CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY C – BA DỤ NGÔN VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT (Lc 15,1-32)
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Pio X
1. Nhập đề của ba dụ ngôn đã phóng đại rằng: tất cả những kẻ thu thuế và những người tội lỗi thường lui tới bên Chúa Giêsu để nghe Ngài. Việc thêm thắt chữ “tất cả” vào trong nhập đề này có ý chỉ phương thức căn bản của sứ mệnh và thái độ của Chúa Giêsu: Ngài đến để kiếm tìm và cứu vớt những gì đã hư đi (x.L 19,10), nghĩa là tất cả. Điều này, do đó, cũng có giá trị cho hai hạng người thu thuế và tội lỗi nữa. Họ cần phải đến với Ngài và nghe lời Ngài, bởi vì họ không thể tìm được nơi nào khác lời hy vọng và sự tiếp đón nhưng không đó. Điều đó đã làm cho các biệt phái và ký lục phàn nàn kêu trách: “Ông này tiếp đón những người tội lỗi và cùng ngồi ăn với họ” (c.2). Lời kêu trách này cũng giống như giai thoại ông Lêvi và đối đáp với các ký lục Biệt phái nơi phúc âm Mc (2,12-17). Nơi Lc, lời kêu trách nhắm hai điểm: Ngài tiếp đón những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn với họ. Điểm trách cứ thứ nhất cho thấy rằng những người thu thuế và tội lỗi không phải là thành phần của cộng đoàn tôn giáo và xã hội Israel; ít ra theo giáo thuyết các giáo sĩ Do thái; giáo thuyết này đã có câu châm ngôn như sau: TC yêu thương những người công chính và gớm ghét người tội lỗi. Bởi vì TC gớm ghét người tội lỗi nên Israel cũng phải làm như thế. Nhưng Chúa Giêsu làm ngược lại. Ngài tiếp đón các tội nhân.
Điểm kêu trách thứ hai còn nặng nề hơn: “Ông ta cùng ngồi ăn với chúng”. Tiếp đón những người tội lỗi chưa đủ, Chúa Giêsu còn đi xa hơn: cùng ngồi ăn với họ. Trong cổ thời, bữa ăn có nghĩa là liên minh, thân hữu, liên đới giữa con người với nhau và giữa con người với TC. không cần nói, mà chỉ bằng thái độ, Chúa Giêsu cho thấy rằng TC rõ ràng muốn hiệp thông với kính những người tội lỗi.
Nhập đề này gán cho những dụ ngôn tiếp theo một tính cách biện hộ, bênh vực thái độ của Chúa Giêsu đối với những người tội lỗi. Nhưng trong câu cho thấy, thái độ của Chúa Giêsu đối với những người tội lỗi chắc chắn không có nghĩa là họ được công chính hóa vì là tội nhân. Tội nhân cũng cần tự mình hoán cải. Nhưng điểm mới mẻ là ở chỗ: sự cải hóa của họ không phải là điều kiện tiên quyết để được TC ân cần tiếp đó (như thần học các giáo sĩ Do thái chủ trương): ngược lại, sự hoán cải này trước tiên được TC thực hiện. Chính người mục tử lên đường tìm kiếm con chiên lạc, ông không ngồi đợi con chiên trở về. Điều phải làm trước tiên là chứng tỏ tình yêu đối với người khác; chính nơi TC mà ta tìm thấy khởi điểm của việc con người trở về.
2. Đâu là điểm chính yếu của chương này. Ta hãy thử tóm tắt: ở đây, không có sự từ chối hoàn toàn giáo thuyết biệt phái, nhưng là một thái độ rất hòa hoãn trước lời tố cáo của địch thủ Chúa Giêsu, một lời mời gọi thực sự nói qua dụ ngôn, mời gọi bắt chước cách thế hành động của chính TC. TC đã kinh nghiệm được một niềm vui khôn tả khi một tội nhân đi vào nước trời; hơn nữa Ngài đã kêu mời mọi người chung vui với Ngài vì tội nhân trở lại; tội nhân ngày xưa đã lạc mất và hiện tìm thấy, trước đây đã chết và nay sống lại. Suốt cả chương mời gọi ấy cứ vang mãi cho đến lúc bừng lên ở đoạn cuối. Chính Người mục tử mời gọi bạn bè và láng giềng đến chia vui với ông; chính người đàn bà đã làm như vậy, và chính người cha cũng mời gọi tôi trai tớ gái của ông đến chung ly rượu vui mừng. Đặc biệt nhất là lời mời gọi khẩn thiết, van nài vối với người con cả. Niềm vui tột đỉnh của TC là không loại trừ một người nào. Ngài mong ước cho chúng ta được niềm hân hoan phát sinh từ sự thay đổi sâu xa tận đáy tâm hồn.
