Chúa nhật III Phục Sinh
THIÊN CHÚA ĐÃ CHO NGƯỜI PHỤC SINH
Ban Mục vụ Thánh Kinh & Ban Phụng tự
Tgp. Sài Gòn
1. Bài đọc I – Cv 2,4.22-28
Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Phêrô cất tiếng giảng bài đầu tiên với khán giả là dân Israel. Nội dung của lời rao giảng bao gồm những điểm chính của một Kerygma:
– Đức Giêsu Nagiarét được Thiên Chúa chứng nhận giữa anh em bằng những việc vĩ đại, những điều kỳ diệu và những phép lạ.
– Người đã bị nộp – bị hành hạ và bị giết bởi tay những kẻ độc ác.
– Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi xiềng xích tử thần, những đau khổ của cõi chết để phục sinh Người đúng theo như lời thánh vịnh đã nói.
Thật dễ dàng nhận ra trong những nội dung rao giảng này vai trò chính yếu của Thiên Chúa: Người đã chứng nhận Đức Giêsu giữa muôn người, cũng chính Người đã phục sinh Đức Giêsu từ trong cõi chết hầu khơi lên một niềm hy vọng nơi tâm hồn những kẻ tin. Nhờ đó ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã thực hiện được thông ban cho mọi người.
2. Bài đọc II – 1Pr 1,17-21
Cũng khởi đi từ lời loan báo Kerygma với cùng một nội dung nhưng được nhấn ở những góc cạnh khác:
– Đức Kitô, Con Chiên tinh tuyền, được Thiên Chúa tiền định trước khi tác thành vũ trụ và được tỏ bày trong thời sau hết.
– Chính nhờ Người đã đổ máu châu báu mà anh em được cứu chuộc.
– Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết và ban vinh quang cho Người.
– Để anh em tin và hy vọng nơi Thiên Chúa.
Theo tác giả thư 1 Phêrô, chính vì Thiên Chúa là tác nhân chính trong mọi công trình liên quan đến Đức Giêsu, nên mọi Kitô hữu được mời gọi sống trong sự kính sợ Người mọi ngày trong hành trình trần thế này.
3. Bài Phúc Âm – Lc 24,13-35
Trình thuật phục sinh này là nét đặc trưng và rất độc đáo của Thánh sử Luca nhằm cho thấy những điểm nổi bật:
– Chúa Giêsu Phục Sinh – nhân tố quy tụ Giáo hội: Tại sao hai môn đệ làng Emmaus vẫn quyết định rời bỏ Giêrusalem mặc dù đã nghe biết những ‘tin đồn’ về việc Đức Giêsu đã được phục sinh? Bởi cả hai không thể tin và cũng không thể hình dung ra sự kiện có một không hai này. Và ngay khi nhận ra và xác tín thực sự về điều này, hai ông vội vã trở lại ngay Giêrusalem.
– Chúa Giêsu Phục Sinh – Đấng tỏ cho thấy: Trên suốt hành trình đàm đạo với ‘người lạ mặt’, không ai trong hai ông đã nhận ra đó là Đức Giêsu. Điều gì đã làm cho Đức Giêsu vốn rất quen thuộc với các môn đệ trước đó, thì chỉ sau ít ngày không gặp dường như đã trở nên một ‘kẻ xa lạ’? Động từ ‘thấy’ được dùng sau phục sinh luôn ở thể bị động: hoặc Chúa Giêsu đã tỏ cho thấy (x.Lc 24,34) hoặc các môn đệ được thấy (x.Ga 20,25). Nói cách khác chỉ khi Chúa Giêsu Phục Sinh tỏ cho thấy thì các môn đệ mới thấy được. Như thế, biến cố Phục Sinh phải được nhìn như là một biến cố mang tính mạc khải.
– Chúa Giêsu Phục Sinh – Con Người của Lời và của việc bẻ bánh: Điều gì đã có thể phá vỡ bức tường cứng tin nơi hai môn đệ này? Lời của Chúa Giêsu thực sự đã làm cho lòng của hai môn đệ này ‘bừng cháy lên’, còn việc ‘bẻ bánh’ của Ngài đã làm cho ‘mắt của họ được mở ra và họ nhận ra Người.’ Như thế, biến cố phục sinh chính là sự ứng nghiệm của mọi Lời Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô và việc bẻ bánh giúp mọi tín hữu ý thực rõ nét sự hiện diện sống động của Đức Giêsu Phục Sinh giữa lòng cộng đoàn Giáo hội.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. ‘Cái chết không thể nào khuất phục được Người.’ Sau những lời giảng của Thánh Phêrô, tác giả sách Công vụ thuật lại: Lòng người nghe tan nát và xin Phêrô gợi ý hành động. Những lời Kerygma của Thánh Phêrô không đơn thuần chỉ là cung cấp những thông tin, cho dù là những thông tin cốt lõi nhất, nhưng đúng hơn là trình bày một xác tín mà Phêrô đã đang sống chết với xác tín đó.
2. ‘Nếu chúng ta đã chết với Đức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người.’ Biến cố phục sinh trong cái nhìn của tác giả thư 1 Phêrô chính là nền tảng khơi lên trong lòng mọi Kitô hữu đức tin vào Thiên Chúa và niềm hy vọng được cứu độ. Điều này dẫn đến một sự liên đới chặt chẽ giữa Chúa Giêsu và những kẻ tin trong cái chết cũng như trong sự phục sinh (Rm 6,8).
3. ‘Người giải thích bắt đầu từ ông Môsê và các ngôn sứ… Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra…’ Đọc để hiểu Lời Chúa được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu và bẻ bánh là hai trong số những hoạt động nền tảng nhằm duy trì đời sống của giáo hội thời sơ khai. Hai hoạt động nền tảng này vẫn còn nguyên giá trị cho mỗi Kitô hữu hôm nay nhằm duy trì và phát triển sự sống của Giáo hội.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Sự hiện diện của Đức Giêsu Phục Sinh đã đem đến cho con người sức mạnh và niềm vui cùng với nhiều thay đổi trong cuộc sống. Chúng ta hãy cùng nhau cảm tạ Chúa và tha thiết cầu nguyện:
1. Chúa Giêsu tiến lại cùng đi và giải thích Kinh Thánh cho hai môn đệ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, luôn xác tín vào sự hiện diện nâng đỡ của Chúa Phục Sinh, để thêm can đảm và hăng hái loan báo niềm vui Tin Mừng cho thế giới hôm nay.
2. Các môn đệ nói: “Chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đang đau khổ và thất vọng ở khắp nơi, cảm nghiệm được sự đồng hành chia sẻ của Chúa Phục Sinh để luôn lạc quan vui sống trong bình an và hy vọng.
3. Hai môn đệ nài xin: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các gia đình Công Giáo biết chọn Chúa là trung tâm cuộc sống của mình, luôn dành thời gian để suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện chung với nhau.
4. Mắt hai môn đệ sáng ra và nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta khi đã nhận ra Chúa cũng biết chia sẻ niềm vui với tha nhân và trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Chúa qua việc dấn thân phục vụ.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh là Đấng luôn hiện diện và đồng hành với Hội Thánh cũng như mỗi người chúng con. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và gia tăng đức tin cùng sức mạnh, giúp chúng con can đảm loan báo Tin Mừng phục sinh của Chúa cho mọi người. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.