Chúa Nhật III Phục Sinh
HAI MÔN ĐỆ LÀNG EMMAU
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
“Một làng kia cách Giêrusalem sáu mươi dặm, tên là Emnmau”: địa điểm này hãy còn được tranh luận. Người ta nghĩ đó là Amwas, cách Giêrusalem độ 30km về hướng Tây. “60 dặm” là cách đọc thông thường được chấp nhận (tương ứng với 12 km); nhưng nhiều chứng từ đáng tin cậy (như bản Sinaiticus, 5 trong các thủ sao khá nhất của bản Phổ thông và 3 thủ sao của bản syri-palestin) lại đọc 160, là điều phù hợp với địa danh Amwas.
“Ông là cư dân duy nhất ở Giêrusalem”: Cách dịch này không đúng mấy vì làm ta tưởng các môn đồ xem Chúa Giêsu như là người thường trú tại Giêrusalem. Nhưng động từ Hy lạp được dùng ở đây, paroikéô, chắc hẳn có nghĩa thông thường như trong bản 70: “cư ngụ với tư cách ngoại kiều, lưu trú như người ngoại quốc”. Các môn đồ coi Chúa Giêsu như khách hành hương đến Giêrusalem dịp Lễ Vượt Qua.
“Một ngôn sứ quyền năng trong việc làm”: Các môn đồ cho tới bày giờ vẫn còn xem Chúa Giêsu như một ngôn sứ thôi.
“Nhưng với ngần ấy cơ sự, nay đã là ngày thứ ba rồi kể từ khi các việc ấy diễn ra”: Các môn đồ đã thất vọng vì Chúa Giêsu bị nhà cầm quyền Israel tuyên án tử hình thập giá. Họ cũng thất vọng vì đã ba ngày sau vụ đóng đinh rồi mà Thiên Chúa chẳng hề can thiệp gì để cứu giúp vị ngôn sứ cả.
“Khởi từ Môisen và rảo qua hết thảm các ngôn sứ“: Môisen, nghĩa là Lề luật, với các Ngôn sứ tạo thành chất liệu chủ yếu của Thánh Kinh (16, 16. 29- 31; 24, 44; Cv 24, 14; 28, 2) người ta đọc sánh các vị trong phụng tự ở Hội đường (Cv 13, 15).
“Người cầm lấy bánh, chúc tụng, đoạn bẻ ra trao cho họ”: Không chắc là bấy giờ Chúa Giêsu tái diễn bữa Tiệc ly. Nhưng Luca dùng ở đây một ngữ vựng có tính cách Thánh Thể (x 22, 19 và 9, 16) để cho độc giả cảm thấy rằng việc “bẻ bánh” (Cv 2, 42.46; 20,7.11) làm họ gặp gỡ Đấng Phục Sinh, như trường hợp các môn đồ Emmau.
“Người đã hiện ra cho Simon”: Biến cố này được đề cập tới trong bản liệt kê cổ xưa của 1 Cr 15, 5, cũng như đã được loan báo ở 22, 31- 32, nơi người ta cũng gặp tên Simon.
“Lúc bẻ bánh”: tiếng Hy lạp cho phép ta hiểu: lúc bẻ bánh hoặc nhờ việc bẻ bánh.
KẾT LUẬN
Sự hiện diện của Đấng Phục sinh thâm nhập vào tâm thức tôn giáo, vào trong đời sống đức tin, nhờ Thánh Kinh được giải thích theo ý nghĩa sứ điệp Vượt Qua, nhờ bữa ăn Thánh Thể nung đốt tâm hồn và giúp tâm hồn nhận ra Chúa.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1) Tâm trạng của các môn đồ Emmau mấy ngày sau cái chết của Chúa Giêsu không phải là đặc biệt lắm. Lúc ấy cũng như bấy giờ, có nhiều người đã đặt niềm hy vọng vào Chúa hay vào Giáo Hội và họ đã thất vọng vì diễn tiến các biến cố. Họ nghĩ Chúa Kitô phải ban cho họ niềm trông cậy và bình an, Giáo Hội phải đem đến cho họ những điều vững chắc và nhiều gương mẫu thật đáng phục; thế nhưng chẳng có gì được thực hiện. Chúa không được mọi người thành tâm thiện chí nhận ra, và Giáo Hội chẳng tai tiếng thì cũng làm nhiều kẻ nản lòng… Dĩ nhiên, sự việc không bao giờ xảy ra như đã hứa và niềm hy vọng của chúng ta đôi khi như bị dối lừa.
