Chú giải Tin Mừng Chúa nhật V Mùa Chay năm C
– Fiches Dominicales –
Đức Giêsu mở ra một con đường hướng về tương lai cho người phụ nữ phạm tội ngoại tình; trong khi những kẻ tố cáo lại muốn giam hãm chị trong quá khứ tội lỗi.
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:
1. Trước bẫy giăng của đối thủ
Câu chuyện quí giá này tự nó có thể là một Tin Mừng nhỏ mà cốt lõi là: Đức Giêsu từ nơi Thiên chúa đến, không phải để tố cáo tội nhân, nhưng để cứu rỗi họ, và nhờ đời sống, sự chết, sự sống lại của Người, Người dâng tặng họ chính sự sống của Thiên Chúa. Một văn bảo, nhưng sự có mặt của nó trong các bản văn Tin Mừng bị nghi ngờ. Các thủ bản đầu tiên của thánh Gioan không có. Với những lý do tương cận về văn thể và từ ngữ, các thủ bản của thánh Luca lại đặt câu chuyện sau Lc 21, 38.
Tại sao có sự do dự này? A. Marchadour giải thích: “Câu chuyện thì xác thực nhưng, các vị lãnh đạo Giáo Hội sơ khai ngại sự phóng túng. Ngoại tình bị coi như một trọng tội ít gặp. Để được tha, cần làm việc đền tội công khai, lại chỉ được tha một lần thôi. Cách cư xử của Đức Giêsu đối với người phụ nữ ngoại tình, một số vị chức trách cho là quá dễ dãi quá. (Họ quên mất câu “Hãy về và đừng phạm tội nữa”). Dễ dãi thế đe doạ sự trung tín trong hôn nhân” (“L’Eavngile de Jean”, Centurion 1992. trg 121).
Sau một ngày giảng dạy ở đền thờ, chiều xuống, theo thói quen, Đức Giêsu lên núi Ôliu. Sáng sớm hôm sau, Người lại vào Đền thờ giảng dạy dân chúng.
“Các kinh sư và những người Pharisêu thù nghịch nghĩ rằng giáo huấn của Đức Giêsu làm đảo lộn tất cả, nên họ quyết định trừ khử Người. Tuy nhiên, để đưa người ra xét xử, cần phải có một chứng cứ đúng đắn.
Một cơ hội không mong đã đến. Một thiếu phụ “bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình”. Rẽ đám đông, các kinh sư và những người Pharisêu dẫn chị vào “giữa” đám đông đang tụ họp và nói với Đức Giêsu: “Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”
Bẫy đã giăng, thoát thế nào được! Tha, Đức Giêsu sẽ chống lại luật Môsê. Ném đá, Người tự mâu thuẫn vì Người vẫn rao giảng lòng nhân từ của Thiên Chúa. Đằng sau án xử người thiếu phụ là chính án xử Đức Giêsu.
Giờ đây, dây thòng lọng đang xiết dần cả người thiếu phụ, lẫn Đức Giêsu. Tệ thật! Đây không còn là một vấn nạn nơi lớp học, nhưng là một câu hỏi sinh tử, đối với người thiếu phụ cũng như đối với chính Đức Giêsu.
Vẫn ngồi trong dáng điệu của một ông thầy đang giảng dạy, Đức Giêsu “cúi xuống” và thay vì trả lời, Người dùng ngón tay vẽ vẽ trên đất.
Các nhà chú giải rất quan tâm tìm hiểu xem Đức Giêsu viết gì trên đất? Thánh Hiêrônimô nghĩ: Người vạch tội những kẻ tố cáo. Nhiều tác giả khác thì cho rằng: Người viết lại một câu trong Jêrêmia (17,l3): “tất cả những ai lìa bỏ Ngài sẽ phải hổ thẹn, những kẻ quay lưng lại với Ngài sẽ phải ghi tên mình trong lòng đất “. A. Marchadour cho rằng: “Tốt nhất nên trung thành với sự mơ hồ của bản văn. Đức Giêsu vạch trên đất để kéo dài thời gian thinh lặng, làm cho lời phân xử sắp thốt ra thêm trọng lượng”. (sđd; trg 124).
