Chú giải của Noel Quesson
Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe
Đấy là kết luận bài giảng đầu tiên của Đức Giêsu trong hội trường làng quê Nagiarét: Qua bài đọc của ngôn sứ Isaia, Đức Giêsu vừa đưa ra một chương trình hành động: Rao giảng Tin Mừng cho Người nghèo hèn, giải phóng những tù nhân, đem lại sự giải thoát cho những người bị áp bức, loan báo năm hồng ân của Chúa. Lời chú giải duy nhất của Đức Giêsu nói rằng! Hôm nay, mọi sự ấy đã ứng nghiệm. Trước sự ngạc nhiên của cử tọa, Người khẳng định rằng bản thân Người đã đáp lại trọn vẹn mọi sự chờ đợi của Israel. Đức Giêsu kéo Lời Chúa từ “quá khứ” xa xôi nơi người ta muốn luôn luôn giam hãm Lời Chúa. Người yêu cầu nhân loại chớ đặt Thiên Chúa “trong quá khứ” hoặc “trong tương lai”: phải là sự lan tỏa của Thiên Chúa, dự án của Thiên Chúa, trong đời sống hàng ngày của chúng ta… Hôm nay!
Và hôm nay, chẳng phải chúng ta cũng đã cố gắng kéo lui Tin Mừng trở về phía sau, vào hai mươi thế kỷ trước đây đó sao? Vậy còn những người nghèo hèn nào, những tù nhân và người bị áp bức nào hôm nay ở chung quanh chúng ta? Chúng ta sẽ mang đến cho họ Tin Mừng nào?
Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người
Tôi chiêm ngưỡng “miệng” Đức Giêsu mà Luca là người duy nhất thường nói với chúng ta (Lc 4,22; 11,54; 22,71). Những “lời ân sủng” từ miệng Đức Giêsu mà ra. Như thế, sự rao giảng của Đức Giêsu đã bắt đầu với việc khẳng định rằng thời kỳ mà Thiên Chúa ban ơn “không mất tiền” và ban sự tha thứ đã đến và đó là hôm nay: ý nghĩa sít sao của từ “giải phóng” trả lại tự do, hay “giải thoát” (“aphésis” trong tiếng Hy Lạp) là thế. Đức Giêsu đến để mang lại một “sứ điệp của ân sủng”, một sự ban ơn, một quà tặng vô giá mà không ai xứng đáng được. Chúng ta phải ghi nhận rằng toàn bộ thần học của thánh Phaolô về “ân sủng” trong thư gởi tín hữu Rôma đã được viết ra khi Luca soạn thảo Tin Mừng của Người. “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20).
Luca đã là một môn đệ và một người bạn đồng hành của Phaolô. Không giống như Máccô (6,1-6), trước tiên Luca ghi nhận rằng việc rao giảng của Đức Giêsu được đón nhận: “Mọi người đều tán thành và thán phục?”. Những người dân ở Nagiarét không xấu xa hơn ở những nơi khác: Vậy thì, tại sao họ sắp sửa trở mặt?
Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?
Luca biết rất rõ đó là một biểu lộ sự ngu dốt của họ về nguồn gốc thật sự của Đức Giêsu như ngài vừa viết ra trên giấy trắng mực đen: “Thiên hạ vẫn coi Người là con ông Giuse” (Lc 3,23). Vậy thì, người ta hài lòng với “sứ điệp của Đức Giêsu, nhưng Người ta không muốn nhận sứ điệp ấy từ Người: Đó là cớ vấp phạm rất thông thường của nhân loại! Dẫu sao, đó chỉ là “con ông Giuse”. Giáo Hội cũng luôn gây ra cùng một cớ vấp phạm. Người ta sẵn sàng tiếp đón sứ điệp của Giáo Hội, nhưng người ta không chấp nhận sự yếu đuối của con người trong Giáo Hội.
Giáo Hội cơ cấu giống như phần lớn các hiệp hội, với tài chính của nó, với sự nặng nề trong việc điều hành, nhưng sơ cứng của sức nặng quá khứ trong huyết quản, những tội lỗi của cách thành viên, chứng nhận định thiếu sót của một số viên chức, sự sợ hãi canh tân, những mâu thuẫn giữa “nói” và “làm”. Người ta không bao giờ nhận xét hết những khía cạnh “quá” con người của Giáo Hội. Như thế, những người dân ở Nagiarét bị kẹt cứng trong định kiến “con ông Giuse”.
Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!
Đức Giêsu không tìm cách làm giảm nhẹ cuộc xung đột mà Người đoán trước: Chính Người đã tấn công. “Vậy ông hãy làm cho chúng tôi những phép lạ như ông đã làm ở những miền lân cận!”. Người ta không ngừng đặt “cơn cám dỗ” lớn ấy dưới chân Đức Giêsu. Đó là cơn cám dỗ của satan (Lc 4,l-14). Người ta đòi hỏi Đức Giêsu những “dấu chỉ từ trời xuống” (Lc 11,16).
Một trong những cách chối bỏ Thiên Chúa là yêu cầu Chúa làm các phép lạ. Chúng ta tiếp tục có thái độ của người dân ở Nagiarét. Chúng ta muốn có một Thiên Chúa tỏ mình ra thêm chút nữa, một Thiên Chúa giải quyết những vấn đề của chúng ta thay cho chúng ta. Vả lại Thiên Chúa không thích vai trò mà chúng ta muốn ép Người làm. Thiên Chúa không thích điều ngoại lệ, kỳ diệu và ly kỳ. Khi Người chữa lành một người mù không phải để làm cho chúng ta kinh ngạc mà để ám chỉ cho chúng ta biết rằng Người muốn chữa sự mù lòa vốn có của tất cả chúng ta. Khi Người chữa lành một người bị liệt nằm trên cáng, vì Người mong muốn chữa lành mọi người chúng ta khỏi một bệnh liệt còn nặng hơn nhiều là tội lỗi của chúng ta. Điều đó được nói rõ ràng trong Tin Mừng (Lc 5,17-26).
