CHÚ GIẢI TIN MỪNG CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY C – GIÁO HOÀNG HỌC VIỆN PIO X
BIẾN HÌNH TRÊN NÚI (Lc 9,28b-36)
1. Chúa Giêsu đang ở trong một khúc quanh quan trọng của sứ mạng Ngài. Việc rao giảng ở Gâlilê đã kết thúc. Trong nội bộ nhóm môn đệ. Phêrô vưa suy tôn Ngài là Đức Kitô của TC (9,20) và Chúa Giêsu, khi đón nhận lời tuyên tín ấy, đã hoàn toàn thêm bằng việc loan báo cuộc tử nạn của Ngài (9,22): Ngài không phải là kẻ chinh phục hiển hách mà từ bao đời vẫn mong chờ, cũng không phải là Đấng giải phóng chính trị mà người đương thời mơ tưởng, nhưng là Đấng Messia chịu đau khổ. Thánh giá nằm cuối chặng đường sứ mạng Ngài và là luật sống của Ngài cũng như của các môn đệ (9,23-26): thật là một viễn tượng khắc khổ cay đắng, nhưng đưa đến vinh quang nước trời (9,27). Cuộc biến hình làm cho các môn đệ thấy trước chính vinh quang đó, hầu soi sáng ý nghĩa của cuộc thử thách sắp đến. Chúa Giêsu dành riêng mạc khải này cho ba môn đệ đã đến rất gần mầu nhiệm của Ngài: Phêrô, Giacobê và Gioan. Cả ba cũng vừa được chứng kiến sự sống lại của con gái ông Giâirô (8,51-56).
2. Bài trình thuật của Lc về cuộc biến hình có các đặc điểm chung của phúc âm thứ ba. Tiếng metamorphpthê (“đã biến hình”, coi Mc 9,2; và Mt 17,2) xem ra Lc đã cố ý tránh không dùng; nó được thế bằng câu: “dung nhan mặt Ngài ra khác”. Quả vậy, phải tránh cho các độc giả Kitô giáo gốc lương dân hình dung ra một tương tự nào đó giữa biến cố này với những chuyện hóa thân của thần thoại ngoại giáo.
Chỉ có Lc ghi rõ Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện và cuộc biến hình xảy ra đang khi Ngài cầu nguyện, như thế là kết quả của lời cầu.
Trong Púc âm thứ ba. Môisen và Êlia cũng được mặc lấy vinh quang thiên quốc, hai ông được trình bày như sau: “Có hai người là Môisen và Êlia… hiện đến trong vinh quang”. Có nên từ đó suy luận rằng nhị vị ấy tiên báo”hai người mặc áo chói lòa” trong trình thuật phục sinh (24,4) hoặc tiên báo “hai người y phục trắng ngời” (Cv 1,10) đến cắt nghĩa cuộc thăng thiên siêu phàm cho các tông đồ chăng ? Điều đó xem ra hoàn toàn thích hợp với giòng tư tưởng của tác giả phúc âm thứ ba. Êlia đã được cất về trời (2V 2,11; 1Mac 2,58; Hđ 48,9); còn trong kinh thánh (Đnl 34,5), cái chết của Môisen bao trùm màn bí ẩn, nên chắc hẳn đã tạo cơ hội phát sinh cuốn ngụy thư được người ta biết đến dưới cái tên “sự thăng thiên của Môisen”; sau cùng, việc Chúa Giêsu kết thúc đời trần gian được gọi là cuộc “siêu thăng”, như tiếng dùng cho Êlia (9,51; x.Cv 1,2.11.22; Mc 16,19) Tất cả những dự kiện góp chung lại đó làm cho chúng ta tin rằng sở dĩ Môisen và Elia có mặt trong bài trình thuật của Lc về cuộc biến hình là vì họ mang tư cách những nhân vật thiên quốc đến báo trước vinh quang tương lai của Chúa Giêsu. Các dữ kiện ấy cũng khiến ta tin rằng trong phúc âm thứ ba quang cảnh này trước hết là tiên trưng của biến cố thăng thiên. Đám mây, mà tác giả phúc âm muốn người ta chú ý vì đã làm cho các môn đệ sũng sờ, có thể đem so sánh với đám mây thăng thiên (Cv 1,9) mà một ngày nào đó sẽ mãi mãi che khuất Chúa Giêsu khỏi mắt người đời.
