Những Nhịp Cầu Yêu Thương
Ngày 19/10/2003 tại Rôma là một ngày đáng nhớ : Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước cho Mẹ Têrêxa Calcutta. Thánh lễ đại trào được long trọng cử hành với sự hiện diện của khoảng 300.000 người tại công trường thánh Phêrô. Nơi những hàng ghế đầu, người ta thấy các phái đoàn ngoại giao của những nước bên cạnh Tòa Thánh, các chức sắc của nhiều tôn giáo lớn như Hồi Giáo, Chính Thống Giáo, hàng trăm nữ tu thuộc dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêxa trong bộ lễ phục Sari màu trắng viền xanh. Đặc biệt hơn cả, có những vị khách được mọi người chú ý : đó là 3000 người nghèo khó, vô gia cư đã được dòng Thừa Sai Bác Ái trân trọng mời đến dự lễ và dùng bữa tiệc lớn tại Vatican như là những vị khách quý. Thật cảm động biết bao khi ngày lễ hôm ấy đã thể hiện được ước muốn của Mẹ Têrêxa là phục vụ “những người nghèo túng nhất trong số những người nghèo”.
Hình ảnh “3000 Lazarô” được mời dự tiệc như những vị khách danh dự tại buổi lễ phong chân phước cho Mẹ Têrêxa nhắc đến một hình ảnh trái ngược trong bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay : người hành khất Lazarô nằm đói khát trước cổng nhà ông phú hộ giàu có đang ngồi bên bàn tiệc linh đình.
Thiếu một nhịp cầu
Người hành khất Lazarô và ông phú hộ giàu có kia ở rất gần nhau, chỉ cách một cánh cổng khép kín, nhưng lại cách xa vời vợi. Chính cánh cổng khép kín đã phân chia hai giai cấp giàu nghèo rõ rệt. Một bên là người giàu sang mặc gấm vóc lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình; một bên là người nghèo khó, bệnh tật và đói khát. Giữa người hành khất Lazarô và ông phú hộ có một “vực thẳm” ngăn cách phân chia hai thế giới hoàn toàn xa lạ với nhau. Người hành khất nằm bên cổng, nhưng ông phú hộ chẳng hề quan tâm. Có lẽ vì ông mặc gấm vóc lụa là nên ngại bước chân ra đến cánh cổng, đi đâu thì đã có ngựa xe đưa rước, khiến ông không nhìn thấy người ăn mày khốn khổ đang nằm chờ bên cổng nhà mình. Trong những bữa tiệc linh đình, tiếng đàn hát, tiếng chén bát khua vang đã làm ông phú hộ không thể nghe thấy tiếng rên rỉ của kẻ khốn cùng ở ngay trước nhà mình.
Ông phú hộ ở cách xa người nghèo khó Lazarô vì ông đã khép kín cánh cửa lòng mình, đã không san đầy hố sâu cách biệt với lòng quảng đại, từ tâm. Ông đã không bắc nhịp cầu yêu thương đến với người anh em bất hạnh.
Vì thế, khi người nghèo khó Lazarô và ông phú hộ chết đi, số phận của họ đã bị đảo ngược : ông phú hộ bị phạt trong lửa hỏa ngục thiêu đốt, còn Lazarô được ngồi dự tiệc trong lòng tổ phụ Abraham. Giữa họ luôn có một vực thẳm ngăn cách, phân chia hai thế giới người lành và kẻ dữ. Cánh cổng mà ông phú hộ đã khép lại trước người nghèo khó ở trần gian, giờ đây cũng khép kín trước định mệnh nghiệt ngã của mình. Ông cũng không thể vượt qua được vực sâu ngăn cách để đến với thế giới tràn ngập hạnh phúc vì thiếu những nhịp cầu bắc ngang qua. Những nhịp cầu yêu thương ấy đáng lẽ ông phải xây dựng khi còn sống ở trần gian.
Bắc nhịp cầu yêu thương.
