Lời Chúa Chúa nhật XXX Thường niên C
Cầu nguyện khiêm nhường: Khởi điểm của cuộc sống mới
Lm. Jos. TVH
Ở Pa-lét-tin, người ngoan đạo giữ ba giờ cầu nguyện mỗi ngày, lúc chín giờ sáng, mười hai giờ trưa và ba giờ chiều. Lời cầu nguyện được kể là linh nghiệm đặc biệt nếu cầu nguyện trong Đền Thờ, và vì thế vào những giờ đó nhiều người đến Đền Thờ để cầu nguyện. Chúa Giê-su nói về hai người lên Đền Thờ để cầu nguyện.
- 1. Có một đạo sĩ Do-thái, ông lên Đền Thờ cầu nguyện.
Ông đứng giữa Đền Thờ nói với Thiên Chúa, nhưng thực ra không phải là lời cầu nguyện thật. Ông bắt đầu bằng “tôi tạ ơn Chúa”, nhưng thực ra ông không nói với Chúa mà là nói với chính mình. Lời cầu nguyện đích thực bao giờ cũng phải được dâng lên cho Chúa và chỉ một mình Chúa mà thôi. Ông đang trình bày chính mình như một bằng chứng trước mặt Thiên Chúa. Ông vui mừng vì so sánh với kẻ khác thì ông thuộc một giai cấp riêng, mọi người khác đều “tham lam, bất chính, ngoại tình và điển hình cho bọn tội nhân ấy là bọn thâu thuế khốn nạn. Thay vì nhìn vào Thiên Chúa, ông đã nhìn vào người thâu thuế, ông đã khoe rằng chẳng những đã giữ mình thoát khỏi tội lỗi của kẻ khác, lại còn làm nhiều việc lành hơn. Luật Do-thái chỉ buộc ăn chay một ngày trong năm, đó là ngày lễ chuộc tội, những kẻ muốn lập công đặc biệt cũng kiêng ăn các ngày thứ hai và thứ năm nữa. Luôn nhớ đó là ngày phiên chợ và Giê-ru-sa-lem đầy dẫy dân từ các làng đổ về. Những kẻ ăn chay làm cho sắc mặt mình tái đi, bước đi trong bộ áo nhàu nát, những ngày đó tuyên truyền mạnh mẽ cho cái vẻ đạo đức vì có nhiều người ngắm nhìn họ. Luật buộc dâng một phần mười lợi tức cho các thầy lê-vi, vị đạo sĩ này dâng một phần mười tất cả các thứ, kể cả các thứ không buộc phải dâng. Nói khác đi, ông tỏ ra tốt hơn điều Thiên Chúa đòi hỏi, ông làm như Thiên Chúa cần biết ơn ông, tất cả thái độ trên tiêu biểu cho một điều tệ hại nhất của chủ thuyết Pharisi. Có một bài cầu nguyện của một ra-bi còn được ghi lại như sau : “Lạy Đức Chúa Gia-vê, tôi cảm tạ Ngài vì đã đặt tôi dự phần với những viện sĩ trong Hàn lâm viện chứ không phải ngồi chung với những kẻ đầu đường xó chợ. Vì tôi dậy sớm thì chúng cũng dậy sớm, tôi dậy sớm để học luật pháp Chúa, chúng dậy sớm vì những sự hư không. Tôi làm việc chúng cũng làm việc ; tôi làm việc vì lãnh phần thưởng, còn chúng làm việc và không được lãnh phần thưởng. Tôi chạy và chúng cũng chạy, tôi chạy tới sự sống đời sau, còn chúng chạy tới hố diệt vong.” Ra-bi Ben Jocai được ghi nhận là đã có lần nói : “Nếu chỉ có hai người công chính trên thế gian thì đó là tôi và con trai tôi ; nếu chỉ có một người thì đó là tôi.” Người biệt phái này thực ra không lên Đền thờ để cầu nguyện, ông ta đến để nói cho Thiên Chúa biết ông ta tốt như thế nào. Một con người như thế đâu có hiểu biết gì về sự thánh thiện của Thiên Chúa, về tinh túy của luật Chúa là tình yêu !
- 2. Có người thâu thuế.
Người này cung kính đứng cách xa con người có vẻ thánh thiện, vì công đức của người ấy được mọi người nhận biết, cảm phục. Cũng không dám ngước nhìn lên trời, đấm ngực tỏ dấu ăn năn miệng kêu khấn : “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội.” Những chữ dùng ở đây không những chỉ tội nhân mà còn là tội nhân rất khốn nạn nữa. Và Chúa Giê-su cho biết chính lời cầu nguyện khiêm tốn và tấm lòng tan nát này khiến Thiên Chúa đoái thương anh ta.
