TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG
Lc 12, 35-40
Trên ngọn núi bên cửa biển Đề Gi, thuộc huyện Phù Cát, tình Bình Định có một tảng đá lớn mang hình dáng người phụ nữ bồng con trông ra biển. Người dân Bình Định gọi tên tảng đá ấy là đá “Vọng Phu”, nghĩa là đá “trông mong chồng”, theo một truyền thuyết được kể lại như sau :
Ngày xưa, có một đôi vợ chồng nghèo sinh được hai người con : cậu con trai 11 tuổi và cô con gái 6 tuổi. Một hôm trước khi đi làm, người mẹ trao cho hai con cây mía và dặn con lớn chặt cho em ăn. Hôm ấy, sau khi chạy nhảy vui chơi, cậu con trai tìm dao chặt mía. Không ngờ khi nó vừa giơ dao lên, thì lưỡi dao sút cán văng vào đầu đứa em. Cô bé ngã ra bất tỉnh, máu me lênh láng. Cậu con trai sợ hãi bỏ trốn, mặc cho hàng xóm chạy sang cứu chữa đứa em.
Cậu bé bỏ nhà ra đi thật xa và không về nữa. Trong hơn 15 năm anh ta lang bạt khắp nơi, cuối cùng, làm con nuôi một người đánh cá vùng biển Bình Định và theo nghề chài lưới. Anh ta kết hôn với một người thiếu nữ làm nghề đan lưới. Sau đó, hai vợ chồng sinh được một đứa con và sống rất hạnh phúc bên nhau. Một ngày kia, tình cờ người vợ xõa tóc ra, người chồng chợt nhìn thấy một vết sẹo trên tai phải của vợ, anh ta liền hỏi về lai lịch cái sẹo. Chị ta kể rằng khi còn nhỏ bị anh trai chặt mía không may lưỡi dao văng trúng đầu tưởng chết nhưng may mắn được cứu sống, nhưng buồn thay, người anh trai đã bỏ nhà đi biệt tích. Cha mẹ tìm kiếm khắp nơi không thấy, buồn rầu sinh bệnh rồi chết. Còn chị ta đi lang thang khắp nơi, sau cùng dừng chân ở đất Bình Định rồi lấy anh ta làm chồng.
Nghe kể xong, người chồng giật mình bàng hoàng vì định mệnh quá nghiệt ngã : anh ta lấy lầm em ruột làm vợ ! Quá đau khổ, anh ta giữ kín bí mật trong lòng, lên thuyền ra đi không cho vợ hay biết. Anh ta ra đi và không bao giờ trở lại.
Người vợ ở nhà mòn mỏi trông đợi chồng trở về, nhưng chồng vẫn biệt tăm. Mỗi chiều, nàng bồng con leo lên ngọn núi trông ra biển khơi mịt mờ. Đến một ngày nọ, hai mẹ con hóa thành đá và được gọi là đá “vọng phu”.
Mặc dù truyền thuyết về hòn đá “vọng phu” thật éo le và đau khổ thậm chí đi ngược với “luân thường đạo lý” ở đời, nhưng trong câu chuyện, người ta vẫn tìm thấy ý nghĩa thật cao đẹp nơi tấm lòng thuỷ chung của người vợ đợi chồng đến chết.
Bài Tin Mừng hôm nay qua dụ ngôn “Người Đầy Tớ Đợi Chủ Về” cũng mời gọi chúng ta luôn biết sống tâm tình “vọng phu”, nghĩa là luôn biết tỉnh thức để chờ đợi Chúa đến : “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về”.
Người ta thường thức đêm trong những dịp đặc biệt hoặc những biến cố trọng đại : thức đêm để đón giao thừa, thức đêm chuẩn bị cho ngày lễ đón tiếp một nhân vật cao cấp, thức đêm để chuẩn bị hành trang cho cuộc hành trình dài; thức đêm để canh chừng gian phi; thức đêm bên cạnh thi hài người thân mới qua đời. Cũng có khi người ta thức vì “mất ngủ” do bệnh tật hoặc lo âu. Còn người tín hữu tỉnh thức là để chờ đợi Chúa đến. Như thế, cuộc đời người kitô hữu chính là một cuộc canh thức kéo dài.