Ngay cả từ ngữ cũng hướng ta về ý nghĩa ấy: các diễn tả niềm vui dầy đặc cả trong văn bản. Trước hết có thể kể chữ “tiếp đón” (prosdechetai), như nhiều tác giả đã nghĩ; rồi chắc chắn là chữ “mừng rỡ” (c.5), “chia vui” (c.6), “vui mừng” (c.7), “chia vui” (c.9), “vui mừng” (c.10), “ta hãy ăn khao” (c.23), “đàn ca múa hát” (c.25), “phải ăn khao mà mừng chớ” (c.32). Đó là niềm vui phải cùng chung với những người khác: người mục tử và người đàn bà với bạn bè (xin xem các động từ kép sugkalsin, sugchairein), TC với các thiên thần, người cha với tôi tớ và nhất là với con cả. Ta còn có thể kể thêm ý tưởng “tìm lại được”, một tiếng diễn tả niềm vui vỡ bờ của kẻ đã từng kinh nghiệm điều đó.
Nhưng trong văn mạch, lời mời gọi chung vui này mang một khía cạnh Kitô học rất đặc biệt: đó là một lời mời gọi khó lòng đón nhận nếu không có một thay đổi não trạng tận gốc, chính Chúa Giêsu đã phát biểu như vậy; chính thái độ của Ngài đã phản ảnh tinh thần và niềm vui của TC khi Ngài tiếp đón tội nhân; chính Ngài đã muốn rằng mọi người phải chung vui với Ngài. Kẻ nhìn thấy Chúa Giêsu cũng nhìn thấy TC và không chê bai lối hành động của Ngài. Con người của
Chúa Giêsu không phải là một cái gì được thêm vào cho sứ điệp tin mừng và cho lời rao giảng Nước Trời. Ngược lại Ngài chính là sự mới mẻ chủ yếu của sứ điệp đó. Các dụ ngôn đây hoàn toàn không phải là một sự lặp đi lặp lại cách vô ích ơn tha thứ mà TC dành cho người tội lỗi như trong lời rao giảng của các ngôn sứ đâu. Nếu các dụ ngôn nói cho chúng ta về niềm vui của TC, thì Chúa Giêsu đã miêu tả cho chúng ta thấy phương thế hành động riêng của Ngài. Điều đó có thể được vì giữa hành động của TC và hành động của Chúa Giêsu có một sự đồng hóa âm thầm nhưng thực sự. Trong phúc âm của thánh Lc, Chúa Giêsu mời gọi ta bắt chước TC: “Hãy biết xót thương như Cha các ngươi là Đấng thương xót” (6,36). Nhưng ở đây còn hơn nữa: trong sứ mạng của Người, Chúa Giêsu là Đấng qua đó TC bày tỏ cho chúng ta niềm vui và sự thương xót của Ngài. Bởi thế, phàn nàn chống đối Chúa Giêsu, cuối cùng là phàn nàn chống đối TC, vì Chúa Giêsu lôi kéo tội nhân về với TC. Hầu như có thể giải thích cách thần học câu: “họ lui tới bên Ngài” thế này: Chúa Giêsu là người đầu tiên mời gọi chúng ta đến với nguồn vui ấy, nguồn vui ơn cứu rỗi ta.
3. Có một điều khiến các nhà chú giải phải lưu tâm ngay là: trong cặp dụ ngôn người mục tử, là có phúc âm thánh Mt (18,12-24); hai bản văn thuật lại dụ ngôn này dầu song song, vẫn khác biệt nhau: nơi Mt, hoàn cảnh không phải là sự tiếp đón các tội nhân, nhưng là sự săn sóc mà cộng đoàn phải chu toàn đối với những “kẻ bé nhất”; vì thế, kết luận cũng hoàn toàn khác biệt trong hình thức (phủ định nơi Mt) cũng như trong nội dung. Có thể tóm lược những dị biệt này như sau: Mt nhấn mạnh việc tìm kiếm, Lc nhấn mạnh niềm vui tìm gặp; trong Mt, Chúa Giêsu mời gọi những kẻ mạnh hay các mục tử hãy dẫn dắt kẻ yếu đuối về, trong khi Lc làm nổi bật niềm vui tha thứ của TC; Mt nhấn mạnh đến bổn phận phải chu toàn, Lc lại đi sâu vào con tim TC; Mt cho các tông đồ một qui luật, Lc lại mô tả sự nhân lành của Đấng cứu thế đối với tội nhân.
4. Tong hai dụ ngôn đầu của chương 15 này, người ta thấy có sự đồng nhất cơ cấu đặc biệt đến nỗi có thể gọi chúng là hai dụ ngôn “sinh đôi”
(người đàn ông) (người đàn bàø)
Ai trong các ông Bà nào
giả sử có một trăm con chiên có mười đồng bạc
và lạc mất một con nếu rủi mất một đồng
há người ấy lại không bỏ há bà ấy lại không chong đèn…
cho đến khi tìm ra con chiên cho đến khi tìm được đồng bạc
lạc đó ư ? đó ư ?
