Vào đúng 10 giờ 00 (giờ Rôma) sáng thứ sáu ngày 08/4/2005, thánh lễ an táng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã được cử hành tại quảng trường thánh Phêrô, dưới sự chủ tọa của Đức Hồng Y Josef Ratzinger, niên trưởng Hồng Y Đoàn, cũng là tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý và Đức Tin. Trong lễ phục đỏ, màu dành cho lễ an táng Đức Giáo Hoàng, có 164 Hồng Y và hàng ngàn Giám Mục cùng đồng tế. Cùng tham dự thánh lễ có sự hiện diện của gần 200 vị nguyên thủ quốc gia và trên 3 triệu người từ khắp nơi trên thế giới.
Thánh lễ diễn ra trong bầu khí thật xúc động và đáng ghi nhớ. Đáng ghi nhớ vì cuộc đời của Đức Thánh Cha là một cuộc hành trình thật đẹp. Trên cuộc hành trình đó, ngài luôn đồng hành với mọi người như một người cha, người thầy và người bạn.
Đáng ghi nhớ vì cỗ quan tài bằng gỗ trắc bá của Đức Thánh Cha thật đơn sơ như quan tài của người nghèo. Theo lời trăn trối của ngài, trên quan tài không phủ hoa tươi, cũng không một vòng hoa phúng điếu. Quan tài được đặt sát mặt đất, trên một tấm thảm mỏng. Đức Thánh Cha muốn đồng hành với những người nghèo khó và bất hạnh như một người cha giàu lòng nhân ái.
Đáng ghi nhớ vì sau bài giảng của Đức Hồng Ratzinger, cả rừng người đã vỗ tay và hô to : “Santo, santo” nghĩa là : “Đấng thánh, Đấng thánh”. Họ giơ cao nhiều biểu ngữ ghi : “Santo subito” ngụ ý : hãy phong thánh cho ngài ngay lập tức ! Quả thực, ngài đã sống như một vị thánh, chết như một vị thánh. Ngài là một người Thầy đức tin cùng đồng hành với mọi người trên cuộc hành trình về thiên quốc.
Đáng ghi nhớ vì hình ảnh phái đoàn các tôn giáo và gần 200 phái đoàn chính phủ các quốc gia ngồi bên cạnh nhau trong sự thân thiện. Đến nỗi người bình luận buổi lễ đã phải kêu lên : “Đây là một lễ nghi Đại Kết lớn nhất trong lịch sử nhân loại … Đây cũng là một Liên Hiệp Quốc đúng nghĩa nhất với hàng trăm nguyên thủ quốc gia ngồi bên cạnh nhau mà không có sự tranh cãi”. Quả thật, Đức Thánh Cha đã đồng hành như một người bạn gần gũi với mọi người trên con đường hòa bình đầy tình yêu thương.
Ngài không còn nữa, nhưng ngài vẫn tiếp tục đồng hành với chúng ta trên cuộc hành trình đức tin, tình yêu và hy vọng.
Đức Kitô Phục sinh sau khi từ cõi chết sống lại, cũng đã hiện ra và đồng hành với hai môn đệ đang thất vọng và muốn trở về quê là làng Emmaus. Ngài đã cùng đi với các ông để khơi lên niềm tin đã lụi tàn, hâm nóng tình yêu đã nguội lạnh và mở ra chân trời hy vọng tươi sáng.
Emmaus, điểm đến của niềm tin.
Các môn đệ đã đánh mất niềm tin khi đối diện với một thực tại phũ phàng : Chúa Giêsu đã chết một cách thảm bại trên thập giá. Còn đâu nữa tinh thần phấn khởi và hăng say khi các ông được Chúa sai “từng hai người” đi loan báo Tin Mừng. Còn đâu nữa sự vui mừng khi các ông trở về trình cho Chúa những thành quả tông đồ lớn lao gặt hái được. Giờ đây, cũng là “hai người” đi bên nhau trong nỗi thất vọng và suy sụp niềm tin. Họ trở về làng quê sống đời bình thường. Tất cả như một giấc mơ đã trôi qua.
Ngay lúc ấy, Đức Kitô Phục sinh xuất hiện và đi bên cạnh họ. Có lẽ vì quá bất ngờ nên sự hiện diện của Chúa đã làm cho họ bị choáng ngợp. Với đôi mắt đức tin bị nỗi buồn sầu che phủ, họ đã không nhận ra Chúa. Chúa đã phải thốt lên : “Ôi kẻ khờ dại chậm tin !”.
Chúa bắt đầu vực dậy niềm tin của hai ông bằng cách giải thích Kinh Thánh cho các ông. Ngài dùng ánh sáng Lời Chúa chiếu rọi vào tâm trí u tối của họ. Niềm tin bắt đầu chiếu những tia sáng đầu tiên vào tâm hồn các ông.
Emmaus, điểm đến của tình yêu.
