Trong cuốn sách “Nơi giấu ẩn những tấm lòng”, được Nhà Xuất Bản Trẻ xuất bản năm 2004, có câu chuyện thật cảm động :
Một cô gái vừa tốt nghiệp phổ thông trung học ở nông thôn, vì gia đình nghèo nên cô lên thành phố để kiếm việc làm, nhưng chẳng may bị lợi dụng, bị lường gạt, cô trở thành một gái điếm bất đắc dĩ. Đến một ngày cô quyết định từ bỏ con đường tội lỗi, và trong lúc lang thang không biết đi về đâu để làm lại cuộc đời, tình cờ gặp một sinh viên tốt, anh ta đã giúp cô có được việc làm ở một xí nghiệp. Sau 3 năm, tình cảm ngày càng đậm đà thắm thiết, và dù anh đã biết rõ quá khứ không hay của cô, nhất là bị cha anh (một giáo viên về hưu) không chấp nhận, nhưng anh vẫn muốn tiến tới hôn nhân. Về phần cô, dù yêu, nhưng lòng tự trọng cô nhất quyết từ chối, một lần cô đã nói : “Tôi không xứng đáng với tình yêu cao thượng của anh, bởi tôi đã từng là gái điếm“. Cuối cùng tình yêu đã thắng, hai người kết hôn với nhau trong sự chối từ của gia đình anh, em gái anh đã đến chửi rủa và đánh đập cô. Đám cưới chỉ có vài ba người bạn đến tham dự.
Hai năm sau khi cưới, họ có được đứa con trai đầu lòng, nhưng cũng chẳng thay đổi được thái độ của gia đình chồng. Ngày giỗ, cô về thắp hương, anh em chồng nhổ hương vứt ra sân, em gái chồng nhổ nước bọt vào mặt cô. Một thời gian sau, bố chồng bị tai nạn và nằm liệt giường suốt 6 năm. Việc chăm sóc ông được phân chia giữa các anh em, chính vì thế mà anh em trở nên bất hoà, thường cãi chửi nhau và rủa ông làm khổ con cái, cuối cùng các anh em bỏ bê, chẳng ai chăm sóc, chỉ còn mình cô. Những ngày đầu, khi cô chăm sóc, ông xua tay đuổi đi, cô chỉ biết khóc, cô lặng lẽ chăm sóc ông với tất cả tấm lòng của một đứa con dâu, dù bị ông và gia đình hất hủi. Càng mang ơn và càng yêu chồng, cô càng chăm sóc thật chu đáo. Cô tâm sự : “Ngày tháng cứ thế trôi đi, cho đến một ngày bố chồng tôi nhìn tôi khóc và ông nói cám ơn tôi. Ông vừa nhìn tôi vừa nói, nước mắt lăn dài trên má. Tôi ngồi bên giường ông khóc mãi như một đứa con tội lỗi được tha thứ sau bao nhiêu năm chờ đợi ”.
Trước khi ông mất, ông tụ họp con cái, họ hàng đến để làm chứng cho di chúc thừa kế tài sản ngôi nhà cho vợ chồng cô. Anh em phản đối kịch liệt và nói tại sao ông lại để ngôi nhà cho một con điếm. Nghe vậy, ông như chết lặng, mãi sau ông mới nói được : “Nếu nó là một con điếm thì là một con điếm có lòng nhân ái, còn chúng mày là những con người vô lương tâm”.
Sau ngày ông mât, cô đã nói với anh chị em chồng : “Tôi không nhận ngôi nhà, tôi xin trả lại, vì tôi đã nhận được một tài sản vô vàn quí báu mà chồng tôi và bố chồng tôi đã dành cho tôi. Đó là lòng tin và tình yêu “.
Tin vào tình yêu
Trong Tin Mừng hôm nay, người phụ nữ là một người tội lỗi công khai. Cô ta chỉ biết tin vào tình yêu của mình dành cho Chúa, nên mới can đảm vượt qua những mặc cảm, những luật lệ, những khinh chê của người chung quanh, để đến ngồi bên chân Chúa và khóc lóc cho tâm tình ăn năn sám hối. Theo tập tục người Do Thái, phụ nữ thường đeo một chai dầu thơm nhỏ, nguyên chất, đắt tiền ở trên cổ, thế mà cô đã đổ bình dầu đó trên chân Chúa, như là một lễ vật của lòng yêu mến. Vượt qua sự cấm đoán, người phụ nữ xõa tóc nơi công cộng để giữ phẩm hạnh, tình yêu giúp cô liều mình lấy tóc lau chân cho Chúa.
