SUY NIỆM CHÚA NHẬT V PHỤC SINH
BÍ QUYẾT ĐƯỢC HẠNH PHÚC: YÊU NHƯ CHÚA GIÊSU ĐÃ YÊU
1. Chúa Giêsu yêu thương nhân loại đến cùng.
Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa và Thiên Chúa là tình yêu (x. 1 Ga 4,7). Chúa Giêsu đến trần gian để cứu độ nhân loại. Người đã biểu lộ cách cụ thể, tròn đầy và nguyên vẹn tình yêu của Thiên Chúa.
Qua biến cố Nhập thể, Chúa Giêsu Kitô yêu nhân loại đến độ trút bỏ thân phận Thiên Chúa, nhận lấy thân tôi đòi, sống phận con người như chúng ta (x. Pl 2,6-7), ngoại trừ tội lỗi (x. Dt 4,15). Qua biến cố này, Con Thiên Chúa chấp nhận liên đới với con người tội lỗi. Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, không phụ thuộc vào không gian và thời gian thì giờ đây, qua biến cố Nhập thể, Chúa Giêsu Kitô đã đi vào lịch sử nhân loại. Qua biến cố nhập thể của Chúa Giêsu, con người tương quan với Thiên Chúa không chỉ là loài thụ tạo với Đấng Sáng Tạo nhưng còn có thể tương quan giữa Cha là Thiên Chúa và con là con người.
Vì yêu, Chúa Giêsu đã chấp nhận liên đới với con người tội lỗi. Để một khi hoàn tất cuộc đời Con Thiên Chúa nhập thể ở trần gian, Chúa Giêsu cho con người có quyền kết hiệp với thần tính Con Thiên Chúa của Người. Tình yêu nhập thể của Chúa Giêsu đã đưa đến một cuộc trao đổi kỳ diệu. Con Thiên Chúa làm người để con người có quyền làm con Thiên Chúa. Con Thiên Chúa chấp nhận kết hợp với nhân tính con người để con người có khả thể kết hợp với thần tính của Con Thiên Chúa.
Chúa Giêsu hoàn tất cuộc đời Con Thiên Chúa nhập thể ở trần gian ngang qua biến cố tử nạn và phục sinh. Bằng hy tế thánh giá, Chúa Giêsu đã biểu lộ tình yêu đối với con người đến cùng. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (x. Ga 15,13). Chúa Giêsu đã hiến thân mình trên thánh giá để cứu độ con người. Với tình yêu tuyệt đối, hình phạt khổ giá của con người trở thành cơ hội tuyệt vời để Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu đến cùng đối với Chúa Cha và nhân loại.
Sự dữ lớn lao nhất khi gặp sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa sẽ biến đổi thành sự lành trọn hảo. Cây khổ giá nhờ tình yêu của Chúa Giêsu trao hiến đã biến thành cây thánh giá đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Vì thế, chính giờ phút Chúa Giêsu bị tử nạn là chính giờ phút Người được Chúa Cha tôn vinh. Sau khi tử nạn, Chúa Giêsu không còn hiện diện với các môn đệ trong thân xác nhập thể như trước kia nữa nhưng trong thân xác phục sinh vinh hiển và sự chết không còn quyền chi đối với Người nữa (x. Rm 6,9). Người đã biểu lộ tình yêu cách tròn đầy, tuyệt đối qua biến cố nhập thể và Vượt Qua, đồng thời Người nên mẫu gương tình yêu cho mỗi chúng ta noi theo.
2. Yêu như Chúa Giêsu đã yêu
Tình yêu của Chúa Giêsu là tình yêu hiến thân chính mình vì hạnh phúc và phần rỗi của nhân loại. Người đã hoàn tất cuộc đời ở trần gian bằng một đời sống yêu thương nhân loại đến cùng và Người đã được Chúa Cha tôn vinh. Giờ đây, Chúa Giêsu trối lại bí quyết sống tình yêu để mỗi người nhờ thực hành bài học yêu thương của Chúa Giêsu thì cũng được Chúa Cha tôn vinh là được ban thưởng hạnh phúc nước trời mai sau.
Mỗi chúng ta được mời gọi sống yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu chứ không phải là yêu như chúng ta yêu. Bởi lẽ tình yêu con người thường phiếm diện và không bền vững nhiều lúc lại lệch lạc thành một thứ tình cảm chóng qua, chập chờn lúc ẩn lúc hiện. Mặt khác, có những hành vi của con người tưởng chừng như là hệ quả của tình yêu Thiên Chúa nhưng thực ra là tình cảm bốc đồng. Tất cả những hành vi mà người ta chỉ biết sống cho chính mình chứ không sống vì hạnh phúc và phần rỗi của tha nhân đều là tình cảm chóng qua của con người chứ không phải là tình yêu đích thực.
Yêu như Chúa đã yêu là lệnh truyền của Chúa Giêsu và cũng là bí quyết để hạnh phúc và biến đổi cuộc sống gia đình, xã hội và thế giới hôm nay. Chỉ có tình yêu của Thiên Chúa mới biến tất cả sự dữ thành sự lành. Chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới đưa con người đến sự toàn thiện là chính Thiên Chúa. Bởi lẽ, ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu (x 1Ga 4,8).
Hãy tưới vào trong cuộc sống khô cằn này một chút nước mát của tình yêu của Chúa, ta sẽ được ngập tràn trong những nụ cười hạnh phúc. Hãy pha chút hương vị tình yêu Thiên Chúa vào những nghi kỳ, thù ghét và bất đồng trong cuộc sống, ta sẽ thu được sự đoàn kết yêu thương. Hãy tập sống yêu thương như Chúa đã yêu để mọi người đều trở nên anh em một nhà. Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, khi mọi người sống với nhau như anh em và vui vầy bên nhau (x. Tv 133,1).
Cầu chúc mỗi tín hữu kitô chúng ta trở nên hạt men của tình yêu Thiên Chúa giữa thế gian để làm cho thúng bột trần thế này được dậy men yêu thương.
Linh mục Vinhsơn Trần Minh Hòa