3. Điểm đáng chú ý của bài trình thuật là việc Môisen và Elia đàm đạo với Chúa Giêsu về cuộc “xuất hành” của Ngài, nghĩa là cái chết của Ngài “sắp hoàn tất tại Giêtusalem (c.31). Cũng như ở chỗ khác, Lc là tác giả phúc âm duy nhất dùng tiếng doxa (vinh quang:c.32); mối liên hệ ông ta tạo ra giữa sự tử nạn và vinh quang rất gần với quang cảnh của Ga 12,27-28 mà người ta thường coi là tương ứng với câu chuyện Biến hình của phúc âm nhất lãm.
Người ta không nhất trí mấy về ý nghĩa chữ “xuất hành” (exodus). Nhiều người hiểu là “kết thúc” hay là “chết”. Theo nguyên tự, chữ đó có nghĩa là “ra đi”, mà người Pháp dịch là exode. Lc có lẽ xem toàn thể cuộc tử nạn, sống lại và lên trời như là một cuộc xuất hành mới: nhờ các cuộc tử nạn, sống lại và lên trời như là một cuộc xuất hành mới: nhờ các khổ đau của Ngài, Chúa Giêsu rời bỏ Giêruselem cứng tin, tương ứng với Ai cập, để đi vào vinh quang, tương ứng với Đất hứa của cuộc xuất hành xưa. Với lối chú giải này, người ta đi đến kết luận rằng: cuộc xuất hành mà trong Mc và Mt trùnh vào những ngày Chúa Giêsu bắt đầu đời sống công khai, thì lại được Lc cũng như Gioan đặt vào chặng cuối của cuộc sống Ngài ở trần gian. Cuộc viễn du 40 năm của dân Do thái tiến về đất hứa tương ứng với 40 ngày (Cv 1,3) từ khi sống lại đến lên trời. Tuy nhiên phải nhận rằng cách giải thích này còn gây nhiều vấn đề nan giải. Điều chắc chắn là tiếng xuất hành (exodos) không phải là tiếng thường dùng để chỉ sự chết (x. F,. Josephe, Ant. Jud. 4,8,2). Nhưng trái với hoài niệm xuất hành, người ta thấy rõ là sách tông đồ công vụ gọi cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc “tiến vào” (trong sứ mạng công khai) và “đi ra” (1,21; 13,24).
4. Như các biến cố khác của cuộc đời Chúa Giêsu, kể cả phép rửa và cám dỗ, cuộc biến hình trong phúc âm thứ ba được qui hướng về tấn kịch cuối cùng và hướng về Giêrusalem. Ngoài những yếu tố khác nhau được ghi lại trên đây, Lc còn là người duy nhất ghi lại điều này: trong cuộc biến hình cũng như ở vườn Giêtsimani, các môn đệ mê ngủ mà họ chỉ chứng kiến sự kỳ diệu khi thức dậy. Trong cùng một ý nghĩa đó, việc Phêrô xin dựng ba lều để kéo dài thời gian đặc ân làm cho ta liên tưởng đến việc hai khách bộ hành đi Emmau cầu xin Đấng – sống – lại ở với họ lâu hơn nữa.
5. Ngày Chúa Giêsu chịu phép rửa, đã có tiếng từ trời phán ra để trao cho Ngài một sứ điệp tương tự: “Con là Con ta, hôm nay ta sinh ra con” (Lc 3,22). Đó là lời Chúa Cha nói với Con Ngài, là lời tấn phong Đấng Messia theo kiểu CƯ (Tv 2,7) là lời khai mạc sứ mệnh của Đấng cứu thế (theo Mt 3,17: lời Tc nói với đám đông để giới thiệu cho họ Đấng Messia)
Còn trong cuộc biến hình, Chúa Cha ngỏ lời cho chính các môn đệ. Ngài mạc khải cho họ mầu nhiệm Chúa Giêsu: Ngài là Con Đấng đã được chọn. Danh hiệu “Đấng đã được chọn” này, tái xuất hiện khi Chúa chịu treo trên thập giá (23,35), đã gợi lại hình ảnh người tôi tớ (trong Is 42,1), vị tiên tri mang ánh sáng đến cho muôn dân và dùng cái chết để chuộc tội muôn người.