Chúa Giêsu là vị Thiên Chúa giàu sang cao cả đã đến với nhân loại nghèo khó thấp hèn bằng con đường tự hạ đến tận cùng. Ngài đã san bằng “vực thẳm” cách ngăn giữa Thiên Chúa và con người qua cuộc nhập thể nhiệm mầu với tình yêu vô biên. Ngài đã mở cánh cổng khép kín phân chia thế giới thần linh và thế giới loài người. Ngài trở nên nhịp cầu yêu thương nối liền những bến bờ ngăn cách trong cuộc sống nhân loại.
Chúa Giêsu đã đến với người nghèo khó và bệnh tật để an ủi và chữa lành họ (Mt 9, 35). Ngài rong ruổi trên các nẻo đường Palestina với “đầu trần chân đất”, để chia sẻ kiếp sống của người nghèo khó “không có nơi gối đầu” (Lc 9, 58). Ngài đã chúc phúc cho những người có tinh thần nghèo khó (Lc 6, 20). Thậm chí Ngài đã tự đồng hóa mình với những kẻ bé mọn thấp hèn (Mt 25, 31-46). Quả thật, Chúa Giêsu đã trở thành nhịp cầu tình yêu bắc qua đại dương ngăn cách giàu nghèo để dẫn đưa mọi người đến tình thương đại đồng.
Hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi để bắc những nhịp cầu yêu thương đến với mọi người, nhất là những người anh em nghèo khó và bị bỏ rơi. Đừng bao giờ chúng ta để cho một người nào bị từ chối trước cánh cửa khép kín của lòng mình. Lời tiên tri Amos trong bài đọc I đả kích những người giàu có một cách nặng nề : họ chỉ lo hưởng thụ, ăn uống say sưa mà không quan tâm đến những người nghèo và số phận của đất nước đang lâm nguy. Đó chính là lời nhắc nhở chúng ta hôm nay : hãy biết quan tâm và đồng cảm với những người anh em bất hạnh và nghèo khó sống chung quanh mình để chia sẻ tình thương cho họ. Hãy bắc những nhịp cầu yêu thương đến những mảnh đời thương đau và nối liền khoảng cách của những trái tim vô cảm và những tâm hồn chai đá.
Người ta thường gọi những người “tiêu tiền như nước”, sống cuộc đời xa hoa hoang phí bằng tên gọi “Công Tử Bạc Liêu”. Tên gọi này phát xuất từ câu chuyện được người đời kể lại như sau :
Ngày xưa ở Bạc Liêu có hai chàng công tử con nhà giàu khét tiếng trong vùng. Một chàng là “Hắc Công Tử” vì có nước da đen sạm, một chàng là “Bạch Công Tử” vì có nước da trắng.
Một lần nọ, hai chàng công tử đi xem hát, ngồi bên cạnh nhau. Chàng Hắc Công Tử rút thuốc lá và loay hoay tìm diêm quẹt, chàng Bạch Công Tử nhanh tay rút một tờ giấy bạc châm lửa mồi thuốc cho Hắc Công Tử để chứng tỏ sự giàu có vượt bậc của mình.
Hắc Công Tử thề sẽ trả đũa trước hành vi khiêu khích của Bạch Công Tử. Một ngày kia, Hắc Công Tử mời Bạch Công Tử đến nhà chơi và để chứng tỏ sự giàu có hơn hẳn của mình, anh ta đã dùng tiền để nấu chín một nồi chè và mời Bạch Công Tử ăn.
Từ đó, người ta thường gọi những người phong lưu và phung phí tiền bạc bằng tên gọi “Công Tử Bạc Liêu”.
Thật xót xa thay, người ta “đốt tiền” để khoe khoang sự giàu có giữa lúc có biết bao người nghèo khổ đói khát vì thiếu ăn. Đó chỉ là một góc nhỏ trong bức tranh hiện thực của xã hội hôm nay : nhiều người giàu có đang phung phí tiền bạc vào những xa hoa vô bổ và vô tâm trước sự nghèo đói của anh em đồng loại.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo Hội và mọi người đừng trở thành một “hòn đảo giàu có giữa một đại dương nghèo khó”, nhưng luôn biết mở bàn tay ra chia sẻ tình thương cho mọi người, nhất là những người nghèo khó bần hàn. Mỗi người hãy là một nhịp cầu yêu thương nối liền mọi bến bờ ngăn cách trong cuộc sống hôm nay.
Trích Logos C