– Người kiêu ngạo không thể cầu nguyện. Cửa lên trời rất thấp nên chỉ những ai biết quỳ gối mới có thể vào được.
– Người nào khinh dể anh chị em mình thì không thể cầu nguyện được. Trong khi cầu nguyện chúng ta không được nâng mình lên trên kẻ khác. Cần nhớ rằng chúng ta là một phần của nhân loại đang phạm tội, đang đau khổ, đang âu sầu, tất cả đang quỳ gối trước ngai thương xót của Thiên Chúa.
– Chỉ có sự cầu nguyện thật khi biết được đời sống mình bên cạnh đời sống của Thiên Chúa. Chúng ta không hề hồ nghi điều người biệt phái này nói, tất cả đều đúng. Ông đã ăn chay, ông đã kỹ lưỡng dâng một phần mười, ông ta đã không giống người khác, lại càng đã không giống người thu thuế này. Nhưng vấn đề không là: “Tôi có tốt như kẻ khác chăng ?” nhưng “tôi có tốt như Thiên Chúa không ?” Tất cả tùy ở chúng ta so sánh mình với đối tượng nào. Khi chúng ta đặt đời sống mình bên cạnh đời sống diệu kỳ của Chúa Giê-su, bên cạnh sự thánh thiện của Thiên Chúa, thì chúng ta chỉ có thể nói : “Lạy Chúa, xin xót thương con là kẻ tội lỗi.”
Dụ ngôn này không phải chỉ dạy về lòng khiêm nhường khi đi cầu nguyện mà cả trong mọi cách đánh giá bản thân và trong mọi lúc đến cùng Thiên Chúa. Nó đối chiếu sự tương phản giữa tôn giáo của hình thức và tôn giáo của tâm hồn. Nó minh định rằng chỉ có ăn năn là con đường duy nhất đưa đến sự tha tội và bình an.
Dụ ngôn này không phải Chúa kể cho người Pha-ri-sêu, dầu nó vạch trần bộ mặt giả tạo và tự lừa dối của mọi thứ chủ nghĩa biệt phái. Hình như khi kể, Chúa đã nghĩ đến mấy người trong số đã theo Ngài, nhưng dầu là thuộc giai cấp hay nghề nghiệp nào, ở thời đại nào hay nơi chốn nào, tinh thần biệt phái này cũng có đại diện. Đó là hạng người cho mình là đạo đức và coi kẻ khác không ra gì.
Nhận thấy mình tội lỗi, tìm cầu ơn tha tội và kêu xin lòng thương xót của Thiên Chúa, đó chính là khởi điểm của cuộc sống mới. Rồi muốn tiến bộ trên đường thánh thiện đến mức nào đi nữa, cũng vẫn cần lòng khiêm tốn như vậy. Càng gần ánh sáng càng nhận ra mình nhơ bẩn, càng gần Chúa càng thấy mình tội lỗi và càng không thể khoe khoang về thành tích đạo đức của mình. Hễ càng biết mình không ra gì, thì càng xứng đáng để phục vụ Chúa và đồng loại. Đứng trên phương diện quốc gia cũng như trong đời sống cá nhân, sự kiêu ngạo của chủ nghĩa Pha-ri-sêu ngăn trở tính cách đắc lực, tình huynh đệ và ân huệ của Thiên Chúa, điều cần thiết là chúng ta sám hối, sống khiêm cung : “Ai tự nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được nâng lên.”
Sir 35,15-17.20-22 Chúa rất quan tâm đến người nghè khổ, cô đơn, lắng nghe và nhậm lời họ kêu cầu.
