SUY NIỆM CHÚA NHẬT THỨ V MÙA CHAY NĂM C
HOÁN CẢI ĐỂ ĐƯỢC THIÊN CHÚA XÓT THƯƠNG.
1. Thiên Chúa giàu lòng xót thương
Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương và Đức Giêsu vâng lệnh Chúa Cha đến trần gian để biểu lộ tình thương của Thiên Chúa cho con người. Tình thương của Người biểu lộ qua lời nói và hành động.
Qua lời nói, Đức Giêsu dạy cho con người biết phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết sức và hết trí khôn (x. Mt 22,37) và yêu thương tha nhân như chính mình (x. Mt 22,39). Người đã mời gọi mọi người thực hành giới răn yêu thương như đã chính Người đã yêu thương mọi người (x. Ga 15,12).
Hành động yêu thương của Chúa Giêsu biểu lộ cách trọn hảo qua điều này, đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta (x.1 Ga 3,16). Chúng ta được Chúa yêu thương không phải vì mỗi người chúng ta sống thánh thiện và đáng được yêu thương nhưng tình yêu là sáng kiến tuyệt vời của Thiên Chúa. Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người là Đức Giêsu đến làm của lễ đền tội cho chúng ta (x. 1Ga 4,10). Và Đức Giêsu đã biểu lộ tình yêu đó. Người đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi. (x.Rm 5,8) và Người đến để cứu chữa những gì đã hư mất (x. Lc 19,10).
Vì thế, điều quan trọng là, mỗi người cần nhận ra tình trạng tội lỗi của mình để được Thiên Chúa cứu chữa.
2. Mỗi người khiêm nhường nhận ra tội mình.
Nhận ra tội lỗi mình chứ không phải nhận ra tội lỗi người khác. Đó là điều Chúa muốn nơi mỗi người. Bởi lẽ, ai cố kiếm tìm tội lỗi người khác, người đó thường có xu hướng muốn kết tội tha nhân. Ngược lại, người nào khiêm nhường nhận ra tội lỗi mình thì người ấy dễ có thái độ sám hối và đổi mới đời sống mình. Đồng thời, người ấy cũng dễ tha thứ và cảm thông cho những yếu đuối và thiếu sót của tha nhân.
Bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay đã cho biết thực tế này. Các Kinh sư và người Pharisiêu đã không nhận ra tội lỗi mình. Họ tìm tội lỗi người khác và tìm cớ bắt lỗi Chúa Giêsu.
Cớ của họ đưa ra để bắt lỗi Chúa Giêsu là một chị phụ nữ đã bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Theo sách Lê Vi: khi người đàn ông nào ngoại tình với đàn bà có chồng, thì cả đàn ông ngoại tình lẫn đàn bà ngoại tình phải bị xử tử (x Lv 20, 10). Vì thế, họ hỏi Chúa Giêsu về quyết định của Người: Có ném đá hạng phụ nữ này hay không?
Trả lời ném đá hay không ném đá quả là quá khó. Nếu Chúa Giêsu cho phép ném đá người phụ nữ thì bao nhiêu giáo huấn về lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa mà Ngài rao giảng sẽ trở nên vô nghĩa. Còn nếu không cho phép ném đá, Chúa Giêsu đã minh nhiên chống lại luật Môsê và như thế, những người Biệt Phái và Kinh Sư có cớ không tin vào Người và có thể huy động nhân lực để bắt Người.
Chúa Giêsu không trả lời ngay. Ngài viết trên đất. Thời gian im lặng của Người như là phương thuốc tốt, hòng xoa dịu lòng hận thù của những người Biệt Phái và Kinh Sư. Tuy nhiên, một khi lòng ghen ghét và hận thù đã lên cao độ, thời gian viết trên đất không đủ để xoa bớt nỗi hờn căm.
Ai trong các ông sạch tội hãy ném đá trước đi. Lời Chúa Giêsu gợi ý làm thức tỉnh lòng người. Ngài không cấm những người Biệt Phái và Kinh Sư giữ luật Môsê qua hành vi lên án người phụ nữ ngoại tình. Tuy nhiên, Người mời gọi họ giữ luật Môsê trong tình yêu, trong sự thông cảm và tha thứ. Ngài đã khơi dậy họ nhận ra điều này: chỉ khi người ta nhận ra tội của mình, lúc đó họ mới dễ cảm thông tội lỗi của tha nhân.
Tội nào cũng làm mất lòng Thiên Chúa và đáng phải bị Ngài xét xử. Làm sao ta có thể muốn xét xử người khác ngay khi ta đang nhận ra mình còn vương trên mình đầy những tội lỗi. Có lẽ vì thế, họ đã rút êm từ già đến trẻ ngay sau khi Chúa Giêsu gợi ý cho họ xét mình.
3. Hoán cải đời sống để nhận ơn thương xót của Thiên Chúa.
Chỉ có mình Thiên Chúa mới có quyền xét xử bởi vì Ngài là Đấng Thánh (x. Tv 99,5). Và Đức Giê-su trong tư cách là con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật đã tuyên bố: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”.
Chị phụ nữ đã nhận được lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa ngang qua Chúa Giêsu. Bởi Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Tuy nhiên, để nhận tình thương xót này chị cần phải hối cải.
Đừng phạm tội nữa là điều Thiên Chúa mời gọi chị phụ nữ cũng như mỗi chúng ta. Thiên Chúa biết con người chúng ta yếu đuối vì Ngài biết chúng ta được dựng nên bằng gì (x. Tv 103,14). Vì thế, Thiên Chúa đã ban phương thế hữu hiệu để giúp chúng ta làm lại từ đầu sau khi đã sa ngã. Phương thế đó là bí tích Hòa giải.
Vấn đề của mỗi người chúng ta hôm nay không phải lo sợ Thiên Chúa có tha thứ tội lỗi hay không nhưng là lo lắng chúng ta có thật lòng sám hối và quyết tâm chừa tội để làm lại cuộc đời hay không?
Ước mong mỗi người chúng ta trong mùa chay thánh này, biết tỏ lòng sám hối và chạy đến Chúa ngang qua bí tích Hòa Giải để nhận được ơn tha thứ và lòng xót thương của Thiên Chúa.
Linh mục Vinhsơn Trần Minh Hòa