Người ta như không chú ý tới điều được ghi nhận tới hai lần: Đức Giêsu “cúi xuống”, rồi “ngước lên”. X. Léon-Dufour thắc mắc: “Sao lại nhấn mạnh đến cử chỉ ấy trong một câu chuyện ngắn ngủi như vậy?” Rồi trả lời: “Tên núi Ôliu được nhắc đến ở đầu câu chuyện đã đặt giai thoại này trong bối cảnh cuộc khổ nạn sắp đến. Cử chỉ của Đức Giêsu mang một ý nghĩa Kitô học: nó nhắc đến sự hạ xuống, và đưa lên cao mà qua đó, Đức Giêsu sẽ hoà giải nhân loại bị giam hãm trong tù ngục tội lỗi với Thiên Chúa” (“Lecture de l’evangile selon Jean”, Cerf, tập 2, trg 313).
2. Trước hết, câu trả lời của Đức Giêsu là sự thinh lặng.
Họ nài nỉ. Trước khi lại chìm trong thinh lặng, Đức Giêsu nhắc họ lời Kinh Thánh: “Ai trong các ngươi sạch tội, thì cứ lấy đá mà nén trước đi”. (Dnl 13,9-10 và 11,7: “Người làm chứng sẽ ném đá kẻ phạm tội trước). Từ lúc ấy, vụ án xử bị cáo lại trở thành vụ án xử nguyên cáo.
Các kinh sư và những người Pharisêu đinh ninh mình công chính, nấp sau luật để tố cáo người phụ nữ. Ở đây, Đức Giêsu đưa chính họ ra xét xử dưới ánh sáng của Luật. Người buộc những quan toà phải tự xét xử chính mình, trước hết, phải trở lại với lương tâm mình, nhìn nhận mình cũng là tội nhân, cùng một thân phận như “người phụ nữ kia”, người mà họ đã lôi ra giữa đám đông và giam hãm chị trong quá khứ tội lỗi của mình.
Trong vòng vây của những nguyên cáo hung hăng, sự lưỡng lự biến thành cuộc lui binh như thánh sử ghi nhận cách hài hước: “Họ rút lui từng người một, bắt đầu từ người già nhất”.
3. Rồi lời giải thoát đến:
Khi Đức Giêsu ngẩng đầu lên “lần thứ hai thì chỉ còn mình Người đối diện với người phụ nữ”. Thánh Augustinô chú giải: “Chỉ còn hai. Lòng thương xót và người được xót thương”.
Nếu trước đó, những người tố cáo gọi chị là “hạng đàn bà đó” một cách khinh bỉ, coi chị như đồ vật, thì giờ đây, chị thấy một ánh mắt khác nhìn chị, nghe một giọng khác gọi chị như gọi một con người: “Này chị”. Hơn bất cứ ai khác, Đức Giêsu là người đo lường chính xác nhất mức nặng nhẹ của tội lỗi; và thay vì giam hãm chị trong quá khứ tội lỗi như các kinh sư và những người Pharisêu đã làm, Người thúc đẩy chị bước vào con đường hối cải, và mở cho chị một tương lai một “Không ai kết án chị sao? Tôi cũng vậy. Hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa “.
Sau đó thì sao? Câu chuyện để ngỏ đó giống như dụ ngôn Chúa nhật trước bỏ ngỏ thái độ người anh. Một khi đã gặp Đức Giêsu Đấng không lên án mà kêu gọi sống đời sống thánh thiện “độc giả cũng thấy mình được kêu gọi để đừng khép mình vào cái khuôn dĩ vãng chết chóc, nhưng là bước đi trong tự do của con cái Thiên Chúa” (x. Léon-Dufour, Sđd, trg 332).