2Tim 4,6-8.16-18
Đối với Phaolô , giờ cuối cùng bây giờ rất gần và ông biết điều đó. Khi Erasmus tở về già, ông nói:”Tôi là một cựu quân nhân đã làm tròn trách nhiệm và phải để sự chiến đấu lại cho những người trẻ hơn”. Phaolô là một chiến sĩ có tuổi, đang đặt khí giới mình xuống để Timôtê có thể nhận lấy. Không có bức tranh nào trong Kinh thánh Tân ước có nhiều hình ảnh linh dộng hơn đọan này. Phaolô nói:” về phần ta, ta đang bị đổ ra làm lễ quán”. Chữ “của lễ” Phalô dùng ở đây là động từ spendesthai, có nghĩa là “đổ ra như một sự rảy rượu cúng các thần”. Tất cả các bữa ăn của người La mã đều chấm dứt bằng một loại tế lễ, một ly rượu được cầm lên và đổ ra (spendesthai) cho các thần. Ở đây dường như Phaolô muốn nói:”ngày đã tàn, đã đến lúc phải đứng dây để đi, cuộc sống tôi cần phải được đổ ra như một tế lễ cho Thiên Chúa”. Ông không suy nghĩ đến mình như sắp bị đưa ra xử tử, nhưng suy nghĩ rằng ông săp sửa dâng cuộc sống mình cho Chúa. Sự sống của ông không bị cất đi, nhưng ông hi sinh nó. Kể từ khi dầu phục Chúa, ông đã dâng tất cả mọi sự cho Chúa, tiền bạc, học thức,sức lực, thì giờ, năng lực của thân thể, sự sáng suốt của trí tuệ, sự dâng hiến của tấm lòng nhiệt thành, Chỉ còn lại có chính sự sống và giờ đây ông vui vì sắp sửa hi sinh nó. Ông tiếp tục nói rằng:”kỳ qua đời của ta đã gần”. Chữ qua đời được dùng ở đây rất linh động. Đó là chữ analusis. Chữ này gói ghém một số hình ảnh, mỗi hình ảnh nói lên một quan điểm về sự lìa cõi đời này. (a) Đây là chữ dùng để nói về việc tháo con vật khỏi ách xe hay cái cày. Sự chết đối với Phaolô là sự an nghỉ khỏi các công viêc nặng nhọc. Như Spencer đã nói:”an nghỉ sau công việc, đến bến bờ sau cơn bão biển, sự chết sau cuộc sống là những điều rất đáng yêu”. (b) Đó là chữ được dùng để chỉ việc tháo cùm hay gông. Chết đối với Phaolô là sự giải phóng,Ông sẽ trao đổi ngục tù chật hẹp La mã lấy sự tự do vinh hiển của thiên đàng. (c)Chữ này được dùng để chỉ việc tháo dây trại. Dối với Phaolô đây là lúc nhổ trại ra đi. Ông đã trải qua nhiều chặng đường qua các nơi như Tiểu Á và Âu châu. Giờ đây, ông đang bước vào chặng đường cuối cùng quan trọng nhất, ông đang trên đường dẫn đến Thiên Chúa. (d) Đây là chữ dùng chĩ việc mở dây neo tầu. Nhiếu lần Phaolô đã đi tàu thuyền trên biển Địa trung hải và đã hiểu, cảm xúc thế nào khi tàu rời bến để đi vào vùng nước sâu. Bây giờ Phaolô đang tiến ra nơi sâu thẳm nhất, ông đang dong thuyền vượt các dòng nước tử thần để đến chỗ ẩn náu vĩnh cửu. Vì vậy đối với kitô hữu, chết là đặt gánh nặng xuống để nghỉ, chết là dẹp bỏ những xiềng xích trói buộc để được tự do, chết là lúc nhổ trại để trở về nơi ở tại các nơi trên trời, chết là quẳng bỏ những sợi dây ràng buộc chúng ta với thế gian để bứơc vào sự hiện diện củaThiên Chúa. Như vậy thì ai sẽ sợ chết?
Phaolô lại tiếp tục dùng những hình ảnh linh động trình bày điều ông muốn nói:”ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin”. Ở đây Phaolô không dùng các hình ảnh khác nhau của ba lãnh vực riêng biệt của cuộc sống nhưng chỉ là một hình ảnh của cuộc giao đấu thể thao mà thôi.
- Trước hết , ông nói:”ta đã đánh trận tốt lành”. Chữ ông dùng để nói về sự chiến đấu ở đây là agòn, chữ được dùng trong các cuộc thi đấu tại các đấu trường. Khi một lực sĩ thật sự có thể nói rằng anh ta đã cồ gắng hết sức thì dù thắng hay bại cũng thỏa lòng. Phaolô đã bước vào phút cuối cùng của cuộc đấu và biết chắc rằng mình đã chiến đấu tốt. Khi thân mẫu của Sir James Barrie qua đời, ông đã nói cách vững vàng rằng:”tôi có thể nhìn lại và thấy rằng không có một điều nào, dù là nhỏ nhất chưa được thực hiện”. Không có gì trong trần gian làm chúng ta thỏa mãn hơn là biết rằng chúng ta đã cố gắng hết sức.
