Năm 1939, nhà văn Ngô Tất Tố đã viết một tác phẩm rất nổi tiếng mang tựa đề “Tắt Đèn”. Tác phẩm ấy đã diễn tả những mảnh đời tăm tối dưới sự bóc lột áp bức của bọn cường hào ác bá. Nhân vật chính trong truyện là chị Dậu. Gia đình chị rất nghèo nhưng phải chịu cảnh sưu cao thuế nặng. Chị đành bán đứa con gái 7 tuổi và một ổ chó lấy 2 đồng bạc đóng thuế thân cho chồng. Chưa hết khổ, chị còn phải chạy vạy tiền nong để đóng thuế đinh cho cả người em chồng đã chết ! Để có tiền đóng thuế, chị đi ở vú cho gia đình 1 viên quan già. Ông quan già này toan hãm hại đời chị, chị đã cương quyết chống lại để bảo toàn một cuộc đời trong sạch …
Tác phẩm “Tắt Đèn” là một bức tranh ảm đạm, phản ánh một cuộc đời đã tắt hết niềm tin, niềm hy vọng và niềm vui. Không phải ngày xưa mới có cảnh “tắt đèn”. Ngày nay, cũng còn có những tâm hồn đang tắt lịm trong nỗi tuyệt vọng và sầu khổ. Chúa Kitô Phục Sinh đã thắp lên ánh sáng rạng ngời, xua tan bóng tối đang bủa vây tâm hồn mọi người.
Trong đêm vọng Phục Sinh hôm nay, chúng ta đã làm một việc có tính cách tượng trưng : tắt hết đèn trong nhà thờ để thắp lên ngọn nến Phục Sinh. Việc đó cho thấy Chúa Kitô là ánh sáng đã chiếu soi vào những tâm hồn u tối và làm bừng lên niềm tin, niềm hy vọng và niềm vui đã lụi tàn.
Ánh sáng niềm tin.
Khi Chúa Giêsu bị bắt và bị giết chết, tâm hồn các môn đệ rơi vào một trạng thái bi thảm : sợ hãi, buồn rầu, thất vọng. Không những thế, tâm hồn các ngài còn bị bao phủ bởi bóng tối của sự hoài nghi. Các ngài đánh mất niềm tin vào một tương lai tươi sáng. Còn đâu lời tuyên tín của Phêrô làm cho họ được phấn khởi. Còn đâu những lời Thầy giảng dạy, những phép lạ Thầy làm, những thành công Thầy trò gặt hái được trên bước đường loan báo Tin Mừng.
Niềm tin như tia sáng vừa bừng lên đã vụt tắt. Tất cả chỉ còn là nỗi thất vọng ê chề ! Tất cả đã chấm hết khi tảng đá được lăn vào che lấp cửa mồ của Chúa.
Giữa lúc ấy, Chúa sống lại vinh quang. Chúa phục sinh đã khiến cuộc đời các môn đệ thay đổi hoàn toàn !
Khi tảng đá che lấp cửa mồ của Chúa được lăn ra, tảng đá nghi nan che khuất tâm hồn các ngài cũng được mở tung. Ánh sáng niềm tin đã bừng lên trong lòng các ngài. Ánh sáng đó như rạng đông của một ngày mới đang ló dạng.
Ánh sáng niềm hy vọng.
Trước khi Chúa Giêsu chịu chết, các môn đệ luôn bám víu vào một tương lai đầy ảo tưởng. Niềm hy vọng của các ngài hết sức trần tục. Các ngài nuôi mãi niềm hy vọng sẽ được hưởng vinh quang trần thế cùng với Thầy mình.
Khi Chúa chết, các ngài vỡ mộng ! Các ngài rơi vào một tâm trạng đầy bi quan; tất cả mọi công khó giờ đây chỉ còn 2 bàn tay trắng. Các ngài co cụm lại với nhau trong một căn phòng đóng kín, tâm hồn bị “gặm nhấm” với nỗi buồn khôn tả !
Bỗng nhiên, các người phụ nữ chạy về báo tin : Chúa sống lại ! Niềm hy vọng lại bừng lên tươi sáng. Các ngài không mất tất cả, nhưng lại được tất cả. Niềm hy vọng của các ngài được lọc qua ánh sáng Phục Sinh để trở thành trong sáng và tinh ròng hơn. Niềm hy vọng ấy không còn hão huyền và phàm tục nữa. Ánh sáng Phục Sinh đã mở ra cho các ngài một chân trời mới, làm cho các ngài trưởng thành hơn. Từ nay, các ngài sống bằng niềm hy vọng sáng ngời và chân thực. Niềm hy vọng ấy không bao giờ tàn phai nữa.
