Ngày 28/01/1986, tại Hoa Kỳ có một sự kiện lớn lao : Phi thuyền không gian mang tên Challenger (Người Thách Thức) được phóng vào vũ trụ. Trong số 7 phi hành gia có một nhân vật đặc biệt là cô Christa M. Aulife, cô giáo viên đầu tiên bay vào vũ trụ. Cô là người duy nhất được tuyển chọn trong số 114 ứng cử viên quần chúng được bay vào không gian.
Thật là một vinh dự lớn lao cho chính bản thân và gia đình cô Christa. Trước ngày bước vào phi thuyền, từ trung tâm Nasa, cô Christa gọi điện thoại cho mẹ, giọng cô nghẹn đi vì vui mừng và hồi hộp : “Mẹ ơi, ngày mai con bay lên trời”.
Ngày hôm sau, tại trung tâm phóng phi thuyền, trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên và trước ống kính truyền hình trực tiếp của các đài truyền hình Hoa Kỳ, dĩ nhiên có cả sự hiện hiện của gia đình, cô Christa hãnh diện nhìn chiếc phi thuyền sắp mang cô bay lên không trung.
Tiếng đếm vang lên từ trung tâm : …4,3,2,1,zero… một tiếng nổ lớn vang lên, chiếc phi thuyền phóng thẳng lên trời.
Nhưng chỉ vài giây sau đó, một sự kiện kinh hoàng đầy bất ngờ đã xảy ra, bất ngờ đến nỗi người ta không tin vào mắt mình : chiếc phi thuyền nổ tung ! Một sự im lặng chết chóc bao trùm toàn thể nước Mỹ. Bà mẹ cô Christa ngã xuống bất tỉnh…
Chiếc phi thuyền mang tên “Người Thách Thức” đã nổ tan tành vì trục trặc kỹ thuật và 7 phi hành gia đều tử nạn, đã gây ra một chấn động dữ dội trên thế giới. Điều đáng nói là giấc mơ “bay lên trời” của cô Christa đã vỡ tan cùng với chiếc phi thuyền và cái chết bi thảm của cô.
Cách đây hơn 2000 năm, một sự kiện lớn lao cũng đã xảy ra mà bài trích sách Tông Đồ Công Vụ và bài kết thúc Tin Mừng theo thánh Luca thuật lại : Chúa Giêsu “lên trời” trước mắt các môn đệ.
Chúa Giêsu lên trời có ý nghĩa gì ?
Năm 1957 Liên Xô (cũ) đã phóng chiếc phi thuyền đầu tiên mang tên Spounik lên không gian. Khi trở về trái đất, phi hành gia Gagarine đã tuyên bố : “Tôi đã bay một vòng trong không gian, nhưng không nhìn thấy Thiên Chúa đâu cả”.
Cũng như ông Gagarine, chúng ta không thể nhìn thấy Thiên Chúa bằng đôi mắt của thể xác, cũng không thể suy tư về mầu nhiệm “lên trời” bằng trí óc con người. Chúa Giêsu “lên trời” không có nghĩa là Ngài thoát khỏi sức hút trái đất để bay lên cao, đến một nơi nào đó trong không gian cao vời vợi. Nhưng Chúa Giêsu “lên trời” có nghĩa là Ngài được tôn vinh trong sự sung mãn của Thiên Chúa (Bài đọc 2). Chúa Giêsu “lên trời” có nghĩa là Ngài đi từ cuộc sống hữu hình nhưng giới hạn để đi vào cuộc sống vô hình nhưng vĩnh cửu của Thiên Chúa.
Vì thế, “trời” không phải là một nơi chốn, nhưng là một trạng thái : trong đó Ba Ngôi Thiên Chúa sống chan hòa yêu thương.
Như vậy, Chúa Giêsu “lên trời” nghĩa là Ngài không còn hiện diện “bằng xương bằng thịt” ở giữa các môn đệ, không còn ăn uống và chung sống với các ông. Nhưng sự vắng mặt thể lý không có nghĩa là Ngài biến mất và tiêu tan. Trái lại, qua mầu nhiệm Thăng Thiên, Chúa Giêsu hiện diện với chúng ta một cách mãnh liệt, tràn đầy và lâu dài hơn.
