THẦN KHÍ SỰ THẬT
1. “Ta còn lắm điều phải nói với các ngươi”. Các nhà chú giải đã phải khổ vì mấy chữ trong 15,15 theo đó thì Chúa Giêsu đã nói tất cả cho các tông đồ. Chắc chắn Ngài đã nói hết cho họ vì Ngài là mạc khải hoàn hảo của Cha và không còn gì mới để Chúa Thánh Thần mạc khải thêm; vì thế đừng đợi chờ một mạc khải nào khác. Tất cả đã được Chúa Kitô mang đến vì Ngài là “lời” (1,1.14), là “sự cắt nghĩa” Chúa Cha (1,18). Không còn chữ nào có thể thêm vào Lời đó, không còn có thể sửa chữa được điều gì. Nhưng có thể quảng diễn ra dài hơn, trở lại những điều Ngài đã nói để thấu hiểu tường tận (thánh Gioan đã dùng phương pháp khai triển kiểu vòng ốc này) (x.14,16.26). Nếu Đức Kitô xét rằng nói hết bây giờ cho các tông đồ cũng đều vô ích, mặc dầu họ có nhiều thiện chí, là vì chỉ Thánh thần mới có thể biến họ đủ khả năng quán triệt mạc khải của Thiên Chúa bằng cách làm cho họ biết đón nhận “những điều thần thiêng (1Cr 2,13); như trẻ sơ sinh trong 1Cr 3,1, họ chưa có thể ăn uống gì ngoài sữa.
2. Thần khí “sự thật” đến khi mạc khải kết thúc, sẽ hoàn toàn đưa họ vào tận nguồn chân lý. Ngài sẽ hướng dẫn họ khám phá toàn bộ chân lý và chân lý sẽ là con đường sống đối với họ, là qui tắc nội tâm cho cuộc đời của họ (Tv 25,5.9; 143,10; Kn 9,11; 10,17). Mặc dầu Chúa đã truyền đạt tất cả những điều bí nhiệm cho (15,15), họ vẫn chưa thể hiểu hết được. Để thấu hiểu, họ cần có một phương pháp thích hợp mà khoa sư phạm của Thánh Thần sẽ mang đến. Thánh Thần không phải là thày dạy nhưng là một người lặp lại và giải thích lời giáo huấn của thày thôi. Ngài không tự quyền nói, cũng như Chúa Giêsu cũng như Chúa Giêsu không nói tự quyền mình (Ga 3,32; 7,16-17; 8,26-28.40,12,14,10; 15,15) nhưng chỉ mạc khải Chúa Cha để tôn vinh danh Người (Ga 12,28; 14,13; 15,8; 17,4-6) Vì thế Thánh Thần không có giáo thuyết riêng. Ngài chỉ đến khơi lại và giúp cho hiểu được mạc khải của Cha được Con (14,26).
Khoa sư phạm của Thánh Thần còn có một mục đích khác; soi sáng những biến cố sẽ xảy ra. Vì thấu hiểu mạc khải của Đức Kitô sẽ không ích gì nếu không biết áp dụng vào các hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống. Nhờ ánh sáng của Ngài, môn đệ có khả năng nhận thức họ phải cư xử thế nào cho phù hợp với các hoàn cảnh khác nhau sẽ xảy đến, để điều chỉnh lối sống của họ theo nhân sinh quan và vũ trụ quan Kitô giáo. Người Kitô hữu nhìn mọi sự khác cái nhìn của lương dân vì họ giải thích tất cả bắt nguồn từ biến cố luôn hiện thực của Đức Kitô. Sự chết, sự phục sinh và lên trời của Ngài không phải chỉ là những sự kiện quá khứ đã xong xuôi chẳng còn âm hưởng gì đến thời hiện tại. Các hành vi cứu thế của Đức Kitô vẫn kéo dài từ thời gian này qua thời gian nọ, trong công việc tầm thường hàng ngày cũng như trong những biến động của lịch sử. Gán cho lịch sữ mộ ý nghĩa Kitô giáo, giúp khám phá ra những dấu vết của chương trình Thiên Chúa trong tất cả sự kiện đó (“vì tôi đã không e ngại mà dấu giếm đi, để không loan báo cho anh em biết ý định của Thiên Chúa”)(Cv 20,27), chiếu ánh sáng sống động của mạc khải trên mọi biến cố, vào mọi thời đại: đó là sứ mệnh của Thánh thần nơi các môn đệ. Như vậy, Ngài không có tiên báo chi tiết về tương lai cũng như không tường thuật những biến cố làm đề tài của niên sử. Dưới con mắt của Ngài, điều thiết yếu không phải là chỗ đó, nhưng là chiều hướng diễn tiến của kế hoạch cứu rỗi.
