Vào ngày mùng 03 tháng 02 năm 2004, tên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được công bố tại trụ sở Liên Hiệp Quốc như là người được trao giải “Trọn Đời Vì Hòa Bình” trong Lễ Trao Giải Thưởng Âm Nhạc Hòa Bình [WPMA] tổ chức tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội. Đây là giải thưởng lớn trong một buổi lễ long trọng mang tầm vóc quốc tế với sự hiện diện của nhiều nghệ sĩ tài danh đã có công đóng góp vào nền hòa bình thế giới.
Buổi lễ này được phát sóng trên toàn thế giới cho khoảng 2 tỷ người xem. Đây là buổi biểu diễn có qui mô lớn nhất trong lịch sử hoạt động biểu diễn ở Việt Nam với sự tham gia của hơn 300 nghệ sĩ đến từ 25 quốc gia. Chương trình này được sự tài trợ của nhiều cá nhân, đơn vị và được sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc.
Tên của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nằm bên cạnh những tên tuổi lớn của các nhạc sĩ và ca sĩ lừng danh thế giới. Tên tuổi và những ca khúc của nhạc sĩ họ Trịnh đã đi vào tâm hồn những người yêu nhạc ở Việt Nam từ hơn 40 năm qua và bây giờ cũng bắt đầu đi vào lòng mọi người trên thế giới.
Tên của một người thường nói lên số phận và hoạt động hay sứ mạng của người ấy. Tên của một người cũng thường xác định con đường mà người đó đi, diễn tả cả cuộc sống của người ấy. Với hơn 500 ca khúc “để đời”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như một “ngọn núi” luôn muốn vươn lên từ thân phận “cát bụi” của con người và hướng mọi người lên tới Chân, Thiện, Mỹ.
Chúa Giêsu ít nhắc đến tên của mình cho dân chúng, nhưng Ngài lại muốn các môn đệ xác định danh xưng Ngài một lần cho tất cả : “Phần các con, các con bảo Thầy là ai ?”. Thánh Phêrô như “tảng đá của niềm tin” đã thay mặt anh em để tuyên xưng : “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Khi tuyên xưng danh thánh Chúa, Phêrô đã chứng tỏ mình là “nền móng” đức tin cho Giáo Hội như chính tên Phêrô “đá tảng” mà Chúa Giêsu đã đặt cho ngài.
Danh xưng Kitô không những xác định thân phận “Đấng được xức dầu” nhưng còn tỏ rõ định mệnh của “Người Tôi Tớ Đau Khổ”. Chúa Giêsu nói rõ cho các môn đệ biết Ngài sẽ phải chịu nhiều đau khổ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại.
Tên của thập giá
Tên của Chúa không được đặt cho những con đường, những công viên, những cây cầu. Tên của Chúa cũng không được đặt cho những phát minh, những công trình hay những thành tựu khoa học. Nhưng tên của Chúa lại được đóng vào thập giá trên đồi Golgotha : “Giêsu Nazareth, Vua dân Do thái”. Tên của Ngài đã bị đóng vào một bản án khắc nghiệt nhất, bản án dành cho người tử tội. Thánh Phaolô đã gọi tên Chúa là “Giêsu Kitô, Đấng bị đóng đinh”. Tên Chúa không được tôn vinh trong ánh hào quang, nhưng lại gắn liền với thập giá là dụng cụ hành hình của người La mã. Tên Chúa bị đóng đinh vào lịch sử với dấu hiệu của sự ô nhục. Vì vậy, tên Ngài đã bị đồng hóa với khổ đau và hy sinh. Thập giá mãi mãi mang tên Giêsu – Kitô.
Tiên tri Zacaria đã nói trong bài đọc 1 : “Họ sẽ ngước mắt nhìn Ta, Đấng họ đã đâm thâu qua”. Quả thật, thế giới hôm nay đang ngước nhìn lên thập giá. Có người nhạo cười, có người khóc than, lại có kẻ chống đối và khước từ. Nhưng thánh giá vẫn mãi là dấu chỉ làm nên một vấn nạn lớn cho mọi thời đại : “Đức Giêsu Kitô, Ngài là ai ?”.
Những người mang tên Chúa
Là kitô hữu, chúng ta là những người mang tên Chúa, vì chúng ta được mời gọi vác thập giá đi theo Chúa mỗi ngày : “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo Ta”. Nếu tên Chúa đã gắn chặt vào thập giá, thì những kitô hữu khi mang tên Chúa cũng gắn chặt đời mình vào thập giá. Chúng ta được mời gọi để đóng đinh đời mình vào thánh giá Chúa. Chúng ta được mời gọi để tháp nhập đời mình vào cuộc tử nạn của Chúa để được sống lại trong vinh quang cùng với Ngài. Chỉ khi nào chúng ta đánh mất mình vì Chúa, chúng ta mới tìm gặp lại mình một cách trọn vẹn hơn.
Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Galata đã kêu gọi chúng ta hãy “mặc lấy Đức Kitô” để nên đồng hình dạng với Đức Kitô. Mặc lấy Đức Kitô là mang tên Chúa, là gắn chặt vào định mệnh của Đấng bị đóng đinh, là đi theo Chúa với thánh giá vác trên vai.
Một cậu bé đang chơi với cái bình rất quí giá. Cậu đã thọc bàn tay vào cái bình và không thể rút ra được. Cha cậu bé cố gắng giúp cậu nhưng vô ích. Họ chỉ còn cách đập vỡ cái bình. Nhưng người cha bảo cậu bé :
– Bây giờ con hãy thử lại một lần nữa xem. Con hãy duỗi thẳng bàn tay rồi rút ra.
Cậu bé liền nói :
– Không được đâu cha ơi, nếu con duỗi thẳng bàn tay ra, thì con sẽ đánh rơi đồng xu của con.
Chúng ta sẽ cười vì câu nói của cậu bé, nhưng nhiều người trong chúng ta cũng hành động giống như cậu bé, cứ cố giữ những đồng xu của danh lợi thú đời này, mà đánh mất hạnh phúc vĩnh cửu đời sau : “Kẻ nào muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất nó. Còn kẻ nào mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ cứu được mạng sống mình”.
Trích Logos – năm C