“Vậy ông cũng hãy làm tại đây một phép lạ cho chúng tôi”. Chúng ta cũng thế, có lúc chúng ta tưởng rằng mình phục vụ Thiên Chúa theo cách đó. Vả lại, muốn xếp đặt Thiên Chúa “để phục vụ chúng ta” chính là chối bỏ Người. Tối hậu thư bi đát. Tối hậu thư buồn cười. Con người tìm đến trước mặt Chúa và yêu cầu Người “làm” điều mà mình mong mỏi, điều phục vụ cho mình? Thách thức Thiên Chúa? Giảm lược Thiên Chúa để Người chỉ còn là một “động cơ phụ gỡ rối cho chúng ta khi cái xe: không còn chạy được nữa. Oi! Lạy Chúa, con nhận ra mình ở trong số những người đồng hương của Chúa ở Nagiarét! Xin Chúa giúp con trở lại với lòng con để bắt đầu phục vụ Chúa, thay vì đòi Chúa phục vụ con. Thay vì lúc nào cũng nói ‘nguyện ý con được thể hiện bởi Chúa, con phải nói trong chân lý rằng nguyện ý Cha được thể hiện bởi con’
Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình
Không, người ta chẳng chịu nghe cách ngôn sứ.
Làm ngôn sứ chẳng dễ chịu chút nào, phiền toái là đằng khác! Nghĩa là làm “người phát ngôn” của Thiên Chúa. Giêrêmia trong bài đọc một của chủ nhật này nói với chúng ta điều đó một cách thật đau đớn. Thiên Chúa không phải lúc nào cũng nói những lời dễ nghe. Vì thế nhiều ngôn sứ đã phải chết: “Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi!” (Mt 23,37). Đấy là một chủ đề của Luca (6,23; 11,47-50; 13,33-34; Cv 7,52).
Còn chúng ta, trong thế giới mà đa số là vô tín và duy vật, nhưng chúng ta có phải là những ngôn sứ không? không phải trong những lúc đặc biệt mà trong đời thường mỗi ngày; nắm chắc “chính nghĩa của Thiên Chúa”, nắm chắc lời “vì Chúa” (từ ngôn sứ trong tiếng Hy Lạp do chữ “pro-phèmi” có nghĩa là “tôi nói vì”).
Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Israel; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xarépta miền Xiđôn.
Luca, môn đệ của thánh Phaolô, tông đồ dân ngoại, là người duy nhất đưa ra sự so sánh này lấy ra từ Cựu ước để nhấn mạnh đến những ân huệ mà Thiên Chúa ban cho những người không phải là dân Do Thái. Biến cố ở Nagiarét mang dáng dấp của một chủ đề thần học: ơn cứu độ không dành riêng cho một số người đặc quyền. Thiên Chúa muốn cứu chuộc mọi người. Thiên Chúa yêu thương dân ngoại. Không có Đất Thánh, không có Dân được chọn. Chúng ta sẽ lạm dụng ngôn ngữ mạc khải nếu chúng ta sử dụng những cách diễn tả của Kinh Thánh một cách cố chấp như thể những miền đất khác bên ngoài Israel là phàm tục, như thể các dấn tộc khác bị loại trừ khỏi Giao ước Thiên Chúa không có biên giới! Thiên Chúa còn bao la, cao cả hơn những chân trời nhỏ bé của bản thân chúng ta! Người ta không thể giam hãm con ông Giuse trong cái “hố” ở Nagiarét của Người. Thiên Chúa cao cả hơn Giáo Hội hữu hình. Những người ngoài Kitô giáo không nằm bên ngoài ân sủng của Thiên Chúa.
Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Êlisa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Israel, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ co ông Naaman, người xứ Xyri thôi
Trong sự so sánh giữa Israel và các dân ngoại, mọi ưu điểm thuộc về dân ngoại. Khi nào có thể, Đức Giêsu đều thán phục đức tin của các dân ngoại, những người không phải là Do Thái, những người Samari dị giáo (Lc 9,23.47; 10,33; 17,16). Thật lạ lùng khi tôn giáo có thể làm sơ cứng lòng người. Từ hai ngàn năm rồi Israel đã chờ đợi Đấng Mêsia, nhưng đức tin của họ bị sơ cứng. Đó là lời cảnh báo cho tất cả những ai tưởng rằng mình thân thiết với những việc của Thiên Chúa, tưởng rằng mình được hưởng, một nền giáo dục Kitô giáo tốt đẹp, và việc thường xuyên tham dự các bí tích bảo đảm. “Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Lc 7,34).
Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực
Đây là sự tiên báo số phận sau cùng của Đức Giêsu. Người bị giết bên ngoài thành (Lc 20,15; Cv 7,57). Chúng ta hẳn sẽ lầm khi vội vã tưởng rằng mình ở về phía những người lương thiện và được miễn trừ thái độ của những người đồng hương với Đức Giêsu. Rất nhiều lần, chúng ta cũng “lôi” Đức Giêsu ra khỏi những quyết định của chúng ta, nhà chúng ta, nghề nghiệp chúng ta. Ong không can dự gì ở nhà tôi! Hỡí ngôn sứ, đi chỗ khác mà thuyết giáo.
Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi
Những từ khước của tôi không thể ngăn Con Thiên Chúa theo đuổi kế hoạch của Người với những người khác. Điều tệ hại là tôi không biết ngạc nhiên nhiều hơn! Giữa những trào lưu của lịch sử, những từ khước của con người, Đức Giêsu tiếp tục “con đường của Người”. Lạy Chúa, cám ơn Chúa!
