Truyền thống Việt Nam rất hiếu khách. Hành vi trọng khách đã được in sâu vào đời sống văn hóa dân tộc Việt Nam, cách riêng được thể hiện trong tục ngữ ca dao. Dù gia đình có nghèo, nhưng nếu có bạn đến thăm, người dân Việt vẫn sẵn sàng vay công mượn nợ, bày mâm cao đầy để đón khách. Không những thế, khi ngồi hầu bàn, họ thường: ‘nhịn miệng đãi khách’. Khách đến nhà chẳng gà thì gỏi, người đến thăm không gà thì vịt. Bởi lẽ, đói năm, không ai đói bữa. Tính hiếu khách càng tăng lên khi về những miền quê hẻo lánh, hoặc những miền rừng xa xôi, dù không thể đi chợ, họ vẫn: Bắt con cá lóc nướng trui, làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa.
Hành vi tiếp đón khách nồng hậu của người Việt Nam là điều tốt đẹp, nhưng làm sao chúng ta có thể đón tiếp chính Chúa là thực khách của mỗi người cách tốt nhất? Các bài đọc Lời Chúa trong phụng vụ hôm nay đã cho chúng ta những tấm gương tiếp đón khách.
Trước hết, Lời Chúa trong sách Sáng thế cho chúng ta mẫu gương của tổ phụ Abraham. Ông đang ngồi trong lều giữa trưa nóng bức thì thấy bên ngoài có ba người đàn ông. Dù chưa biết ba người đó là ai, dẫu chưa nhận ra họ là sứ giả của Thiên Chúa, Abraham vẫn đối xử với họ như những vị khách quý. Ông mời ba người vào lều mình cách nồng nhiệt và tha thiết. Ông khiêm hạ làm công việc của người tôi tớ khi lấy nước cho họ rửa chân. Ông còn đón tiếp khách cách chu đáo khi lấy bột làm bánh và bắt một con bê tốt nhất làm thịt để tiếp đãi họ.
Kế đến, Lời Chúa trong Tin Mừng cho chúng ta gương của hai chị em Mácta và Maria. Hai chị em đã ân cần đón Chúa vào nhà mình. Mỗi người tiếp đón Chúa bằng những cách thức khác nhau. Chị Maria đón tiếp Chúa bằng hành vi tiếp chuyện Chúa Giêsu và lắng nghe Lời Người. Còn Mácta thì lăng xăng lo việc bếp. Công việc của chị Mácta thì bận rộn, trong khi em của chị ngồi một chỗ nghe Chúa Giêsu. Đối với Mácta, tiếp đón Chúa là chuẩn bị cơm nước cách thịnh soạn. Muốn vậy, cần có người phụ làm. Một mình chi làm không xuể nên đã đề nghị Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!”
Chúa không bảo Maria giúp cho Mácta về công việc bếp nhưng nhắc nhở cho Mácta cách riêng và mỗi chúng ta về cách thế tốt nhất để tiếp đón Chúa.
2. Hành vi tiếp đón Chúa cách tốt nhất.
Cách tiếp đón Chúa tốt nhất không phải là lăng xăng chuẩn bị lo cho Chúa về thức ăn của uống phần xác, nhưng là lắng nghe Lời Chúa để có thể đón nhận lương thực phần hồn cho chính mình. Vì thế, Chúa Giêsu đã trả lời cho Mácta: “Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”
Chúa Giêsu đã không lấy phần tốt nhất của Maria và Người đã mời gọi mỗi chúng ta chọn phần như Maria để có thể đón tiếp Chúa tốt nhất.
Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta không tiếp đãi Chúa cách trực tiếp nhưng tiếp đãi Chúa qua đời sống phục vụ tha nhân, bởi họ và chúng ta là hình ảnh Thiên Chúa. Như thế, câu chuyện phục vụ của Maria và Mácta vẫn là bài học quý giá hướng dẫn đời sống lữ hành đức tin của người kitô hữu.
Thực vậy, trong cuộc sống hiện đại hôm nay, có những người chủ trương sống không cần đến nhà thờ, không cần thực hành đức tin qua cử hành mầu nhiệm Kitô giáo. Đối với họ, thay vì đến nhà thờ ngày Chúa nhật, họ tăng gia sản xuất và dành tiền của làm được để giúp người nghèo. Bởi lẽ, theo họ nghĩ, giúp cho kẻ nghèo khó là giúp cho chính Chúa. Đây là hành vi này xem ra tốt đẹp nhưng so với những người chuyên chăm cử hành các mầu nhiệm đức tin và sống bác ái với tha nhân thì chắc chắn họ không tốt bằng. Bởi lẽ, Chúa Giêsu, đã bỏ trời xuống thế, đã chịu chết trên thánh giá và từ cạnh sườn bị đâm thâu tuôn trào các bí tích cứu độ. Chúa Giêsu đã trả giá bằng giá máu châu báu để ban cho Giáo hội phương thế cứu độ là các bí tích, lẽ nào người Kitô hữu từ chối? Vì thế, từ chối cử hành các mầu nhiệm đức tin, có thể chúng ta đang lăng xăng lo lắng nhiều sự mà từ chối sự viếng thăm của Chúa ngay trong cuộc sống lữ hành trần thế này.
Mặt khác, người nào thường xuyên cử hành phụng vụ và lấy sức mạnh từ lời Chúa và các bí tích để phục vụ tha nhân sẽ có một ý nghĩa đặc biệt. Ý nghĩa đó xuất phát từ lòng yêu mến Chúa chứ không phải vì tính tự nhiên của con người. Giữa thái độ thấy một người nghèo khó, chúng ta động lòng thương và bố thí cho họ theo tính tự nhiên và hành vi của một người vì yêu mến Chúa mà bố thí cho kẻ khốn khó, đàng nào tốt hơn?
Cầu chúc Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người thay đổi cách hành xử trong cuộc sống, chúng ta cần đến Chúa giúp sức ngang qua phương thế cử hành phụng vụ để chúng ta có thể sống tốt lành và có khả tiếp đón mọi người như anh em, hầu qua cuộc cuộc lữ hành này, chúng ta được Thiên Chúa đón nhận vào trong nhà của Người như lời mời trong thánh vịnh 14: “Ai được Thiên Chúa tiếp đón vào cư ngụ trong nhà Ngài ?” Đó là người sống thanh liêm và thực thi công chính.
Linh mục Vinhsơn Trần Minh Hòa.