một đức Tin, một phép Rửa và một niềm hy vọng.
Trong cùng một tình yêu của Đấng đã kêu gọi và “thúc bách” các Tông đồ, chúng ta cũng muốn, cùng với Phêrô, “tiến lại gần Đức Kitô”, để trở nên “những viên đá sống động xây nên ngôi Đền thờ thiêng liêng” (1P 2, 4.5), cùng với Phaolô, bước thật gần bên Chúa vì “không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng mến của Đức Kitô” (Rm 8, 35) và đi thật xa để qui tụ muôn loài về cho Thiên Chúa.
Trước mặt muôn dân : hai con người nói chung một lời chứng
Theo truyền thuyết, hai thánh Phêrô và Phaolô, trước ngày tử đạo, đã có dịp gặp lại nói lời từ giã nhau trong một nhà ngục gần Đền Thánh Phaolô ngoại thành hiện nay. Sống không cùng một nơi và làm việc không cùng một trách vụ nhưng cả hai đều biết mình chỉ là “tôi tớ và tông đồ” của cùng một Ông Chủ (x. 2P 1, 1 và Rm 1, 1). Rao giảng không cùng một cách thế, nhưng cả hai đều biết mình chỉ nói về một Người (x. 2P 3, 15). Chết không cùng một ngày, không chịu cùng một hình khổ, nhưng cả hai chỉ có chung một lời chứng, lời chứng rực sáng của những ngọn đuốc soi giữa lòng thế giới, lời chứng trung thành của những người thuộc về Đức Kitô, lời chứng kiên cường của những người môn đệ muốn theo Thầy đến bất cứ nơi nào Thầy đã đi, lời chứng cao cả nhất của những cái chết vì người mình yêu mến. Ở Rôma, người ta vẫn tin rằng, khi Phaolô bị chém, đầu của Ngài đã nẩy lên ba lần trên mặt đất, khơi chảy ba dòng suối (Tre Fontane) như muốn giữ mãi kỷ niệm cái chết của người mang ba quốc tịch : Do thái, Rôma và Nước Trời.
Khi bắt Phêrô treo vào cây thập tự dựng trên sườn đồi Vatican, khi ra lệnh chém đầu Phaolô bên ngoài tường thành Rôma, hẳn hoàng đế Nêron chỉ nghĩ là mình vừa giết được hai thủ lãnh của nhóm kitô hữu bất trị. Chắc chắn những kẻ hành hình không ngờ rằng mình vừa giúp hai vị Tông đồ hoàn tất cử chỉ cuối cùng của cuộc đời dành cho Thiên Chúa và Giáo Hội.
Tôn vinh người cầm chìa khóa Nước Trời và người luôn mang theo những lá thư chất chứa Tình Yêu, Ân sủng và Hiệp thông, chúng ta xin cho được một cõi lòng rộng mở trước lời gọi của trời cao. Cử hành ngày lễ mang màu đỏ hồng của dòng máu tông đồ tử đạo, chúng ta xin cho biết yêu mến điều các ngài tuyên xưng và sống điều các ngài giảng dạy. Mừng kính nền Đá và Trụ cột của Giáo Hội, chúng ta muốn cảm nếm hạnh phúc của những kẻ tí hon đang được ở trên vai những người khổng lồ trong cuộc hành trình từ trần gian về đến quê trời.