Chúa Giêsu hiện diện cách mãnh liệt hơn nhờ Chúa Thánh Thần. Trước khi từ giã các môn đệ, Chúa Giêsu đã hứa “các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con”. Sự hiện diện của Chúa được sự tiếp nối bằng sự hiện diện mới, sự hiện diện mãnh liệt của Chúa Thánh Thần, là Thần Chân Lý đến để dạy các môn đệ mọi điều và nhắc lại những gì Chúa đã nói. Nhờ vậy, các môn đệ can đảm và tràn đầy sức mạnh để làm chứng cho Tin Mừng.
Chúa Giêsu hiện diện cách tràn đầy và sống động hơn với nhiều “dung mạo mới”. Chúng ta vẫn gặp Ngài qua các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Ngài vẫn nói với chúng ta khi chúng ta đọc hay nghe lời Chúa. Ngài vẫn hiện diện nơi những chủ chăn trong Giáo Hội. Ngài vẫn hiện diện nơi những người anh em sống chung quanh, nhất là những người đau khổ và bất hạnh. Ngài vẫn có mặt trong cuộc đời chúng ta, tuy vô hình nhưng phong phú và đa dạng. Ngài hiện diện bằng sự hiện diện của mỗi người chúng ta. Ngài “vắng mặt” để “có mặt” cách trọn vẹn hơn.
Chúa Giêsu vẫn hiện diện cách lâu dài và liên tục. Chúa nói với các môn đệ : “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Đó chính là một sự bảo đảm và đầy an ủi đối với chúng ta, những kẻ lữ hành đang bước đi trên cuộc hành trình trần thế. Dẫu có gặp trăm nghìn thử thách cam go, chúng ta vẫn an lòng vì Chúa luôn hiện diện và đồng hành với chúng ta.
Như thế, mầu nhiệm “Chúa lên trời” không phải là một chấm dứt trong chia ly sầu khổ, nhưng là một khai mở trong niềm hy vọng. Thăng Thiên là cột mốc cho chặng đường mới của Giáo Hội : chặng đường chứng nhân. Mỗi ngày chúng ta được mời gọi để làm cho sự hiện diện của Thiên Chúa được toả sáng và sống động trong thế giới hôm nay. “Chúa lên trời” là động lực thúc đẩy chúng ta “Hãy đứng dậy ! Hãy bước đi”.
Hãy đứng dậy ! Hãy bước đi !
Vào thứ ba ngày 18/5/2004, cuốn sách tự thuật của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mang tựa đề “Hãy Đứng Dậy! Hãy Bước Đi” (Get up ! Let’s Go !) đã được phát hành để kỷ niệm sinh nhật thứ 84 của Đức Giáo Hoàng. Trong cuốn sách này, Đức Giáo Hoàng đã thuật lại những việc mục vụ trong cuộc đời giám mục cũng như các cuộc hành trình tông đồ của cuộc đời giáo hoàng.
Nhưng có điều đáng nói là ngài đã phát hành cuốn sách “Hãy đứng dậy ! Hãy bước đi !” vào giữa lúc ngài đang phải ngồi xe lăn vì tuổi già sức yếu. Nhưng dù phải ngồi xe lăn, ngài vẫn tiếp tục “đứng dậy và bước đi”, ngài vẫn là một Giáo Hoàng của những cuộc “Ra Khơi” : Ngài đang chuẩn bị lên đường sang thăm Thuỵ Sĩ và gặp gỡ giới trẻ Công giáo tại nước này. Ngài đã thực hiện nhiều chuyến tông du nhất so với các vị giáo hoàng tiền nhiệm, đã từng đi thăm hơn 600 thành phố trong 130 quốc gia.
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã căn dặn các môn đệ : “Các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất”. Cuốn sách tự thuật của Đức Giáo Hoàng và nhất là lời căn dặn của Chúa Giêsu thúc bách chúng ta “hãy đứng dậy và bước đi” làm chứng cho Tin Mừng. Chúng ta “hãy đứng dậy và bước đi” ra khỏi con người ích kỷ và lười biếng để đến gặp gỡ Chúa qua các bí tích, qua các Thánh lễ, qua việc lắng nghe và sống lời Chúa, qua những việc thăm viếng và giúp đỡ tha nhân. Từ “chứng bệnh bại liệt tâm hồn” tạo nên một cuộc sống đức tin thờ ơ nguội lạnh, chúng ta “hãy đứng dậy và bước đi” bằng đôi chân mạnh mẽ của người tông đồ. Chúng ta “hãy đứng dậy và bước đi” loan báo Tin Mừng trong Năm Thánh Truyền Giáo này bằng chứng tá của cuộc sống hằng ngày.
Trích Logos