Các dòng tu và tu hội trong Giáo Hội Công Giáo có đến hàng trăm, nếu không muốn nói là cả ngàn; nhưng cách chung, người ta phân biệt thành: Hoạt động và chiêm niệm. Các dòng tu hay tu hội được gọi là hoạt động khi đường hướng linh đạo, hay nói đơn giản là tôn chỉ và mục đích của hội dòng, ngoài việc thăng tiến đời sống tâm linh người tu sĩ, còn nhắm đến các hoạt động khác như: Truyền giáo, giáo dục, bác ái… Các hội dòng được gọi là chiêm niệm, thường sống phương châm: Cầu nguyện và lao động.
Bài Tin mừng hôm nay kể lại sự kiện xảy ra khi Chúa Giêsu và các môn đệ của Người ghé thăm nhà chị em Martha. Đang khi người chị là Martha bận rộn với việc lo thiết đãi khách, thì cô em là Maria ngồi bên chân Chúa để lắng nghe Người nói. Nhiều người đã coi Martha là đại diện cho các tu sĩ hoạt động, và Maria như tiêu biểu cho các hội dòng chiêm niêm. Nếu vậy, có vẻ như Chúa Giêsu đã đề cao đời sống chiêm niệm hơn lối sống hoạt động. Bởi vì, khi Martha thưa với Chúa: “Lạy Thầy, em tôi để tôi hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao?Xin Thầy bảo em tôi giúp tôi với.” Nghe vậy, Đức Giêsu đã trả lời: “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất.”
Trong thế giới tự nhiên và trong đời sống hằng ngày, chúng ta luôn gặp thấy những tình trạng đối lập, nhưng nó không loại trừ mà lại bổ túc cho nhau; chẳng hạn ngày và đêm, làm việc và nghỉ ngơi, chân phải bước tới đang khi chân trái như gắn chặt trên đất. Nếu chỉ có bóng tối mà không có ánh bình minh, trái đất chỉ là đêm tối dầy đặc, và là hành tinh chết. Nếu tất cả mọi người trên thế giới đồng loạt ngưng làm việc trong mười ngày, thế giới sẽ rối loạn và nhiều bệnh nhân phải chết oan vì không được cứu chữa kịp thời. Nếu cả hai chân đều trụ lại trên đất, thì ta không tiến về phía trước được. Ngược lại, con người không thể bước đi, nếu không có một bàn chân trụ trên mặt đất, trái đất khó tồn tại nếu chỉ có ngày mà không có đêm, con người không thể làm việc với những kết quả tốt, nếu không được nghỉ ngơi đầy đủ. Cũng thế, nếu khách đến thăm nhà mà mọi người đều quây quần ngồi bên người khách, thì lấy đâu một bữa cơm ngon và những ly nước mát cho khách dùng. Còn nếu tất cả đều chỉ chú tâm vào việc thiết đãi khách, mà không ai trò chuyện với người đến thăm nhà, thì cơm ngon, rượu nồng có ý nghĩa gì!
Vài ba sự kiện từ đời thường ấy, giúp chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu không qúa đề cao đời sống chiêm niệm và coi nhẹ đời sống hoạt động, vì chính Người đã truyền cho các Tông Đồ: “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian.” Đi và rao giảng, đều là hoạt động. Thế nên, khi Đức Giêsu nói: “Maria đã chọn phần tốt nhất.” Người có ý nhấn mạnh, công việc nào có thể bỏ bớt mà không thiệt hại nhiều, thì nên bỏ. Hãy chú ý đến nội tâm, và những gì nhờ đó mà hoạt động có được hiệu quả hơn.
Trước khi bước vào đời sống công khai, Đức Giêsu đã sống ẩn dật ba mươi năm. Sau những giờ phút rao giảng, chữa lành bệnh tật cho những ai đến với Người, Chúa Giêsu đã tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện cùng Chúa Cha. Các Tông Đồ trình bày với Đức Giêsu những gì các ông đã làm, đã dạy, sau một chuyến truyền giáo, Người bảo: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ chúng ta, dù phải chu toàn bổn phận của người vợ, người mẹ trong gia đình Nazaret, nhưng Mẹ vẫn để tâm suy niệm trong lòng những biến cố mà Mẹ đã trải qua, để tìm biết ý Chúa, để thấy được tình thương và ân huệ của Chúa trong cuộc đời Mẹ. Kinh Thánh kể, khi Đức Giêsu giáng sinh, các Thiên Thần ca hát, các mục đồng đến thờ lạy, còn Đức Maria thì: “Hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi gẫm lại trong lòng.”
