Một bà góa có cậu con trai duy nhất vừa tốt nghiệp đại học, niềm vui chưa tròn thì con bà bị tai nạn và chết trên đường đưa đi cấp cứu. Trước sự thật quá phũ phàng, bà vô cùng đau đớn và suy sụp hoàn toàn. Tuy sống mà như đã chết, bà không bước ra khỏi nhà và cũng chẳng muốn gặp ai. Mấy người bạn thương cảm bà nên thường xuyên đến thăm, sau rất nhiều cố gắng, họ đã đưa bà đến với những buổi đọc kinh liên gia. Vài tháng sau, người phụ nữ ấy đã tìm lại được sự bình an, thay cho việc ngồi một chỗ để than khóc, bà tìm thấy niềm vui khi thăm viếng và chăm sóc những đứa trẻ bại liệt. Có thể nói, tâm hồn tan nát của bà đã được chữa lành, trái tim băng giá nay được sưởi ấm và bừng lên sức sống mới.
Hai môn đệ trên đường về Emmau mang tâm trạng buồn phiền, hụt hẫng, vì khi bỏ mọi sự để làm môn đệ Đức Giêsu, họ xây dựng bao mơ ước, thế mà Thầy của họ đã chết đau thương trên thập giá. Giờ đây, cùng với nấm mộ của Thầy, mọi ước vọng của họ bỗng chốc tan thành mây khói. (Lc 24, 17-24) Nhưng mọi sự đã thay đổi, khi suốt chặng đường dài, hai ông được nghe người bạn đồng hành giải thích Kinh Thánh; nhất là trong bữa ăn tối, vị khách cầm bánh dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho từng người, cả hai đã nhận ra đó chính là Đức Giêsu Phục Sinh. (Lc 24, 30-35) Bấy giờ lòng họ được sưởi ấm, niềm vui thay cho nỗi buồn, những bước chân mệt mỏi không còn nữa, và họ vội trở về Giêrusalem để loan báo Tin Vui Phục Sinh.
Cuộc tử nạn và niềm vui phục sinh của Đức Giêsu được chính Người báo trước: “Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.” (Ga 15, 22) Dẫu vậy, nỗi buồn và sự sợ hãi trước cái chết của Thầy trở nên như bức màn vô hình che mắt các ông. Không chỉ có các tông đồ mới có tâm trạng đó, cả bà Maria Madalêna, một phụ nữ rất yêu mến Đức Giêsu, vậy mà sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, khi gặp Chúa Kitô phục sinh bên nấm mộ, bà cứ ngỡ là người làm vườn. (Lc 20, 14-15)
Mỗi người đã nhiều lần nếm trải thất bại, tai nạn, bệnh tật và rủi ro trong cuộc sống. Có người để những khó khăn đẩy vào tâm trạng mệt mỏi, chán nản và buông xuôi, nên tìm quên trong các chất kích thích như rượu, ma túy… kẻ khác quẫn trí đến độ quyên sinh. Để giúp những người này thoát khỏi tình trạng bi đát, các nhà chuyên môn khuyên họ cố gắng quên quá khứ để hướng về tương lai. Nhờ cố gắng áp dụng hướng dẫn ấy, một số người đã vượt lên, tìm lại được niềm vui và nghị lực cho cuộc đời của họ.
Là Kitô hữu, ngoài những nỗ lực của bản thân, chúng ta còn có nguồn nâng đỡ là ân sủng và Lời của Thiên Chúa, cùng với tình huynh đệ trong cộng đoàn. Đời sống của các tín hữu thời các tông đồ là một minh chứng thật rõ nét.
Giữa muôn muôn vàn khó khăn và thử thách, các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai luôn sống trong niềm vui: “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.” (CVTĐ 2, 46-47)
Vì đem tài sản trao cho các tông đồ và các ngài phân phát cho mỗi người tùy nhu cầu, nên các tín hữu không ai phải túng thiếu. (CVTĐ 2, 44-45) Nhờ vậy, mọi thành viên của cộng đoàn sống với nhau trong sự tôn trọng, cảm thông, yêu thương và tràn đầy niềm vui.
Khi chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, siêng năng cầu nguyện và tham dự lễ bẻ bánh, các Kitô hữu tiên khởi được Lời Chúa soi sáng, được Thánh Thể Chúa nâng đỡ, nên lòng họ được sưởi ấm bằng niềm vui, bình an và muôn vàn ơn huệ thiêng liêng.
Thánh Phêrô và Gioan bị bắt giam, bị đánh đòn và chịu nhiều xỉ nhục vì danh Chúa, khi được tha, các ngài lòng đầy hân hoan vì coi đó là dịp được thông phần đau khổ với Thầy. (TĐCV 5, 40-41) Gương sáng ấy là nguồn động viên cho các tín hữu thuộc mọi thời đại, để giữa đắng cay và thử thách, người Kitô hữu vẫn vui mừng và tin tưởng để loan báo Tin Mừng.
Cuộc sống của người tín hữu hôm nay không thiếu những khó khăn. Trong tông huấn Niềm Vui Tin mừng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói lên thực trạng ấy khi viết: “Nhiều khi niềm vui sống bị tắt ngầm, sự thiếu tôn trọng và bạo lực gia tăng, sự chênh lệch xã hội xem như tất yếu.” (số 52) Nhưng ngay từ những trang đầu của tông huấn, người đã kêu gọi: “Đừng trốn chạy trước sự phục sinh của Đức Giêsu! Đừng bao giờ thất vọng, dù cứ tái đi tái lại. Không có gì mạnh hơn khi cuộc sống đẩy chúng ta đến trước.” (số 3)
Chúa Giêsu phục sinh luôn hiện diện trong thế giới này, Người cũng đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường đời. Chúng ta cần nhận ra và đón Người vào căn nhà tâm hồn và gia đình mình. Từ kinh nghiệm của cộng đoàn Kitô hữu thời Giáo hội sơ khai, các Đức Giám Mục Việt Nam trong Thư chung gởi cộng đồng Dân Chúa đã đề nghị: “Xin anh chị em xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hiệp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và loan báo Tin Mừng.” (số 6)
Gia đình nhân loại và lòng mỗi người luôn có những vùng tăm tối và lạnh giá. Nếu chúng ta biét mời Chúa Giêsu phục sinh ở lại trong tâm hồn, thế giới và lòng mọi người sẽ được sưởi ấm bằng niềm vui, bình an, tình thương và sự hiệp nhất.