Lời Chúa Chúa nhật XXX Thường niên C
Người biệt phái và người thu thuế
Giáo hoàng Học viện Pio X
CHÚ GIẢI
1. Trong phúc âm Lc, dụ ngôn người biêt phái và người thu thuế được tiếp đón sau dụ ngôn vị thẩm phán bạo ngược. Không có gì chứng minh hai dụ ngôn này được đưa ra trong cùng một hoàn cảnh. Có lẽ chúng được liên kết với nhau vì có cùng chủ đề tương tự. Mỗi dụ ngôn đều có phần nhập đề đặc biệt. Mạch văn ghi lại những giai thoại cuối cùng trong hành trình tiến về Giêrusalem. Lc giống Mt và Mc ở điểm này. Dụ ngôn xem ra được đưa ra tại Perée hoặc Giuđêa ít lâu trước khi CGS đi tới Giericô lần cuối cùng. Bản văn đã giúp xác quyết các dữ kiện đó. Dụ ngôn chạm trán, không chút vị nể, sự công chính giả hiệu của người biệt phái. CGS đã không đợi đến ngày cuối cùng mới làm việc đó, nhưng đúng hơn ngay khi bắt đầu cuộc sống công khai, tuy nhiên Ngài tránh dịp đả kích.
2. Nhiều nhà chú giải nghĩ rằng CGS muốn dùng dụ ngôn này để dạy về sự cầu nguyện, hoặc bề sự khiêm tốn, hoặc về sự cầu nguyện khiêm tốn, đó là những điểm nhấn mạnh trong những lời chú giải. Họ xây dựng ý kiến đó trên sự kiện dụ ngôn được bao gồm trong một cơ cấu về việc cầu nguyện, theo sau vị thẩm phán bạo ngược và nhất là dựa trên những nét chính dụ ngôn: dụ ngôn không được xây dựng do những lời cầu nguyện của người biệt phái và người thu thuế sao ? Cách chung, các tác giả này xem câu châm ngôn: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” như là câu kết thúc trình thuật dụ ngôn.
Đa số các nhà chú giải cho rằng CGS có lý khác. Khi mô tả người biệt phái cầu nguyện. Ngài không muốn dạy về sự cầu nguyện cho bằng phơi trần hai đời sống nội tâm. Phải chăng lúc cầu nguyện là lúc người ta được coi là chân thành hơn hết đó sao ? Vậy dụ ngôn có mục đích dạy về các giá trị của hai trạng thái tâm hồn, hai thái độ nội tâm, hai mặc cảm tinh thần: mặc cảm của người biệt phái tự mãn về chính mình, về sự thánh thiện của mình và mặc cảm của người thu thuế, tuy là tội nhân, nhưng biết tin tưởng vào lòng thương xót của TC.
Tất cả đều làm nổi bật quan niệm đó: thể văn dụ ngôn đưa ra hai khuôn mặt đối nghịch, chỉ mình CGS mới xét đoán ai công chính, ai không. Câu nhập đề cũng nghiêng theo quan điểm đó: “CGS nói dụ ngôn sau đây với những ai thường tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác”. Dụ ngôn dạy những người tự phụ, bằng cách cho họ thấy rõ ràng tính tự kiêu và vẻ hợm hĩnh họ bày tỏ trước mặt TC, trong khi những người bị họ khinh chê, nhờ ăn năn hoán cải, đã được ơn tha thứ và ơn công chính hóa.
3. Thông thường, các dụ ngôn trình bày những sự vật hay con người để dùng bản chất hay việc làm của họ để dạy về các thực thể thuộc bình diện cao hơn. Ngược lại, dụ ngôn hôm nay chỉ là một ví dụ.
CGS đã vắn tắt phác họa hai khuôn mặt nổi tiếng. Không nên có tiên kiến khi phân tích hai khuôn mặt đó. Từ nhiều thế kỷ, người biệt phái đã thành một loại chiên hy sinh (bouc émissaire); một số nhà chú giải còn muốn tô đậm hơn các nét mà CGS đã sơ họa. Chớ làm thế. Một khuôn mặt luôn ngụ một ý nào đó; nếu quá nhấn mạnh nó sẽ thành hài hước và cuối cùng không gây được một cảm tưởng nào.
Ví dụ, khi người biệt phái cảm tạ Chúa vì mình không như những kẻ khác, thật là ép nghĩa khi xem người biệt phái đó muốn đối chiếu bản thân ông là người công chính; bên kia là tất cả mọi người khác, họ đều là người hư hỏng. Nhiều nhà chú giải nghĩ phải hiểu ngầm có thêm câu “như những người khác không phải là biệt phái”: cách nói này có thể chấp nhận. Ngoài ra, người biệt phái không xem tất cả các người khác không phải là biệt phái đều là những quái vật. Đừng hiểu cách vô hạn định thành ngữ hoi loipoi tôn ânthrôpôn. Nếu dịch thành ngữ này là “các người còn lại” thì quá mạnh nghĩa; có lẽ nên dịch là “các người khác”, hay “quần chúng nói chung”. Hoặc nếu muốn hiểu thành ngữ đó theo nghĩa mạnh thì phải xem người biệt phái đã cố ý khoa trương như tác giả Tv (Tv 14,2-3). Việc đối chiếu người đạo đức với các kẻ gian ác là một chủ đề thường gặp trong các Tv (Tv 1,14; 16,17…). Việc người biệt phái có khuynh hướng gán ghép điều ác cho kẻ khác và điều thiện cho bản thân mình là một việc có thể có. Ông sai lầm ở chỗ là tạo nên ảo tưởng đó ngay trước mặt TC. Ông hơi hợm hĩnh, buồn cười, nhưng sự kiêu ngạo của ông không lạ lùng gì, vì thường ai cũng thế.
