Chúa Nhật III Phục Sinh
CUỘC SỐNG MỚI CỦA KẺ
TIN VÀO ĐỨC GIÊSU PHỤC SINH
Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Ngày xưa trên đường Emmau có hai môn đệ hoang mang đã tìm lại được đức tin và niềm vui cho cuộc sống. Phải chăng nhiều lúc chúng ta cũng hoang mang như thế. Hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng hai môn đệ ấy dấn bước trên con đường Emmau để cũng tìm gặp những điều tốt lành như hai môn đệ ấy.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
– Chúng ta nhiều lần được nghe Lời Chúa nhưng tâm hồn vẫn nguội lạnh thờ ơ chứ không bừng cháy lên như hai môn đệ Emmau.
– Chúng ta nhiều lần tham dự lễ bẻ bánh nhưng cặp mắt đức tin vẫn khép kín không nhận ra Đức Giêsu đang đồng hành với chúng ta.
– Chúng ta ít quan tâm tìm đến với Chúa qua việc đọc và cầu nguyện Thánh Kinh.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I : Cv 2,14.22-28
Đoạn thư này của Thánh Phêrô gồm 2 ý chính :
– Ông nhắc lại cho dân do thái nhớ những nét chính về cuộc đời Đức Giêsu : Ngài là người được Thiên Chúa sai đến với họ ; Ngài đã làm “nhiều phép mầu, dấu lạ và những việc phi thường để chính minh sứ mạng của Ngài” ; Ngài đã bị giết chết. Tất cả những điều này người do thái đều biết, nay chỉ cần nhắc lại là họ nhớ.
– Thiên Chúa đã làm cho Đức Giêsu sống lại. Điều này làm ứng nghiệm Tv 15 và chứng minh Đức Giêsu chính là Đấng Messia.
2. Đáp ca : Tv 15
Tác giả hát lên niềm vui vì đã dám đặt cuộc tất cả vào Chúa, và đã thắng cuộc. Chúng ta có thể dùng những lời Thánh vịnh này để biểu lộ niềm vui mừng và tin tưởng của chúng ta vì có Đức Giêsu phục sinh đang ở bên chúng ta.
3. Bài đọc II : 1 Pr 1,17-21
Đây là một lời kêu gọi hãy tin cậy vào Thiên Chúa và Đức Giêsu phục sinh :
– Việc Đức Giêsu chết và sống lại ấy đã giải thoát tín hữu khỏi lối sống phù phiếm xưa nay.
– Vậy từ nay tín hữu hãy đặt trọn niềm tin cậy phó thác vào Thiên Chúa và Đức Giêsu phục sinh.
4. Bài Tin Mừng : Lc 24,13-35
Câu chuyện này diễn ra qua nhiều giai đoạn :
– Tâm trạng hoang mang chán chường của hai môn đệ trên đường Emmau.
– Đức Giêsu phục sinh đã ban lại cho họ đức tin và niềm vui, bằng hai cách : giúp cho họ hiểu Lời Chúa, cử hành lễ Bẻ bánh. Đây chính là 2 phương tiện giúp mọi tín hữu được gặp Đức Giêsu phục sinh.
– Sau cảm nghiệm được gặp Đức Giêsu, hai ông trở về Giêrusalem và loan báo Tin Mừng ấy cho các môn đệ khác.
IV. GỢI Ý GIẢNG
1. Làm thế nào để có được cảm nghiệm của hai môn đệ Emmau
Mong sao độc giả Tin Mừng hiểu được rằng câu chuyện này nhắm đến họ. Đến lượt mình, họ tự hỏi làm sao thấy được Đấng phục sinh. Câu trả lời là : mắt trần hoàn toàn vô dụng. Sự hiện diện của Đấng phục sinh khác hẳn sự hiện diện của Đức Giêsu Nadarét. Đây là một sự hiện diện mới mẻ, chỉ tỏ hiện với con mắt đức tin được nuôi bằng kinh thánh và việc chia sẻ bữa ăn với Đức Giêsu.
Nếu muốn thấy và sống sự hiện diện của Đấng phục sinh, các tín hữu phải trang bị cho mình hai điều kiện ấy vì họ luôn sẵn có trong tay Thánh Kinh và Thánh Lễ. (M. Sevin, trích dịch bởi Fiches dominicales, trang 135)
2. Để khỏi rơi vào sự đơn điệu của đời thường
Lễ Phục sinh đã trôi qua 15 ngày. Chúng ta dễ buông mình rơi lại vào sự đơn điệu của đời thường, trở về với những lỗi phạm quen thuộc.
Nhưng đức tin không phải chỉ để dự lễ, mà là để sống cả đời. Đức tin là một ơn gọi phải theo suốt đời.
Bởi thế, trong bài đọc 2 hôm nay, thánh Phêrô đưa ra rất nhiều chỉ dẫn để chúng ta luôn sống niềm tin vào Đức Giêsu phục sinh :
– Đừng tự ru ngủ bằng ý tưởng mình đã là con cái Thiên Chúa : “Thiên Chúa không vị nễ ai, nhưng cứ theo công việc mà xét xử”. Phải biết “sợ” Cha mình, một nỗi sợ hiếu thảo và đầy tình yêu mến.
– Hãy luôn vui mừng vì mình là những con người tự do, tự do vì “được giải phóng khỏi lối sống phù phiếm do cha ông để lại”, để hướng tới sự thánh thiện. Nếu không hướng tới sự thánh thiện, chúng ta sẽ rơi lại nếp sống nô lệ cũ.
– Ý thức mình đã được cứu chuộc bằng giá máu của Đức Giêsu. Ngài đã yêu thương ta đến thế, lẽ nào ta đành phụ bạc Ngài.
3. Một cách hiện diện mới
Cách viết của Luca chứa đựng một ngụ ý thần học sâu sắc : Khi hai môn đệ đang đi trên đường, mặc dù Đức Giêsu đang ở bên cạnh họ nhưng họ không nhận ra “vì mắt họ còn bị ngăn cản” (câu 16). Đến khi Đức Giêsu bẻ bánh thì “mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Ngài” (câu 31). “Nhưng Ngài lại biến mất” (câu 31).
Ngụ ý thần học của cách viết này là : Đức Giêsu phục sinh vẫn hiện diện ngay bên cạnh ta, nhưng theo một cách mới. Chúng ta không thể nhận ra cách hiện diện mới ấy vì cặp mắt thể xác của ta như “bị ngăn cản” bởi một bức màn. Chỉ khi nào Ngài muốn và cho những ai Ngài muốn thì Ngài mới cất bức màn ấy đi và khi đó mắt chúng ta mới “mở ra” và thấy được Ngài.
Vì thế, một mặt chúng ta hãy vững tin rằng Đức Giêsu phục sinh lúc nào cũng ở sát bên cạnh chúng ta ; mặt khác hãy xử dụng những phương tiện mà Ngài đã để lại hầu có thể nhận ra Ngài, đó là Lời Chúa và Thánh lễ.