1. Chúa đã về trời, một biến cố lịch sử.
Chúa Giêsu phục sinh đã về trời. Biến cố Chúa Giêsu lên trời không phải cho tất cả mọi người chứng kiến nhưng cho một số người. Đây là một biến cố lịch sử đã được Tin mừng theo thánh Luca thuật lại như một thước phim quay chậm với các tình tiết cụ thể và sinh động. Đầu tiên, Chúa Giêsu phục sinh đã hiện ra với các Tông đồ. Tiếp đến, Người giải thích Kinh Thánh cho các Tông đồ hiểu về mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của chính Người. Biến cố Chúa chịu khổ nạn không phải là tai nạn bất ngờ nhưng là kế hoạch cứu độ nhiệm mầu của Thiên Chúa. Sau khi dạy dỗ cho các Tông đồ xong, Người đã dắt các ông tới một địa điểm địa lý cụ thể, đó là một nơi gần Bê-ta-ni-a. Tại vị trí địa lý này, Chúa Giêsu giơ tay chúc lành cho các ông như là một cử chỉ chia tay, ban phúc lành và hẹn gặp lại. Và đang khi chúc lành, Người rời khỏi các ông và được đem lên trời.
Song song với trình thuật trong Tin Mừng, thánh Luca trình bày biến cố Chúa Giêsu lên trời trong sách Công vụ. Sau nhiều lần hiện ra dạy dỗ các Tông đồ, trong lần hiện ra cuối cùng với các ông, Chúa Giêsu lên trời trước mắt các ông và có đám mây bao phủ. Đồng thời, khi các ông đang ngất ngây trước một biến cố vĩ đại, hai người mặc áo trắng đã loan báo ngày Chúa lại đến: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.”(Cv 1,11)
2. Chúa Giêsu về trời, niềm vui cho mỗi người chúng ta.
Chia tay trong biến cố về trời của Thầy, các Tông đồ không buồn nhưng trái lại rất vui mừng. Tin mừng Luca thuật lại niềm vui của các Tông đồ qua các động thái: “Các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa (Lc 24, 53). Sách công vụ còn diễn tả niềm vui của các ông qua thái độ các đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi” (x. Cv 1,10). Các ông mừng vui vì bởi đã nhìn thấy Chúa Giêsu phục sinh và thấy Chúa Giêsu về cùng Chúa Cha trong vinh quang. Biến cố Chúa về trời mở ra cho các ông một con đường hạnh phúc, con đường hiệp thông với Chúa Cha. Các tông đồ xác tín rằng: con đường khổ giá của Chúa Giêsu đi không phải là một ngõ cụt nhưng là con đường hướng tới phục sinh vinh hiển và đến cùng Chúa Cha. Vì thế, biến cố Chúa Giêsu mở ra cho các tông đồ và người tín hữu hy vọng cứu độ. Đường theo Chúa Chúa Giêsu không phải là con đường bế tắc nhưng là con đường dẫn đến một kết thúc có hậu. Điểm tới chính là sự hiệp thông với Chúa Cha trong Chúa Giêsu nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.
Chúa Giêsu đã về trời, nghĩa là Người đã về cùng Chúa Cha và Người không còn hiện ra trong thân xác phục sinh để dạy dỗ và yên ủi các tông đồ cách trực tiếp nữa. Điều này cho thấy các tông đồ cũng như mỗi kitô hữu đã trưởng thành hơn trong đức tin và có thể đảm nhận sứ vụ truyền giáo mà Chúa Giêsu trao phó. Như thế, Chúa Giêsu về trời sẽ là cơ hội thuận lợi để các tông đồ cũng như chúng ta minh chứng đức tin của mình và thi hành sứ vụ truyền giáo.
Cuối cùng, nhờ biến cố Chúa Giêsu về trời, các tông đồ và mỗi tín hữu Kitô mới có thể lãnh nhận được món quà vô giá. Món quà đó không phải là vàng bạc châu báu chóng qua nhưng là một Đấng. Đấng ấy được chính Chúa Giêsu giới thiệu: “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống(x Lc 24, 49). Quyền năng từ trời ban xuống đó từ đâu. sách công vụ cho biết: Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em (x Cv 1,8).
3. Sống niềm vui Chúa về Trời.
Niềm vui thấy Chúa về trời, tin Chúa đã về trời luôn đưa đến một hệ quả tất yếu. Các tông đồ thấy Chúa Giêsu về trời nên đã được biến đổi. Các ông đã tin nhận Chúa Giêsu qua hành vi bái lạy Người. Các ông thay đổi trạng thái từ lo sợ chuyển sang lòng đầy hoan hỷ và nhất là hằng trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa (x Lc 24,53).
Mặt khác, niềm vui thấy Chúa về trời cũng cần biểu lộ qua đời sống truyền giáo. Các tông đồ được nhắc nhở không thể đứng mãi ngất ngây qua hành vi đăm đăm nhìn Chúa về trời nhưng là chuẩn bị và giúp người khác sống tốt để đón chờ Chúa Giêsu lại đến trong vinh quang. Các tông đồ đã được Chúa Giêsu mời gọi ra đi làm chứng cho Chúa sau khi nhận được hồng ân Thánh Thần: “Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).
Phần các tín hữu kitô là những người tin vào Chúa Giêsu đã phục sinh và đã về trời cùng Chúa Cha. Chúng ta sẽ làm gì, để sống niềm tin Chúa đã về trời? Giữa những bon chen tìm danh lợi thú ở trần gian và mưu tìm hạnh phúc nước trời ta chọn điều gì? Giữa những thu tích của cải chóng qua và chia sẻ bác ái để thu tích kho tàng trên trời, ta chọn điều chi? Trong tất cả những chọn lựa trong cuộc sống lữ hành này, ước mong mỗi kitô hữu luôn nhớ rằng: Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta (Pl 3,20).
Linh mục Vinhsơn Trần Minh Hòa.