Và vì hình ảnh người biệt phái có vẻ có như trong thực tế, và vì lời ông cầu nguyện xem ra chính đáng, nên dụ ngôn đã làm cử tọa kinh ngạc và khó hiểu. Sách Tamud ghi lại một lời nguyện ở thế kỷ I khá tương tự với lời nguyện của người biệt phái: “Lạy Chúa là TC của con, con cảm tạ Chúa vì đã cho con nhập bọn với các người đầu đường xó chợ, con đã lên đường sớm như họ: nhưng con sớm đi theo Lời của Lề luật còn họ sớm theo phù vân giả dối. Con từng vất vả như họ: con chịu vất vả để trọng thưởng, còn họ chịu vất vả mà chẳng gì. Con chạy họ cũng chạy: con chạy về sự sống của thế giới mai sau, còn họ chạy về hố thẳm diệt vong (b Ber 28b).
Lời nguyện của người Biệt phái do đó là một lời nguyện rút từ cuộc sống cụ thể, và b Ber 28b là lời chú giải chính xác về thành ngữ “con cảm tạ Chúa” của câu 11. Người biệt phái chân thành cảm tạ Chúa đã hướng dẫn đời sống ông. Ông biết rằng chính TC đã cho ông sống khác biệt và tốt hơn người khác, rằng chính Ngài đã cho ông gia nhập nhóm những người biết nghiêm túc tuân giữ các bổn phận tôn giáo. Ông không muốn hoán đổi cuộc sống ông với suộc sống của kẻ khác dù họ có một đời tốt đẹp hơn, vì ông hứa rằng: đường ông đang đi, dù gặp bao khó khăn gian khổ, cuối cùng cũng sẽ đưa đến “sự sống của thế giới mai sau”. Đó chẳng phải là những lý do để cảm tạ hay sao (c.12 cũng là lời cảm tạ). Hãy lưu ý thêm điều này: lời nguyện của người biệt phái không chứa đựng một lời van xin gì cả, mà chỉ là một lời cảm tạ, tri ân. Thật là điều tuyệt hảo, không ai mà lại không ao ước như thế. Đó chính là tiền nếm sự sống vĩnh cửu. Cầu nguyện như thế, có gì cần phải sửa đổi ?
4. Chúng ta cũng phải khảo sát lời cầu nguyện của người thu thuế với cái nhìn của người đương thời. Bản văn nói là ông ta không dám nhìn lên và hơn nữa – đây là điều hiểu ngầm – không dám đưa tay lên trời như ông vẫn thường làm khi cần nguyện. Ông cúi đầu và đấm ngực: đây là một cử chỉ hoàn toàn lạ thường biểu lộ một nỗi thất vọng sâu xa. Ông ăn năn đấm ngực, không để ý gì đến nơi đang đứng; ông đau khổ vì thấy mình quá xa TC; hoàn cảnh của ông cũng như gia đình của ông, thật vô vọng, bởi vì để ăn năn hối cải, không phải chỉ từ bỏ đời sống tội lỗi, nghĩa là từ bỏ nghề nghiệp của ông, nhưng còn phải hoàn trả và bồi thường thêm một phần năm những số tiền mà ông đã tham nhũng. Làm sao biết ông đã biển thủ ai ! hoàn cảnh của ông, cũng như lời cầu nguyện của ông, thật là vô vọng.
Chính lúc đó, câu 14a kết luận: “Ta bảo các ngươi, người này ra về khỏi tội, còn người kia thì không ! TC đã tha thứ cho người này mà không tha thứ những kia. Đó chính là câu kết luận khiến thính giả CGS bỡ ngỡ; chắc chắn không ai trong họ ngờ điều đó. Vậy người biệt phái đã có thể làm gì ? Và người thu thuế sẽ phải sửa đổi làm sao ? Nếu bỏ câu 14b (có lẽ là câu kết luận tổng quát Lc thêm vào), CGS không thèm đưa ra một giải pháp nào. Ngài chỉ nói cách đơn giản: đó là cách TC xét xử. Nhưng một cách gián tiếp, Ngài cho thấy lý do tại sao TC xem ra bất công. Trong tiếng kêu đầy thất vọng, người thu thuế đọc lại những câu đầu của Tv 51 (Miserere) và chỉ thêm: “thương xót tôi là kẻ có tội” (một nghĩa đối nghịch): “Lạy Chúa, xin thương xót tôi dù tôi là kẻ tội lỗi” (c.13). Nhưng trong chính Tv 51 này cũng có nói: “Của lễ TC ưa chuộng chính là tâm hồn tan nát khiêm cung” (Tv 51,19). CGS nói TC xử sự như Tv đã viết. Ngài nhận lời những tội lỗi thất vọng và từ chối người chỉ để ý đến sự “công chính” của riêng mình. Ngài là TC của những người thất vọng và lòng thương xót của Ngài vô biên đối với những ai có tâm hồn tan nát. TC thế đó ! và bây giờ, bắt chước Ngài, tôi cũng hành động như vậy.