Con người hôm nay đang sống trong một xã hội văn minh và công nghiệp hóa, một xã hội mà mọi thứ, mọi công việc phải đúng giờ, đúng lúc, đúng quy cách, vì “Thời giờ là tiền bạc.”. Ở mức độ công nghiệp thì tốt, nhưng con người trong xã hội với nhiều mối tương quan, thì sự quá cứng ngắc và công thức hóa lắm lúc lại là một tai họa. Thật vậy, vì đặt lợi nhuận lên trên, nên anh chỉ là bạn của tôi, khi anh có lợi cho tôi. Tôi chỉ dành thời gian đến với anh, khi thời gian đó có ích cho tôi. Trong đời sống tôn giáo, nhiều người đi tham dự thánh lễ, như đã hình thành công thức: “Cha ra thì con vào, và cha vào thì con ra.” Nghĩa là, người ta chờ vị linh mục bắt đầu dâng lễ, họ mới vào nhà thờ, và khi cha chủ tế cúi chào bàn thờ để vào phòng thánh, người ta ra khỏi nhà thờ. Thế thì thời giờ đâu để chuẩn bị tâm tình dự lễ, và có đâu thời gian để cảm tạ ơn Chúa về hồng ân vừa lãnh nhận khi tham dự thánh lễ?
Ở một giáo xứ kia vẫn có thông lệ là 8 giờ sáng thứ năm, cha xứ giải tội và tập nghi thức cho các đôi bạn trẻ sẽ cử hành hôn lễ vào sáng thứ bảy. Lần kia, có đôi bạn sắp cử hành bí tích Hôn Phối, họ đã xin cha xứ cho họ xưng tội và tập nghi thức vào chiều thứ sáu, lý do, công ty chỉ cho phép họ nghỉ từ trưa thứ sáu. Cha xứ đồng ý và dăn họ 16 giờ đến nhà thờ. Cha xứ chờ mãi đến 17 giờ 20 họ mới đến, vì sát giờ lễ nên ngài nói họ ở lại dự lễ, sau lễ, khoảng 18 giờ, ngài sẽ giải tội và tâp nghi thức cho. Lễ xong, gần 30 phút sau, đôi bạn trẻ mới đến. Cha xứ trách nhẹ nhàng:
– Các con đi đâu, giờ mới đến?
Cặp hôn nhân cười cười trả lời:
– Thưa cha, chúng con đi thử mấy cái áo cưới và tìm thợ chụp hình.
Thế đấy, đi thử áo cưới và tìm thợ chụp hình quan trọng hơn việc chuẩn bị xưng tội và lãnh bí tích Hôn Phối! Trong giáo xứ, trong mỗi gia đình và mỗi người cũng thế, khi mừng bổn mạng của giáo xứ, giáo họ hay các hội đoàn, người đi tham dự tiệc mừng nhiều hơn người đi dự tĩnh tâm và tham dự thánh lễ. Xin lễ “đưa chân” cho người thân mới qua đời, nhưng nhiều khi con cháu của họ không tham dự thánh lễ, có lễ vì bận sắp xếp nhiều việc ở nhà! Ai đó dự bữa tiệc vài giờ đồng hồ vẫn thấy là bình thường, nhưng dự thánh lễ một giờ thì cảm thấy mệt mỏi vì quá dài, hoặc lại không dành được dăm ba phút để nhớ đến Chúa mỗi ngày.
Khi bà Maria ngồi bên chân Chúa và lắng nghe Lời Người, Chúa Giêsu đã nói: “Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất.” Còn tôi hôm nay, chỉ cần nhìn lại một ngày sống, có khi tôi đã mất nhiều giờ để ngồi bên bàn tiệc, ngồi trước tivi, ngồi bên máy vi tính, ngồi lê mách lẻo chuyện hàng xóm, và bao chuyện tầm phào khác. Vậy tôi có đủ can đảm bỏ đi những chuyện không đâu, để dành thời gian đến với Chúa, dành thời gian để xây dựng sự cảm thông và tình yêu thương nơi gia đình, nơi những người thân và những người tôi gặp mỗi ngày trong cuộc sống? Chỉ khi dám bỏ những việc tôi thích nhưng không thực sự cần, để có thời gian dành cho Chúa và tha nhân hơn, tôi mới là người đang chọn phần tốt nhất như Chúa Giêsu đã dạy.
Lm. Mt