CHÚA HIỆN RA BÊN BỜ HỒ TIBÊRIAT
CHÚ GIẢI
1. Đa số các nhà phê bình nhất trí cho rằng chương này là một phụ chương được thêm sau khi phúc âm hoàn toàn chấm dứt; một số khác cho rằng chính tác giả phúc âm đã soạn thảo ra nó, vì chương có những nét đặc biệt của Gioan (ngôn ngữ, bút pháp, ngữ vựng…). Đúng vậy, nhưng người ta cũng thấy những yếu tố xa lạ với Gioan và gần với Lc hơn (có những con số; x. phép lạ hoá bánh, Lc 9,10-17). Hãy thận trọng khi giải thích những con số này vì cách tường thuật cuộc đánh cá kỳ diệu và việc hoá bánh ra nhiều rất khác nhau. Ngoài ra, vì có khá nhiều thành ngữ không thuộc Gioan, nên người ta nhìn nhận là không phải chính Gioan viết, nhưng là một môn đệ của ông viết thêm vào, dựa trên những câu chuyện của chính Gioan kể lại. Có lẽ phụ chương này được thêm vào ngay từ đầu. Thật vậy, người ta thấy nó trong tất cả mọi thủ bản và được nhiều tác giả Kitô giáo đồng thời với chính phúc âm được xuất bản, nghĩa là được phổ biến trong các giáo đoàn. Hình như tác giả phúc âm đã chết vào thời đó (c.21-23); toàn chương nói về ông như nói về một người khác (21,7:ekeinos, người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến ấy). Đàng khác ngôn ngữ thần học thường thấy trong các văn tập của Gioan ở ấy đã nhường chỗ cho việc mô tả các nhân vật và tương quan của họ trong Giáo hội. Người biên soạn bản văn này chú ý nhiều đến chi tiết cá nhân. Bản danh sách trong 21,2, việc nhắc đến nguồn gốc của Mahanael (ông từ Cana đến) và việc nói đến 2 con ông Giebêđê (mà phúc ân thứ tư đã cố tình tránh né) cho thấy điều đó. Và cách giải thích quyền tối thượng của Phêrô trên Gioan minh chứng rõ ràng có sự can thiệp của một biên tập viên khác hằng muốn làm nổi bật giá trị của phúc âm, hằng muốn cho người ta biết rằng tác giả đã suýt trở thành nhân vật điều khiển Giáo hội. Theo ý kiến nhiều người thì phần kết luận (cc.24-25) là do một người môn đệ đặc trách việc xuất bản viết, phúc âm gia không phải là tác phẩm phần kết luận đó, vì ông chính là môn đệ dấu yêu mà trình thuật cuối cùng nói đến.
Như thế, vì thiếu chứng cớ rõ ràng dựa trên ngôn ngữ và văn thể, toàn bộ dữ kiện và chiều hướng chung của bản văn cho phép nghĩ rằng chương 21 là công trình của môn đệ đặc trách việc xuất bản. Việc Gioan đã kết thúc phúc âm ở 20,30-31 bênh vực cho kết luận này của chúng ta. Tưởng cũng nên lưu ý rằng bất xác thực tính này (non-authenticité) không ảnh hưởng gì đến linh hứng tín của chương 21; tuy nhiên bất xác thực tính đó không phải tuyệt đối, vì trình thuật này dựa trên cơ sở những gì chính tác giả phúc âm kể lại.
2. Đoản văn ghi chú các tông đồ bắt được 153 con cá trong mẻ lưới lạ lùng. Phải nghĩ gì về con số lạ lùng này? Có thể người ta vì tò mò, đã đếm xem số lượng… Tuy nhiên ở đây không chỉ có việc ghi lại cách chính xác số cá bắt được. Các giáo phụ đã đưa ra nhiều giả thiết, trong đó lối giải thích của thánh Jêrôme dễ chấp nhận nhất: các nhà vạn vật học thời xưa biết được 153 loại cá. Thực ra, một biểu hiện không hề có cơ sở trong CƯ như thế mà lại được ghi nhận trong phúc âm Gioan, kể cũng hơi lạ. Dù sao, nếu thánh Jêrôme có lý, thì ý nghĩa của con số này trùng phùng với thành ngữ “đủ mọi thứ cá” trong dụ ngôn về Nước Trời (Mt 13,47). Giáo hội phải hội tụ trong nước mình tất cả mọi dân tộc, như mục tử chân chính qui tụ trong đàn mình mọi con chiên đến từ chuồng khác ngoài Israel (10,1b), như Con Người kéo lôi tất cả mọi người vào trong mẻ lưới cánh chung (x.12,32; 6,44). Vì thế, phải liên kết đề tài biểu tượng này với các chi tiết liên quan đến chiếc thuyền duy nhất và chiếc lưới không bị thủng.
