1. Chúa Giêsu trao ban chính mình cho con người.
Thiên Chúa là tình yêu (x 1Ga 4,8) và Chúa Giêsu là hình ảnh sống động, tỏ tường và tròn đầy của tình yêu Thiên Chúa. Tất cả lời nói và việc làm của Chúa Giêsu đều tỏ bày ý của Chúa Cha và trao ban tình yêu cho con người. Tin mừng theo thánh Luca ghi nhận về hành vi yêu thương của Chúa Giêsu. Người quan tâm đến đời sống thiêng liêng cho dân chúng qua hành vi tiếp đón và nói với họ về Nước Thiên Chúa (x. Lc 9,11). Người cũng quan tâm đến đời sống thể lý của họ. Người đã chữa lành những ai cần được chữa (x. Lc 9,11). Sau một ngày rao giảng Tin Mừng cứu độ và chữa lành bệnh tật cho dân chúng, Người muốn trao ban cho dân chúng một bữa ăn no nê nên đã đề nghị với các tông đồ: “Chính anh em hãy cho họ ăn.” (Lc 9,13). Các tông đồ không thể lo cho dân chúng ăn với chỉ vọn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá nhưng với tình yêu và quyền năng cao vời, Chúa Giêsu đã trao ban cho họ một bữa ăn no mà vẫn còn dư mười hai thúng bánh vụn.
Phép lạ hóa bánh ra nhiều như lời tiên báo về hành vi trao ban đến cùng của Chúa Giêsu cho nhân loại. Đó là Người sẽ hiến tế chính mình trên thập giá cho nhân loại và nối tiếp hành vi trao hiến đó ngang qua việc lập bí tích Thánh Thể để nuôi sống Giáo hội. Lời Chúa trong thư thánh Phaolô cho biết, Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể ngay trong đêm bị nộp (x. 1Cr 11,23). Qua bí tích này, Chúa Giêsu tiếp tục ban Mình Máu Người làm lương thực cho đoàn dân mới là Giáo hội được no nê sự sống thần linh. Khi xưa, Chúa Giêsu nuôi dân chúng bằng năm chiếc bánh và hai con cá trong một ngày. Ngày nay, Chúa Giêsu nuôi Giáo Hội bằng chính Mình và Máu Thánh Người nơi bí tích Thánh Thể trong suốt cuộc lữ hành trần thế của Giáo hội. Qua đó, chúng ta nhận được tình yêu đến cùng và bền vững của Chúa Giêsu.
2. Tiếp nhận Thánh Thể, tiếp nhận tình yêu Thiên Chúa.
Bí tích Thánh Thể là tặng phẩm vô giá mà Chúa Giêsu đã trao hiến cho Giáo hội. Chúa Giêsu đã yêu nhân loại đến độ tự nguyện hiến mình trên thập giá và ban Mình và Máu Người nơi bí tích Thánh Thể để làm của ăn nuôi sống Giáo hội. Vì thế, thật phũ phàng biết bao khi Con Thiên Chúa hiến trao và ban tặng chính mình cho loài thụ tạo hưởng dùng mà bị họ khước từ hay thờ ơ lãnh đạm. Ngược lại, thật hạnh phúc cho Ngài làm sao, khi trao ban chính mình cho nhân loại mà được họ tiếp nhận nồng hậu. Do đó, ai lãnh nhận Thánh Thể với một thái độ thành tâm và yêu mến, với một tâm hồn đã được chuẩn bị chu đáo là họ đang tiếp nhận tình yêu nhưng không của Thiên Chúa.
Lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côrintô đã nhấn mạnh đến hành vi tiếp nhận Thánh Thể này: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em” (1 Cr 11, 24). Chúa đã trao hiến mình nơi Thánh Thể và mời gọi chúng ta lãnh nhận sự trao hiến đó để biểu lộ lòng yêu mến Chúa và để tưởng nhớ đến Người. Thánh Thể trở nên dấu chỉ tình yêu giữa Thiên Chúa và con người. Có một sự trao đổi kỳ diệu nơi bí tích Thánh Thể, Con Thiên Chúa trao ban chính mình và khi lãnh nhận Thánh Thể, con người được trở nên một với Ba Ngôi Thiên Chúa nhờ chính Mình Máu Chúa Kitô. Vì thế, Thánh Thể là dấu chỉ tình yêu đến cùng của Thiên Chúa dành cho con người và là ân ban vô giá của Thiên Chúa tình yêu.
3. Trở nên tấm bánh tình yêu cho đời.
Tình yêu đáp đền tình yêu, ân tình đền đáp ân tình. Đó là quy luật của một tình yêu đích thực. Nhận được tình yêu nhưng không của Thiên Chúa nơi bí tích Thánh Thể, mỗi người được mời gọi trở nên chứng nhân của tình yêu. Như Chúa Giêsu đã hiến trao thân mình làm Bánh Trường Sinh nuôi sống Giáo hội, mỗi người cũng được mời gọi trở nên tấm bánh thơm ngon cho đời hưởng dùng.
Trở nên tấm bánh thơm ngon cho đời là trở nên tấm bánh biết bẻ ra để trao hiến cho Chúa và cho tha nhân. Tấm bánh được bẻ ra là tấm bánh quên mình, sẵn sàng hy sinh vì Chúa và vì phần rỗi của tha nhân. Hình ảnh của tổ phụ Ápraham là hình ảnh rất đẹp đáng được mỗi người noi theo. Tổ phụ Ápraham đã nhận nhưng không lời chúc phúc của tư tế tối cao Menkixêđê, ông đã dâng lại cho ông Mekixêđê một phần mười tất cả chiến lợi phẩm (x St 14,20). Mỗi người chúng ta nhận nhưng không hồng ân Thánh Thể, chúng ta cũng được mời gọi dâng lên Chúa một phần những thành quả lao công vất vả của mình để làm của lễ dâng lên Chúa và chia cơm sẻ áo cho những ai còn khó khăn thiếu thốn.
Trở nên tấm bánh thơm ngon cho đời cũng là trở nên chứng nhân Tin Mừng cho Chúa Kitô chịu khổ nạn. Bởi lẽ, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là chúng ta loan truyền Chúa đã chịu chết (x.1 Cr 11,26). Hành vi loan truyền Chúa Giêsu chịu đóng đinh không chỉ bó gọn trong bốn bức tường nhà thờ ngang qua hành động rước Thánh Thể nhưng còn được mời gọi tung bước chân loan báo Tin Mừng. Đó là làm cho anh em lương dân biết Chúa Giêsu, yêu mến Chúa Giêsu và có cơ hội đón nhận hồng ân Thánh Thể.
Cầu chúc mỗi người luôn được hạnh phúc và bình an đích thực khi tham dự Thánh Lễ và rước Chúa mỗi ngày, đồng thời biết loan truyền tin vui Thánh Thể cho nhưng ai chưa biết Chúa, để mọi người đều nhận được Thánh Thể tình yêu mà chính Thiên Chúa đã hiến trao cho chúng ta.
Linh mục Vinhsơn Trần Minh Hòa.