Tìm được rồi… Tìm được rồi…
lại không gọi bạn bè hàng xóm lại không gọi bạn bè hàng xóm
và phân phố với họ thế này sao: và phân phố thế này sao:
“bà con hãy chia vui với tôi ” “bà con hãy chia vui với tôi”
tôi đã may mắn tìm thấy con chiên tôi đã tìm thấy đồng bạc tôi
lạc của tôi đánh mất
Cũng vậy, tôi bảo các ông, Cũng vậy, tôi bảo các ông,
… sẽ vui mừng … vui mừng
vì một người tội lỗi hối cải vì một người tội lỗi hối cải
hơn là vì 99 người công chính… hơn là những kẻ không cần ăn năn.
Sự song đối thật quá hiển nhiên: câu hỏi ban đầu, hình thức lời nói, từ ngữ, ý tưởng… Với phương cách đặc biệt, vịêc lặp đi lặp lại các ý niệm và các từ ngữ đều gợi lên niềm vui và mời gọi chúng ta đến chia sẻ.
Bố cục theo một lược đồ đồng nhất, hai dụ ngôn này vì thế đề ra cùng một giáo huấn. Rất là thanh nhã, Chúa Giêsu lần lượt đưa vào một người đàn ông và một người đàn bà, một mục tử mất chiên và một nội trợ mất tiền. Các con số ở đây không quan trọng lắm. Có chặng là chính đơn vị bị mất mát, được tìm kiếm, và gây nên nỗi vui mừng cúc tìm thấy: một con chiên (trong cả đàn chiên), một đồng bạc (tiền công của một ngày làm việc) trong cả chút gia sản nhỏ bé, và (trong áp dụng) một tội nhân ăn năn, một linh hồn được cứu; điều đó đáng làm người ta chú ý.
a. Hình ảnh người mục tử tìm được con chiên mình (cc.3-6):
Nhận thấy thiếu mất một con chiên trong đàn, người mục tử để 99 con chiên ngoan ngoãn gặm cỏ nơi hoang vắng (phải hiểu là để lại trong an toàn, nơi đồng cỏ vùng cao), để đi tìm con chiên lạc. Kể từ đây, trình thuật tập trung vào việc làm sáng tỏ thái độ của mục tử đối với con chiên duy nhất này. Ông đi tìm, ông gặp được nó, ông vui mừng, nỗi vui mừng phát biểu qua hai cách: ông vác con chiên lên vai như một giải khăn quàng sống động để cảm thấy nó thật gần gũi với mình; ông kêu mời bạn bè hàng xóm đến chia sẻ hạnh phúc của ông: niềm vui của ông tỏa rộng và lây sang người khác.
Hình ảnh này có lẽ hơi phóng đại (nhất là trong cách biểu lộ sự vui mừng) vì muốn ghi khắc bài học vào tâm trí. Nhưng nếu xét thực tế một chút, người ta thấy cử tọa dễ dàng và tự nhiên đồng ý với người thuật truyện và đi vào trong: “Ai trong các ông lại không làm như thế” (c.4). Được vuốt nhẹ một chút, thính giả chấp nhận ngay liền.
b. Hình ảnh bà nội trợ tìm lại được đồng bạc (cc.8-9)
Đây là cảnh xảy ra bên trong nhà người dân Palestine: một căn phòng bằng đất nện, với vài chiếc chiếu, hay một ít đồ đạc lỉnh kỉnh. Ánh sáng không có bao nhiêu và chỉ đi lọt qua cửa chính vì nếu mở cửa sổ, nóng sẽ hắt vào. Ngay giữa ban ngày, cũng cần một ngọn đèn nhỏ để soi các xó góc. Câu chuyện được diễn tả chỉ trong vài tiếng: đồng tiền bị mất, người đàn bà gia công tìm kiếm (soi đèn và quét tước khắp nơi) tìm được rồi lòng ngập mừng vui. Đồng tiền thế nào cũng được cất lại một nơi chắc chắn, và niềm vui nói mãi không cùng với bạn bè hàng xóm, những người được réo gọi và chạy sang với một sự hiếu kỳ đầy thiện cảm.
c. Giáo huấn của hai dụ ngôn cc. 7 và 10)
Chúa Giêsu không bắt chúng ta khám phá giáo huấn đó. Ngài đã cắt nghĩa rõ ràng: đó là niềm vui của TC: “Trên trời sẽ vui mừng” (c.7), “vui mừng ắt vang lên giữa các thiên thần của TC” (c.10); hình thức chuyển từ kiểu Do thái này là để tránh đề cập trực tiếp đến TC. Nhưng toàn văn mạch chỉ rằng niềm vui đó là niềm vui của Ngài và của triều thần thiên quốc), niềm vui được mô tả một cách như nhân để những thực tại của TC dễ thấu đạt chúng ta.
