Một đạo sĩ Ấn giáo nọ hỏi các đệ tử của ông như sau
-“Làm thế nào để biết được đêm đã tàn và ngày bắt đầu?”
Sau vài phút suy nghĩ, một đệ tử giơ tay xin trả lời:
-“Tôi biết được khi nào là đêm tàn và ngày bắt đầu, đó là khi ta trông thấy một con thú từ xa mà ta phân biệt được nó là con bò hay là con ngựa”,
Câu trả lời đã không làm cho nhà đạo sĩ ưng ý chút nào… một đệ tử khác lên tiếng:
-“Ta biết được khi nào là đêm tàn và ngày bắt đầu, đó là khi ta thấy một cây lớn từ đàng xa mà ta phân biệt được đó là cây xoài hay cây mít”,
Vị đạo sĩ lắc đầu không đồng ý. Khi các đệ tử nhao nhao muốn biết giải đáp, ông mới ôn tồn nói như sau:
-“Khi ta nhìn vào gương mặt bất cứ người nào mà nhận ra người đó là người anh em của ta thì đó là lúc đêm tàn và ngày mới bắt đầu. Nếu ta không phân biệt được như thế, thì cho dù đêm có tàn, ngày có bắt đầu, tất cả mọi sự không có gì thay đổi”.
Thưa anh chị em,
Nhân loại đã chìm ngập trong đêm tối của tội lỗi, đêm tối của trốn chạy khỏi Thiên Chúa và chối bỏ lẫn nhau giữa người với người. Chúa Giêsu đã đến để xoá tan ĐÊM tối và khai mở NGÀY mới, trong đó người nhận ra người là anh em, người trở về với Thiên Chúa.
Như nhà đạo sĩ đã giải đáp: “khi ta nhìn vào gương mặt của bất cứ người nào mà nhận ra người anh em của ta trong người đó, là lúc đêm tàn và ngày mới bắt đầu”. Nhận ra người anh em nơi một người nào, đó chính là nhìn thấy hình ảnh của Thiên Chúa nơi mọi người cũng như phẩm giá vô cùng cao quý của người đó. Nhận ra người anh em nơi một người nào, đó là nhìn thấy niềm vui, nỗi khổ, sự bất hạnh và ngay cả lỗi lầm của người đó như của chính mình.
Nhận ra người anh em nơi một người nào, đó là sẵn sàng tha thứ cho người đó ngay cả khi người đó xúc phạm đến ta và không muốn nhìn mặt ta. Nhận ra người anh em nơi một người nào, đó cũng có nghĩa là không thất vọng về khả năng hướng thiện của người đó. Nhận ra người anh em nơi một người nào, đó cũng có nghĩa là muốn nói với người đó rằng, cách nầy hay cách khác, ta cần người đó để được sống xứng đáng với ơn gọi làm người hơn.
Trái lại, nếu ta không nhận ra người khác là người anh em của mình thì mình vẫn ở trong bóng tối đêm đen. Chỉ khi nhận ra được người khác là người anh em của mình, thì mình mới bước vào ánh sáng ban ngày. Người khác đó là bất cứ ai, không phân biệt màu da, chủng tộc, ngôn ngữ, ý thức hệ. Tất cả mọi người là anh em của tôi.
Thế nhưng, thưa anh chị em, trong Tin Mừng hôm nay, một luật sĩ đã hỏi Chúa: “Ai là anh em tôi?”. Để trả lời, Chúa Giêsu đã kể cây chuyện người Samari nhân hậu. Người Samari nầy đã nhận ra nạn nhân đang năm lây lất bên đường là người anh em gần gũi của mình, đang khi thầy Tư tế và thầy Lêvi lại không nhận ra nạn nhân nằm bên vệ đường kia là người anh em, mặc dầu nạn nhân ấy cũng là người Do Thái đồng bào và đồng đạo với mình. Nạn nhân đã trở thành kẻ xa lạ, chỉ vì rơi vào hoàn cảnh bất hạnh.