- Thú hai, Phaolô nói:”tôi đã chạy xong cuộc đua”. Đây là điều rất khó trong cuộc sống. Bắt đầu thì dễ nhưng hoàn thành thì rất khó. Một điểm rất cần yếu trong cuộc sống là năng lực đứng vững, đó là điều nhiều người thiếu. Có một nhân vật rất nổi tiếng được đề nghị viết tiểu sử của ông lúc còn sống, ông dứt khoát từ chối không cho phép và đưa ra lý do từ chối như sau:”Tôi từng thấy nhiều người đã ngã gục trong giai đoạn chót của cuộc đời”. Chỉ cần một lỗi lầm vào phút chót là phá hủy tiếng thơm của cả một đời. Nhưng Phaolô mạnh dạn công bố ông đã hoàn tất bộ môn chạy đua của ông. Thật có một thoả mãn sâu xa khi đạt được đến đích. Có lẽ cuộc chạy đua danh tiếng nhất là cuộc chạy đua marathon. Trận chiến ở Marathon xưa là một trong những trận chiến quyết định trên thế giới. Trong trận đó, quân đội Hi lạp gặp lực lượng Ba tư và nếu Ba tư thắng thì vinh quang vủa Hi lạp sẽ bị xóa mờ trên thế giới. Trước lực lượng hùng mạnh đáng khiếp sợ đó, Hi lạp đã đại thắng. Sau đó một người lính Hi lạp chạy cả ngày lẫn đêm đến Athen để báo tin. Anh ta chạy thẳng đến trước các quan tòa ở Athen nói đứt quãng:”hãy vui lên đi, chúng ta đã chiến thắng”. Vừa chuyển xong sứ điệp anh ta ngã ra chết. Anh ta đã chạy đến đích, đã hoàn tất công tác, thật không còn một phương cách qua đời nào đẹp hơn.
- Thứ ba, Phaolô nói:”tôi đã giữ được đức tin”.Câu này có thể có hơn một ý nghĩa.Nếu chúng ta cứ giữ bối cảnh của các cuộc thi đấu, thì ý nghĩa như thế này. Những cuộc thi đấu quan trọng ở Hi lạp là các cuộc thi đấu Olympic. Tất cả những lục sĩ tiếng tăm đều đến tranh tài. Vào ngày trước các cuộc thi đấu, tất cả các đấu thủ hội họp nhau lại và trang nghiêm thề trước các vị thần rằng họ đã tập luyện không dưới mười tháng và sẽ không dùng bất cứ mưu mẹo nào để thắng. Vì thế Phaolô có thể nói rằng “tôi đã giữ các luật lệ và đã thi đấu”. Điều quan trọng là trong giờ lâm chúng, chúng ta có thể biết chắc rằng chúng ta không bao giờ vi phạm những luật lệ danh dự trong cuộc chạy đua của đời sống. Nhưng như chúng ta đã nói, câu này không phải chỉ có một ý nghĩa. Nó còn liên quan đến việc thương mại. Đây là một câu thông thường của người Hi lạp để diễn tả ý:”tôi đã giữ được các điều kiện của giao kèo và đã chân thật trong mối quan hệ của tôi”. Nếu Phaolô dùng theo cách này, thì ông có ý muốn nói rằng ông đã tham dự vào việc phục vụ chúa và đã đứng vững trong sự phục vụ, không bao giờ làm mất lòng tin của Thầy mình. Hơn thế nữa, câu này còn có thể có nghĩa “tôi đã giữ đức tin, tôi không bao giờ mất lòng tin tưởng và hi vọng của tôi”. Nếu Phaolô dùng ý này thì nó có nghĩa là qua mọi hoàn cảnh thăng trầm, khi tự do, lúc tù đày, trong tất cả mọi sự nguy hiểm trên bộ hay dưới biển, giờ đây ngay khi đối diện với sự chết, Phaolô không bao giờ mất lòng tin tưởng và trông cậy nơi Chúa Giêsu. Phaolô tiếp tục nói đến mão triều thiên đã dành sẵn cho ông. Phần thưởng vĩ đại nhất trong cac cuộc thi đấu của người Hi lạp là một vòng hoa nguyệt quế. Người chiến thắng sẽ được đội vòng hoa này lên đầu và đó là một danh dự vĩ đại nhất có thể đến cho bất cứ lực sĩ nào. Họ cố gắng để được mão miện sẽ tàn héo trong vài ngày, nhưhg Phaolô tin rằng mão miện đang được dành sẵn cho ông là mão miện không hề tàn héo. Trong lúc này, Phaolô quay từ lời tuyên án của con người qua sự tuyên án của Thiên Chúa. Phaolô biết rằng không bao lâu nữa ông sẽ phải ra đứng trước tòa án La mã và cuộc xử án của ông chỉ có một cùng điểm.Ông biết Neron sẽ tuyên án ra sao, nhưng ông cũng biết được lời công bố của Thiên Chúa. Con người có cuộc sống dân hiến cho Chúa Kitô thì không quan tâm gì trước lời kết tội của con ngừoi. Dù họ có kết án thế nào cũng không sao, miễn nghe được lời khen “được lắm” của Thầy mình là đủ rồi. Rồi Phaolô lại nói tiếp một lời nữa. Ong cho biết rằng mão triều thiên này không phải chỉ dành riêng cho ông, nhưng cũng dành cho tất cả mọi người trông đợi sự hiện đến của Vua. Dường như Phaolô muốn nói với chàng thanh niên Timôtê rằng:”Timôtê con ơi, ngày cuối cùng của ta đã gần, ta biết rằng ta đang đi nhận phần thưởng, nếu con theo dấu chân ta, con sẽ có cùng một sự tin tưởng, cùng một niềm vui khi giờ cuối cùng đến với con”. Niềm vui của Phaolô được mở rộng ra cho tất cả mội người chiến đấu cùng một trận chiến, người đã hoàn tất cuộc đua và giữ được đức tin.