Chú giải của Fiches Dominicales
ĐỨC GIÊSU, LỜI BAN ÂN SỦNG CHO MỌI NGƯỜI
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
1. Một sứ mệnh không biên giới:
Chúa nhật trước, chúng ta đã bắt đầu đọc trình thuật của thánh Luca về việc Đức Giêsu đến thăm hội đường Nagiarét. trình thuật đó đã được thánh Luca đặt vào lúc Đức Giêsu bắt đầu thi hành sứ vụ và được trình bày như một cảnh khái quát chương trình, một biến cố điển hình có dụng ý khai mở và tóm tắt những gì sắp xảy ra.
Sau khi đứng lên đọc đoạn sách Isaia 61: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi…”, theo tập tục, Đức Giêsu ngồi xuống giảng một bài và tuyên bố không úp mở rằng: “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh thánh quý vị vừa nghe”.
Đầu tiên những người có mặt trong hội đường hôm ấy đều tán thành và thán phục những lời ban ân sủng (= những lời hay ý đẹp) thốt ra từ miệng Người”. Họ bảo nhau: “ông này không phải là con ông Giuse đó sao? “. (Đức Giêsu mà thánh sử đã ghi trong gia phả của Người, được coi là con của Giuse: 3,23).
Đức Giêsu nắm lấy ngay vai trò chủ động của mình bằng hai giai đoạn.
Trước tiên, bằng cách tố giác hy vọng úp mở của những người đồng hương khi họ muốn Chúa làm cho họ, tại quê hương Người, những việc lạ lùng mà Người đã làm ở những nơi khác và muốn Người thi hành lời ban ân sủng để mưu ích cho họ. Dựa vào một câu tục ngữ, Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na- um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!
Lẽ nào ta lại không có thể coi đây như điều báo trước về lời nhục mạ mà người ta sẽ nhắm vào Đức Giêsu khi Người hấp hối trên thập giá: “Hãy tự cứu mình đi, nếu ông là Đấng Kitô “(Lc. 23,35. 7.39)
Rồi, bằng cách loan báo sứ mệnh của mình có tính phổ quát, Đức Giêsu đưa các thính giả của mình trở về với hai khuôn mặt lớn của Cựu ước là ngôn sứ Êlia và Elisa; đây là hai vị ngôn sứ có những hoạt động vượt ranh giới về mặt lãnh thổ cũng như tôn giáo. Vị thứ nhất đã hóa bánh và dầu ăn ra nhiều giúp nuôi sống một góa phụ ở Sarepta là miền đất thuộc dân ngoại (Cv. l7.7-27). Vị thứ hai là ngôn sứ Êlisa, môn đệ của Êlia đã chữa khỏi bệnh cùi cho một viên tướng người Syria đích thân tới gặp vị tiên tri ngày trên đất Israel (2 CV. 5, 1-27). Góa phụ Sarépta và Naaman người Syria được coi như những người cầm đầu đàn lũ đông đảo những dân ngoại mà công cuộc giải phóng họ đã được loan báo trong sách Isaia 61, thì “hôm nay” được ứng nghiệm nơi Người là Đức Giêsu.
“Gương Êlia và Êlisa ban ơn huệ của Thiên Chúa cho dân ngoại, như J. Dupgnt nhận xét, cho người ta thấy trước rằng một khi Chúa Giêsu đã bị dân Israel cũng như các đồng hương của mình chối bỏ thì sứ điệp cứu độ sẽ chuyên sang cho các dân ngoại. Vì thế biến cố ở Nagiarét là điềm báo trước những gì người ta thấy xảy ra đối với Phaolô ở Antiôkhia miền Pixiđia và ở Rôma khi ngài quay về phía các dân ngoại. Cách xử sự như vậy của Phaolô lúc này đã được hai vị ngôn sứ Elia và Êlisa thực hiện trong thời buổi của ngài như để tiên báo và biện minh cho hành động của Phaolô vậy”.
2. Một sự chối bỏ báo trước sự chối bỏ khác:
Lời loan báo Israel không còn được hưởng đặc ân và Thiên Chúa tiếp đón các dân ngoại đã khiến cho cử tọa của hội đường đầy phẫn nộ. Y hệt như thái độ của những người Do thái ở Antiôkhia Pixiđia lúc đầu còn thiện cảm, tử tế rồi không bao lâu sau chuyển thành giận dữ khi họ thấy dân ngoại “nghe Lời Thiên Chúa” (Cv 13,44-45).
Thì này đây, những người đồng hương của Đức Giêsu đang đứng dậy lôi Người “ra khỏi thành” “để xô Người xuống vực”. Giống như những thù địch của Chúa rồi đây sẽ lôi Người “ra khỏi thành” Giêrusalem để đóng đinh Người. Chẳng khác gì những người Do thái sẽ lôi Stêphanô “ra khỏi thành” để ném đá ông vậy (Cv. 7,54).
Nhưng giờ của Người chưa tới, nên “Người băng qua họ mà đi”; Đức Giêsu còn phải tiếp tục con đường sẽ dẫn Người tới thành đô Giêrusalem, nơi sẽ diễn ra cuộc khổ nạn của Người, và là nơi Người sẽ sống lại và tỏ mình ra cho các môn đệ vào sáng ngày Lễ Vượt Qua.
BÀI ĐỌC THÊM
1. “Một bài tường thuật để loan báo tương lai”
(H. Vulliez trong “Dieu si proche. Năm C”, DDB, trg 90)
“Luca đã viế câu chuyện này để báo trước tương lai hơn là để tường thuật lại những gì xảy ra ở Nagiarét. Biến cố xảy ra trong hội đường hôm ấy là một giai đoạn mở đầu bi thảm báo trước những gì sẽ xảy ra cho sứ mệnh của Đức Giêsu khi ở giữa loài người. Một sứ mệnh sẽ vươn tới mọi dân tộc. Một sứ mệnh sẽ dẫn Người tới cái chết: Người sẽ bị người nhà của mình lên án tử, nhưng phàm những ai thuộc mọi dân tộc, thuộc mọi mầu da nước tóc, đón nhận Người thì Người sẽ cho họ được làm con Thiên Chúa”.