Câu chuyện muốn làm nổi bật thái độ dễ thương của người Samari nhân hậu. Chúng ta thấy ông xuống ngựa và đến cúi xuống trên con người đang quằn quại ở vệ đường. Ông chẳng để ý xem kẻ bất hạnh là ai? Là người Do Thái hay Samari – hai dân nầy vẫn coi nhau như thù địch- ông chỉ thấy đây là một kẻ bất hạnh, một con người như mình, nhưng lại không được như mình. Thế nên ông đã săn sóc, băng bó vết thương và chở đến quán trọ gần nhất cấp cứu, rồi còn sẵn sàng trang trải mọi phí tổn nữa.
Như vậy, người Samari nhân hậu nầy đã trở nên người anh em thân cận, gần gũi với người bị nạn, mặc dù ông không cùng chủng tộc và tôn giáo, hơn nữa ông còn bị coi như kẻ thù của người Do Thái bị nạn nầy, đang khi hai thầy Tư tế và Lêvi vừa là người Do Thái vừa là bậc thầy dạy đạo, tế lễ, lại coi kẻ đồng đạo, đồng bào xa lạ. Chính những hành động bác ái thương người cụ thể như tế mới làm chứng ai thật là người có đạo, ai thật là người, vì có lòng nhân ái.
Anh chị em thân mến,
Ngày 11 tháng 2 năm 1984, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành một Tông thư mang tựa đề: “Salvifici doloris” nói về “ý nghĩa đau khổ của người theo Kitô giáo” để toàn thể Giáo Hội suy tư trong Năm Thánh Cứu Độ 1984. Đức Giáo Hoàng đã nhắc lại dụ ngôn “người Samari nhân hậu”, không phải chỉ để gởi tới các bệnh nhân, những người phải chịu đau khổ, mà còn gởi tới mọi người. Bởi vì đau khổ vẫn ở ngay bên đường đi của chúng ta, đến nỗi con người rất dễ bị cám dỗ ‘bỏ đi qua”một cách dửng dưng. Sự dửng dưng nầy là một nét đặc trưng của thời đại chúng ta. Chắc chắn rằng dụ ngôn “Người Samari nhân hậu” đã trở nên yếu tố thiết yếu của nền văn hoá đạo đức cũng như nền văn minh phổ quát của nhân loại. Nhưng “khi đến với đau khổ của người khác, không một tổ chức nào, tự nó, có thể thay thế người”. Và vào ngày phán xét, Chúa sẽ nói với mỗi người chúng ta rằng: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đâu, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (x. Tông thư SD. Số 28-30).
Chúa Giêsu đã bảo luật sĩ: “Cả ông nữa, hãy đi và làm như vậy”. Hôm nay, chính với chúng ta, Chúa Giêsu ban huấn lệnh cấp bách nầy: “Hãy đi và làm y như vậy”. Chúng ta hãy đi và làm như người Samari đã làm. Tất cả chúng ta phải tiếp tục nhiệm vụ của người Samari nhân hậu bên cạnh tất cả những ai chúng ta gặp và chân tình giúp đỡ, băng bó các vết thương của họ, nhưng vết thương, nghèo đói, đau yếu, bệnh tật, cô đơn, chết chóc… Đừng ngồi đặt vấn đề: “Ai là anh em tôi?”, nhưng hãy đi và tỏ ra “mình là anh em của mọi người”. Đừng dừng lại tìm xem người đó là ai, có đạo hay không có đạo. Nhưng hãy đi và làm như người Samari kia, nhìn thấy vết thương thì băng bó, nhìn thấy người đau khổ thì cứu giúp. Phải vượt qua quan niệm hẹp hòi của người Do Thái, để đi đến tình huynh đệ phổ quát, đại đồng.
Yêu mến Chúa trong nhà thờ, không đủ, nếu không yêu mến Chúa trên đường đi và trong người anh em đồng bào, đồng loại. Chúng ta phải sống đạo chứ không phải chỉ biết luật day mến Chúa yêu người trong sách vở. Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “Anh em đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương thực sự bằng việc làm”. Ngài còn nói: “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối. Ai yêu thương anh em mình thì sống trong ánh sáng. Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối đã làm cho người ấy ra mù quáng” (1Ga 2,9-11).
Hãy nhận ra khuôn mặt của tất cả mọi người là người anh em. Chỉ khi đó chúng ta mới ra khỏi bóng tối đang bao trùm chúng ta và được tràn ngập ánh sáng vinh quang của Chúa.
Niềm vui Chia sẻ