BÀI ĐỌC THÊM:
1. Một mạc khải sâu xa về bản chất của tội lỗi
Câu chuyện là hạt ngọc quí của Tin Mừng. Chúa Giêsu rời núi ôliu, trở lại đền thờ để cứu vớt một phụ nữ ngoại tình, một kẻ tội lỗi. Đừng hạ thấp giá trị của trang Tin Mừng tuyệt vời này khi cho nó chỉ là bài học về sự khoan dung đối với những yếu đuối nhân loại, sự khoan dung mà các bậc hiền triết thời nào cũng mến chuộng.
Thật ra, trang Tin Mừng hôm nay là một mạc khải rất sâu xa về bản chất của tội lỗi, và bản chất của sự tha thứ… theo cái nhìn của Thiên Chúa.
Tội lỗi, trước tiên là một thực tại loài người, rồi là một thực tại của lòng tin. Khi nghiên cứu cách cư xử của con người, các nhà xã hội học khám phá ra sự phạm pháp: Xã hội bao gồm nam, nữ, gia đình, cộng đồng… không thể vận hành nếu như không có một số luật lệ, cấm đoán. Không trộm cắp. Không nói dối. Tôn trọng đời sống lứa đôi. Không ngoại tình. Đừng hiểu ý nghĩa của trang Tin Mừng này cách trái ngược: Đức Giêsu kết án tội ngoại tình là điều rất rõ. ” Đừng phạm tội nữa”.
– Ý niệm về lỗi phạm… Nếu trẻ em thường sai lỗi trong những điều cấm -đáng tin cũng có cả một số người lớn còn ấu trĩ như vậy-, thanh thiếu niên chưa trưởng thành trong nhận thức về điều cấm, điều được phép. Họ khám phá ra rằng: những điều người ta cấm họ tác hại đến cá nhân họ: khi tôi nói dối, trộm cướp, ngoại tình, tôi huỷ hoại một điều gì đó về nhân tính nơi tôi. Lỗi phạm như một con sâu gặm nhấm một trái cây, một thiếu sót nơi bản thân, nơi ý chí tôi. Ý niệm về tội lỗi: ở một mức cao hơn, theo nghĩa đúng nhất, tội lỗi làm gián đoạn “mối tương quan với Thiên Chúa”. Chúa nhật trước, chúng ta đã thấy Chúa Giêsu gợi ý, tội lỗi chính là sự đứt đoạn tình yêu với Cha: người ta cắt đứt mối tương quan và bỏ đi xa. Hôm nay, Tin Mừng nêu lên một quan hệ khác: toàn bộ Kinh Thánh ví tội của Israel như hành vi ngoại tình, phản bội giao ước giữa Chúa và dân yêu dấu của Ngài. Các ngôn sứ thì ví loài người như một người vợ bất trung đối với chồng. Cắt đứt giao ước tình thương. Xúc phạm một ngươi luôn yêu mình. Đó là mạc khải xác thực và sâu xa về tội lỗi.
Như vậy, đối với Đức Giêsu, người ta chỉ hiểu ý nghĩa của tội lỗi, khi hiểu ý nghĩa về Thiên Chúa. Rốt cục, các thánh là những người sáng suốt nhất, vì các ngài nhận ra hành vi phạm pháp và lỗi lầm làm tổn thương tình yêu của Thiên Chúa, Đấng dựng nên ta và yêu thương ta vô cùng. Chính chúng ta làm tổn thương “khuôn mặt” của Người… nơi chúng ta, chúng ta được tạo dựng giống hình ảnh Ngài.
2. Một lời nói và một ánh mắt giải phóng và cứu độ.
Những người Pharisêu tốt lành và trung thành có một cơ hội tuyệt vời để tố cáo Đức Giêsu. Người bị dồn vào chân tường. Hy sinh người phụ nữ để giữ Lề Luật hay hy sinh Lề Luật để cứu người phụ nữ. Người bị kẹt giữa cả hai phía. Kết án người phụ nữ tội lỗi này thì mâu thuẫn với những lời giảng về lòng thương xót và ơn tha thứ. Tha cho chị thì phạm pháp vì bất tuân luật Môsê. Bị cáo sẽ chính là Đức Giêsu.
