CHỨNG TÍCH TÌNH YÊU
Lần ấy, vào một ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, tại thủ đô Manila nước Phi luật Tân đã diễn ra cảnh nhiều người tín hữu vác Thánh giá đi trên đường phố để tỏ lòng sám hối ăn năn hoặc tụ họp rất đông tại các nhà thờ để cầu nguyện và “đi đàng thánh giá”. Các việc đạo đức đó rất đáng ca ngợi vì mang lại nhiều ơn ích thiêng liêng cho tâm hồn các tín hữu.
Tuy nhiên, Hàng Giáo phẩm Phi Luật Tân cũng lên tiếng ngăn cấm nhiều việc biểu hiện lòng đạo đức thái quá như có nhiều người dùng roi tre tự đánh vào mình chảy máu lênh láng phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Và đáng ngại hơn cả là có nhiều cảnh đóng đinh thực sự vào thập giá. Một số người ăn mặc như quân lính Rôma lấy dây thừng cột tay chân người thật vào thập giá rồi dựng lên trong nhiều giờ dưới trời nắng gắt. Giáo quyền Phi Luật Tân ra thông báo cấm những hình thức của lòng đạo đức cuồng nhiệt như vậy, nhưng mỗi năm vẫn có hàng trăm vụ xảy ra khắp đất nước.
Cũng vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh vừa qua, tại Rôma, Đức Giáo Hoàng đã tham gia chặng đàng thánh giá với các tín hữu tại hí trường Côlôsê. Trong buổi viếng đàng thánh giá trọng thể này, Ban Nghi lễ của Phủ Giáo Hoàng đã nhắc nhở mọi người : “Tham gia chặng đàng thánh giá là tiến vào bên trong mầu nhiệm cuộc tử nạn của Chúa Giêsu để thấy một cuộc sống vô tận đang mở tung ra từ cạnh sườn bị đâm thâu qua và từ ngôi mộ trống”.
Quả đúng như vậy, trong Chúa Nhật 2 Mùa Phục Sinh hôm nay, Hội Thánh cũng nhắc nhở chúng ta đừng dừng lại ở những hình thức đạo đức bên ngoài, nhưng phải đi sâu vào mầu nhiệm Chúa chết và sống lại để khám phá một cuộc sống vô tận đang tuôn trào. Đời sống đức tin của chúng ta không hệ tại ở việc được “xỏ ngón tay vào lỗ đinh và thọc tay vào cạnh sườn Chúa”, nhưng hệ tại ở việc nhìn xuyên qua lỗ đinh và chạm tay vào tình yêu của Chúa Kitô Phục Sinh để cảm nhận được sự sống của Ngài đang trào dâng trong chúng ta.
Tin Mừng thánh Gioan thuật lại khi Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, Chúa đã cho các Tông đồ nhìn thấy các vết thương ở tay chân và cạnh sườn, các Tông đồ đã vui mừng vì được xem thấy Chúa. Nhưng lúc ấy tông đồ Tôma vắng mặt. Sau đó, khi nghe thuật lại, ông Tôma đã tuyên bố chỉ tin nếu được nhìn xem và chạm tay vào các vết thương của Chúa. Tám ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện đến giữa các vị để dạy cho Tôma cũng như các mọi người biết nhìn những vết thương của Chúa bằng đôi mắt đức tin và cảm nhận bằng trái tim : “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.
Nhìn xuyên qua các lỗ đinh của Chúa.
Khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết và hiện ra với các phụ nữ, các bà đã kể lại cho các Tông đồ về việc Chúa sống lại, nhưng các ông đã không tin hoặc “nửa tin nửa ngờ” vì các ông chưa được nhìn thấy Chúa bằng chính đôi mắt của mình. Cũng vậy, khi được nghe kể lại việc Chúa hiện ra, ông Tôma đã không tin vì chưa được “nhìn bằng mắt, sờ bằng tay” các dấu đinh và vết thương nơi cạnh sườn của Chúa.
Chúa Giêsu muốn dạy các Tông đồ hãy nhìn xuyên qua các lỗ đinh nơi tay chân Chúa để thấy được “nhãn quan Phục Sinh”, để thấy được khuôn mặt của một Thiên Chúa sống lại vinh quang. Các tông đồ phải nhìn xuyên qua các lỗ đinh để thấy được Chúa phục sinh đang ở giữa họ và đồng hành cùng họ với sức mạnh và tình yêu của Ngài. Chính trong sức mạnh và tình yêu ấy, các Tông đồ mới tìm gặp được sự bình an mà Chúa trao ban. Chỉ khi nhìn xuyên qua các lỗ đinh nơi tay chân Chúa bằng đôi mắt đức tin, các Tông đồ mới thấy được ánh sáng của mầu nhiệm Phục Sinh và hiểu được ý nghĩa của việc Chúa chết và sống lại.