Canh thức để đón tiếp Chúa Quang Lâm
Chúa đã đến cách đây hơn 2000 năm, nhưng Chúa còn đến lần nữa trong vinh quang để xét xử mọi người. Nhưng con người không biết ngày nào Chúa lại đến. Vì thế, chúng ta luôn phải tỉnh thức và sẵn sàng để chờ đợi Ngày Phán Xử Cuối Cùng của Chúa. Có thể Chúa đến như “kẻ trộm” giữa đêm khuya, hoặc như “ông chủ” bất ngờ trở về nhà. Do đó, chúng ta luôn phải tỉnh thức trong suốt đời mình để dứt bỏ mọi thú vui trần thế và chuẩn bị tâm hồn luôn trong sạch để đón tiếp Chúa.
Canh thức để chờ đợi Chúa đến gõ cửa đời mình
Chúng ta tỉnh thức để chờ đợi một điều quan trọng khác: chờ đợi Chúa đến gõ cửa gọi ta về với Chúa. Nếu chúng ta luôn sẵn sàng, thì giờ chết đến, dù có bất ngờ, chúng ta cũng thanh thản và bình an ra đi. Phúc cho chúng ta biết bao khi Chúa đến gõ cửa, chúng ta mở ngay vì chúng ta luôn tỉnh thức đợi chờ. Hãy tỉnh thức để xa tránh mọi thói hư tật xấu, khước từ mọi quyến rũ trần thế, từ bỏ những tham vọng đời này để mua lấy kho tàng không mục nát trên trời.
Canh thức để đón tiếp Chúa trong cuộc sống hàng ngày
Trong cuộc sống hàng ngày, có thể Chúa bất ngờ đến viếng thăm mà chúng ta không hay biết. Vì Chúa không đến với chúng ta qua dung mạo một vị Thiên Chúa cao cả, nhưng Ngài đến với khuôn mặt của một người anh em đói nghèo đang đưa tay ra xin chúng ta giúp đỡ. Ngài muốn gặp gỡ chúng ta không phải chỉ ở trong nhà thờ, nhưng Ngài còn chờ đợi chúng ta nơi phố chợ, nơi làm việc hoặc trên đường đi. Ngài cũng có thể xuất hiện trong một biến cố, trong thành công hay thất bại của cuộc sống. Nếu không tỉnh thức, chúng ta sẽ không gặp được Ngài. Vì Ngài có thể đến vào những lúc chúng ta không ngờ, như một cái bóng thoáng qua.
Canh thức và làm việc
Sự canh thức của người tín hữu chỉ có ý nghĩa khi đi kèm với việc làm. “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay”. Đó là những việc làm thiết thực của chúng ta trong đêm canh thức trần gian. “Thắt lưng” là hành động của người luôn sẵn sàng phục vụ. Phục vụ như “người quản lý trung tín và khôn ngoan” biết trao tặng và chia sẻ chính mình cho tha nhân. “Cầm đèn cháy sáng” là việc làm hàng ngày của người tín hữu khi chiếu tỏa niềm tin qua những nghĩa cử yêu thương trong cuộc sống. Thắt lưng và cầm đèn cháy sáng là công việc của người đi trên cuộc hành trình trong đêm tối. Đó là cuộc hành trình vội vã của dân Do thái trong đêm vượt qua (bài đọc 1). Đó cũng là cuộc hành trình đức tin của tổ phụ Abraham (bài đọc 2). Cũng thế, trong cuộc canh thức tại dương thế, chúng ta được mời gọi hãy hối hả lên đường và tỏa sáng niềm tin cho thời đại hôm nay.
Trích Logos C