1. Chúa Giêsu đã phục sinh.
Chúa Giêsu đã phục sinh. Đây là đức tin của Hội thánh và cũng là đức tin của mỗi chúng ta. Chúng ta tin Chúa Giêsu đã chịu chết và đã phục sinh vinh hiển bởi chân lý đức tin này được chính Chúa Giêsu tỏ bày ngang qua những lần Ngài rao giảng. Tân ước đã cho biết, Chúa Giêsu đã tiên báo đến ba lần rằng Người sẽ phải chết và sẽ phục sinh (x Mt 16,21; Mt 17,23: Mt 20,19).
Mặt khác, chân lý đức tin này cũng được đặt trên nền tảng các tông đồ là những người đã từng sống với Chúa Giêsu trước khi Người chịu chết và đã chứng kiến Chúa Giêsu phục sinh qua những lần hiện ra với các ngài. Chúa Giêsu phục sinh không hiện ra tỏ tường với hết mọi người nhưng hiện ra trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, trong đó có các tông đồ.
Thánh Phêrô, vị tông đồ cả trong số các tông đồ đã dõng dạc làm chứng về sự phục sinh này: “Chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy.” (Cv 10,39).
Niềm tin về Chúa Giêsu phục sinh càng được củng cố hơn khi chính Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho các tông đồ phải rao giảng cho dân chúng, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. (x. Cv 10, 42).
2. Khám phá Chúa Giêsu phục sinh.
Như thế, Chúa Giêsu phục sinh là biến cố đã xảy ra trong lịch sử. Vấn đề của mỗi người kitô hữu không phải là đặt câu hỏi Chúa Giêsu có phục sinh hay không nhưng là nỗ lực bản thân và cộng tác với ơn Chúa để khám phá ra Chúa Giêsu phục sinh. Sự khám phá này dù dựa trên Lời Chúa và lời rao giảng của các chứng nhân nhưng sự khám phá này còn bao hàm cả tính chất cá vị của bản thân mỗi người.
Thật vậy, Tin Mừng theo thánh Gioan đã trình thuật cho thấy biến cố ngôi mộ trống. Bà Maria đã thấy ngôi mộ trống trước tiên và đã chạy về báo tin cho các tông đồ. Với ý nghĩ của bà Maria, ai đó đã lấy mất xác Chúa.
Được tin báo, Phêrô và Gioan liền chạy nhanh ra mộ. Hai ông đều thấy rõ ngôi mộ trống, đều thấy khăn liệm và khăn che đầu của Chúa Giêsu.
Ngôi mộ trống chưa nói nên được Chúa đã phục sinh. Tuy nhiên, có một vài tình tiết cho thấy khó có thể xác Chúa bị lấy trộm mà phải là sự phục sinh của Chúa. Bởi lẽ, sự lấy cắp thường mang đến những xáo trộn, còn trong mộ bây giờ không có sự xáo trộn nào. Trái lại, có sự ngăn nắp lạ kỳ. Đó là khăn che đầu không để lẫn với băng vải. Khăn này được cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Gioan đã vào mộ đã thấy và đã tin Chúa Giêsu đã phục sinh mặc dù trước đó ông chưa hiểu Kinh Thánh về sự phục sinh của Chúa. Và chắc chắn, khi đã hiểu thêm về Kinh Thánh ông càng xác tín hơn nữa về sự phục sinh của Chúa Giêsu.
3. Đổi mới cuộc đời nên tốt hơn.
Nhờ biết khám phá và tin vào Chúa Giêsu phục sinh, cuộc đời các tông đồ đã được biến đổi. Từ một con người chối Chúa, Phêrô đã biến đổi thành người mạnh dạn rao giảng Chúa Giêsu phục sinh cho mọi người.
Chúa Giêsu phục sinh đã mở ra cho người tín hữu một chân trời mới. Chân trời hướng về trời cao chứ không phải tìm những gì ở dưới đất. Bởi lẽ mỗi người cũng sẽ phải chết như Chúa Giêsu nhưng những ai gắn bó với Chúa Giêsu thì hy vọng sẽ được phục sinh với Người.
Chúng ta được thông phần vào sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô, vì thế, chúng ta được mời gọi sống một đời sống mới. Đó là biết dùng những ân huệ Chúa ban ở đời này mà mưu tìm hạnh phúc đời sau.
Cầu chúc mỗi người, khi mừng lễ Chúa phục sinh, chúng ta khám phá sự hiện diện sống động của Chúa phục sinh trong mỗi thánh lễ chúng ta tham dự. Và nhờ Chúa phục sinh tác động, chúng ta trở nên những con người mới qua cách sống hướng về trời cao và làm chứng cho Chúa phục sinh trong đời sống bác ái, yêu thương mọi người.
Linh mục Vinhsơn Trần Minh Hòa