Ánh sáng niềm vui.
Khi Chúa bị bắt và bị giết, một bầu trời tang tóc phủ trùm trên những người tin Chúa. Tâm hồn họ trở thành những nấm mồ đau thương. Các môn đệ không muốn bước ra khỏi cửa vì buồn sầu chán nản, nhưng cũng còn vì sợ người Do Thái. Chỉ có những người phụ nữ ra thăm mồ Chúa từ tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần. Họ ra mồ Chúa để khóc thương, để than van và vật vã. Những giọt nước mắt của phụ nữ nhỏ xuống theo từng bước chân u buồn nặng nề trên đường đi.
Nhưng đến nơi, họ thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ. Các bà được thiên thần báo tin : Chúa sống lại rồi ! Niềm vui chợt vỡ oà trong tâm hồn họ. Niềm vui như chắp cánh cho trái tim sầu khổ. Niềm vui nở hoa trong tang tóc ly biệt. Chúa Phục Sinh đã hiện ra trước mắt các bà và trao cho các bà sứ mạng đi loan báo tin mừng Phục Sinh cho các môn đệ.
Những giọt lệ đã biến thành nụ cười, niềm vui đã nâng bước chân hân hoan của các bà trên con đường sứ mạng. Niềm vui tràn ra từ cõi lòng họ, khiến họ vội vàng ra đi loan báo Tin Mừng.
Niềm vui nối tiếp niềm vui. Niềm vui lan tới tâm hồn các môn đệ để các ngài cũng lại lên đường loan báo tin vui cho người khác. Niềm vui như những tia sáng vẫn tiếp tục chiếu rọi khắp nơi cho đến tận cùng thế giới.
Ánh sáng cho đời.
Đêm nay, ánh sáng Phục Sinh đang bừng lên trong lòng chúng ta. Chúa sống lại để phục sinh tâm hồn mọi người. Có những tâm hồn đã chết nay sống lại. Ánh sáng phục sinh đã nâng dậy những mảnh đời đang chết dần chết mòn trong cô đơn và tuyệt vọng. Ánh sáng phục sinh cũng đang làm hồi sinh những tâm hồn héo úa và đau khổ. Tất cả là ơn Phục Sinh được Chúa đem đến cho chúng ta.
Đêm nay, Chúa cũng muốn chúng ta giữ mãi ngọn nến phục sinh được sáng mãi, để chúng ta cũng biết gieo vãi ánh sáng niềm tin, hy vọng và niềm vui đến cho mọi người. Có những người đang kéo lê cuộc “sống mòn” trong tăm tối của cuộc đời đói nghèo. Có những người đang bị giam hãm trong u mê thất học. Có những người đang tàn lụi trong bóng đêm của bệnh hoạn tật nguyền. Tất cả đang đợi chờ ánh sáng phục sinh.
Tác giả Trần Viết Sử viết một truyện ngắn mang tựa đề : “Lung Linh Ánh Nến”, trong đó, kể câu chuyện về người tử tù.
Người tử tù ấy chỉ còn 15 ngày nữa sẽ bị đem đi xử bắn. Anh ta nài nỉ người quản giáo mua giùm 10 cây nến. Anh ta dùng 10 cây nến đó để “luyện mắt” bằng cách ngồi nhìn chăm chú vào ngọn nến sáng nhiều giờ liền.
Sau khi anh ta bị xử bắn. Một vị bác sĩ đã kể cho người quản giáo biết : anh ta hiến đôi mắt của mình để lấy một khoản tiền cho người mẹ đang đau nặng. Anh ta muốn “luyện mắt” bằng những ngọn nến sáng, giữ cho mắt được tốt để trao cho bệnh viện mà anh ta hiến tặng.
Chúng ta không biết “luyện mắt” bằng những ngọn nến có làm cho mắt sáng hơn không. Nhưng có một điều chắc chắn: nếu chúng ta luôn nhìn vào Ngọn Nến Phục Sinh của Đức Kitô, tâm hồn chúng ta luôn sáng mãi niềm tin, niềm hy vọng và niềm vui.