Đối tượng của niềm vui vỡ bờ này là sự thu hồi tội nhân: một sự thu hồi do TC, một kết quả của lòng người lo lắng cho kẻ đã lạc mất (xem các chi tiết của hai dụ ngôn); sự thu hồi đó giả thiết tội nhân đã để TC bắt lấy (như con chiên và đồng bạc) cho nên sự hối lỗi, sự trở lại của anh ta không gì khác hơn là sự đáp ứng lại những bước đầu tìm kiếm của Ngài.
Nhưng cần nhắc lại rằng hai dụ ngôn không phải là lời mời gọi hoán cải. Chúng trực tiếp diễn tả niềm vui của TC. Đấng đã sung sướng trong sự chiến thắng của tình thương xót Ngài, sau khi đã động viên toàn lực để dẫn đưa kẻ lầm lạc trở về.
5. Dụ ngôn người cha của đứa con hoang đàng hẳn là một trong những trang phúc âm lôi cuốn nhất. Không cần mất thì giờ dừng lại trên những phân tích tâm lý tinh vi, trên nghệ thuật trình bày tài tình. Nhưng phải giới hạn lại, và ở đây tốt hơn, nên chú ý nhiều đến giáo huấn tôn giáo mà dụ ngôn muốn ghi khắc vào tâm trí.
Có một tương quan chặt chẽ nối kết dụ ngôn này với hai dụ ngôn trước trong chương 15 của phúc âm Lc. Trước hết ai cũng nhận thấy các kết luận đều giống nhau trong suốt cả chương âm vang như một điệp khúc: “hãy vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên lạc” (c.6), “Hãy vui mừng với tôi vì tôi đã tìm được đồng tiền đánh rơi: (c.9), “Ta hãy ăn mừng vì con Ta đây đã chết mà nay được sống, đã lạc mất mà nay lại tìm thấy” (c.32). Toàn chương như một bài ca tán tụng hạnh phúc của người tìm lại được cái mình đã mất đi.
Tính cách duy nhất đó được biện minh cho cách thức Lc dẫn nhập vào dụ ngôn bằng hai câu ông đã đặt ở đầu chương. Kẻ tỉ mỉ sẽ nhận xét rằng nhập đề này chỉ liên hệ trực tiếp đến dụ ngôn đầu mà thôi. Thật ra nó liên hệ đến cả hai dụ ngôn kia nữa vì cả ba ăn khớp với nhau. Và lại ta sẽ thấy rằng, nhập đề ấy hoàn toàn phù hợp với nội dung của dụ ngôn sau cùng: Chúa Giêsu sở dĩ đưa ra dụ ngôn này là vì các người biệt phái và ký lục đã công phẫn trước thái độ ân cần chiếu cố của Ngài đối với những người tội lỗi.
Dụ ngôn rõ ràng chia làm hai phần, phân ra nhờ điệp khúc ngắn rõ ràng của câu 24. Phần đầu diễn tả thái độ của người cha đối với đứa con hoang đàng, phần sau nói lên khó khăn của ông đối với người con cả. Hai đứa con hiện diện ở đó là để ông cha có cơ hội biểu lộ tình cảm của mình (cho nên vị anh hùng đích thực của dụ ngôn không phải là thằng con hoang đàng, song là cha của y). Nhưng những chi tiết về hai người con cũng soi cho ta thấy đâu là hoàn cảnh của dụ ngôn, đâu là vấn đề chính yếu khiến Chúa Giêsu muốn ban ra một giáo huấn. Giáo huấn này chắc chắn nằm trong những lời nói của người cha. Do đó, thay vì lần lượt xem xét hai phần của trình thuật, có lẽ nên xác định đâu là hoàn ảnh của dụ ngôn bằng cách trước hết chú ý chân dung của hai người con. Chân dung của người con cả đơn giản hơn hết, nên ta sẽ bắt đầu nói về anh trước sau đó đến người con thứ, rồi người cha và cuối cùng đề cập đến giáo huấn mà Chúa Giêsu muốn đưa ra qua trung gian ông già này.
1. Người con cả
Khi đứa con thứ trở về, anh ta đang làm việc ngoài đồng. Chiều đến, sau một ngày lam lũ trở về nhà, không hay biết gì hết. Trong nhà cuộc vui đã tới hồi náo nhiệt với ca nhạc và nhảy múa. Anh con cả kêu người giúp việc, hỏi về chuyện đang xảy ra. Câu trả lời thật khó nghe: “Ấy, em cậu vừa về, nên cha cậu đã cho hạ bò tơ béo, bởi vì cụ đã được lại con an lành mạnh khỏe” c.27). Nghe vậy, anh ta giận dữ vô cùng. Cách thức nhận tin cho thấy phản ứng của anh. nhưng phải biết rằng: bản văn không muốn tô vẻ người con đầu lố bịch. Bản văn chỉ cho thấy anh ta đang giận dữ, Và giận dữ không phải không có lý do.
