Ngọn lửa Giêsu
Lc 12, 49-53
Ngôn từ của Đức Giêsu trong Tin Mừng hôn nay thật lạ: “Đừng tưởng ta đến để đem lại hoà bình!… Ta đến để đem lửa đến trần gian và mong sao lửa đó cháy bùng lên!” Không lẽ Đức Giêsu lại là Đấng khai hoả chiến tranh sao?
Hoà bình của Đức Giêsu là gì?
Theo nghĩa thông thường: hoà bình là không có chiến tranh. Tuy thế, có nhiều con đường khác nhau dẫn đến tình trạng không chiến tranh.
Kẻ mạnh áp đảo kẻ yếu và kẻ yếu cúi mình chấp nhận phận hèn, thế là chiến tranh biến mất. Đây là thứ hoà bình bất công. Hoà bình này ngấm ngầm mang một ngòi nổ hận thù và sẵn sàng bùng lên chiến tranh tương tàn.
Có thứ hoà bình ma quỉ. Đó là trường hợp người ta thoả hiệp với sự dữ để cầu lợi, xuôi chiều theo điều sai trái để được yên thân. Sa tan và con người trở thành “liên minh ma quỉ” lập hoà ước theo tinh thần Sa tan.
Hoà bình theo đường lối Đức Giêsu là sự hiệp nhất có được do mọi người thuận theo thánh ý duy nhất của Chúa. Để có được thứ hoà bình này, con người phải can đảm cùng bước ra khỏi bóng tối sự dữ để đến với anh em, dám dứt khoát nói “không” với cám dỗ, dám lội ngược dòng với khuynh hướng thấp hèn. Đức Giêsu đến như ngọn lửa tạo ra vùng trời ánh sáng đó cho ta.
Ngọn lửa Giêsu soi sáng
Đức Giêsu đã dùng đời sống và lời giảng của Ngài để minh định đường lối nên Thánh thật. Người ta hay nhập nhằng giữa Danh Chúa và danh mình. Con người hay nhân Danh Chúa để vẽ hào quang cho mình. Đức Giêsu đã lôi nhưng cách sống lập lờ ấy ra ánh sáng. Chúa khẳng định: đó là giả hình, giả hình như ngôi mộ tô vôi đẹp bề ngoài mà dơ bẩn bên trong (cf Mt 23, 13-28). Người ta hay nhân Danh Chúa mà xúc phạm đến nhau, triệt hạ nhau; nhân Danh Chúa để ném đá nhau (cf Ga 8, 2-11); nhân Danh Chúa để khinh bỉ, loại trừ nhau (cf Ga 9, 1-34) nhân Danh Chúa để thờ ơ trước tha nhân đang khốn khổ (cf Lc 10, 29-47).
Chúa đã làm lộ ra những vết đen trong đời sống con người bằng ánh sáng lời Chúa. Anh sáng ấy làm chói mắt những kẻ quen bóng tối và chỉ muốn an thân. Thế nhưng ánh sáng ấy lại cần thiết để khởi sự việc thăng tiến con người. Nhờ đó,con người thấy chỗ sai của mình. Mà có biết sai thì mới biết sửa sai cho đúng.
Ngọn lửa Giêsu thanh tẩy
Đức Giêsu còn là ngọn lửa thanh tẩy. Ngài đốt cháy những hình thức sai trái có thể làm biến chất đạo tình yêu. Ngài thiêu rụi những rơm rác mà qua bao năm tháng người ta đã tha vào đạo để dựa vào đạo mà kiếm chác lợi lộc.
Người ta truyền tụng một câu chuyện về vùng di cư Gia Kiệm thuở mới lập trại như sau:
Ngày xưa khi mới di cư, vùng Gia Kiệm là những trại di cư dọc theo quốc lộ 20. Nhà nhà là những căn nhà tranh vách nứa lụp sụp, tạm bợ, thiếu vệ sinh trầm trọng. Nhưng vì hoàn cảnh chân ướt chân ráo mới tới, chẳng ai nghĩ đến thay đổi mái nhà của mình.
Một buổi trưa hè, có một ngọn lửa đã đốt cháy một trong những căn nhà tranh vách nứa đó. Thế là ngọn lửa lan nhanh, chẳng ai có thể tắt ngọn lửa giữa trưa hè hừng hực và nó thiêu rụi hết nhà này sang nhà khác. Thật tang thương! Sau đó, mọi người buộc lòng phải dựng lại căn nhà của mình để ở.
Sau biến cố cháy trại đó,người ta dường như thấy bộ mặt trại di cư đổi mới: những căn nhà gỗ, mái ngói, mái tôn thay thế cho những mái tranh vách nứa đã cháy rụi mấy ngày qua. Ngọn lửa tưởng là tai họa đó lại trở thành ngọn lửa thanh tẩy bộ mặt trại di cư.
Quả vậy, có những trường hợp cần có ngọn lửa đốt cháy những cặn bã, những hư hỏng để thanh tẩy. Đức Giêsu như ngọn lửa cần thiết để thanh luyện con người nên tinh ròng. Các KiTô hữu đích danh là những người dám để cho ngọn lửa Đức Giêsu tôi luyện hầu nên Thánh. Ngài dùng Lời Chúa như lưỡi gươm loại trừ những ý tưởng đen tối, nhỏ nhen, ích kỷ… nơi trí lòng ta. Ngài dùng Hội Thánh để chỉnh sửa những thái độ hiềm khích, bất công với tha nhân nơi ta. Ngài dùng bí tích để băng bó những vết thương tâm hồn ta và ban ơn nâng đỡ để bồi dưỡng cho ta thêm mạnh sức linh hồn. Để trở nên thành phần dân của Đức Giêsu, con người phải can đảm để ngọn lửa Giêsu thanh luyện.
Đường dẫn tới bình an là đường đấu tranh.
Chúng ta chắc đã hiểu được ngôn từ của Chúa: “Ta đến để đem sự chia rẽ”. Ngài mời gọi chúng ta đứng về phía thiện tâm của Ngài mà chống lại tà tâm của Satan. Ngài mời gọi chúng ta đứng về phía công bằng để chống lại bất công. Ngài mời gọi chúng ta đứng lên phất cờ yêu thương để đẩy lui hận thù. Ngài mời gọi chúng ta quảng đại tha thứ để dẹp tan những chấp nhất nhỏ nhen. Đó chính là thái độ lội ngược dòng. Nó làm cho người lội ngược dòng trở nên người đối kháng với những kẻ thoả hiệp xuôi dòng thế gian.
Lạy Chúa, Đấng mời gọi chúng con lội ngược dòng theo Chúa, xin nâng đỡ chúng con..
Trích Logos C