2. “Con người luôn có khuynh hướng muốn giam hãm Thiên Chúa”.
Những con người ấy nhận mình là những kẻ tin Chúa chân thành, có lòng đạo đức và thực hành đạo, thế mà sau khi đã ca ngợi Đức Giêsu ở trong hội đường, chính họ lại “đầy phẫn nộ, đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành, kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực”. Vậy có ai dám nhận mình giống những người ấy không?
Dù là ai chăng nữa, chúng ta thảy đều có khuynh hướng muốn giam hãm Chúa và Đấng Kitô của Người trong một phạm vi nhất định của Giáo Hội ta, trong lời lẽ của những giáo điều, những truyền thống, những thực hành và ngay cả trong những cách sùng mộ của chúng ta nữa. Chúng ta lúc nào cũng sẵn sàng nắm độc quyền về các ân sủng, phép lạ, ánh sáng của Chúa và ngay cả đức ái mà Người là nguồn mạch nữa. Vậy mà Phúc âm hôm nay khẳng định mạnh mẽ với ta rằng những người thân của Đức Giêsu thường sẵn sàng tống cổ Người ra khỏi nhà thờ, nghề nghiệp, quyết định và gia đinh của họ, mỗi khi sứ điệp của Chúa không làm vừa lòng họ, mỗi khi cuộc viếng thăm của Người gây phiền hà cho họ. Còn chính Chúa Giêsu thì lại nhắc nhở ta rằng Thiên Chúa đã thực hiện được những sự lạ lùng nơi các dân ngoại, đã cho những người cùi, những người thù địch của Israel, dân Chúa, được lành sạch. Đối với Thiên Chúa tình yêu, chỉ có tình yêu là tiêu chuẩn cuối cùng làm nên giá trị và sự thật cho tư tưởng và hành động của ta.
3. “Một sự hiểu lầm đáng sợ”
(G. Boucher, trong “Le ciel sur terre”)
Tại sao người con của quê hương lại không thực hiện được ở quê quán mình những việc lạ lùng mà người ấy đã làm ở những nơi khác? Và rồi có thể đến lượt chúng ta cũng sẵn sàng trở mặt từ khen ngợi đến phẫn nộ đấy. Bởi lẽ, về phần Đức Giêsu thì Người nói rõ rằng điều cốt yếu mà Người muốn trình bày cho họ không phải chỉ có vấn đề các việc lạ lùng, mà Người muốn mạc khải cho họ tình yêu và lòng trung thành của Thiên Chúa. Cái đó mới là điều hạnh phúc và may mắn thực cho chúng ta.
Lẽ ra Đức Giêsu phải cung cấp cho những người đồng hương của mình tiền bạc hoặc chữa cho họ khỏi những bệnh này tật nọ mới đúng. Xem ra người ta ao ước một điều, thì Chúa lại đưa ra điều ngược lại. Bởi lẽ ai nấy đều thích được lãnh nhận, trong khi Đức Giêsu lại đòi hỏi phải cho đi, cho đi bản thân mình, cho đi mạng sống mình. Và kết cục sẽ là thành công và hạnh phúc.
Đức Giêu có hy vọng những người đồng hương của mình sẽ hiểu biết và thông cảm hơn với Người không? Bởi vì họ là những người nhà của Người mà. Họ biết Người hơn, từng sát cạnh liền kề với Người, quý chuộng Người và yêu mến Người mà!
Vậy mà chỉ mới ngay trong buổi nói chuyện đầu tiên, họ đều nổi xung lên với Người. Cả đám đều đứng dậy xô đẩy Người ra ngoài, loại bỏ và trục xuất Người khỏi cộng đồng của họ. Là vì Đức Giêsu không đáp ứng điều họ mong đợi. Họ nghĩ là Người lừa gạt quần chúng!
Chừng nào sứ điệp của Người còn là lại kêu gọi hoán cải cuộc đời và chừng nào người ta chỉ thích sống dễ dãi, thì việc chối bỏ Đấng Thiên Chúa sai đến đã khởi sự rồi.
Họ muốn cho Người phải chết, nên họ tìm cách loại bỏ Người con của quê hương này ra khỏi nhà họ bằng cách xô Người xuống vực thẳm.
Nhưng Đức Giêsu “băng qua giữa họ mà đi”. Người là kẻ tự do, hết sức tự do, Người cứ thảnh thời đi trên con đường của mình lòng đầy tự tin và tin vào sự trung tín của Thiên Chúa Cha Người. con đường Người đi được vạch sẵn. Không có gì làm cho Người phải lui bước!
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
RAO GIẢNG TẠI NAZARET THẤT BẠI
1. Nhiều nhà chú giải Kinh Thánh nhận thấy có nhiều sự rời rạc trong đoản văn này, hay ít ra có những nhược điểm văn chương “lạ lùng nơi một tác giả cẩn thận như Luca” (A. George), điều đó giả thiết Luca đã dùng nhiều nguồn liệu mà ông đã không khéo tổng hợp. Nhưng hình như cảm tưởng này là do việc người ta muốn tìm nơi Luca một lược đồ của Macco, trong lúc Luca lại thay đổi toàn diện cơ cấu trình thuật của Macco, không những chỉ làm cho trình thuật ấy thành một toát yếu biểu tượng về cuộc đời Chúa Giêsu và một bản tóm lược những đề tài của mình, nhưng còn qui hướng trình thuật ấy vào một cao điểm: Chúa Giêsu từ chối dành riêng ơn cứu độ cho quê hương Ngài, đó là lý do người Do thái từ chối và giết Ngài.