Vì anh từ chối vào nhà, nên ông cha phải đích thân ra van nài anh vào. Sẵn cơn tức giận, người con cả trút hết nỗi uất ức chất chứa trong lòng bấy lâu: “Này biết bao năm trời, tôi làm tôi ông cùng chưa hề cãi lệnh ông, thế mà có bao giờ ông cho tôi được một con dê để ăn mừng với chúng bạn. Còn khi thằng con của ông kia đã ngốn xong cả sản nghiệp của ông với đàn đĩ mà về, thì ông lại hạ bò tơ béo mừng nó” (cc.29-30)
Anh ta đã thốt lên một cách cứng cỏi, nếu không nói là thô lỗ; nhưng xét cho cùng, thực đúng như vậy. Anh ta nghĩ rằng cha mình đã xử sự không đúng, và phải công nhận anh có lý. Lời kêu trách của anh nhắc ta nhớ lại lời kêu trách của những người thợ giờ thứ nhất khi họ phản đối thái độ của ông chủ vườn nho: “hạng cuối hết này (những người thợ tới làm việc lúc 11 giờ) đã chỉ làm một giờ thôi, thế mà ông lại kể ngang hàng với chúng tôi, là những kẻ đã vác nặng cả một ngày trường với nắng nôi thiêu cháy” (Mt 20,12). Qua những lời kêu trách của người con cả và những người thợ thứ nhất, có thể nhận ra được cảm nghĩ của những người mà Chúa Giêsu đã hướng dụ ngôn tới. Dẫu bằng cách khác, họ cũng nghĩ rằng, quyền lợi của họ đã bị thiệt thòi. Một cái gì đó đã xảy ra khiến họ phải bảo: “Như thế là không công bình”.
Trước khi trả lời họ, Chúa Giêsu cho thấy những thông cảm với những khó khăn của họ. Bản trình thuật đã khéo sắp xếp để cho đối tượng của dụ ngôn nhận ra mình trong người con cả và thấy anh ta là phát ngôn cho mình.
Người con cả trước hết nói về chính bản thân anh: “Này đã biết bao năm trời tôi làm tôi ông, cùng chưa hề trái lệnh ông. Các từ ngữ anh ta xử dụng để diễn tả lòng trung thành của mình đối với Cha chính là từ ngữ đã xác định lý tưởng tôn giáo của các ký lục và biệt phái: bền tâm làm tôi TC, ra sức lo lắng để đừng bao giờ “trái lệnh” của Ngài.
Sau đó, người con cả còn nói với người con thứ bằng một giọng vô cùng khinh bỉ. Anh ta tránh gọi là “em con” nhưng nói “thằng con của ông kia”. Thật đúng như người biệt phái của dụ ngôn Lc 18,10-14 đã gọi “tên thu thuế kia” vậy. Cũng thái độ khinh miệt ấy tỏ lộ qua những từ ngữ khiếm nhã lên án hạnh kiểm của đứa con hoang đàng.
Như thế đã đủ để cho ta thấy rõ hạng người mà dụ ngôn muốn nhắm đến. Chúa Giêsu ngỏ lời với những kẻ tự cho mình là tôi trung của TC, những kẻ đã cố giữ để đừng bao giờ vi phạm giới răn Ngài. Họ nghĩ rằng một lòng đạo đức như thế cho họ được quyền, và họ phẫn uất trước những gì xem ra bất công đối với họ. Không pgải là họ phẫn uất trước kẻ tội lỗi, những người này chỉ làm cho họ khinh bỉ. Sự phẫn uất, khó chịu của họ, chúng ta đã thấy rồi là do thái độ của TC đối với các tội nhân: nếu TC cũng nhân lành với kẻ tội lỗi như thế, thì người công chính nào có hơn gì không ? Lòng thương xót của TC đối với người tôi lỗi há không làm lung lay nền tảng của một tôn giáo chủ trương trung thành vâng lời TC sao ? Nếu các kẻ tội lỗi là những người được TC ưu đãi, thì cần gì phải mất công giữ giới răn của Ngài ?
2. Người con thứ
Ta đã thấy dụ ngôn cố sức làm nổi bật sự bắt bẻ của người con cả, nhưng không nhận chìm nhân vật mà qua đó, các đối tượng phải nhận ra chính mình. Bây giờ là chân dung của người con thứ; anh ta không được tô điểm chút nào và phù hợp với hình ảnh mà người biệt phái có thể có về một người tội lỗi chính danh.
Sau khi đã thu được phần gia tài, đứa con thứ trẩy đi xa (dĩ nhiên là vùng lương dân) ở đó anh ta phung phí của cải bằng một đời sống phóng đãng (mà chỉ bọn ngoại giáo mới sống). Cuối chặng đường phiêu lưu đó, anh chàng làm nghề chăn heo. Đối với người Do thái, đấy là tồi tệ hết chỗ nói. Ta có thể đoán được khi nghe đến đây, người biệt phái ắt bỉu môi, kinh tởm.
