THÀNH TÂM SÁM HỐI, TRỞ VỀ VỚI THIÊN CHÚA ĐỂ NHẬN ĐƯỢC ƠN THỨ THA
1. Thiên Chúa giàu lòng xót thương.
Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương (x. Tv 145,8). Ngài yêu sự sống và xử khoan dung với mọi loài (Kn 11,26). Vì thế, Ngài không muốn con người phải chết, và càng không muốn dân riêng của Ngài phải tiêu vong, mặc dù họ phản nghịch Ngài. Sách Xuất hành đã cho thấy tình thương tha thứ của Thiên Chúa. Dân Do Thái đã quên quyền năng uy dũng của Thiên Chúa khi Ngài cứu họ ra khỏi Ai Cập. Họ cũng quên tình thương quan phòng của Ngài khi ban phát của ăn và thức uống cho họ trong hành trình sa mạc đầy nguy hiểm và khó khăn. Họ không thờ Thiên Chúa theo đường lối của Ngài truyền, nhưng sụp lại một con bê theo ý riêng của họ.
Tội bất trung của họ đáng phải chết, nhưng Thiên Chúa lại nhân từ xót thương. Thiên Chúa rộng lòng nhân từ đến độ Ngài không cần hết toàn dân tội lỗi lên tiếng kêu xin tha thứ mà chỉ cần một mình trung gian Môsê ngỏ lời khẩn nài, Thiên Chúa đã thương và không giáng phạt dân Ngài (x. Xh 32,14).
Tình thương Thiên Chúa còn biểu lộ cách cụ thể và tròn đầy qua Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa và cùng là Thiên Chúa. Chúa Giêsu không chờ tội nhân đến với mình nhưng Người chủ động gần gũi họ. Tình thương của Người cao vời như tâm trạng của người chủ chăn mất chiên. Ông sẵn sàng bỏ chín mươi chín con chiên trong hoang địa để cất công đi tìm con chiên lạc và khi tìm thấy, ông không đánh đập nhưng vui mừng vác chiên vai. Một con chiên so với chín mươi chín con chiên khác là quá nhỏ nhưng tình yêu dành cho con chiên bị thất lạc thì quá lớn. Lớn vì người mất chiên sẵn sàng bỏ chín mươi chín con nơi hoang địa để dành tình cảm tìm một con nơi đồng vắng.
Tình thương của Thiên Chúa tròn đầy như hình ảnh người phụ nữ kiên trì, cố gắng thắp đèn tìm đồng bạc bị thất lạc. Tìm được đồng tiền, bà mừng vui hớn hở đến độ mở tiệc ăn mừng.
Tình thương Thiên Chúa cụ thể và sinh động như tấm lòng của người cha nhân hậu trải rộng lòng ra với mọi người con. Người con thứ dẫu rằng bất hiếu, dám cả gan đòi chia gia tài khi người cha còn sống. Anh còn bỏ nhà cha ra đi và ăn chơi tội lỗi đến độ đánh mất cả nhân phẩm của người con. Ấy thế mà người cha vẫn coi anh là con, vẫn mở rộng vòng tay chờ đón con về và khi nó trở về với tấm thân tàn tạ, người cha vẫn trao ban cho nó những nụ hôn nồng thắm, xỏ nhẫn quý tử, mặc áo đẹp nhất cho anh.
Người con cả dẫu suốt ngày ở nhà cha, ở bên cạnh cha nhưng anh lại sống trong tâm tình của người tôi tớ, hầu hạ cha (x. Lc 15,29), chứ không phải là người con đích thực. Anh ghen tức với người em và từ chối chung vui hạnh phúc với người cha. Dẫu thế, người cha vẫn yêu thương và rộng lòng gọi mời anh: “Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,32).
2. Thành tâm sám hối, trở về với Thiên Chúa.
Như thế, Thiên Chúa đã sẵn sàng tha thứ cho hết mọi tội nhân, vấn đề còn lại là mỗi người có thành tâm sám hối để đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa hay không? Như người cha già đã tha thứ cho người con thứ trước khi nó trở về. Thực vậy, hành vi của người cha ngày ngày, ngóng chờ con trở về há không phải xuất phát từ lòng tha thứ? Và khi thấy người con thư từ đằng xa, nếu không tha thứ sao người cha lại xúc động mạnh đến độ chạnh lòng thương? Khi người con đang nói: “Con không đáng được gọi là con cha nữa” thì người cha lấp đi bằng một chuỗi câu ân phúc: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng” (Lc 15,22). Người con thứ đã thành tâm sám hối, anh đã được người cha nhân hậu trả lại tất cả nhân phẩm và quyền lợi của người con.
Mỗi người, trên bình diện nào đó đều là con cái của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã yêu thương nên mới cho mỗi người được hiện diện ở trần gian này và Ngài vẫn luôn yêu thương và quan phòng để mỗi người được sống và sống dồi dào. Ngài biết con người được dựng nên bằng gì (x Tv 103,14), biết những yếu đuối của họ. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã ban Đức Giêsu cho nhân loại để nhờ Người, mỗi người nhận lãnh được ơn Thiên Chúa thứ tha. Qua cái chết và sự phục của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ cho hết mọi người. Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất (x Ep 2,16). Như thế, Thiên Chúa đã tha tội cho mỗi người, vấn đề còn lại mỗi người có thành tâm sám hối để lãnh được ơn tha thứ, để được sở hữu ơn tha thứ mà Chúa Giêsu đã phải trả bằng máu hay không?
Bí tích hòa giải là phương thế hữu hiệu của ơn tha thứ này. Thiên Chúa sẵn sàng chờ đợi mỗi hối nhân nơi tòa giải tội và qua năng quyền của Hội Thánh, Thiên Chúa ban ơn tha thứ và niềm vui ơn cứu độ cho những ai thành tâm sám hối và xưng thú tội lỗi mình.
Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức rằng con là người yếu đuối để con luôn nương tựa vào sức mạnh của Chúa. Xin Chúa luôn nâng đỡ con và nếu có ngày nào con vấp ngã, xin cho con mạnh dạn đứng dậy, trở về với Chúa và thưa với Ngài rằng: Con đã đắc tội với Chúa, và với anh em, xin thương xót và thứ tha cho con. Amen.
Linh mục Vinhsơn Trần Minh Hòa.