KẾT LUẬN
CGS đánh đổ niềm tự tin của những kẻ tự xưng là “đạo đức”. Họ tự công chính hóa bản thân mình, trong khi đúng ra phải để Chúa công chính bản thân họ, vì chỉ Ngài có thể làm công việc đó.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Qua dụ ngôn này, Chúa đề nghị chúng ta chọn giữa hai thái độ tinh thần, hai cách thức nhận ra tương quan chúng ta với Ngài.
Thái độ của người biệt phái chứng tỏ ông có ý thức về các cố gắng đã chu toàn, các tiến bộ bản thân ông đã thực hiện, khoảng cách giữa tình trạng hiện thời lành thánh và tình trạng khả thể tội lỗi của mình. Ông rất quan tâm đến điều đó và đặt tin tưởng vào những thành tích tinh thần của mình (ăn chay, dâng 1/10 …) Ông có một cái gì đó để làm chứng trước tòa TC; ông còn thấy mình “chắc ăn” hơn khi sánh mình với những người có thành tích thua mình.
Người thu thuế đo lường khoảng cách giữa tình trạng hiện thời tội lỗi và tình trạng phải trở nên lành thánh của mình; khoảng cách này đối với ông không có gì là rõ ràng cả. Tuy nhiên ông không trì trệ đối với điều đó. Ông kêu van lòng thương xót, ông không tìm cách được công chính hóa bằng một thành tích tốt lành… Xin Chúa hãy hành động.
Người thứ nhất nhìn sau lưng ông và tự mãn bằng sự quảng đại và hiệu quả của những cố gắng riêng mình. Người thứ hai nhìn trước mặt mình và xin TC giúp. Người thứ nhất nhìn chính mình, người thứ hai nhìn TC – và đó là điều cứu vớt ông.
2. TC chúc phúc cho lòng khiêm cung tín thác. Lòng khiêm cung cốt ở chỗ phơi bày tâm tư trước mặt TC. Nó được tạo nên do sự sáng suốt và sự tín thác. Sự sáng suốt soi sáng tâm trí về trạng thức của lương tâm. Nó khám phá ra những bất hạnh lớn lao và xem ra bị vây hãm trong sự thất vọng, chán chường. Thế nhưng sự tín thác đến để nâng đỡ tâm hồn. Khám phá ra sự bất hạnh của mình dưới cái nhìn của TC để biết rằng TC là tình yêu, chính là kêu xin sự tha thứ và lòng xót thương một cách rất bảo đảm. Nếu thành thực, nghĩa là quyết tâm thực hành việc ra khỏi bất hạnh của mình, ta sẽ được tha thứ.
Ngược lại, sự tự túc tự mãn làm mếch lòng TC khi đem ra khoe khoang trước mặt Ngài hoặc người bên cạnh. Ai trong chúng ta lại không bị cám dỗ tự “công chính hóa” trước người bên cạnh, trước mặt những người khác ? Có thực sự chấp nhận đường lối khiêm như làm hài lòng TC ? Chúng ta rất dễ bị cám dỗ nâng mình lên. Thử xem chúng ta phản ứng thế nào khi bị người khác đánh giá quá thấp. Cũng như lòng khiêm như tín thác làm hài lòng TC, sự nhún nhường thành thật khiến chúng ta làm vừa lòng người khác. Trong cả hai trường hợp, tâm hồn cảm thấy dễ dàng đón nhận, trao đổi, vui mừng.
3. Đừng kiêu ngạo hoặc tự đắc về việc đạo đức của chúng ta. Khi tham dự thánh lễ, chúng ta chỉ chu toàn bổn phận tối thiểu của người Kitô hữu. Chúng ta đừng bằng lòng về một sự hiện diện duy hình thức, không hiến dâng thân mình làm hòa với lời nguyện tôn thờ, van xin của phụng vụ, nhưng hãy làm hòa lẫn mọi ý hướng và thái độ nội tâm với mọi nghi lễ, kinh nguyện phụng vụ. Đừng bắt chước kiểu công chính biệt phái: đứng trên cao nhìn xuống phê phán người ta, dù họ có mặt hay vắng mặt. Chỉ mình TC mới thấu triệt các lý do họ hành động, các tâm ý cũng như các khó khăn họ gặp phải. Chúng ta đừng xuất hiện trước mặt TC như những quan tòa phê phán tha nhân, nhưng như những người thờ lạy thống hối, khiêm cung.