Cuộc xử án của La mã thường bắt đầu bằng một cuộc điều tra, thẩm vấn sơ khởi để có thể xây dựng được lời buộc tội đúng đắn hầu căn cứ vào đó buộc tội tù nhân. Khi Phaolô bị đưa đến cuộc thẩm vấn sơ khởi không có một bạn nào đứng với ông cả. Thật là một điều tối nguy hiểm khi tuyên bố mình là bạn của một người đang bị thẩm tra về một tội nặng nề có nguy cơ đến tính mạng. Một trong những điểm đáng chú ý trong phần này là một số ký ức của thánh vịnh 22 được nêu lên. “Sao ngài lìa bỏ tội?” “hết thảy đều bỏ ta” “chẳng có ai tiếp cứu”,”chẳng có ai bênh vực ta””hãy cứu tôi khỏi họng sư tử”,”ta lại được cứu khỏi hàm sư tử” “bốn phương thế gian …sẽ trở lại cùng Chúa”,”hết thảy dân ngoại đều nghe”, “Vì nứơc thuộc về Chúa””Ngài cứu vớt ta vào trong nước trên trời của Ngài”. Dường như chắc chắn rằng những lời của thánh vịnh này đang bừng lên trong tâm trí Phaolô. Một điều đáng quí là thánh vịnh này cũng xuất hiện trong tâm trí Chúa Giêsu khi Ngài bị treo trên thập giá (Mt 27,46). Khi Phaolô đối diện sự chết, ông an ủi và khích lệ lòng mình bằng cùng một thánh vịnh như Chúa của ông đã dùng trong cùng một hoàn cảnh. Có ba đều mang lại sự can đảm cho Phaolô trong giờ phút cô đơn đó.
- Tất cả mọi người đều lìa bỏ ông nhưng Chúa ở với ông. Chúa Giêsu hứa rằng Ngài không bao giờ lìa bỏ, không bao giờ quên người thuộc về Ngài. Ngài đã nói sẽ ở với họ cho đến ngày tận thế và Phaolô là chứng nhân về việc Chúa Giêsu giữ lời hứa của Ngài. Nếu có phương cách đúng đắn nào để ở riêng biệt, thì như lời của Jeane d’Arc:”tốt hơn nên ở riêng biệt với Chúa”.
- Phaolô có thể dùng một toà án La mã để công bố sứ điệp của Chúa Cứu thế. Ông vâng giữ chính lời truyền dạy của mình, bất luận gặp thời hay không gặp thời, cứ nhấn mạnh về sự cứu rỗi của Chúa Cứu thế cho kẻ khác. Ông quá bận bịu suy nghĩ đến công việc giảng dạy nên đã quên đi sự nguy hiểm. Một người chìm đắm trong công việc đã khắc phục được sợ hãi.
- Ông hoàn toàn chắc chắn về sự giải cứu cuối cùng. Trong một lúc Phaolô dường như là nạn nhân của hoàn cảnh, một phạm nhân bị kết án trước vành móng ngựa công lý La mã, nhưng Phaolô nhìn vượt qua thời gian và biết rằng sự an toàn vĩnh cửu của ông được bảo đảm. Thà luôn luôn chịu sự nguy hiểm trong chốc lát để có sự an toàn vĩnh cửu hơn là an toàn trong chốc lát để rồi nguy hiểm vĩnh viễn.