Sau cùng, đã đến lúc suy nghĩ lại. Nhưng hãy xem anh chàng ăn chơi suy nghĩ gì nào ? Hối tiếc thái độ của mình ? Hối hận vì đã gây buồn khổ cho cha ? Không có đâu, anh ta đã tự trách đã dại dột để mình chết đói đang khi gia nhân của cha có bánh ăn no đầy. Tại sao không lợi dụng điều đó và đi về xin làm gia nhân của cha ? Để hoàn thành kế hoạch, anh ta dọn trước một câu thật hay: “Thưa cha, con đã trót phạm tội nghịch với trời, và trước mặt cha, con không đáng gọi là con cha nữa, xin xử với con như một người làm công của cha thôi” (cc-19). Câu này thật hay, nhưng anh quá biết đấy là một mánh khóe hết sức tầm thường. Cái làm cho thằng con lo lắng là không có gì mà “tống cho đầy bụng” (c.16). Hắn trở về nhà là để được ăn thả cửa. Những lời lẽ hối hận của hắn không phù hợp với cảm nghĩ đích thật của hắn. Những lời đó chỉ có mục đích làm động lòng người cha đang tức giận một cách chính đáng, hắn chỉ cần khêu gợi lòng thương cảm của cha với hy vọng ông sẽ không tìm cách soi thấu lòng dạ của của hắn mà thôi.
Không ! Trình thuật này không có lý tưởng hóa tội nhân. Chân dung vẽ ra là đúng như lòng mong đợi của biệt phái mà Chúa Giêsu đang ngỏ lời. Khi muốn sửa chữa chân dung đó để biến đứa con hoang đàng thành mẫu gương thống hối, ta sẽ bỏ qua giáo huấn mà Chúa Giêsu muốn đề ra cho thính giả Ngài. Từ lâu trong Israel, người ta biết rõ là TC thích tha thứ cho những kẻ tội lỗi ăn năn trở về. Nếu Chúa Giêsu chỉ muốn nói thế, thì người biệt phái không có lý do gì để phẫn nộ cả.
3. Người cha
a. Người cha và đứa con thứ: phải đọc lại đoạn mô tả xúc động về thái độ của người cha khi đứa con hoang trở về ở câu 20-24. Làm thế nào để chú giải một đoạn văn như vậy mà không làm mất đi tính cách sống động của nó ? Ta thấy người cha xúc động khi nhận ra con mình từ đàng xa. Động từ có nghĩa là: người cha bồi hồi cảm xúc và chạnh lòng thương xót. Mối xúc động bên trong này tức khắc biểu lộ ra bằng những cử chỉ cuồng nhiệt: người ta ngạc nhiên thấy ông già đương phương đường bệ này chạy bổ vào đứa con, thằng con bắt đầu tụng lên câu dọn sẵn, nhưng nó không đọc hết được, vì cha nó đã hối hả kêu gia nhân: “Mau mau. Đem áo thượng hạng mà mặc cho nó, hãy xỏ nhẫn vào tay nó, và giày vào chân nó, rồi đem con bò tơ béo mà hạ đi, ta phải ăn khao mới được. Mau lên.
Tất cả sự náo nhiệt này được hiểu như là một sự bùng vỡ niềm vui. Nỗi sung sướng của người cha thật tràn trề đến nỗi ông chạy lăng xăng khắp nhà. Câu 24 kết thúc đoản văn bằng cách đưa ra lý do sâu xa của niềm vui này: “Vì con ta đây: nó đã chết mà lại hoàn sinh, đã mất đi mà lại tìm thấy được”. Dù tội lỗi đến đâu, tên hoang đàng vẫn là đứa con của cha nó. Đối với ông cha, chỉ điều ấy là đáng kể. Ông đã không bao giờ ngừng yêu mến con ông. Đã một thời đi xa, đứa con như mất đi, bây giờ tìm lại được nó. Kể chi đến quá khứ, chỉ biết bây giờ nó đã trở về. Người cha dào dạt niềm vui, bởi vì ông đã yêu con như bất cứ người cha nào.
b. Người cha và đứa con cả: người cha đã không muốn nghe hết lời thú tội của thằng con thứ, nay tránh cắt ngang lời trách móc của đứa con cả. Ông lắng nghe hết câu than vãn đó. Và lúc ấy, ông mới trả lời, bằng một giọng âu yếm trái hẳn với giọng điệu hằn học của đứa con.
Trước hết, người con cả nói về mình, về hạnh kiểm gương mẫu của mình mà anh ta nghĩ rằng đã bị cha đối xử bất công. Người cha bắt đầu trả lời những trách cứ của anh: “này con, con hằng ở luôn với cha thì tất cả của cải của cha đều là của con” (c.31). Chúng ta không cần nghe nói đến con dê bị khước từ nữa: “Tất cả những gì là của cha đều là của con”. Thật thế, người con cả không thể phàn nàn rằng anh ta đã bị xử bất công.
