Của cải cần cho cuộc sống. Không tiền của, khó có điều kiện để học hành và cơ hội tiến thân. Không tiền của, có thể không có căn nhà để ở, và có khi phải chết vì đói, vì khát. Cũng vì thế, những người đã trưởng thành, nhất là các bậc cha mẹ trong gia đình, luôn lo lắng về tiền bạc, về cơm ăn áo mặc cho mình và những người thân. Lo bữa nay, còn chuẩn bị cho ngày mai. Lo có tiền tiêu hôm nay, lại phải tiên liệu cho những ngày sắp đến. Với những người khá giả một chút, việc gởi tiền ở ngân hàng, mua vàng hay ngoại tệ để dự phòng cho tương lai là điều dễ gặp trong xã hội hôm nay.
Tích trữ tiền bạc để dự phòng cho tương lai là một cách xây kho lẫm. Đầu tư cho con cái học hành, thậm chí lo cho con được đi du học là một cách xây kho lẫm. Tìm cách lo cho chính mình hoặc người thân có được địa vị trong xã hội cũng là cách xây kho lẫm. Và giả như ai đó, khi đã qua đời, tên tuổi được ghi khắc vào bia đá cho thế hệ sau tưởng nhớ, hoặc được đặt tên cho miền này xứ nọ, họ cũng đã khéo léo xây cho mình kho lẫm ngay khi họ còn sống trên cõi đời này. Những người xây kho lẫm như thế có đáng được đề cao, đáng được khuyến khích?
Xét về mặt xã hội, những con người và những việc làm nói trên, chắc chắn được mọi người khích lệ và đề cao. Thiên Chúa cũng chúc lành cho những ai biết nỗ lực xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, làm cho đời sống của bản thân họ có ý nghĩa hơn, như Đức Giêsu đã nói: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” Nhưng con người, vốn là tạo vật được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, được Chúa chuẩn bị cho một nơi định cư vĩnh viễn trên trời, nếu đang khi còn sống, chỉ lo tìm kiếm những thứ tạm bợ và mau qua như: Của cải vật chất, chức quyền, những thỏa mãn nhất thời…, thì thiếu điều cơ bản và thiết yếu của ơn gọi làm người.
Kinh nghiệm quanh ta cho thấy, có những người đã một thời giàu sang và quyền lực, nhưng sau đó, họ lại mang thân tù tội hoặc nợ nần chồng chất. Một người khi còn sống, dù giàu sang tới đâu, quyền lực tới mức nào chăng nữa, khi chết, họ cũng chẳng mang theo được gì. Tác giả Thánh Vịnh 48 đã viết: “Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ, nhưng ba tấc đất mới thật là nhà, nơi họ ở muôn đời muôn kiếp.” Còn Đức Giêsu thì nói trong bài Tin Mừng hôm nay: “Chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu.” Với người giàu có dự định xây dựng kho lẫm để bảo đảm cho tương lai, Đức Giêsu bảo: “Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của cải ngươi tích lũy sẽ để lại cho ai?” Vậy phải xây kho lẫm nào, để không bị coi là ngu dại? Phải làm gì để khi mọi sự qua đi, những việc chúng ta đã làm sẽ tồn tại mãi?
Chúng ta tìm gặp được câu trả lời qua những chỉ dạy của Chúa Giêsu. Với người thanh niên có nhiều của cải và đang ao ước được hưởng sự sống đời đời, Người nói anh hãy tuân giữ các giới răn, và: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ có một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Khi Thánh Phêrô thắc mắc; “Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” Đức Giêsu đã trả lời: “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự tòa vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử mười hai chi tộc Israel. Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và có được sự sống đời đời làm gia nghiệp.”
Tin vào lời dạy của Chúa Giêsu, các Tông Đồ đã bỏ mọi sự để đi theo Thầy Chí Thánh, và sống chết cho việc loan báo Tin Mừng Phục Sinh.
Tin vào Lời Chúa, Thánh Phanxicô thành Assisi, vốn là con của một thương gia giàu có, đã bỏ quyền thừa kế, chọn đời sống khó nghèo theo tinh thần Phúc Âm để làm chứng cho Chúa.
Tin vào Lời Chúa, Thánh Anphongsô Maria Ligôri, tiến sĩ Hội Thánh, ngài vốn là luật sư danh tiếng cả trong đạo lẫn ngoài đời, nhưng đã bỏ tất cả để trở thành linh mục, rồi được chọn làm giám mục, ngài cũng là vị sáng lập dòng Chúa Cứu Thế.
Tin vào Lời Chúa, Thánh Phaolô Tống Viết Bường, quan Thị Vệ, có nhiều công trạng với Vua Minh Mạng, đã không chịu chối đạo, chấp nhận tù tội, tra tấn, ngược đãi, và cuối cùng bị kết án chém đầu.
Tin vào Lời Chúa, mà suốt hai ngàn năm qua, biết bao Kitô hữu đã chấp nhận nhiều hy sinh và thiệt thòi, để xây cho mình những kho lẫm không thể hư hoại, là sự sống muôn đời, nên các ngài đã được hưởng hạnh phúc bên Chúa, và nhiều vị trong số đó đang được Giáo Hội tôn vinh.
Sự sống, sức khỏe, thời gian, của cải vật chất, địa vị trong xã hội…, là những tặng ân Chúa ban, để chúng ta hưởng dùng trong cuộc sống, nhưng cũng để chúng ta chia sẻ với tha nhân, làm vinh danh Thiên Chúa, và chuẩn bị cho mình kho tàng không bị ten sét, không bị trộm cắp lấy mất. Nếu ta ích kỷ, chỉ lo vun đắp cho bản thân và thỏa mãn những dục vọng thấp hèn, thì có là gì chăng nữa, chúng ta đang làm cho mình trở thành kẻ ngu dại, như Đức Giêsu nói qua câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay: “Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì cũng vậy.”
Ai trong chúng ta cũng dễ buông mình theo những ham muốn chiếm hữu, và tích trữ lợi lộc trong cuộc sống này. Bởi vậy, lời có sức biến đổi bao người: “Được lời lãi cả thế gian mà mất Nước Thiên Đàng nào có ích gì?” phải được khắc ghi vào tâm khảm, và lặp lại từng ngày cho mỗi chúng ta. Đồng thời, chúng ta phải luôn cầu xin Chúa hướng dẫn, để khi biết cách dùng những của cải chóng qua đời này, chúng ta cũng biết gắn bó với của cải muôn đời tồn tại.
Lm. Mt