Những “rời rạc” mà các nhà chú giải đưa ra có thể được tóm tắt như sau:
1/ Sự bất tương xứng giữa phản ứng đầu tiên của cử tọa – tất cả đều rất thán phục (c.22) – và những lời giận dữ của Chúa Giêsu ở các câu 23-27.
2/ Thiếu đồng nhất trong diễn từ của Chúa Giêsu (cc.23-27): ở c.23, Chúa Giêsu biết trước người ta sẽ xin Ngài làm phép lạ (điều này giả thiết họ đã tin), trái lại qua câu 24, hình như Ngài phàn nàn là bị bạc đãi. Ngoài ra, ở c.23 có đối chọi giữa Caphanaum và Nazaret, ở cc. 25-27 giữa Israel và lương dân. Cuối cùng, câu 24 cho thấy chính người Do thái loại trừ các tiên tri, còn các câu 25-27 lại nói chính các tiên tri từ chối làm phép lạ tại Israel.
Có nhiều cách giải thích các lủng củng trên: như nói đến sự khác biệt về các nguồn liệu, hoặc bằng cách ép nghĩa chữ emarturoun, (họ làm chứng “ils témoignaigent”) và ethaumazon (họ thán phục ils s’étonnaiment, câu 22), hoặc bằng cách giải thích sở dĩ thính giả tức giận là vì Chúa Giêsu, khi trích Isaia, đã bỏ sót câu loan báo Đấng Messia sẽ trả thù, hoặc xem các lời của Chúa Giêsu đủ nói lên phản ứng của thính giả, hoặc đặt câu 5a của Macco ngay từ đầu đoản văn và giả thiết Luca đã đọc Macco theo mạch văn đó: “giọng điệu bất ngờ của Chúa Giêsu thì có thể hiểu được, nếu cho đến bây giờ Ngài đã không có thể làm một phép lạ nào ở Nazareth. Nếu đồng ý như thế, tất cả thật dễ hiểu, rõ ràng (C. Masson).
Sở dĩ có nhận xét về các “rời rạc” đó, là vì dựa vào lược đồ của Macco:
a) Sự rạn nứt giữa Chúa Giêsu và người đồng hương xảy ra ở các câu 22-23.
b) Ở câu 24 Chúa Giêsu nói là đã bị bạc đãi ở quê hương, đó có phải là điều Luca muốn nói? Dù sao, phương pháp tốt nhất là phải tiên thiên nghiên cứu trình thuật Luca như là một đơn vị văn chương có mạch lạc, và tìm điểm cốt yếu của nó bằng phương cách dựa vào lược đồ của Luca, chứ đừng dựa vào lược đồ của Macco. Như thế sẽ rõ là sự rạn nứt giữa Chúa Giêsu và người đồng hương chỉ xảy ra sau câu 27.
2. Thực ra, các thính giả Chúa Giêsu đã phản ứng tích cực. Marturoin (làm chứng – témoigner, câu 22) được dùng một mình hay với một datif, trong ngôn ngữ Luca, luôn có nghĩa tích cực: xem Cvsđ 6,3; 10,22; 13,23; 15,8; 16,2; 22,12; đặc biệt trong Cvsđ 14,3). Nghĩa tích cực này đồng nghĩa với “họ ca tụng Ngài” của câu 15.
Còn chữ “thaumazoin” (thán phục “s’étonner” c.22) nếu có thể diễn tả một sự ngạc nhiên vì gương xấu (x. Mc 6,6; Lc 11,38) thì ở Lc nó thường chỉ một ngạc nhiên đầy thán phục (1,63; 2,18; 7,9; 8,25; 9, 43; 11,14; 20,26; Cvsđ 3,12; 4,13). Vậy người ta có thể xem phản ứng đầu tiên của đám thính giả ấy là một ngạc nhiên đầy thán phục. Hình như Luca không muốn nhấn mạnh đến sự thán phục này: ông không lấy lại lối diễn tả dài dòng của Mc, cũng không còn dùng tiếng: “họ đã vấp phạm vì Người” (Mc 6,3). Phải đợi đến câu 28 mới gặp được thành ngữ của Luca tương đối với “họ đầy căm tức”. Vậy đối với Luca, đâu là lý do xác đáng để người Nazaret căm tức? Và trong sự rạn nứt này, câu 24 có vai trò gì?
3. Conzelmann khám phá 2 cao điểm trong các câu 23-27. Quả thực câu 23 được xây dựng trên sự đối thoại giữa Nazaret – Carpharnaum, các câu – trên sự đối chọi khác nhau giữa người Naaret – dân ngoại. Cao điểm thứ hai này làm nên lời tuyên bố rõ rệt về ơn cứu độ phổ quát, là bước đầu của nền thần học về dân tuyển chọn tiềm ẩn trong tác phẩm của Luca, và chỗ đứng của nó ngay từ lần rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu đem lại cho tác phẩm Luca một tầm quan trọng đáng kể. Và đối với Luca, chính lời tuyên bố đó là lý do khiến người Nazaret giận dữ. Thực ra phải lưu ý rằng chính “khi nghe những lời ấy”, nghĩa là khi nghe các câu 23-27 thì họ ly khai với Chúa Giêsu.