3. Một câu hỏi, lặp lại ba lần “Phêrô, con có mến Ta không?” xem ra được nhấn mạnh bù lại ba lần chối Chúa, hầu hết các nhà chú giải đều nhất trí như thế. Nhưng chỉ sau lần hỏi thứ ba, mới nghe Chúa Giêsu thôi nói với Phêrô: “Hãy chăn nuôi đàn cừu của Ta”, như thể ngầm bảo rằng ông đã được tha. Vậy tại sao lời uỷ nhiệm này được trao cho ông ba lần luôn?
Nhiều nhà chú giải nhấn mạnh: việc lặp lại này nhằm tăng thêm phần long trọng cho khung cảnh. Theo Bultmann, việc long trọng lặp lại như thế gợi lên “một tập tục tế tự hoặc một tập tục pháp lý có tính cách ma thuật”. Còn P. Gaechter đề nghị cách giải thích sau: như những công thức luật pháp cổ xưa thường không được viết ra nhưng phải được lặp lại ba lần trước những nhân chứng. Cũng thế, lời uỷ nhiệm chính thức được trao ban cho Phêrô cũng có giá trị pháp lý nhờ lặp lại ba lần trước các nhân chứng. Để minh chứng cho ý kiến này ông đưa ra nhiều ví dụ rút từ luật giá thú xứ Palestine và nhắc lại công thức ba lần đã được dùng đến khi Abraham nhận căn động của Makpéla để chôn xác Sara (St 23,3-18). Ngoài ra, có thể kể thêm trường hợp luật dòng thánh Biển Đức, thế kỷ thứ sáu, buộc phải đọc lời khấn ba lần. Nói tóm lại, tâm thức luật pháp chung chung của cổ thời giúp ta dễ dàng hiểu lời uỷ nhiệm ba lần được lặp lại này. Việc lặp lại có ý nói rằng Phêrô chính thức được giao phó nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên của Đức Kitô.
4. Ba lần Chúa Giêsu hỏi và ba lần Phêrô trả lời tạo nên tâm điểm của trình thuật: địa vị Phêrô và môn đệ dấu yêu có đủ mọi cơ may được phong làm người lãnh đạo: các con ông Giêbeđê (được đó có Gioan) và mẹ các ông đã chẳng ngần ngại xin những chỗ tốt trong Nước Trời sao? (Mc 10,35-41)
Nếu Phêrô đã chiếm chỗ nhất, đó không phải là vì công lao của ông. Ba lần Chúa Giêsu hỏi rõ ràng là dư âm của ba lần ông chối Chúa. Ông đã thề theo Chúa Giêsu cho đến chết, dù các người khác chối bỏ Người… (Mc 14,29). Và giờ đây, ông bị tra vấn về tình yêu và lòng trung tín của ông:”Con có mến ta hơn những người này không?”, câu hỏi đầu tiên là vậy. Để hướng dẫn kẻ khác, phải chứng tỏ có một tình yêu lớn hơn. Chúa Giêsu hoàn toàn không muốn khơi lại niềm đau xa xưa. Nhưng Phêrô hãy biết rằng việc ông được quyền tối thượng không do công lao của ông. Mọi trình thuật về ơn gọi, trong CƯ cũng như trong TƯ, luôn đi theo lời xác quyết tính cách bất xứng của đương sự (15,16). Khi Chúa hỏi Phêrô có yêu mến Ngài hơn những người khác không, câu hỏi này nhắm đến tương lai nhiều hơn là quá khứ. Phêrô không được chọn vì đã yêu nhiều. Các sự kiện quá khứ đều phủ nhận điều đó; chỉ có Gioan, vì yêu nhiều hơn nên mới dám đến đứng dưới chân thập giá sau khi đã chạy trốn. Nhưng vì một khi được chọn, ông phải từ đó yêu nhiều hơn những kẻ khác.
