Chúa Nhật 4 Mùa Chay C
NGƯỜI CHA NHÂN HẬU
Lc 15, 1-3. 11-32
Trước năm 1975, người ta thường nhắc đến câu chuyện về cuộc đời của một tướng cướp hào hoa phong nhã cùng với cuộc tình lãng mạn của anh ta. Đó là tướng cướp Petit Tân, nghĩa là Tân Bé, chuyên cướp nhà băng, đã từng vào tù ra khám nhiều lần.
Vào những năm đầu của thập niên 70, trong thời gian nằm tù, Tân Bé xem Tivi thấy ca sỹ Thanh Lan hát trong các chương trình ca nhạc. Trái tim của người tướng cướp đã rung động trước tiếng hát của cô ca sỹ duyên dáng và anh ta say mê cô ca sỹ ấy.
Sau đó, Tân Bé đã vượt ngục với ý định cầu hôn với ca sỹ Thanh Lan. Nếu nàng nhận lời, anh ta sẽ giải nghệ và trở về con đường lương thiện. Một ngày nọ, mặc dù đang bị truy nã, tướng cướp Tân Bé với bó hoa trên tay tìm đến nhà Thanh Lan để nói lời tỏ tình. Nhưng thật trớ trêu ! Khi vừa đến trước cửa nhà Thanh Lan, tướng cướp hào hoa ấy đã bị bắn bằng một loạt đạn của những người lính “Nhân Dân Tự Vệ” đang rình sẵn. Tướng cướp Tân Bé đã chết khi chưa kịp trở về “con đường lương thiện”.
Một người tội lỗi muốn hoàn lương, nhưng không được xã hội loài người chấp nhận. “Công lý và sự trừng phạt” đã ngăn cản bước chân trở về của “người con hoang đàng” ấy.
Nếu xã hội loài người với pháp luật nghiêm khắc không thể đón nhận sự trở về của những kẻ tội lỗi, thì ngược lại, Thiên Chúa là Người Cha Nhân Hậu luôn mở rộng vòng tay yêu thương để đón nhận người con hoang đàng trở về, dù người con đó có tội lỗi đến đâu đi chăng nữa.
Hình ảnh người cha nhân hậu ấy là hình ảnh đẹp nhất mà chúng ta nhận ra được khi nhìn về Thiên Chúa trong mùa chay này. Hình ảnh về người cha tuyệt diệu được Thánh Luca phác họa trong dụ ngôn : “Người Con Hoang Đàng” mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng.
Người ta thường nói “luật là luật” (The law is the law) để diễn tả sự nghiêm minh của luật pháp giúp bảo vệ trật tự và công bằng trong xã hội con người. Điều đó cũng còn được gọi là “công lý” ở đời này. Nhưng đối với Thiên Chúa thì lại khác. Đối với Thiên Chúa là Cha Nhân từ, luật trọng nhất là “luật của trái tim”, nghĩa là “luật của tình yêu”. Và công lý đối với Ngài là “công lý của lòng tha thứ”.
Điều đó được chứng minh rõ ràng qua dụ ngôn “Người con hoang đàng”.
Lòng thương xót của người cha dành cho người con thứ vượt lên trên mọi ranh giới, luật lệ, và “lề thói” thông thường của con người. Ông ta sẵn sàng chia gia tài cho người con ngay khi ông còn sống, trái với thói quen thông thường. Vì khi đã được chia gia tài, con cái sẽ dễ dàng bỏ rơi cha mẹ.
Tình thương của Thiên Chúa dành cho con người cũng giống như vậy. Tình thương ấy không tính toán hơn thiệt. Tình yêu ấy vượt trên cả luật lệ và mọi ranh giới. Nơi Thiên Chúa chỉ có một luật lệ duy nhất : luật lệ của lòng nhân hậu.
Sau khi người con thứ tiêu phí hết tài sản và trở thành “thân tàn ma dại” đã hối hận quay trở về, người cha thay vì tức giận và trừng phạt người con, khi vừa thấy con từ đàng xa, ông chạy lại ôm hôn anh ta một cách tha thiết. Sau đó, ông lại sai người đem áo đẹp, đem nhẫn, đem giày mà trang điểm cho như một người con yêu dấu. Lạ lùng hơn nữa, ông đã giết bê béo, mở tiệc ăn mừng vì người con tội lỗi trở về bình an.
Theo quan niệm thông thường của người đời, tình yêu của người cha dành cho người con tội lỗi ấy quả thật lạ lùng không thể hiểu được ! Đến nỗi ngay cả người anh cả cũng không chấp nhận cách “yêu thương khó hiểu” ấy. Anh ta giận dỗi với người cha và ghen tỵ với người em trước sự tha thứ và tình thương hào phóng của người cha dành cho em mình.
Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta với “tình yêu khó hiểu” ấy. Ngài đón nhận chúng ta trở về với lòng ăn năn sám hối. Dù tội lỗi của chúng ta có ngập tràn, nhưng tình thương và ân sủng của Thiên Chúa còn tràn đầy hơn. Nhưng tiếc thay, chúng ta lại không sẵn sàng mở rộng vòng tay tha thứ để đón nhận những người anh em trở về. Chúng ta hãy biết mở rộng lòng ra như một “tổ ấm” không biên giới, đón nhận anh em mình như Thiên Chúa đã đón nhận chúng ta.
Bài trích sách Giosuê diễn tả dân Do thái sau cuộc hành trình trong sa mạc, được Thiên Chúa cho vào Miền Đất Hứa “chảy sữa và mật”. Dù sau những lần vấp ngã và phản bội Thiên Chúa, dân Do thái vẫn được Ngài thứ tha và đưa về miền đất hạnh phúc ấy.
Cũng vậy, tấm lòng Thiên Chúa chính là “Miền Đất Hứa” đầy tràn hạnh phúc luôn mở ra để chờ đón chúng ta trở về sau những tháng ngày đi hoang. Nơi ấy, chúng ta không phải được nuôi dưỡng bằng manna hay các “thổ sản tươi tốt”, nhưng được nuôi dưỡng bằng chính Thánh Thể của Ngài.
Giới Mafia Ý có một luật lệ rất khắc nghiệt. Đó là “luật im lặng”. Dù họ là những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, đối xử với nhau bằng bạo lực và hận thù. Các băng nhóm thanh toán nhau bằng “luật giang hồ” đẫm máu. Nhưng họ luôn im lặng trước chính quyền để bảo vệ lẫn nhau. Để diễn tả sự khắt khe của “luật im lặng” trong giới Mafia, người ta kể câu chuyện sau:
Một ngày nọ, một tên mafia bị cảnh sát truy đuổi đã chạy vào ngôi nhà ở vùng quê để ẩn nấp. Chủ nhà giấu anh ta vào đống rơm sau nhà. Cảnh sát ập vào nhà hỏi người chủ về tên mafia, ông ta lắc đầu nói không biết. Nhưng khi ra sau nhà, cảnh sát hỏi đứa con trai 10 tuổi của chủ nhà, nó giơ tay chỉ vào đống rơm. Thế là tên mafia bị bắt. Khi đi ngang qua, anh ta ném một cái nhìn hận thù vào người chủ nhà.
Sau khi cảnh sát dẫn tên mafia đi khỏi, người chủ nhà đã lẳng lặng lấy khẩu súng ra sau nhà bắn chết người con trai của mình, sau đó nổ súng vào chính mình. Vì ông ta cũng chính là một tên mafia. Ông ta giết con mình và tự sát vì ông ta không muốn phá vỡ “luật im lặng” đầy khắc nghiệt ấy.
Nếu người cha sẵn sàng giết con mình để bảo vệ một thứ luật lệ tàn bạo, Thiên Chúa lại hết lòng tha thứ và đón nhận chúng ta là tội nhân trở về bằng “luật tình yêu” vượt lên trên mọi luật lệ. Tại sao chúng ta không mau chóng trở về với Thiên Chúa như người con đi hoang trở về với người cha nhân lành để được thứ tha ?
Trong bài trích thư thứ II gửi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô kêu gọi chúng ta hãy hòa giải với Thiên Chúa để trở nên con người mới. Chính Chúa Giêsu Kitô đã hòa giải loài người tội lỗi với Thiên Chúa giàu lòng thương xót.
Để giải quyết những vấn đề xung đột và tranh chấp tại Trung Đông từ bao năm nay, người ta đã đề ra “Lộ Trình Hòa Bình” để đem lại sự ổn định cho Palestine và Israel. Nhưng tiếc thay, lộ trình ấy xuất phát từ “Miền Đất Thánh” nơi Chúa Giêsu sinh ra và lớn lên, nhưng lại không khởi đầu từ Đức Kitô, nên “Lộ Trình Hòa Bình” vẫn đi vào bế tắc.
Thật ra, Đức Kitô chính là “Con Đường Hòa Giải” để qua đó chúng ta trở về với Thiên Chúa là Người Cha Nhân Hậu luôn chờ đợi chúng ta.
Trong Mùa Chay, con đường hòa giải đang mở ra trước mắt chúng ta. Đến với Đức Giêsu Kitô với lòng sám hối ăn năn nghĩa là chúng ta đã đặt chân lên Con Đường Hòa Giải ấy, cũng có nghĩa là chúng ta đang trên đường trở về với lòng Chúa đầy tình xót thương.
logos