KẾT LUẬN
Cuộc biến hình là một gạch nối giữa ánh sáng mau vụt qua của phép rửa và ánh sáng rạng ngời của ngày phục sinh. Trong việc lên Giêrusalem, Chúa Giêsu thấy mình được lời Chúa Cha xác nhận trong sứ mạng Messia chịu đau khổ: Chúa Giêsu là Lời mà hết thảy mọi người phải nghe, là vị hướng đạo chắc chắn cho cuộc xuất hành cuối cùng tiến về cuộc sống sung mãn.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Luật muôn đời của đức tin là: vinh quang TC bao giờ cũng chỉ được ban cho chúng ta trong một chớp sáng mau qua vào những lúc được an ủi thiêng liêng sâu xa nhất: vừa sáng đủ để củng cố cho đức tin, vừa ngắn ngủi để khỏi xâm phạm tự do của nó. Suốt thời gian thử thách TC vẫn là Vị TC mai ẩn đối với người tín hữu, bởi vì Ngài là Cha và vì Ngài muốn được các tâm hồn tự do yêu mến.
2. Cuộc biến hình của Chúa Giêsu là sự đáp trả của Chúa Cha đối với việc Ngài chấp nhận cuộc tử nạn với tình yêu. Quả thật, ít hôm trước, Chúa Giêsu đã loan báo cho các tông đồ cuộc tử nạn sắp đến của Ngài. Ngài hoàn toàn ý thức Ngài đang tiến về cái chết. Ngài đón nhận cái chết như do ý muốn Chúa Cha để cứu chuộc nhân loại. Và để đáp trả lời vâng phục đầy tình yêu của con, Chúa Cha mặc cho Chúa Giêsu ánh sáng và vinh quang. Một thời gian nữa, TC cũng làm cho như thế tại Giêrusalem. Chúa Giêsu sẽ uống chén đau khổ và chén sự chết vì tình yêu vâng phục thánh ý Chúa Cha. Và để đáp lại tình yêu đó, Chúa Cha sẽ phục sinh con Ngài trong ánh sáng và vinh quang. Trong đời sống Kitô hữu chúng ta cũng vậy. Nếu trong một vài lúc, sự vâng phục thánh ý Chúa Cha xem ra là một thánh giá nặng nề, chúng ta hãy tin chắc rằng ngày kia sư vâng phục đó sẽ là nguồn vâng phục khôn tả. Và ngay trong cuộc đời này, chúng ta đã được sự bình an của Chúa Giêsu. Với Ngài chúng ta có thể nói: “Tôi không ở một mình, vì có Cha ở với tôi, vì tôi hằng làm đẹp lòng Ngài” (Ga 8,29).
3. Chính đang khi cầu nguyện mà Chúa Giêsu được biến đổi. Thông thường các thánh, hình như cũng được biến đổi nhờ cầu nguyện và ngợi khen. Điều đó không lạ gì cả. Cầu nguyện là một sự gặp gỡ với Chúa Cha, làm chúng ta nên giống Ngài, ít ra là về tinh thần nếu không phải là về thể xác như trường hợp Chúa Giêsu và các thánh. Nếu chúng ta trung thành cầu nguyện, chắc chắn dần dần Chúa sẽ thông ban cho chúng ta ngay trong cuộc sống này một chút gì đó của sự bình an, của niềm hy vọng rạng rỡ của hạnh phúc Ngài.
4. Sau cuộc biến hình, các môn đệ gặp lại Chúa Giêsu với dáng vẻ tầm thường và cuộc sống thường nhật của Ngài lại tiếp tục. Và chỉ sau khi phục sinh, họ lại thấy Chúa Giêsu trong vinh quang của Ngài. Chúng ta cũng vậy, sau khi được an ủi nhiều, sau những cử hành phụng vụ đẹp mắt làm chúng ta sốt sắng, chúng ta lại trở về cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên Chúa Giêsu vẫn tiếp tục ở với chúng ta trong mọi biến cố, mọi hành động thường ngày của đời sống. Trên đường đời, cho dù gặp nhiều thánh giá, nếu chúng ta bền tâm đi theo Ngài, một ngày kia chúng ta sẽ gặp Ngài trong mối thân tình êm ái còn hơn cả tình thân thỉnh thoảng chúng ta nếm được trên trái đất này. Vì khi đó, chúng ta sẽ thấy Ngài rõ ràng, mặt đối mặt. Khi đó, chính chúng ta cũng được biến đổi cho đến muôn đời.