Chúa Nhật III Mùa Chay
XUẤT HÀNH
LC 13, 1-9
Quyển sách từng làm say mê nhiều người trên thế giới mang tên Exodus nghĩa là Xuất Hành của tác giả Léon Uris. Quyển sách kể về cuộc hồi hương của người Do Thái ở khắp thế giới về quê hương là Palestine, sau Đệ Nhị Thế Chiến.
Quyển sách thuật lại câu chuyện cảm động xảy ra vào năm 1946 về 300 đứa trẻ Do Thái bị người Anh giam giữ ở đảo Chypre nằm trong Địa Trung Hải, thuộc địa của nước Anh. Những đứa trẻ đã âm mưu trốn khỏi đảo để trở về Palestine. Đây là những đứa trẻ mồ côi còn sống sót trong những trại tập trung của Đức Quốc Xã, nhưng lại bị người Anh giữ lại trên đảo vì lý do chính trị. Những đứa trẻ này được một thủ lĩnh người Do Thái tên là Ari Ben Canaan đưa lên chiếc tàu mang tên Exodus, dự định trốn khỏi đảo để về Palestine. Chiếc tàu đã bị quân Anh chặn lại giữa biển, bắt quay về đảo. Nhưng 300 đứa trẻ cương quyết không quay trở lại.
Dưới sự lãnh đạo của Ari Ben Canaan, những đứa trẻ tuyên bố nếu người Anh đụng đến con tàu, sẽ cho con tàu nổ tung. Vì thế, người Anh không dám đến gần chiếc tàu.
Trong khi đó, báo chí khắp thế giới bắt đầu lên tiếng ủng hộ những đứa trẻ trên tàu. Nhưng người Anh cương quyết không cho chiếc tàu ra đi.
Thủ lãnh Ari liền cho trẻ em trên chiếc tàu tự nguyện tuyệt thực cho đến khi họ được ra đi, em nào bị ngất xỉu sẽ đưa lên boong tàu cho mọi người nhìn thấy.
Tuyệt thực giờ thứ nhất : thế giới bắt đầu lo ngại – Nhưng người Anh không đếm xỉa gì đến !
Tuyệt thực giờ thứ 26 : 10 đứa trẻ bị ngất xỉu được đưa lên boong tàu – người Anh cũng không quan tâm.
Tuyệt thực giờ thứ 40 : 60 đứa trẻ bị ngất xỉu – người Anh cũng không đổi ý !
Tuyệt thực giờ thứ 81 : 70 đứa trẻ ngất xỉu được đưa lên boong tàu – người Anh vẫn im lặng !
Kế tiếp, thủ lãnh Ari tuyên bố : “Nếu không cho chúng tôi ra đi, kể từ ngày mai, đúng 12 giờ trưa, 10 người tình nguyện tự sát mỗi ngày trên boong tàu”.
Quả thật, đến lúc ấy, như một quả bom nổ, cả thế giới xôn xao, biểu tình khắp nơi để làm áp lực với người Anh. Cuối cùng, người Anh đã nhượng bộ để con tàu Exodus được nhổ neo trở về vùng Đất Hứa Palestine.
Câu chuyện trên gợi lên câu chuyện về cuộc xuất hành của người Do Thái ra khỏi Ai Cập về Đất Hứa, được phụng vụ lời Chúa hôm nay trình bày :
Bài trích sách xuất Hành thuật lại việc Thiên Chúa muốn giải thoát dân Do Thái khỏi kiếp nô lệ ở Ai Cập. Vì thế, qua bụi gai rực lửa, Ngài kêu gọi Môisen và trao cho ông sứ mạng dẫn đưa dân Do Thái ra khỏi Ai Cập để tiến vào Đất Hứa. Ông Môisen đã phải tranh đấu gian khổ với Pharaô để lãnh đạo cuộc xuất hành đưa dân ra khỏi Ai Cập và trải qua một cuộc hành trình đầy thử thách để tiến về Đất Hứa. Thiên Chúa luôn đồng hành với họ trên suốt cuộc hành trình.
Trong Bài trích thư gửi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô kể lại những biến cố trong cuộc xuất hành ngày xưa do Môisen lãnh đạo : Vượt qua Biển Đỏ tượng trưng cho Phép Rửa; Uống nước từ tảng đá phun ra. Tảng Đá tượng trưng cho Đức Kitô; rồi những thử thách gian nan đã làm nhiều người gục ngã… Thánh Phaolô mời gọi chúng ta đi vào cuộc xuất hành mới : vượt qua con người cũ đầy dục vọng và những đam mê trần thế để tiến vào tình thương của Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng theo Thánh Luca diễn tả “cuộc xuất hành thiêng liêng”, xuất hành từ lòng sám hối ăn năn. Chúa Giêsu nêu lên hai biến cố : thứ nhất, Philatô giết một số người Galilê ; thứ hai, 18 người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết. Hai biến cố ấy không phải là sự “trừng phạt” của Thiên Chúa đối với người tội lỗi, nhưng là những “dấu chỉ” để nhắc nhở mọi người hãy ăn năn sám hối. Lòng sám hối chính là điểm khởi hành cho cuộc “xuất hành thiêng liêng” ấy.
