Trong hồi ký viết về cuộc đời của mình, cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, có đoạn ông đã kể lại: Sau nhiều năm xa cách có dịp trở về thăm quê hương ngôi làng Transkei là nơi ông đã sinh ra và lớn lên. Lúc bấy giờ ông đã là một luật sư và sống ở Johannesburg. Ong cảm nhận: “Không có gì giống như khi ta trở về một nơi vẫn không thay đổi để tìm lại những con đường trong đó chính bạn đã đổi thay. Chốn cũ tiếp tục như trước đây, không đổi khác với khi tôi lớn lên ở đó. Nhưng tôi nhận ra rằng quan điểm của tôi và thế giới quan của tôi đã tiến triển”. Thật vậy, ông đã nói điều đó đúng lúc ông trở về quê hương, ông không thể sống ở đó nữa- nó trở nên quá chật hẹp đối với ông.
Có lẽ cảm nghĩ của Chúa Giêsu cũng giống như thế khi Ngài trở về quê hương Nazareth. Những người đồng hương của Ngài chẳng có gì thay đổi: họ vẫn mãi coi Ngài là con bác thợ mộc chứ không phải là Đấng Messia; họ vẫn quen lối suy nghĩ hẹp hòi cho rằng ơn cứu độ là đặc ân của người Do thái, chứ không thể chấp nhận rằng mọi người đều được hưởng ơn cứu độ.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Con đường dẫn đến chân lý không phải là con đường rộng thênh thang. Người đi tìm chân lý thường là người cô độc. Chúng ta có thể nhận ra nỗi cô đơn của Chúa trong Tin Mừng hôm nay. Nỗi cô đơn cay đắng giữa những người thân thuộc.
Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với dân làng Nazareth ban đầu xem ra đầy phấn khởi: mọi người đều chăm chú lắng nghe với vẻ mặt đầy thán phục. Nhưng sau đó là đổ vỡ hoàn toàn, những người đồng hương cảm thấy khó chịu với Chúa.
Họ khó chịu vì không thể tin rằng “Thần Khí của Đức Chúa” lại có thể ngự xuống trên đứa con trai của bác thợ Giuse láng giềng. Họ cảm thấy nghi ngờ trước sự thành công của Chúa: làm sao một con người nghèo khổ làng Nazareth lại có thể là Đấng thiên sai? Quả thật, óc thành kiến hẹp hòi thường làm cho con người ra mù quáng.
Đã vậy, Ngài còn gợi lại câu chuyện về hai ngôn sứ nổi tiếng thời Cựu Ước. Vào những năm đói kém dữ dội, Êlia chẳng cứu giúp bà góa nào ở quê hương ông, mà lại giúp cho một bà góa ở Siđôn, một vùng ngoại giáo thờ ngẫu tượng, một địa danh mà Cựu Ước coi là xấu xa (Is 23,2). Còn Êliseo thì chữa lành cho Naaman, một vị quan người Sirya, cũng là một dân thờ ngẫu tượng, đang khi tại Israel có biết bao người bệnh phong mà ông chẳng chữa cho ai (2V 5,1-19).
Chính vì thế, dân thành Nagiarét mới bực tức và muốn hãm hại Ngài. Họ căm phẫn khi kẻ từng làm phép lạ lừng lẫy ở nơi này nơi khác, mà nay, lại không chịu ra tay ở ngay chính quê hương của mình. Một người làm quan cả họ được nhờ. Vậy mà Chúa lại tỏ ra thờ ơ trước sự đợi chờ và những yêu cầu của họ. Thì ra, não trạng ô dù, thần thế và ganh tỵ ở thời nào cũng có. Chính vì thế mà Chúa Giêsu của chúng ta trở thành vị tiên tri bị từ chối. Thất bại đắng cay của Chúa tại quê hương cũng là thân phận chung của các vị tiên tri, những người làm ngôn sứ cho Chúa.