5. Vì là người lãnh đạo, từ nay, theo chân Chúa Giêsu Phêrô phải đi trước đoàn chiên (13,36). Xưa kia vì quá tự tin, ông đã tuyên bố có thể theo Chúa cho đến chết. Ông sẽ có cơ hội thực hiện điều đó. Khi trích một châm ngôn bình dân, Chúa Giêsu báo cho Phêrô biết một ngày kia ông sẽ chết tử vì đạo. Lúc còn trẻ, người ta có thể tự mặc áo, thắt nịt, như Phêrô đã làm lúc nãy (21,7). Nhưng khi về già, sẽ bị người khác áp chế. Cũng vậy, Phêrô sẽ giăng tay để người khác thắt lưng. Hình ảnh này nói lên việc mất tự do, chứ không nói đến hình thức cụ thể của việc Phêrô tử đạo; truyền thuyết ghi nhận đã bị đóng đinh.
Lời bí ẩn mà Chúa Giêsu đưa ra có được Giáo hội giải thích như là lời tiên báo về cuộc tử đạo của Phêrô. Chính tác giả cũng gợi lên cách giải thích này (12,33; 18,32). Nhờ việc tử đạo, Phêrô sẽ tôn vinh TC. Từ ngữ tôn vinh ở đây không có cùng một ý nghĩa như trong trình thuật Tử nạn của Chúa Giêsu (13,31; 17,1). Nhờ cái chết, Chúa Giêsu mạc khải cho mọi người thấy vinh quang của Cha Ngài và một cách nào đó trở nên lăng kính của vinh quang TC. Nhờ việc tử đạo, Phêrô tuyên xưng vinh quang hay thần tính của TC, khi thực hiện thánh ý của Ngài (1P 4,16). Trong lúc chờ đợi, Phêrô chỉ cần đi theo Chúa Giêsu (10,4; 12,26). Con đường này đương nhiên đưa ông đến cuộc tử đạo (12,26.36).
KẾT LUẬN
Giavê, mục tử Israel (Ez 34,11-12; Tv 23) đã cho Chúa Giêsu trở nên mục tử tốt lành và đích thực (Ga 10,1-16; 1P 5,4). Từ đây chính Phêrô sẽ thay mặt Đức Kitô thi hành quyền chăn dắt hữu hình: ông trước hết rồi đến những người kế vị ông.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Người mục tử nhân lành săn sóc đàn chiên mình mà chúng ta đã biết mà phúc âm đã trình bày, đó chính là Đức Kitô; tuy nhiên Phêrô hôm nay được giao phó một công việc thật đặc biệt: coi sóc để mỗi con chiên được ăn đầy đủ. Chúng ta có thể dễ dàng hiểu đây là của ăn đã được Chúa Giêsu đưa ra, của ăn chính Ngài thiết lập và không thể thiếu: Mình và Máu Ngài. Với Thánh Thể, còn có của ăn Lời chúa đi kèm nữa. Nếu Chúa Giêsu vẫn là mục tử tối cao, thì Phêrô đặc trách về lương thực và an toàn thiêng liêng của đàn chiên.
Trong cách Chúa Giêsu trao phó sứ mệnh Ngài cho vị thủ lãnh đầu tiên của Giáo hội, chúng ta có thể tìm thấy hai bài học:
– Nếu Phêrô và qua ông, những đấng kế vị, có bổn phận nuôi dưỡng thì chúng ta phải biết chạy đến với các Ngài. Có lẽ bổn phận đầu tiên của chức tư tế, qua đoạn phúc âm này, là bảo đảm của ăn thiêng liêng phát triển và giữ gìn Giáo hội.