2) Các môn đồ Emmau và những ai đã trông cậy vào Chúa Giêsu mà thất vọng, là vì niềm hy vọng của họ quá trần tục, dựa trên cái nhìn nhân loại về các biến cố. Để thắng nỗi ô nhục, cớ vấp phạm gây ra do sự thất bại của Chúa Giêsu, niềm hy vọng đó phải biến thành niềm hy vọng đốt thần, đặt cơ sở trên cái nhìn của Thiên Chúa về lịch sử. Vì thế, trong cuộc đàm thoại với hai môn đồ Emmau, Chúa Giêsu đã sửa đổi nhãn giới của các vị bằng cách giúp họ hiểu rằng cái chết của Người có ý nghĩa xét về quan điểm của Thiên Chúa. Quan điềm này được diễn tả trong Thánh Kinh. “Bắt đầu từ Môisen và hết thảy các ngôn sứ, Người dẫn giải cho họ các điều đã viết về Người trong toàn bộ Thánh Kinh”.
Chúng ta không rõ hai môn đồ nghe gì lúc ấy, chỉ biết vài ngày sau đó họ nói vắn tắt thế này: lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên khi Ngươi trò chuyện cùng ta trên đường đi đó sao? Có lẽ Chúa Giêsu đã nhắc lại cách vắn tắt và sống động toàn bộ lịch sử của tuyển dân, với bao biến cố thăng trầm, bao phen trung thành và bội phản của họ; nhắc lại những chuỗi can thiệp của Chúa mà, mỗi thế hệ, qua mọi mọi biến cố đau thương hay hạnh phúc, đã làm dấy lên nhiều ngôn sứ với nhiệm vụ khêu lại lòng trung thành nhạt phai, đã hứa ban Đấng cứu thế mà một ngày nào đó sẽ đến tai lập tất cả trong bình an và trật tự. Ta có thể nghĩ rằng người lữ khách vô danh này đã nhắc lại cho họ các thi ca về người Tôi tớ của Isaia và các Thánh vịnh, như Phêrô đã làm trong ngày lễ Ngũ tuần trước mặt người Do thái. Tắt một lời, khi gợi lại 12 thế kỷ lịch sử này, Người cho họ thấy “Đấng Messia phải chịu đau khổ đã rồi mới vào trong Vinh quang”.
Cuối cuộc chiêm niệm này, sau khi đã dấn bước đi theo, các bậc tiền tổ trong đức tin, tức là các ngôn sứ, hiền nhân, thi sĩ của Thiên Chúa toàn năng, hai môn đồ mới bắt đầu khám phá ra rằng có lẽ tất cả không đến nỗi phải thất vọng, rằng mọi sự có lẽ nằm trong trật tự, cho dù trật tự ấy khác với trật tự mà tự nhiên họ đã mong chờ. Đức tin vào Giêsu Nadarét của họ. Niềm tin của họ có lẽ đã thoát ra khỏi một thứ lý luận trần tục nào đó, thì lý luận đã giam hãm họ và đẩy họ đến chỗ thất vọng ê chề; nhưng dầu sao niềm tin ấy xem ra không phi lý nữa, mà còn có thể phù hợp với cái nhìn của Thiên Chúa về thế gian, cái nhìn đã được loan báo dần dần bởi các hiền nhân và các ngôn sứ trong suốt 1200 năm lịch sử.
3) Nhờ lại Thiên Chúa được khám phá trong Thánh Kinh, các môn đồ Emmau đã có một não trạng khác; họ đã mở rộng quan điểm, hay đúng hơn đã loại bỏ quan điểm của mình dể đi vào quan điểm của Thiên Chúa. Chỉ sau đấy họ mới nhận ra Chúa Giêsu. Muốn tin vào Chúa Kitô tử nạn, chiến bại và Phục sinh, thì phải chấp nhận ra khỏi cái kiểu lý luận thế nhân, để đặt mình trong kế hoạch của Thiên Chúa, kế hoạch mà mọi phương hướng luôn luôn làm lý trí nhỏ bé của con người choáng ngợp, và để Ngài hướng dẫn. Bấy giờ mọi sự sẽ trở nên đơn giản, sẽ biện thành niềm vui. Như thánh Phêrô đã nói khi kết thúc một đoạn trong thư của ngài mà chúng ta vừa nghe lúc nãy: nhờ Chúa Kitô, anh em tin vào Thiên Chúa. Đấng đã cho Người sống lại từ cõi chết và đã ban vinh quang cho Người, ngõ hầu anh em đặt cả lòng tin và niềm hy vọng của anh em nơi Thiên Chúa” (1Pr 1, 21).