Ngôn sứ chỉ trổi vượt hơn kẻ khác vì là người lãnh nhận và chuyển thông Lời Chúa cho mọi người. Nhưng cũng chính vì thế mà sứ mạng của ngôn sứ rất khó khăn, thân phận của ngôn sứ rất bạc bẽo, nhiều bất trắc. Họ phải trả giá cho việc công bố và thực thi Lời Chúa – có khi bằng cả cuộc đời mình.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Ở mọi thời, thói ghen tị len lỏi khắp nơi trong cuộc sống, là nguyên nhân gây chia rẽ, bất công từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Người ta ghen tị nhau khi cảm thấy rằng mình không được quý trọng hơn người khác. Hoặc đơn giản – chỉ vì người khác thành đạt hơn, người khác có được điều mà mình không có.
Vì thế, thánh Phaolô trong bài đọc II mời gọi chúng ta từ bỏ con người cũ, vốn hay ghen tị, hiềm thù để mặc lấy con người mới biết sống yêu thương. Con người cư xử với nhau bằng tấm lòng “kiên nhẫn, nhân hậu… không ích kỷ…, không vui mừng trước bất công.”
Bởi đối với Chúa, điều quan trọng không phải chuyện có Đạo hay ngoại Đạo, là đạo gốc hay đạo mới, nhưng là niềm xác tín vào Đức Giêsu, biểu lộ bằng lối sống có tình có nghĩa với mọi người.
Thật vậy, sống trong một thế giới chạy theo hào nhoáng bề ngoài, người Kytô hữu hôm nay rất có thể lây nhiễm lối sống đóng kịch giữa đời thường, sống giả nhân giả nghĩa vì cái nhìn của người khác.
Lối sống đáng trách ấy làm con tim trở nên máy móc, sáo mòn, làm con người trở nên thiếu lương thiện cả trong đời sống đạo. Chính vì thế, thánh Phaolô ân cần lập đi lập lại rằng, dù có tài năng siêu quần bạt chúng, dù có đức tin chuyển núi dời non, dù có làm được những việc tốt lành vĩ đại, mà không có tình yêu đích thực ở trong lòng, hay giả nhân giả nghĩa, ra vẻ yêu thương để cầu danh trục lợi, thì tất cả chỉ là những con số không to tướng, chẳng có giá trị gì trước mặt Thiên Chúa.
Thật ra, Chúa Giêsu hôm nay sẽ không bị xua đuổi, không bị khước từ, nếu Ngài gạt sang một bên sứ vụ của Chúa Cha, nếu Ngài ra vẻ yêu thương bằng cách làm một vài dấu lạ theo yêu cầu của dân làng Nazareth để phô trương thanh thế, hay đơn giản chỉ để lấy lòng. Nhưng Ngài đã không chọn lựa như thế, dù đó là con đường bằng phẳng, dễ đi, bởi tình yêu chân thật thì không có chỗ cho giả hình, dối trá.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Chọn lựa của Chúa Giêsu ngày xưa cũng là chọn lựa của mỗi Kytô hữu chúng ta hôm nay. Chọn lựa nên muối, nên men trong một xã hội mà sự thật và lòng nhân ái bị vùi lấp dưới sức mạnh của đồng tiền và danh lợi.
Và sẽ là một thách đố lớn cho những ai chọn cuộc sống lương thiện để phục vụ cho tình thương và sự sống dù có phải thiệt thòi, mất mát.
Xin Lời Chúa hôm nay thanh tẩy tâm lòng khỏi những nhỏ nhen, giả dối – để trong năm Đức Tin này, chúng ta sống cho xứng với vai trò ngôn sứ bằng con tim chân thật và yêu thương. Những ngôn sứ của thời đại trình bày cho thế giới hôm nay dung mạo một Thiên Chúa yêu thương – không chỉ bằng những lời nói suông, mà bằng những đổi thay trong cuộc sống của chính mình. Đó cũng chính là đường lối loan báo Tin Mừng của Đức Kytô: “Anh sáng của các con phải chiếu tỏa cho mọi người, để họ trông thấy việc thiện các con làm mà ngợi khen Cha các con là Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 150).
Linh mục Giuse Trần Đình Túc