Điều này có thể giúp chúng ta khám phá ý nghĩa cao điểm thứ nhất và tương quan thực sự của câu 24 với toàn văn mạch. Nơi câu 23 Chúa Giêsu linh cảm các người Nazaret với chiêu bài là người đồng hương của Ngài, sẽ xin Ngài gia ân giáng phúc của thời đại thiên sai mà Ngài mới tuyên bố (có lẽ linh cảm này được diễn tả ở câu trước đó. Thực ra, nếu chấp nhận phản ứng đầu tiên của thính giả là tích cực, thì có thể giải thích câu “người này không phải là con ông Giuse?” như là một cảm thức của người Nazaret về những đặc ân dành cho họ qua sự kiện Chúa Giêsu là một người trong họ). Chúa Giêsu đề phòng họ khỏi những cơn cám dỗ đó (chữ “eipen de”: “nhưng Ngài nói”, mà cuốn BJ dịch thoáng là: “rồi Ngài nói thêm”, cho thấy sự tương phản với lời yêu cầu vừa được đưa ra: “quả thật, ta bảo các người, không một tiên tri nào dektos en tại quê hương mình).
Do ảnh hưởng của đoạn Mc song song atimos (bị khi khinh chê, không vinh dự) và so với dechomai (tiếp nhận), người ta dịch dektos bởi “được tiếp nhận” (acceptus) (bản Vulgata), “được ưu ái” (en faveur) (Gheorge), “được trọng đãi” (bien reen) (Osty – BJ), “được hoan nghênh”
Theo một bài của Grundmann trong “Theologisches Wortorbuch” chữ này (dùng 32 lần trong bản LXX) thường được dùng để dịch chữ Hy bá râson (tình yêu, ân huệ, ý muốn). Phải phân biệt cách dùng chữ này trong văn chương tế tự, được áp dụng vào các hy lễ, chữ này có nghĩa thứ nhất (“được tiếp đón” hay “có thể được tiếp đón”: accepte – acceptable) với cách dùng trong Isaia-đệ-nhị nó mang ý nghĩa thiên sai và hoàn toàn tích cực: “thi ân, thuận lợi” hay cứu độ (favorable, salvifique): xem Is 49,8: “trong thời thuận tiện (dektos), ta sẽ nhận lời ngươi” và Isaia 61,2 (được trích dẫn lại trong Lc 4,19): “Hãy loan báo năm nhân hậu của Giavê” (bản dịch của J.Coenig, Pleiade 1959). Qua hai ví dụ trong Isaia, thời gian (hoặc năm) dektos có nghĩa là thời gian thuận tiện (favorable) cho dân Israel, đó là thời gian cứu độ, thời gian thực hiện ý định của TC. Violet, theo một phương pháp khác Grungmann cũng đi đến một kết luận tương tự (trong ZNV 37,1938, 251-271): theo ông, detos đồng nghĩa với charis (ý muốn nhân hậu, lòng nhân hậu, dự định thuận tiện). Ngoài các ví dụ nói trên, có thể thêm Xac 28,38 (dektos trong dùng như một danh từ và có nghĩa: ân huệ, lòng nhân hậu).
Những phần phân tích đó cho thấy chữ dektos đã biến đổi về ngữ học: từ ngữ thụ động “có thể trong tiếp đón, được tiếp đón, được đặc ân” dần dần chuyển sang nghĩa tích cực: “có thiện cảm, thuận tiện”. Trong TƯ, ngoài hai đoản văn Lc 4,19 trích Is, và Lc 4,24 mà chúng ta đang nghiên cứu, chữ dektos được dùng 3 lần: hai lần theo nghĩa thụ động (cả hai đều trong sạch văn tế tự: Cvsđ 10,35 và Ph 4,18), và một lần trong nghĩa tích cực: “Vì người phán: vào thời thuận tiện (dektos, favorable), Ta đã nhận lời ngươi; vào ngày cứu độ, Ta sẽ cứu ngươi. Đây là thời thuận tiện, bây giờ là ngày cứu độ” (2Co 6,2)
Như thế có thể kết luận, đối với người đọc bản 70, chữ: dektos có thể có nhiều tiểu dị và nhất là khi trích dẫn Isaia, có một nghĩa khác xa nghĩa nguyên ngữ (dechomais, recevoir, nhận). Vì thế thật có lý khi dịch eniauton dekton trong Lc 4,19 thành “năm hồng ân” (année de grâce, bản dịch của Osty, Goerge, hay”năm tiếp nhận”(année d’accueil, bản dịch của TOB).
4. Như thế, đâu là hậu quả việc Lc muốn móc nối với sách Isaia-đệ-nhị? Nếu Lc đã cố tâm đổi công thức cổ truyền của câu nói logion, (được Mc và Mt viết là “bị khinh chê” và Gio 4,44: “không được hưởng một đặc ân nào”) để dùng lại một chữ (không được biết nơi các tác giả nhất lãm) của văn mạch trước đó, chính là vì ông muốn cho cách dùng thứ hai của chữ này cũng một nghĩa như cách thứ nhất và như vậy phải hiểu câu 24 như sau: “không một tiên tri nào có thiện cảm (favorable) với chính quê hương mình.
Từ đây tương quan của câu 24 với văn mạch được sáng tỏ: nó đi nghịch với câu 23 (Chúa Giêsu từ chối lời xin phép lạ) và được nối kết với các câu 25-27 bởi hai ví dụ trong CƯ (lưu ý là nơi Lc 11,29-32 cũng có một lược đồ như vậy). Ngoài ra có một sự tương đồng về thể văn đối ứng với một tương đồng về ý nghĩa: “quả thực, Ta bảo các ngươi” (c.24). Và “Ta bảo thật các ngươi” (c.25); điều quan hệ cũng chính một ý nghĩa nhưng được viết dưới một hình thức khác. Chúa Giêsu làm ngơ khi đứng trước môi trường xã hội của mình. Cũng thế, ta mới hiểu tại sao Lc xóa bỏ Mc 6,4b (“nơi bà con và nơi nhà mình”) vì nhằm nới rộng nghĩa của chữ “quê hương” được dùng trong nghĩa hẹp nơi câu 23 (Nazaret) và nghĩa rộng nơi các câu 25-27 (Israel).
