THÀNH TÂM SÁM HỐI VÀ TIN VÀO CHÚA ĐỂ ĐƯỢC CỨU ĐỘ
1. Thiên Chúa muốn cứu độ hết mọi người.
Thiên Chúa là Cha nhân lành (x. Lc 18,19). Ngài đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài (x St 1,26) để con người được sống và hiệp thông với Ngài. Vì thế, Thiên Chúa không muốn ai phải hư mất (x. Ga 17,12) và Ngài luôn tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư mất (x. Mt 18,11).
Thật vậy, các bài đọc trong phụng vụ hôm nay cho thấy tình yêu thương cứu độ của Thiên Chúa. Trước hết, trình thuật sách Samuen quyển thứ hai cho biết hành động cứu độ của Thiên Chúa đối với vua Đavít. Vua Đavít đã phạm một tội tày đình. Ông chủ mưu giết Urigia bằng dao của kẻ địch và ngang nhiên cướp lấy vợ của ông ấy. Tội vua Đavít lớn như thế, nhưng Thiên Chúa đã không bỏ rơi ông. Ngài đã sai tiên tri Nathan đến nhắc nhở vua để ông nhận ra tội mình và thành tâm sám hối. Vua Đavít đã thật lòng sám hối và Thiên Chúa đã bỏ qua tội cho ông (x. 2Sm 12,13).
Kế đến, Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Luca cho thấy tình yêu thương cứu độ của Thiên Chúa ngang qua hành vi yêu thương của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã đến nhà một ông Pharisiêu và dùng bữa tại nơi ấy. Người đã không chê ghét những người Pharisiêu bởi thói kiêu ngạo của họ, coi mình công chính hơn những người khác (x. Lc 15,2). Người cũng chẳng chối từ người phụ nữ tội lỗi đang ở trong nhà ông Pharisiêu. Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bữa tiệc là sự hiện diện yêu thương và có sức cảm hóa lòng người. Người chờ đợi những ai tiếp xúc với Người sẽ thay đổi được đời sống và thành tâm sám hối tận căn. Chị phụ nữ đã nhận được sức mạnh cảm hóa của Chúa Giêsu. Chị đã thấy tội mình, đã tỏ lòng sám hối ăn năn và đền bù tội lỗi bằng hành vi và cử chỉ yêu mến Chúa Giêsu. Chị đã không tiếc bình bạch ngọc quý giá đựng dầu thơm đắt tiền, cũng chẳng màng đến bộ tóc duyên dáng của người phụ nữ. Chị đã dùng những thứ mình có để tỏ lòng yêu mến Chúa Giêsu và biểu lộ lòng sám hối chân thành.
2. Thành tâm sám hối để có tin nhận Chúa
Sám hối là hành vi cần thiết để có thể tiến xa trên đường nhân đức. Hành vi sám hối là hành biểu lộ sự khiêm nhường cao độ. Thiên Chúa thì chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường (x. Gc 4,6). Vì thế, những ai thành tâm sám hối sẽ có nhiều cơ hội để đổi mới cuộc đời và dễ dàng tin nhận Chúa hơn. Thật vậy, bài Tin Mừng hôm nay cho thấy giá trị cần thiết của lòng sám hối. Cùng gặp Chúa Giêsu tại một nơi, trong nhà ông Pharisiêu nhưng chị phụ nữ tội lỗi đã biết tội mình. Chị bày tỏ lòng sám hối chân thành. Chị đã khóc thương cuộc đời tội lỗi của mình. Lòng sám hối của chị đã kéo lòng thương xót của Chúa Giêsu xuống trên chị và rồi Người đã nói với chị: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.”
Khác với thái độ khiêm nhường sám hối của chị phụ nữ, ông Pharisiêu tỏ ra kênh kiệu. Ông không nhìn ra những thiếu sót của mình trong việc tiếp đón Chúa nhưng lại thích soi mói người khác. Ông thầm phê bình Chúa Giêsu và nghĩ xấu về chị phụ nữ. Ông tự nhủ thầm rằng: Nếu quả thật Chúa Giêsu là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi (x. Lc 7,39). Sự kiêu ngạo của ông Pharisiêu đã khiến ông mờ mắt. Ông đã thiếu lòng tin vào Chúa Giêsu. Thậm chí, ông còn nghi ngờ vai trò ngôn sứ của Chúa Giêsu. Thái độ kênh kiệu của ông đã khép lòng ông lại. Ông thiếu niềm tin vào Chúa và cũng thiếu tình mến yêu Người.
3. Tin vào Chúa để được cứu độ.
Như thế, thái độ thành tâm sám hối là thái độ khiêm hạ, làm rỗng lòng mình để có thể đón nhận tràn đầy sức sống của Chúa Kitô. Thái độ sám hối là bước khởi đầu để có thể thấy được sự cần thiết của Chúa Giêsu trong cuộc đời mình và trải lòng mình ra để tin nhận Chúa Giêsu. Có sám hối chân thành, người ta mới có khả năng đón nhận Chúa Giêsu, tin Chúa Giêsu và yêu mến Người.
Chúa Giêsu là Đấng Cứu độ duy nhất. Không ai đến được với Chúa Cha nếu không đến với Chúa Giêsu (x. Ga 14,6) và không nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu. Vì thế, hành vi tin nhận Chúa Giêsu là yếu tố cần thiết để được cứu độ. Đức tin ấy không chỉ là chấp nhận những chân lý được Chúa Giêsu mạc khải nhưng còn dấn thân và phó trọn cuộc đời mình cho Người. Vì thế, đối tượng của đức tin đó chính là Chúa Giêsu chứ không phải thực hành theo lề luật. Bởi lẽ, mọi lề luật đều dẫn mỗi người đến đích điểm là tin nhận Chúa Giêsu và nhờ Chúa Giêsu mà đến cùng Chúa Cha.
Nhờ sự tin nhận Chúa Giêsu, mỗi người mới sẵn sàng sống những điều Chúa Giêsu đã dạy. Nhờ sống những điều Chúa Giêsu đã dạy, mỗi người được ngày càng biến đổi và hy vọng nhận được ơn cứu độ mà chính Chúa Giêsu đã phải trả giá rất đắt là máu châu báu của Người.
Cầu chúc mọi người nhờ lời Chúa hôm nay tác động sẽ trở thành những người biết thành tâm sám hối tội lỗi mình và tin tưởng vào Chúa và nhờ đó chúng ta được hy vọng nhận được ơn cứu độ mà Chúa đã hứa ban cho những ai thành tâm kiếm tìm và trung tín với Người đến cùng.
Linh mục Vinhsơn Trần Minh Hòa.