Hình ảnh “cây vả không sinh trái” được để lại một năm trước khi bị chặt đi, diễn tả tình thương và sự kiên nhẫn của Thiên Chúa dành cho các tội nhân. Ngài chờ đợi họ ăn năn hối cải và trở về với Ngài.
Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi để đứng dậy từ những vấp ngã trong đời thường để lên đường đi vào “cuộc xuất hành mới” với lòng ăn năn sám hối để đi về với Chúa và anh em mình. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta, nhưng thời gian không đợi chờ chúng ta. Vì thế, hãy mau chóng chỗi dậy để trở về với tình thương tha thứ của Chúa.
Sau khi đánh tan một cuộc nổi loạn, nhà vua bắt những kẻ phản loạn về. Ông ra lệnh thắp lên một cây nến, rồi nói với họ : “Ai chịu đầu hàng và thề trung thành với ta thì sẽ được tha, bằng không sẽ bị giết chết. Các ngươi hãy suy nghĩ đi ! Khi cây nến tắt thì cuộc hành quyết sẽ bắt đầu !”
Thiên Chúa cũng đối xử với tội nhân như vậy : Ngài cho họ một thời gian gia hạn. Tuy nhiên, có một điều quan trọng : Không ai biết cây nến đời mình còn dài hay ngắn (TONNE).
Cuộc “xuất hành” của chúng ta hôm nay :
Cuộc “xuất hành” thiêng liêng và cao cả nhất là cuộc “xuất hành” của Chúa Giêsu : từ thân phận của một Thiên Chúa chí thánh, Ngài đã đến với thân phận tội lỗi của chúng ta và đồng hành với chúng ta trong kiếp sống làm người. Ngài mời gọi chúng ta hãy “xuất hành” đi ra khỏi con người cũ với những ích kỷ, lười biếng, với những đam mê, dục vọng để trở nên con người mới. Chúa mời gọi chúng ta hãy bước vào cuộc “xuất hành mới” đi ra khỏi “cái tôi” với tâm tình thống hối ăn năn, từ bỏ tội lỗi để trở về với vòng tay nhân từ xót thương của Ngài.
Cuộc đời chúng ta là “cuộc xuất hành trong niềm tin”. Chúa mời gọi chúng ta hãy luôn trông cậy vào Chúa. Ngài sẽ giúp chúng ta “vượt qua” những thử thách và gian nan giữa lòng biển cả trần gian ; Ngài sẽ che phủ chúng ta bằng “bóng mây yêu thương”. Ngài bẻ Tấm Bánh đời mình để dưỡng nuôi chúng ta qua bí tích Thánh Thể, Ngài chính là “Môisen mới” đang dẫn dắt chúng ta đi về quê trời.
Trên sườn núi Long’s Peak ở Colorado, Hoa Kỳ có một cây đại thụ khổng lồ bị tàn phá còn trơ lại mỗi một khúc thân. Theo các nhà thực vật học, cây đó đã được 400 tuổi. Trong đời sống dài suốt 4 thế kỷ, nó bị sét đánh 14 lần và trải qua biết bao lần bị băng giá, giông bão mà vẫn sống.
Về sau, nó bị một đàn sâu đục khoét hết lớp vỏ này đến lớp vỏ khác, mỗi ngày gặm nhấm một chút liên tiếp không ngừng. Dần dần, cây cổ thụ trở nên mục ruỗng và ngã đổ. Cây cổ thụ chống chọi nổi với thời gian, với sấm sét, với giông tố, mà cuối cùng lại bị những con sâu tí hon hạ gục. (DALE CARNEGIE).
Hôm nay, Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta : “Ai tưởng mình đang đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã !”. Cũng như cây vả không sinh trái được để lại mà không bị chặt đi, Chúa luôn nhẫn nại chờ đợi chúng ta. Có thể chúng ta không bị chiếc rìu “công thẳng” của Thiên Chúa đốn ngã, nhưng lại bị những con sâu tí hon của những lỗi lầm khuyết điểm gặm nhấm từng ngày, làm tâm hồn ta mục ruỗng và gục ngã.
Chúa Giêsu là thân nho, chúng ta là cành nho. Cành nho phải gắn liền với thân nho thì mới sinh nhiều hoa trái. Có thể Chúa không chặt lìa chúng ta ra khỏi Thân Mình Ngài, nhưng tội lỗi như lưỡi dao sắc đang cắt đứt chúng ta ra khỏi tình thương của Ngài. Chúng ta hãy bám chặt vào Chúa để tiếp nhận nguồn nhựa sống thần linh và trổ sinh hoa trái ân sủng dồi dào.
Trong mùa chay, chúng ta hãy ăn năn sám hối và mau chóng từ bỏ mọi thói hư tật xấu mà trở về cùng Chúa. Chúa vẫn đang chờ đợi chúng ta…
Logos