Bước Theo Chúa
Chân phước Charles Cornay từ bỏ gia đình để đi theo Chúa. Một hôm, trên đường đi truyền giáo, lúc xe lửa dừng lại ở một ga gần làng của ngài, cha mẹ và tất cả anh chị em ngài đều ra đó để đón thăm. Vì quá thương con, cha mẹ ngài đã ngã lăn trên đường, ngăn cản không cho ngài đi tiếp. Cornay can đảm gạt nước mắt bước qua mình cha mẹ mà ra đi. Ngài đến Việt Nam truyền giáo và ngày 20/9/1837, ngài chịu tử đạo với án lăng trì tại Sơn Tây, Bắc Việt.
Chân phước Charles Cornay xứng đáng là môn đệ đích danh của Chúa Giêsu vì đã đi theo Chúa với bước chân can đảm : bước qua mình cha mẹ để đi theo Chúa. Ngài đã thực hiện lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay : “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta”.
Lời Chúa hôm nay nêu lên một thách đố lớn lao cho những người muốn đi theo Chúa. Để trở thành môn đệ Chúa, người ta phải đặt mình trước một sự chọn lựa dứt khoát : thế gian hay Thiên Chúa. Nếu chọn lựa bước theo Chúa, người môn đệ phải đặt bàn chân mình vào những dấu chân của Chúa trên con đường từ bỏ.
Chúa Giêsu và những bước chân từ bỏ.
Cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc hành trình từ bỏ đến tận cùng. Từ địa vị của một Thiên Chúa cao cả, Ngài đã bước xuống thân phận thấp hèn của con người để đi vào kiếp sống khổ đau. Từ bỏ cuộc sống ẩn dật an nhàn tại Nazareth để bước vào cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng đầy gian khó. Cởi bỏ tấm áo thần linh của một vị Thiên Chúa cao sang, Ngài đã bước xuống dòng sông Giođan để chịu phép rửa của thánh Gioan Tẩy Giả như một người tội lỗi (Mt 3, 13-17). Từ bỏ hào quang của uy quyền, Ngài bước vào sa mạc để chịu ma quỷ cám dỗ (Mc 1, 12-13). Khi được dân chúng ca ngợi và tôn lên làm vua, Ngài đã âm thầm ra đi để tiếp tục cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng (Ga 6, 14-15). Trong Vườn Cây Dầu, Ngài đã thực hiện một cuộc từ bỏ gian nan nhất : từ bỏ ý riêng để thực thi Ý Cha (Lc 22, 42). Trên đường khổ giá, với những bước chân xiêu té, Ngài đã đi đến cùng con đường đau khổ để tiến lên đỉnh đồi Calvê. Cuối cùng, từ cõi chết đau thương, Ngài đã bước vào vinh quang phục sinh.
Bước chân từ bỏ của những người theo Chúa.
Bằng chính cuộc đời mình, Chúa Giêsu đã phác hoạ con đường từ bỏ dành cho những ai muốn bước theo Ngài.
“Từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em” có nghĩa là phải ưu tiên đặt Chúa lên trên mọi tình cảm gia đình và trần thế. Thiên Chúa là đích điểm cao nhất mà người môn đệ phải vươn tới. Đi theo Chúa là phải chấp nhận “bước qua” những cản trở trên đường đi theo Chúa.
“Từ bỏ tất cả của cải mình có” nghĩa là người môn đệ phải vượt lên trên sự ràng buộc của tiền bạc, phải cởi bỏ sợi dây của cải đang trói buộc đôi chân bước theo Chúa. Tiền bạc của cải chỉ là phương tiện giúp người theo Chúa thực hiện sứ mạng Ngài trao phó và thực thi tình bác ái yêu thương.