Dưới viễn tượng đó trình thuật Lc không còn đứt đoạn: chắc hẳn câu 21 không phải là tổng hợp bài diễn từ của Chúa, nhưng lại là giáo đầu của bài giảng về bản văn Isaia. Trong đó Ngài công bố thời thiên sai bắt đầu. Bấy giờ Lc ngắt bài diễn từ một chút để cho thấy phản ứng đầu tiên của thính giả (ngưỡng mộ Chúa Giêsu), rồi tác giả tiếp tục bài diễn từ nơi các câu 23-27 (“và Ngài nói cùng họ” của câu 23 đáp lại “bấy giờ Ngài bắt đầu nói cùng họ” của câu 21) và bấy giờ Chúa Giêsu minh giải câu 21 bằng cách vạch trần là Ngài không muốn giới hạn sứ mệnh của mình trong thành hay trong quốc gia mình: cũng như Elia và Elisê đã không chỉ có thiện cảm (favorable) với dân Israel, thì Ngài cũng không chỉ có thiện cảm với quê hương mình. Nơi Luca, chính điểm này gây phản kháng nơi người Nazareth.
Một dư âm của bài giảng này hình như còn sót lại ở Lc 4,42 – 43 trong đó dân chúng Caphanaum muốn giữ Chúa Giêsu ở lại với họ. Để trả lời Ngài cũng lấy lại gần nguyên văn lời tiên tri Isaia mà Ngài đã giải thích trong hội đường xứ Nazareth: “Ta còn phải loan báo Tin mừng Nước TC cho nhiều thành khác nữa, chính vì thế mà Ta đã được sai đến”. Ở đây thái độ của Chúa Giêsu cũng như trước Ngài không muốn ai độc quyền chiếm hữu Ngài.
Vậy trong trước tác của Luca không có một rời rạc nào, và ta hãy mau phục hồi uy tín cho Luca: trình thuật của tác giả thật rất mạch lạc và kỹ lưỡng (với điều kiện là gán cho tiếng dektos nghĩa tích cực (sens actif) của nó, thì sẽ có được sự mạch lạc của đoạn văn). Điều đó không lạ gì vì đây là đoạn văn có tính cách khai mào đoản văn, thì dĩ nhiên một văn sĩ cẩn thận như Luca phải lưu ý trau chuốt cách đặc biệt.
CHÚ GIẢI CHI TIẾT
“Các lời đầy ân sủng”: một số nhà chú giải dịch câu “epitois logois tês charitée” như vậy, hoặc theo tương tự như “các lời ân sủng”, “các lời được linh ứng”… bằng cách giả thiết câu đó tiềm tàng các đặc tính văn chương Semit. Nhưng việc dùng mạo từ “la” (au sujet des paroles de la grâce) cũng như các đoạn song song trong Cvsđ và văn mạch thì thiên về lối dịch “các lời của ân sủng” (A.Goerge) hay “sứ điệp của ân sủng” (TOB), nghĩa là sứ điệp do ân sủng đem đến, hay sứ điệp loan báo ân sủng (Cvsđ 14,3; 20,32).
“Người này phải là con ông Giuse sao?”: vì câu này nằm trong bối cảnh thán phục và ca tụng, nên đừng xem đây là khởi điểm việc người Nazaret bất bình, phẫn nộ: trong bản văn không có điểm nào cho phép giải thích như thế. Đúng hơn phải xem câu đó diễn tả 1 sự tính toán đầy tư lợi: nếu người này là con Giuse, bây giờ trở thành tiên tri và thần thông, tại sao lại không lợi dụng địa vị ấy để mưu ích cho làng họ? Cách giải thích vấn nạn đó của người Nazaret được xác nhận qua lời Chúa Giêsu chú giải ngay sau đó. Câu ngạn ngữ “thầy lang ơi, hãy cho thân nhân của ông được hưởng các phép lạ của ông trước khi cho người lạ hưởng. Ở đấy nghĩa câu ngạn ngữ là đúng như thế. Vì thế Chúa Giêsu khi giải thích tư tưởng của cử tọa, đã áp dụng ngạn ngữ đó cho Ngài: “Với tư cách là người đồng hương với Ta mà các ngươi giục ta làm ở đây các phép lạ Ta đã làm ở Capharnaum. Nhưng (ở đầu câu 24, tương tự với tiếng Hy lạp de) vị tiên tri không luôn thi ân cho quê hương mình… hãy xem Elia và Elisê: các Ngài đã tận tình giúp đỡ người ngoại bang trong khi tại Irael không phải là không có nhu cầu”.
Được đọc trong nghĩa đó, bản văn sẽ rất mạch lạc: Chúa Giêsu từ chối ràng buộc ơn cứu độ của Ngài trong mối liên hệ máu mủ hay thân quen. Ngài là tiên tri, Ngài hành động theo sứ mệnh thần linh. Dân Nazareth không thể áp lực bắt Ngài hành động theo ý họ. Phải từ bỏ mọi yêu sách, đòi hỏi, khi đứng trước TC: Ngài ban ơn cho ta hoàn toàn theo tự do của Ngài, và chỉ có một tâm hồn khiêm nhượng, tín thác mới có thể trông chờ (chứ không đòi hỏi) phép lạ.
“Không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình”: chúng ta hãy nhớ rằng, sau khi phân tích tiếng dektos trên đây thì phải dịch: “Không một tiên tri nào có thiện cảm với quê hương mình”. Công thức này cho thấy tính phổ quát. Luật chung không có luật trừ. Tuy nhiên theo Mt 13,58 và Mc 6,5 ghi lại thì Chúa Giêsu cũng làm một vài phép lạ ở Nazareth. Vậy ý nghĩa của câu nói Chúa Giêsu phải hiểu như sau: tiên tri không có cảm tình với người đồng hương hơn những người xa lạ, tất cả chỉ là vấn đề đức tin và ý hướng tốt là đủ; kể cả cộng đoàn Kitô giáo nguyên thủy cũng không có tư cách nào để được hậu đãi.