Tuy nhiên, Thánh Thần sẽ biến tất cả Kitô hữu thành những ngôn sứ. Giống như các ngôn sứ CƯ, bổn phận chủ yếu của họ không phải là tiên báo, nhưng là khám phá ý định Thiên Chúa trong biến cố hiện đại, “đọc các thời triệu”, nhận biết chiều kích riêng của Thiên Chúa đằng sau những biến cố đó. Tất cả mọi biến cố của thế giới, xảy ra từ ngày Chúa Giêsu hiển vinh, đều thuộc về thời cánh chung, cho nên việc thấu hiểu trật tự mới, mà người đàn bà Samarotanô trông đợi nơi đấng Messia (4,25), chỉ có Thánh Thần thông ban mà thôi. Tác giả sách khải huyền đã thử nói tiên tri theo kiểu này.
Vì thế Thánh Thần không mang lại một mạc khải mới, nhưng chỉ liên tục giải thích mạc khải của Đức Kitô để không ngừng soi chiếu các biến cố của thời đại. Thánh Thần liên tục tham chiếu mạc khải của Đức Kitô. Ngài đón nhận tất cả từ Đức Kitô, cũng như Đức Kitô đã đón nhận mọi sự từ Cha. Có một tiếp nối hoàn hảo giũa mạc khải trong Đức Kitô và sự thông hiểu nhờ Thánh Thần. Cả hai đều bắt nguồn từ Cha.
Nhưng tất cả những cái đó không cấm giáo hội, dưới ảnh hưởng của Thánh Thần, giải thích không ngừng nội dung mạc khải do Đức Kitô mang đến, phát sinh cái mà các nhà khoa học gọi là “sự tiến triển các tín điều”. Công đồng Vaticanô II đã dạy: “Thánh truyền do các tông đồ truyền lại được tiến triển trong Giáo hội dưới sự trợ giúp của Thánh Thần. Thật vậy, các sự việc và các lời nói truyền lại được hiểu biết thấu đáo hơn nhờ sự chiêm ngắm và học hỏi của các tín hữu, những người đã ghi nhận những điều đó lòng (Lc 2,19 và 51); nhờ sự thông hiểu những điều thiêng liêng họ cảm nghiệm được, hoặc nhờ việc giảng dạy của những người lãnh nhận một đoàn sủng chắc chắn về chân lý, do việc kế vị trong chức giám mục. Nói cách khác, qua bao thế kỷ Giáo hội luôn hướng tới sự viên mãn của chân lý Thiên Chúa cho đến khi lời Chúa được hoàn tất nơi chính Giáo hội (hiến chế mạc khải của Thiên Chúa, số 8).
KẾT LUẬN
1. Trước khi tiếp tục mùa quanh năm (là mùa sẽ kết thúc năm phụng vụ bằng lễ Chúa Kitô Vua). Hôm nay Giáo hội muốn chúng ta thưởng thức mạc khải chính yếu do Đức Kitô mang đến. Qua tất cả những biến cố cuộc đời Ngài mà chúng ta đã cùng nhau sống lại suốt năm phụng vụ này Chúa Giêsu đã dần dần cho chúng ta nhận biết một cách cụ thể mối giây liên lạc giữa Ngài với Cha và Thánh Thần. Chính qua Ngài, chúng ta từ từ tiến sâu vào mạc khải của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã tỏ mình ra không như là một hữu thể trừu tượng, một kiến trúc của trí tuệ, hay còn tệ hơn nữa như một người xa lạ. Trong Đức Kitô, người trở nên một người trong chúng ta để chúng ta dễ nhận biết Ngài: “Ai thấy Ta là thấy Cha”, Chúa Giêsu đã nói với Philipphê như vậy.