Sẽ không có sự kết án, cũng không có viên đá nào được ném ra (hình phạt ném đá đến chết). Bẫy sẽ sập xuống trên chính những kẻ gài nó. Chỉ vài lời thôi, Đức Giêsu đã hoán đổi vị trí, nguyên cáo biến thành bị cáo. Chị ta đã phạm tội. Đúng vậy. Còn các ông? Chị không đến nỗi hư hỏng và tội lỗi như các ông nghĩ và các ông cũng không công chính và trung tín như các ông tự phụ.
Một bài học thật là nặng nề, khó chịu nhưng cũng tuyệt vời Đó là bài học về chân lý, về cách Chúa dạy dỗ, về sự công chính theo Tin Mừng và về lòng thương xót rất phù hợp với truyền thống mà các ngôn sứ bênh đỡ và duy trì trước những trận gió và cơn sóng khắc nghiệt xuất phát từ lòng hẹp hòi của con người. “Đừng nghĩ tới chuyện xa xưa nữa. Hãy quên đi quá khứ. Này ta đang tạo lập một thế giới mới: Nó đang hình thành. Các ngươi có thấy không? “
Phán quyết của Chúa là lời tha thứ. Sự tha thứ không giam cầm người khác trong lỗi lầm và trong quá khứ. Anh mắt và lời nói của Đức Giêsu giải thoát và cứu rỗi. Khác hẳn với những cái răng sắc nhọn, những lời nói như đá ném vào mặt, những cái nhìn kết án như viên đạn xuyên tim. Cơn giận giả dối của “những người công chính” cho rằng mình chẳng có điều chi đáng phiền trách nhưng lại luôn sẵn sàng trừng phạt tội người khác.
3. Một vết nứt trên các hệ thống khép kín của chúng ta.
(“Célébrer”, tạp chí của Trung tâm quốc gia về Mục vụ Phụng vụ số 217, trg 26).
Ai cũng khát vọng một thế giới mới. Ai cũng nói về đổi đời Đồng thời, đều cảm thấy bị giam hãm trong những cơ chế gò bó (trong Xã hội cũng như Giáo Hội). Làm sao thoát ra? Theo các bài đọc hôm nay, gặp gỡ Đức Kitô và Tin Mừng của Người sẽ phá tung ngục tù của thất vọng (bài đọc I), làm tan vỡ khối rắn chắc của một lương tâm sơ cứng vì lợi lộc tư riêng (bài đọc 2), bẻ gầy gọng kìm bạo lực của những lời kết án (Tin Mừng).
Trong hoang mạc của chủ nghĩa pháp chế khô cằn, lời kêu gọi biết dùng tự do có trách nhiệm vọt lên như một dòng suối trong mát. Ngay đối với những người Pharisêu khô cằn về luân lý, Chúa Giêsu vẫn có thể cấy trồng sự sống khi làm cho họ hết phương chống đỡ, khi làm cho họ nhận ra rằng họ liên đới với nhau cả trong sự dữ, qua đó, cho thấy có hy vọng vào một lối thoát ra khỏi mọi hệ thống độc đoán và hay kết tội người khác.
Người mở trước mắt ta cái nhìn nhận ái đích thực về mọi lời: cái nhìn không đóng kín chúng ta vào thất bại và tuyệt vọng của quá khứ, cái nhìn tái tạo cuộc sống khi mời gọi chúng ta tiến bước. Tóm lại, đó là một tình yêu loan báo tương lai.
Vết nứt trên các hệ thống khép kín của chúng ta cùng cái nhìn tái tạo này không phải là điều chúng ta cảm nhận và ” sống trong bí tích hoà giải đó sao? Không phải là cơ hội cảm nghiệm quyền năng của sự phục sinh đó sao. Bàn tiệc Thánh Thể loan báo thế giới mới. Dân được cứu rỗi hát mừng những kỳ công của Đấng mở lối vào tương lai.