Chạm tay vào tình yêu của Chúa.
Khi Chúa Giêsu sống lại và hiện ra với bà Maria Mađalêna, bà đã đến ôm chân Chúa, nhưng Chúa bảo bà đừng đụng tới Ngài vì Ngài chưa về cùng Cha. Cũng vậy, Tôma muốn “thọc bàn tay vào cạnh sườn” Chúa như một dấu hiệu khả tín để có thể tin nhận Chúa sống lại. Tuy nhiên, không phải là chạm đến những vết thương của Chúa bằng giác quan tự nhiên mới nhận ra được Chúa. Nhưng Chúa mời gọi các Tông đồ hãy biết chạm đến Ngài bằng lòng tin để nhận ra Ngài. Không cần phải “thọc bàn tay vào cạnh sườn” Chúa, nhưng bằng niềm tin, họ có thể chạm tay đến tận trái tim của Ngài.
Đức Kitô Phục Sinh vẫn đồng hành với chúng ta.
Hôm nay, Đức Kitô Phục Sinh vẫn tiếp tục ở giữa Hội Thánh và đồng hành với chúng ta với Thân Mình đầy thương tích. Ngài vẫn hiện diện với một Thân Mình đẫm máu vì bom đạn tại Irắc, Palestine, Israel,… Khi mà những “chi thể” của Ngài đang bị khủng bố, giết hại và tàn sát lẫn nhau.
Hôm nay, Đức Kitô Phục Sinh vẫn tiếp tục ở giữa chúng ta với tay chân mang vết đinh và cạnh sườn bị đâm thủng. Ngài ẩn thân nơi những người anh chị em đang đau khổ và tuyệt vọng. Ngài đang phô bày những thương tích như một dấu hiệu mời gọi chúng ta đón nhận Ngài. Chúng ta đón nhận những người đau khổ và chia sẻ tình thương cho họ là chúng ta đang xoa dịu những vết thương nơi thân mình Chúa. Khi chúng ta “chạm tay” vào những chi thể mang thương tích của Chúa – những người anh chị em chúng ta – là khi ấy chúng ta được “chạm tay” đến chính Ngài.
Hôm nay, Chúa Kitô Phục Sinh vẫn ở giữa chúng ta và đồng hành với chúng ta, để mời gọi chúng ta cũng hãy mang lấy những thương tích của Ngài như là dấu chỉ niềm tin cho nhân loại. Bằng đời sống hy sinh và phục vụ, chúng ta mang lấy những vết thương của Chúa nơi mình để trở nên dấu chỉ niềm tin ấy cho mọi người hôm nay.
Trong Năm Đức Tin, chúng ta chỉ có thể thuyết phục người khác tin vào Đức Kitô Phục Sinh khi cuộc sống của chúng ta được “in năm dấu thánh” của Chúa. Chúng ta chỉ có thể làm chứng cho Tin Mừng một cách hiệu quả trong thời đại hôm nay bằng những “dấu đinh” nơi mình như là một chứng tích hùng hồn nhất của tình yêu.
Các thánh tử đạo Việt Nam đã làm chứng cho Tin Mừng bằng những chứng tích đau thương nơi thân xác mình :
Ngoài 117 vị đã được tôn phong hiển thánh, còn có những giáo dân không tên tuổi mà lịch sử chỉ ghi lại bằng những cử chỉ anh hùng. Có một vị bị bắt, đưa ra tòa bị lính lấy dùi nung đỏ khắc lên đôi gò má bốn chữ: “Giatô tả đạo”, rồi tống giam vào ngục. Vào trong ngục, ông đã xấu hổ cho là mình thiếu can đảm, không dám tỏ thái độ đức tin. Giatô đâu có phải là tả đạo ! Đêm hôm ấy, ông xin một bạn tù lấy dao rạch bỏ hai chữ “tả đạo”, chỉ để lại hai chữ “Giatô” là thánh danh Chúa Kitô, để ngày hôm sau, mặt loang lổ máu, lại ra tòa xưng đạo và được phúc tử đạo. (Linh mục Hồng Phúc, DCCT, bài giảng các thánh Tử Đạo Việt Nam).
Những dấu tích tình yêu ấy cũng được khắc lên khuôn mặt “Hội Thánh Tử Đạo” hôm qua, để làm sáng lên khuôn mặt “Hội Thánh Phục Sinh” hôm nay. Tin Mừng vẫn tiếp tục được rao giảng bằng những chứng tích tình yêu ấy.
Trích Logos