2. Trong lời Chúa nghe hôm nay, chúng ta hãy thử tìm hiểu xem Chúa Giêsu nói thế nào về Cha và Thánh Thần, Chúa đã tự mạc khải thế nào cho ta. Đầu tiên, Chúa Giêsu nói đến Cha và Thánh Thần như những ngôi vị riêng biệt khác với chính Ngài. Trong phúc âm chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Khi Ngài đến, vì là Thần khí sự thật…”. Chúa Giêsu nói đến Ngài như một ngôi vị thật sự mà người ta đợi chờ, như một Đấng sẽ đến và sẽ hoàn tất một sứ mệnh rõ ràng và lạ thường.
Chúng ta nhớ lại là đã cùng nhau đọc và suy niệm một vài đoạn trong diễn từ sau Tiệc ly trong các Chúa nhật mùa Phục sinh; trong các đoạn đó, Chúa Giêsu thường nói về Cha và Thánh Thần; chính nơi Cha mà Con qui chiếu mọi dự định của mình và nhận lấy Lời để loan truyền. Con công chính hóa loài người, ban cho họ sự bình an và uỷ cho họ quyền hòa giải. Thánh Thần dẫn đưa những ai đón nhận Con đi đến chân lý.
3. Chính khi nói về các Đấng đó như những ngôi vị tách biệt, Chúa Giêsu cũng nói đến Cha và Thánh Thần như hiệp nhất với Ngài. Ngài cho thấy các đấng đã hiệp nhất với nhau đến nỗi Đấng này sẽ không làm gì nếu không có đấng kia. Trong bài phúc âm hôm nay cũng thấy nói đến sự hiệp nhất Chúa Cha, Con và Thánh Thần. Thánh Thần chỉ lặp lại giáo huấn của Chúa Giêsu hay khi dạy là Ngài dạy về Chúa Giêsu. Mọi điều Đức Kitô biết và có được đều bắt nguồn từ Cha. Hơn nữa, tất cả những gì Cha biết và có thì Người đã ban cho Đức Kitô đến nỗi mỗi ngôi đều có cái mà ngôi kia có và đồng thời không chiếm hữu một điều gì riêng cho mình. Khi nói đến Cha và Thánh Thần, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy các đấng vừa khác biệt vừa đồng nhất, vừa tách rời vừa hiệp nhất, khi các đấng hành động thì là ba, và đồng thời cũng chỉ có một hiện diện.
4. Khi nói cho chúng ta biết về chính Ngài và về mối tương giao của Ngài với Cha và Thánh Thần, Chúa Giêsu tỏ bí mật tình yêu cho chúng ta, Ngài thỏa mãn những gì mà chúng ta ao ước tự thâm tâm nhưng cảm thấy không thể nào đạt được.
Một đàng, sự phân biệt các ngôi vị cho thấy sự phân biệt tự trị trọn vẹn của mỗi ngôi. Cho nên có một sự kính trọng tuyệt đối và không có sự lệ thuộc hay thống trị lẫn nhau. Thật vậy ai mà không ước mơ được sự giải thoát khỏi uy lực của kẻ khác? Vì đó chính là điều kiện căn bản để ngôi vị được tự trị và độc lập trọn vẹn.
Đàng khác, có sự thông hiệp hoàn toàn của Ba Ngôi với nhau trong mối hiệp nhất. Các đấng không bao giờ làm việc gì mà không có nhau; các Ngài luôn cùng nhau hành động; điều gì ngôi này có thì ngôi kia cũng có; ngôi này là gì thì ngôi kia cũng vậy. Ai mà không ước mơ sự thông hiệp hoàn toàn với người khác, sự hiệp nhất khắn khít đến nỗi không còn ranh giới, đến nỗi thông giao với nhau một cách trọn vẹn, đơn sơ, chân thành. Ở đây chúng ta bắt gặp lại từ ngữ nổi tiếng của thánh Gioan, một từ ngữ mà chưa bao giờ có ai tát cạn ý nghĩa phong phú: “Thiên Chúa là tình yêu”. không phải là Thiên Chúa có tình yêu như có ánh sáng, quyền năng hay sự sống. Không! Ngài là tình yêu. Tình yêu là bản chất của Ngài.
5. Chính giữa lòng cuộc sống hàng ngày và trong mối tương giao với người khác, chúng ta sẽ dần dần bắt chước tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ học cách yêu thương dưới ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Hãy cầu xin Chúa mạc khải cho chúng ta có lòng ước muốn tình yêu đó. Như vậy sự hiểu biết Thiên Chúa sẽ làm tâm hồn ta luôn tràn ngập bình an và hân hoan vui sướng.