Chúa nhật III Phục Sinh
LỜI CHÚA, THÁNH THỂ VÀ CUỘC GẶP GỠ
Lm. Vinh sơn Trần Minh Hòa
Trong cuộc sống thường ngày, có những cuộc gặp nhau nhưng không đem lại niềm vui gặp gỡ, trái lại nhiều khi gợi thêm những xung khắc, đố kị. Cuộc gặp gỡ những tâm hồn ghét ghen thường mang lại hoa trái hận thù. Cuộc gặp gỡ của những người hay soi mói người khác để lại trong tâm hồn nhau nỗi buồn khó diễn tả. Cuộc gặp gỡ với những người xa lạ có thể mang lại cho ta những ngạc nhiên hạnh phúc hay những chán trường thất vọng. Ngược lại, có những cuộc gặp gỡ đưa đến niềm vui khôn tả. Cuộc gặp gỡ của những người thân trong gia đình, lâu ngày xa cách, thường đem lại niềm vui đoàn tụ. Cuộc gặp gỡ của những người đồng hương đồng khói, khơi lên những ký ức đẹp của một thời đã qua. Cuộc gặp gỡ của những người mến thương nhau mang lại hạnh phúc ngập tràn.
Như thế, cuộc gặp gỡ tự bản chất không xấu và cũng không tốt. Điều quan trọng là thái độ và tâm tình của những người gặp nhau. Nếu thật sự người ta không chuẩn bị gặp nhau hoặc không muốn gặp nhau thì cuộc gặp gỡ trở nên dư thừa. Nhưng nếu người ta khao khát và muốn gặp nhau thì cuộc gặp gỡ trở nên thật ý nghĩa. Vì thế, để thật sự có cuộc gặp gỡ mang lại hoa trái đích thực, người ta phải cần chuẩn bị tinh thần và phương thế gặp gỡ.
Bài Tin mừng hôm nay đã trình thuật một cuộc gặp gỡ giữa hai môn đệ làng Emmaus và Chúa Giêsu. Khi sống trong tâm trạng thất vọng, mất niềm tin vào Chúa, hai muôn đệ nhìn người khách bộ hành với thái độ thờ ơ và xa lạ. Câu thơ của Nguyễn Du thật hợp trong trường hợp này. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Đáng lẽ, khi có một người cùng đồng hành trên đường, hai môn đệ làng Emmaus phải vui mừng, nhưng hai ông lại buồn rầu. Người khách lạ gợi chuyện, hai môn đệ lại chê trách và coi người khách bộ hành như là người từ xa mới đến Giêrusalem. Chính khi lòng người thất vọng ngập tràn, Chúa Giêsu lại nối nhịp cầu gặp gỡ. Nhịp cầu đó là hai phương thế hữu hiệu.
Trước hết là nhịp cầu Lời Chúa. Chúa Giêsu không minh nhiên tuyên bố Người là Chúa Giêsu phục sinh nhưng Người giải thích Kinh Thánh cho hai môn đệ. Nền tảng Kinh Thánh giúp hai môn từ từ nhận ra chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu chịu khổ hình thập giá không phải là một tai nạn nhưng là kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa toàn năng, hầu cứu độ con người cách nhiệm mầu. Vì thế, Chúa Giêsu đã giải thích Kinh Thánh cho hai môn đệ bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ. Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh (x. Lc 24, 27). Qua tất cả các lời ở trong Thánh Kinh, Thiên Chúa chỉ nói có một Lời là Ngôi Lời duy nhất, trong Người, Thiên Chúa nói hết về mình cho nhân loại (x. Dt 1,1-3).
Cuối cùng bằng nhịp cầu cử hành Thánh Thể, Chúa Giêsu đã giúp hai môn đệ nhận ra Chúa phục sinh (x. Lc 24, 30). Có lẽ, cũng giọng nói năm nào, cũng cách cử hành bẻ bánh thân thương mà hai môn đệ đã từng chứng kiến và một lần nữa, người khách bộ hành đã cử hành như thế trước mặt hai môn đệ nên hai ông đã xác quyết người khách bộ hành đó chính là Chúa Giêsu phục sinh (x. Lc 24, 31).
Gặp gỡ được Chúa phục sinh, hai môn đệ không đứng chôn chân nơi làng quê Emmaus để buồn rầu khóc than một sự kiện đã qua, nhưng đứng dậy lên đường đến Giêsusalem để loan báo Tin Mừng Chúa phục sinh cho người khác (x. Lc 24,33). Cuộc gặp gỡ Chúa phục sinh luôn đưa lại sự biến đổi tận căn nơi lòng mỗi người và mời gọi họ dấn thân loan báo Tin mừng Chúa phục sinh. Thánh Phêrô sau khi gặp Chúa phục sinh cũng đã vượt qua sự sợ hãi người Do Thái (x. Ga 20,19) mà lớn tiếng loan báo Chúa phục sinh cho dân chúng (x. Cv 2, 14 -28).
Lời Chúa và Thánh Thể trở thành phương thế hữu hiệu, là nhịp cầu thuận lợi để các tín hữu hôm nay có thể gặp gỡ Chúa. Thật vậy, thánh Giêrônimô đã không ngần ngại xác quyết: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”. Vì thế, từ chối tiếp cận Thánh Kinh, người tín hữu có nguy cơ từ chối Chúa Kitô. Tuy nhiên, như xưa Chúa phục sinh đã nhắc lại Kinh Thánh và giải thích Kinh Thánh cho hai môn đệ làng Emmaus và dẫn đến cử hành lễ bẻ bánh thế nào thì hôm nay Lời Chúa cũng đưa dẫn các tín hữu đến cử hành Thánh Thể như vậy. Bởi lẽ, Lời Chúa là phương thế giúp các tín hữu biết Chúa Kitô, còn Thánh Thể là phương thế hữu hiệu giúp họ gặp gỡ, kết hợp với Chúa Kitô phục sinh ngang qua dấu chỉ bí tích Thánh Thể.
Mỗi lần cử hành Thánh Lễ, Hội Thánh giúp các tín hữu có cơ hội lãnh nhận bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Từ hai bàn tiệc nuôi dưỡng phần linh hồn này, đời sống đức tin của các tín hữu ngày càng tăng trưởng. Cùng với đời sống đức tin tăng trưởng, Hội thánh mời gọi các tín hữu loan báo Tin mừng Chúa phục sinh bằng lời nói và đời sống chứng ta. Để ghi nhớ điều này, trước khi kết thúc mỗi thánh lễ, Hội thánh mời gọi các tín hữu lên đường loan báo tin mừng Chúa phục sinh trong bình an: lễ xong chúc anh chị em đi bình an.
Ước mong, kinh nghiệm gặp gỡ Chúa phục sinh của hai môn đệ làng Emmaus trong Tin mừng hôm nay cũng trở thành đời sống thực sự của mỗi tín hữu hôm nay: chuyên chăm tham dự Thánh Lễ để kín múc hồng ân vô giá và sức mạnh thiêng liêng được tuôn trào từ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô và hăng say loan báo Chúa phục sinh bằng một đời sống chứng tá nơi môi trường mỗi người đang sống.