Câu trả lời này nhắc ta nhớ lại rằng mình đang đứng trước một dụ ngôn. Cho nên không có vấn đề đi tìm một ý nghĩa mầu nhiệm nào đó trong các từ ngữ được xử dụng. Ta sẽ lạc đề hoàn toàn chẳng hạn như muốn áp dụng những từ ngữ của câu trả lời về liên hệ giữa người cha và người con này vào mối liên hệ giữa TC và những người biệt phái. Điều đúng trên phương diệm là TC không bất công đối với người biệt phái cũng như người cha đã không bất công với đứa con cả vậy.
Phần thứ nhất của câu trả lời bác lại một bắt bẻ, phần thứ hai đi xa hơn và đưa ra một giáo huấn tích cực. Dĩ nhiên nơi đó mới là điểm quan trọng. Câu trả lời lấy lại điệp khúc đã kết thúc phần thứ nhất của trình thuật (c.24), nhưng biến đổi rất có ý nghĩa. Thay vì nói “con ta đây, nó đã chết…” để đổi lại từ ngữ đứa con cả dùng: “thằng con của ông kia đã về sau khi đã ngốn xong sản nghiệp của ông” người cha đã sửa lại một cách tế nhị: “Em con đó”, “phải ăn khao mà mừng chớ, vì em con đó nó đã chết mà lại sống, đã mất mà lại tìm thấy được” (c.32). Nếu người cha đã vô cùng hạnh phúc khi tìm lại được đứa con, thì người anh sao lại không hoan hỉ lúc tái ngộ em mình ?
Trình thuật chấm dứt với lời kêu gọi của người cha. Cuối phần nhất, điệp khúc được tiếp liền bằng một câu kết vắn tắt: “Và người ta mở tiệc ăn mừng” (c.24). Ta có thể tưởng tượng một câu kết luận như thế cho cả trình thuật để bảo rằng đứa con cả đã hoàn toàn được thuyết phục. Nhưng trình thuật vẫn cố ý bỏ ngõ, vì chính thính giả phải tự nói là họ có đáp trả lời kêu gọi này của dụ ngôn hay không. Kết luận của trình thuật tùy thuộc vào thái độ của họ. Họ chịu để thuyết phục không ? Họ có chấp nhận chia sẻ không ? Họ có chấp nhận chia sẻ niềm vui của TC khi một tội nhân trở về không ? Họ có đủ sức thông hiệp vào tình yêu mà TC không ngừng mang lại cho những người anh em tội lỗi không ? Chỉ có họ mới trả lời được.
c. Mạc khải về lòng thương xót của TC: trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu vạch trần cạm bẫy mà trong đó thường rơi vào những kẻ đạo đức xét theo lề luật và những kẻ thỏa mãn với sự công chính riêng của mình, họ đòi hỏi TC phải công nhận vì họ “công chính” sờ sờ ra đó. Nhưng sự công chính này, mà họ tưởng có thể dựa vào, lại lôi họ đến chỗ tiêu diệt . Họ bị hiểm nguy vì họ quên rằng họ là những người con và vẫn là con ngay cả trong sự trầm luân. Quả thực, TC Cha đã đến gặp họ trước khi họ lên đường tìm về với Ngài.
Ngay trước khi đứa con hoang đàng xưng thú tội lỗi mình, người cha đã ôm nó vào lòng mà hôn. Cái hôn trên má dành thường dành cho người ngang hàng. Chúa Giêsu diễn tả sự phục hồi tư cách, địa vị làm con của đứa em bằng cách nói: người ta đem lại cho gã cái áo đẹp nhất, xỏ nhẫn vào tay và mang giày vào chân gã. Việc mặc áo ngày lễ chúng tỏ : người cha không những tha thứ hết mọi tội lỗi thằng con mà còn ngầm báo nó đừng sợ, cha không phạt đâu. Tuy nhiên việc chú giải dụ ngôn còn cho một kết luận khác nữa: việc TC tha thứ không phải chỉ là cất hình phạt, song còn là một hành động sáng tạo. Nếu tội lỗi của con người là dấu hiệu khuất phục sự chết, thì sự tha thứ nhân danh Chúa Giêsu và nhân danh TC không phải chỉ là chết đi tội lỗi, nhưng còn băn khoăn một thực thể mới, thay đổi con người toàn diện.
KẾT LUẬN
Hai dụ ngôn của chương này kết thúc một cách vui vẻ, nhưng dụ ngôn thứ ba thì được “bỏ ngỏ”: người con trưởng có chấp nhận lời mời không ? Đó không phải là câu hỏi để kết thúc. Sau khi đã hiểu được niềm vui khôn tả của TC, câu hỏi đích thực liên hệ đến chúng ta: chúng ta có thực lòng chung vui với TC và Chúa Kitô, khi thấy người anh em tội lỗi vào nước trời ? Nếu thực lòng chung vui, chúng ta đang đi vào tâm tình của Chúa Kitô, và nhờ người, được liên kết với Chúa Cha, là đấng yêu thương hết thảy mọi người.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. TC muốn cứu độ mọi người (1Tim 2,4), không phải chỉ cách tổng quát và tập thể, nhưng còn là một cách cá biệt. Ngài không muốn một số kẻ được chọn nào đó, Ngài muốn cứu vớt tất cả. Cho dù chỉ có một linh hồn cần được đưa về với Ngài (một con chiên trong số 100 con) Ngài cũng lo liệu tìm mọi cách để đưa kẻ ấy trở về.