“Từ bỏ mạng sống” là sự từ bỏ cao cả nhất. Các vị thánh tử đạo đã đi trọn con đường từ bỏ cao quý này. Các ngài đã được lãnh nhận triều thiên vinh quang. Tuy nhiên, còn có biết bao người đang “từ bỏ mạng sống” theo cách riêng của mình trong cuộc sống hiện tại. Họ là những người môn đệ đang bước theo Chúa trên cuộc hành trình đức tin trong xã hội hôm nay. Họ không “chết vì đạo” nhưng đang “sống vì đạo” trong cuộc chiến đấu cam go để vượt thắng chính mình và vượt lên trên những thử thách và cám dỗ của trần thế.
“Vác thánh giá đời mình” là hình ảnh nói lên sự hy sinh liên lỉ của người môn đệ trên bước đường theo Chúa. Đó là “thánh giá cuộc sống” trải dài suốt đời người. Cây thánh giá là thước đo lòng trung thành của người môn đệ trên con đường theo Chúa.
Những bước chân theo Chúa hôm nay.
Hôm nay, từng bước, từng bước chúng ta đang đi theo Chúa. Có thể chúng ta đang đi theo Chúa với những bước chân hụt hẫng sau những lần thất bại, những bước chân run rẩy vì sợ hãi trước những nghịch cảnh, những bước chân chao đảo sau những lần vấp ngã, những bước chân rã rời qua tháng ngày lầm than cơ cực, những bước chân cô độc đi vào ngõ cụt của tương lai, những bước chân mệt mỏi sau những ngày đi hoang. Nhưng nếu chúng ta biết đặt bàn chân mình vào vết chân Chúa, chúng ta sẽ tin tưởng và an tâm vững bước, vì chúng ta đang đi trên con đường dẫn đến sự sống cùng với Chúa. Đó là con đường khôn ngoan đưa chúng ta đến nguồn ơn cứu rỗi (Bài đọc 1, trích sách Khôn Ngoan).
Vua thánh Venceslaô nước Tiệp Khắc (907 – 929) có thói quen đêm nào cũng thức dậy đến nhà thờ để viếng Thánh Thể. Vào một đêm đông giá rét, viên thị vệ theo hầu thánh nhân phàn nàn : “Trời lạnh quá đi trên tuyết chân hạ thần rét cóng!”. Vua thánh Venceslaô quay lại dịu dàng nói : “Cứ theo ta và đặt bàn chân ngươi trên vết chân ta”. Viên thị vệ tuân theo và bỗng nhiên cảm thấy ấm áp lạ thường.
Trên bước đường theo Chúa của người tín hữu, có những lúc chúng ta cảm thấy bước chân mình như bị lạnh cóng, tê dại trên cuộc hành trình gian khó, chúng ta hãy lần theo bước chân của Chúa để luôn cảm thấy vững tâm và bình an. Điều quan trọng hơn cả, chúng ta hãy can đảm bước ra khỏi cái tôi ích kỷ để đến với tha nhân và cùng với mọi người hăng hái bước đi loan báo Tin Mừng trong Năm Thánh Truyền Giáo này.
Vào ngày 19/3/1980, tại Giang Xá, Bắc Việt là nơi Đức Cố Hồng Y FX. Nguyễn Văn Thuận bị quản thúc, ngài đã viết một lời kinh rất hay về những bước chân đẹp đẽ của Chúa Giêsu. Đó cũng là lời kinh cho chúng ta hôm nay :
Con theo từng bước Chúa trên đường hy vọng.
Bước lang thang ra chuồng bò ở Bêlem,
Bước hồi hộp trên đường trốn sang Ai Cập,
Bước bồn chồn trở về trú ngụ tại Nazareth,
Bước phấn khởi lên Đền Thánh với Mẹ Cha,
Bước vất vả suốt 30 năm trời lao động,
Bước yêu thương trong 3 năm rao giảng Tin Mừng,
Bước thao thức kiếm tìm chiên lạc,
Bước xót xa vào Giêrusalem đầm đìa nước mắt,
Bước cô đơn ra trước tòa án không một người thân,
Bước ê chề vác thánh giá lên đồi tử nạn,
Bước thất bại chết chôn mồ kẻ khác…
Lạy Chúa, quỳ trước Nhà Chầu,
Một mình con với Chúa,
Con hiểu rồi : con không thể chọn con đường khác…
Trích Logos C