Chúa Giêsu đã làm nổi bật tình yêu của người phụ nữ khi kể lại những chi tiết thiếu tình yêu của Simon đối với Người. Ông đã bỏ qua truyền thống đưa nước rửa chân cho Chúa, đã không hôn kính để đón vị khách đến nhà, không đem dầu thơm xức cho khách quí. Chúa Giêsu kết luận : “Ai yêu nhiều thì đươc tha nhiều, ai yêu ít thì được tha ít”.
Cuộc đời con người như là một giòng sông chẳng bao giờ ngừng chảy, ai lại không có một quá khứ, dù đau khổ hay hạnh phúc, ta vẫn dễ dàng khám phá ra bàn tay yêu thương của Chúa luôn dẫn dắt mỗi người chúng ta trong từng ngày, từng chặng đường của cuộc sống, ai lại không cảm nhận được hơn một lần, nếu không có Chúa nâng đỡ, thì con đường theo Chúa đã lạc lối mất rồi.
Tha thứ, khuôn mặt của tình yêu
Tình yêu của Thiên Chúa đã thắng tội ác của con người. Vua Đavid, một anh hùng của dân tộc Do Thái trong thời Cựu Ước, được nhiều người kính nể, thế mà ông đã coi thường lề luật Thiên Chúa, tội ông phạm quá lớn, nhưng khi tiên tri Nathan chỉ cho ông biết tội tầy trời đó, ông đã thật lòng ăn năn sám hối và được Chúa xót thương. Tình yêu và sự tha thứ của Chúa, chắc chắn chẳng bao giờ ông quên được, để rồi ngày tháng qua đi, khi đứa con ông phản lại ông, Apsalom chống lại ông, xúc phạm nặng tới ông, ông vẫn một mực yêu thương, nhất là khi Apsalom chết, ông đã khóc với sự tiếc thương thảm thiết : “Apsalom con ơi, phải chi cha chết thay cho con”. Ông đã sống tình yêu đó suốt cuộc đời.
Tình yêu của Thiên Chúa vượt trên mọi lý lẽ tự nhiên, “Thiên Chúa yêu thương chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân“. Cuộc sống chúng ta được đan kết bằng những vô tâm, phản bội, xúc phạm đến Chúa rất nhiều, dù có ăn năn sám hối suốt đời thì cũng chẳng xứng đáng với biết bao ơn lành Chúa đã ban cho ta, chẳng có gì có thể cân bằng với “giá máu” đã đổ ra trên Thập giá. Một tình yêu nhưng không, tình yêu cho đi, tình yêu của sự tha thứ : “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm“ (Lc 23, 34). Vì thế, chẳng thể nào nhân loại được hoà giải với Thiên Chúa, nếu không có cái chết đau thương của Chúa Giêsu trên đồi Calvê.
Làm sao để cảm nhận tình yêu Chúa
Khi đọc lại những trang Tin Mừng, ta luôn bắt gặp hình ảnh Thiên Chúa như là một người Cha nhân từ độ lượng “chậm bất bình và rất mực khoan dung“, một người Cha luôn nhẫn nại để trông chờ đứa con hoang trở về. Thử nhìn lại những tháng ngày đã qua trong đời, nhất là những lúc ta gặp thất bại, hay những hoàn cảnh bi đát, ta sẽ thấy được những lúc đó chẳng có ai có thể chia sẻ những đau thương cho ta được, ngoại trừ chính Chúa. Nhờ những thử thách đó, ta mới lớn lên trong niềm cậy trông kiên vững, cần có thất bại để tích luỹ những kinh nghiệm quí báu cho sự trưởng thành đức tin. Chúng ta có thể không yêu Chúa, nhưng Thiên Chúa thì mãi mãi vẫn trung thành trong tình yêu đối với chúng ta.
Trong thế giới hôm nay, vì người ta đang tự mãn nên có nguy cơ làm tê liệt tình yêu đối với Chúa và đối với tha nhân. Chúng ta được mời gọi “nhận biết và tin vào Tình yêu Thiên Chúa“ (1 Ga 4, 16). Làm sao để tâm hồn đang nguội lạnh của ta được sưởi ấm bằng tình yêu của Chúa Giêsu, để con tim chúng ta rung lên những nhịp đập yêu thương tha nhân, bởi lẽ, một khi ta càng yêu mến Chúa bao nhiêu, thì ta càng yêu thương và phục vụ tha nhân bấy nhiêu.
Trích Logos năm C