Niềm tin luôn đi đôi với tình yêu. Có niềm tin mới có tình yêu. Mất niềm tin, người ta cũng đánh mất tình yêu. Cuộc sống của các môn đệ luôn gắn bó với cuộc sống của Chúa Giêsu. Đến nỗi Thầy trò luôn kề cận bên nhau trong mọi giây phút của cuộc đời. Họ cùng đi với Chúa trên mọi nẻo đường, cùng ở bên Chúa trong từng giấc ngủ, cùng chia sẻ với Chúa từng bữa ăn, cùng san sẻ với Chúa từng miếng bánh, từng con cá, từng chén rượu. Còn đâu nữa những lúc Thầy trò quây quần bên bàn ăn. Còn đâu cử chỉ bẻ bánh thân thương của Thầy, còn đâu ly rượu nồng ấm Thầy âu yếm trao ban. Giờ đây, tất cả chỉ còn là những kỷ niệm đau buồn. Tình yêu đã vơi cạn trong tâm hồn các môn đệ.
Giữa lúc ấy, Đức Kitô Phục Sinh hiện đến và làm cho tình yêu đã lịm chết trong lòng họ vụt sống lại. Tình yêu lại cháy bỏng trong tim họ. Tình yêu làm cho khuôn mặt họ tươi sáng lên, trái tim rộn rã vui mừng, nhất là, đôi mắt mở ra để nhìn rõ sự vật và con người.
Tình yêu họ hồi sinh khi cùng với Chúa ngồi bên bàn ăn. Chúa cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Thật kỳ diệu, cử chỉ thân thương ấy như chiếc chìa khóa mở tung cánh cửa tâm hồn họ. Cử chỉ âu yếm ấy chỉ có ở Thầy Chí Thánh. Mắt các ông mở ra và nhận ra Ngài. Nhưng ngay lúc ấy, Chúa lại biến đi. Chúa biến mất để đưa các ông vào một cuộc hành trình mới. Chúa biến mất để các ông tự bắt đầu lại con đường hy vọng đã đánh mất.
Emmaus, điểm đến của niềm hy vọng.
Sau khi Đức Kitô Phục Sinh biến mất, hai môn đệ lập tức trở về Giêrusalem, gặp các Tông Đồ và thuật lại những điều kỳ diệu đã nhìn thấy. Cuộc trở lại là khởi điểm cho cuộc hành trình mới : cuộc hành trình của niềm hy vọng.
Lúc ra đi từ Giêrusalem, dù trời còn sáng, tâm hồn hai môn đệ bị bủa vây bởi một màn đêm u tối, lúc trở lại Giêrusalem, dù giữa đêm khuya, tâm hồn các ông rực sáng niềm hy vọng.
Với một niềm tin mới, một tình yêu mới, một niềm hy vọng mới, các ông lại tiếp tục con đường loan báo Tin Mừng. Dù có phải hy sinh đến đâu, các ông vẫn rao giảng một Đức Kitô đã chịu chết và đã sống lại (Bài đọc I, trích sách Tông Đồ Công Vụ và bài đọc II, trích thư 1 Phêrô).
Sở dĩ các môn đệ có được niềm hăng say như thế vì các ngài luôn tin tưởng rằng : Chúa Kitô Phục Sinh vẫn tiếp tục đồng hành với họ như một người cha, người thầy, người bạn trên mọi nẻo đường các ngài đi.
Cuộc đồng hành trên đường Emmaus giữa Chúa Phục Sinh và hai môn đệ như “thánh lễ đầu tiên” sau biến cố sống lại. Thánh lễ ấy mang dấu ấn của cuộc hội ngộ đức tin, có bàn tiệc Lời Chúa, bàn tiệc Thánh Thể và cuộc lên đường đầy hy vọng.
Đường đời chúng ta đi cũng giống như con đường Emmaus. Trong những lúc chúng ta bước đi hụt hẫng trong niềm tin, chúng ta hãy nhìn quanh mình để khám phá thấy Chúa Phục Sinh đang đồng hành với chúng ta. Hãy mở to đôi mắt đức tin và đôi tai nhạy bén để nhận ra Chúa và lắng nghe lời Ngài.
Mỗi ngày sống là một chặng đường ta đi tới. Mỗi ngày sống là cuộc gặp gỡ của niềm tin. Mỗi ngày sống là một “thánh lễ” ta cử hành. Trong mọi lúc, mọi nơi, Chúa Kitô Phục Sinh vẫn luôn đồng hành với chúng ta.
Sau thánh lễ an táng, quan tài của Đức Thánh Cha được rước vào đền thờ thánh Phêrô và mai táng trong hầm mộ Đức Giáo Hoàng, bên cạnh mồ thánh Phêrô. Báo Tuổi Trẻ đã trích lại lời bình luận của đài BBC : “Đức Giáo Hoàng đã từng chu du một đoạn đường dài gấp 30 lần chu vi trái đất, nhưng chuyến đi cuối cùng của ngài lại ngắn nhất”.
Mặc dù chuyến đi cuối cùng của ngài thật ngắn, nhưng ngài vẫn tiếp tục đồng hành với hàng triệu người đang có mặt tiễn đưa ngài, và đồng hành với hàng tỉ người trên thế giới đang khóc thương ngài. Vì thế, trong bài giảng lễ an táng, Đức Hồng Y Ratzinger đã nói : “Vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh, tại quảng trường, nơi khung cửa sổ thư phòng, Đức Giáo Hoàng đã ban phép lành lần cuối cho thành Rôma và toàn thể thế giới, thì ngay lúc này, ngài cũng đang đứng bên cửa sổ trên thiên quốc, bên cạnh Thiên Chúa, và đang chúc lành cho chúng ta”.
Chúa Kitô cũng luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường cuộc sống và tiếp tục chúc lành cho chúng ta trên cuộc hành trình tiến về thiên quốc.