2. Chúa Kitô là mục tử tốt lành, biết tên từng con chiên một (Ga 10,3). Sứ mệnh của Ngài là đưa những con chiên lạc nhà Israel trở về đàn (Mt 15,24). Cũng như Chúa Kitô, Kitô hữu không được bỏ rơi kẻ nào trong những tương giao nhân loại hay tôn giáo của mình, nhưng phải sẵn sàng tiếp nhận mọi thiện chí, sẵn sàng tiếp xúc một cách chân thành hữu ích. Không phải môi trường rộng lớn mới là quan trọng. Thánh Francois de Sales có nói: “Một linh hồn đã là một địa phận khá lớn cho một giám mục rồi”
3. Cho dù tội lỗi đến đâu, chúng ta đừng bao giờ thất vọng. Tình yêu của TC và của Chúa Kitô luôn đeo đuổi chúng ta (Rm 8,37-39). TC rình chờ chúng ta, để vác chúng ta lên đôi vai khi cần (Is 40,11) và đưa chúng ta về lại ràng. Chúng ta hãy tin tưởng vào sự âu yếm của TC chúng ta. Hãy thưa với Ngài rằng chúng ta là con chiên lạc lối và hãy xin Ngài đến tìm kiếm ta cho mau (Tv 119,176) để từ đây săn sóc ta như con chiên thân thuộc (Tv 95,7) trong tình yêu thắm thiết của Ngài.
4. Hôm nay, ngày Chúa Nhật, TC vui mừng biết bao được tụ họp đoàn dân Ngài trong giáo hội để nhờ Chúa Kitô dâng lên hy lễ thờ phượng. Trong đoàn dân này, Ngài nhận ra những con chiên trung thành của Ngài và có lẽ cũng nhận ra một vài tâm hồn Ngài đã dùng ân sủng đánh động riêng, đã trở về cuộc sống thờ phượng: đó là những con chiên tìm thấy những đồng bạc thu hồi, những tâm hồn đã được đưa về để tôn thờ TC đích thật hầu được cứu rỗi.
5. Chúng ta tìm thấy được dụ ngôn người cha của đứa con hoang đàng một mạc khải về sự âu yếm khôn lường của TC đối với những người tội lỗi. Tình âu yếm đó đã được Chúa Giêsu tỏ ra cho loài người trong việc Ngài chăm lo cho các tội nhân suốt sứ vụ tại thế, và nhất là trong viêc hy sinh mạng sống Ngài để chuộc tội cho họ. Việc khám phá ra một tình yêu như vậy không thể làm cho ta tràn đầy tin tưởng vào Đấng đã yêu thương chúng ta. Chúng ta quá biết mình là những tội nhân; nhưng chúng ta từ nay không được quên rằng thân phận khốn nạn đó không làm TC ghét bỏ chúng ta, trái lại càng khiến Ngài yêu chúng ta hơn. Vì vậy chúng ta vững tin cho chính mình, và cũng vững tin cho những kẻ khác. Chúng ta cũng đang sống giữa những người tội lỗi. Khi thấy các anh em ấy gặp khốn khó hay lầm lạc, chúng ta hãy nhớ lại rằng họ vẫn được TC yêu, và tình yêu đó đủ mạnh để cứu rỗi họ.
6. Không thể thật sự khám phá ra tình yêu của TC mà không thấy sự đòi buộc của tình yêu đó đối với chúng ta. Người con cả của dụ ngôn, vì không hiểu tình yêu của Cha, cũng không hiểu được lời mời gọi phát xuất từ tình yêu đó: anh ta chỉ thực sự là người con hiếu thảo của cha khi biết chia sẻ tình yêu của cha, biết thương mến đứa em. Việc đề phòng mà dụ ngôn muốn nhắc nhở cho người người biệt phái không phải là không liên hệ đến Kitô hữu. Dụ ngôn nhắc cho họ nhớ rằng người ta không thể phục vụ TC đúng ý Ngài nếu không yêu Ngài và không thông hiệp vào tình yêu của Ngài đối với anh em, cho dù những người này là tội nhân. Thái độ của Chúa Giêsu hoàn toàn trái ngược với con tim lạnh lùng kiêu căng của người biệt phái, kẻ tưởng mình đang sống an toàn vì đã thi hành tỉ mỉ những giới luật. Làm sao có thể xưng mình là môn đệ của Chúa Giêsu nếu ta khinh bỉ xa tránh những kẻ đang gặp hoạn nạn khó khăn do tội lỗi. Tình yêu TC kêu mời chúng ta yêu mến anh em. “Anh em thân mến, nếu TC đã yêu mến ta như thế, thì ta cũng phải yêu mến nhau” (1Ga 4,11)