– Cũng như Phêrô, tất cả chúng ta đều có chức vụ phải thi hành, vai trò nắm giữ để phục vụ tha nhân. Dù chức vụ khiêm tốn hay hào khoáng, quan trọng hay tầm thường, hiệu lực hay không đáng kể, cũng chẳng sao. Có lẽ hôm nay chúng ta nên suy nghĩ về cách thức chúng ta đã thi hành công việc: có đúng như Chúa Giêsu đòi hỏi Phêrô, nghĩa là làm vì yêu, trong tinh thần phục vụ và vô vị lợi hay không?
2. Chính vì Phêrô xác quyết yêu mến Chúa, nên được Chúa trao phó đoàn chiên cho. Và chính vì đàn chiên được trao phó cho mình mà Phêrô phải lệ thuộc và vâng lời.
Nếu Phêrô được trao công việc này là vì ông yêu Đức Kitô. Việc ông phục vụ tha nhân sẽ được nung nấu không phải là vì lòng ham danh cầu lợi, nhưng vì lòng tín trung với tình yêu Đức Kitô. Tình yêu với Đức Kitô thanh tẩy ý hướng phục vụ tha nhân của ông.
Khi phục vụ tha nhân vì yêu Chúa, ông can đảm dấn thân trong con đường lệ thuộc, vâng lời. Đa số các nhà chú giải thấy trong dụ ngôn kỳ lạ của Chúa Giêsu lời tiên báo việc tử đạo của Phêrô vào cuối đời. Nhưng người ta cũng thấy trong đó lời tiên báo: cuộc đời Phêrô, vì ngày càng bận bịu phục vụ tha nhân, sẽ được thúc đẩy bởi một sự vâng lời đến nỗi ông bị chiếm đoạt hoàn toàn.
Đây là một sự lệ thuộc chặt chẽ giữa tình yêu Chúa, việc phục vụ tha nhân là sự từ bỏ chính mình, tất cả những gì mà Chúa Giêsu đòi hỏi nơi Phêrô, thủ lãnh Giáo hội. Do đó, được trao ban quyền bính, với sứ mạng thiết lập một sứ mạng mới, Phêrô phải tuân hành trong sự vâng phục thánh linh. Ông được chính Chúa bảo vệ khỏi cám dỗ thống trị anh em. Khỏi quyến rũ áp đặt một quyền lực tôn giáo, khỏi tham vọng mưu đồ địa vị cá nhân.
3. “Người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến mới nói cùng Phêrô: “Chúa đó” (c.7). Theo văn mạch, người môn đệ nhận ra Đức Kitô không phải vì nhìn thấy Chúa trực tiếp, nhưng vì thấy phép lạ Chúa làm. Truy nhiên không phải ai cũng nhận ra; bản văn cho thấy chỉ một mình môn đệ Chúa Giêsu yêu mới có được sự minh mẫn mà các tông đồ khác không có. Đối với chúng ta cũng thế: việc nhận ra Chúa Giêsu, sự khám phá ra hiện diện của Ngài, trước tiên không nằm trong tầm trí giác bén nhạy và tức khắc, nhưng được thực hiện nhờ việc giải thích biến cố trong đó biểu lộ hiệu lực của Lời Ngài và hiệu năng của công việc chúng ta dựa trên “Lời Ngài” (Lc 5,5). Chỉ một mình môn đệ Chúa Giêsu yêu mến mới có thể làm được điều ấy, bởi vì sự vắng mặt lâu của thầy, sự nặng nề của công việc mà thói quen dễ thất vọng đã không dập tắt trong ông cái nhìn của tình yêu. Khi mà các môn đệ khác chỉ thấy một sự may mắn bất ngờ, thì ông lại khám phá ra sự can thiệp của Đấng phục sinh. “Ông thấy và ông tin” (20,8). Ngược với Tôma muốn thấy và sờ đến trước khi tin, ông không cần một minh chứng rõ ràng, nhưng đức tin và cái nhìn trở nên một nơi ông: điều ông thấy mạc khải cho ông Đấng ông tin, vì Đấng ông tin làm cho ông thấy. Và chúng ta, những Kitô hữu, sự phục sinh của Đức Kitô có thâm nhập và biến đổi cuộc đời chúng ta, có canh tân cùng tinh luyện cái nhìn của chúng ta về các biến cố không?