“Đã có nhiều bà góa trong Israel thời Elia”: sự đề cập đến: “quê hương” nơi câu trước cho phép Chúa Giêsu mở rộng cuộc tranh luận. Không những chỉ có Nazareth và Caphanaum, nhưng là dân Israel và dân ngoại. Cũng như Nazareth không có quyền đòi hỏi gì dù với tư cách là nơi chôn nhau cắt rún của Đấng Messia, của Đấng đem đến ơn cứu độ, cũng thế Israel không được lấy cớ là nơi phát sinh Đấng cứu thế để đòi hỏi quyền lợi về ơn cứu chuộc. Ơn cứu độ là một ân sủng. Và chính vì tính cách phổ quát rỗi này mà Chúa Giêsu khiến người Nazareth hết sức bất bình. Nếu họ muốn ném đá Ngài, rõ ràng là chính vì Ngài (xuất hiện như) là một kẻ phạm thượng khi từ chối ban cho Israel độc quyền chiếm hữu ơn cứu độ, vì ném đá là một hình phạt dành cho những kẻ phạm thượng (x. Lv 24).
“Nhưng Ngài rẽ qua giữa họ mà đi”. Thật khó mà tìm thấy một chỗ nào gần Nazareth có dốc núi để có thể xô người tử tội xuống để rồi ném đá. Nhưng Luca lưu tâm đến ý nghĩa cảnh tượng hơn là chi tiết. Khi đưa Chúa Giêsu ra ngoài thành để mưu toan giết Ngài, những người đồng hương đã cho thấy trước án quyết đẫm máu dân Israel sẽ gây ra cho Chúa Giêsu. Về phần Chúa Giêsu, Ngài thoát khỏi họ như Ngài sẽ còn làm nhiều lần cho đến khi tới giờ Ngài (x. Gio 7,10; 7,44; 8,59; 10,39). Việc dự phòng cho đến ngày cuối cùng của Chúa Giêsu đối với Luca quan trọng hơn phương cách Ngài thực hiện: tác giả nói một lời về việc Ngài có dùng phép lạ hay không để lẩn thoát. Bấy giờ Chúa Giêsu bỏ đi. Kiểu nói này được dùng nhiều lần và rất có ý nghĩa, như ông sẽ còn ghi lại nhiều lần, vì Chúa Giêsu tiến lên Giêrusalem (9,51; 13,22.33; 17,11; 19,28), tiến lên thánh giá và vinh quang.
KẾT LUẬN
Con người không có tư cách gì để đòi hỏi ân huệ của Thiên Chúa. Không phải những liên hệ máu mủ, đồng quê đồng xứ có thể đòi hỏi ơn cứu độ của đấng Messia. Vì chưng hồng ân của Thiên Chúa, ơn cứu độ ban cho nhân loại trong Đấng Messia, trước hết hoàn toàn là do ân sủng. Đó chính là điều mà người Nazareth đã không muốn hiểu. Chính thái độ này của dân Israel đã khiến Chúa Giêsu có dịp ngỏ lời với tất cả mọi người.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Vì Chúa Giêsu là người đồng hương với mình nên người Nazareth tưởng Ngài có bổn phận ban cho họ những hồng ân Ngài có thể giúp đỡ họ. Như thế có thể nói vì là người đồng hương với Chúa Giêsu, nên người Nazareth có quyền đòi độc quyền chiếm hữu một vài ân huệ của Chúa Giêsu. Người ta thấy Chúa Giêsu đã kịch liệt chống đối lời đòi hỏi đó. Trước mặt Thiên Chúa và Đấng tiên sai, không ai có quyền đòi hỏi gì.
Chúng ta phải luôn luôn sáng suốt để khỏi rơi vào những lầm lỗi của những người Nazareth. Chúng ta được rửa tội trong giáo hội công giáo, được hưởng nền giáo dục Kitô giáo, đạo dòng lâu đời, tất cả những điều ấy không có quyền gì trước mặt Chúa. Chúng ta có cảm tưởng rằng Thiên Chúa thuộc về những người công giáo, đến nỗi chúng ta có thói quen liên kết Thiên Chúa và giáo hội, Thiên Chúa và những người Kitô hữu. Nhưng chính ra Thiên Chúa không thuộc về những Kitô hữu, nhưng chính Kitô hữu thuộc về Thiên Chúa. Cũng có rất nhiều người trong thâm tâm không hề biết Ngài nhưng lại thuộc về Ngài – có lẽ còn thuộc về Ngài cách sâu xa hơn chính chúng ta. Thiên Chúa không dành ân sủng của Ngài cho riêng những người công giáo, cũng như Chúa Giêsu không dành phép lạ ưu tiên cho những người Nazareth. Thiên Chúa hoàn toàn tự do, nếu không Ngài sẽ không còn là Thiên Chúa. Vì vậy trước mặt Ngài chúng ta không thể đòi hỏi gì hết; chúng ta chỉ có thể nhìn nhận thân phận bất xứng, nghèo nàn của mình, và nài xin Ngài đoái thương nhìn đến thân phận tôi tớ thấp hèn của Ngài.
2. Điều làm những người Nazareth cay cú nhất không phải là Chúa Giêsu phung phí những phép lạ của mình trong những thành khác của Israel nhưng trước hết là vì Chúa Giêsu bằng cách viện cớ vào gương hai vị tiên tri Elia và Elisê là hai vị tiên tri lớn thời xưa, minh định rằng Ngài cũng có quyền làm những phép lạ cho dân ngoại: một tiên tri không ưu tiên dành ân huệ cho quê hương mình. Đối với người Do thái, vì ý thức mình là dân chúa chọn, họ lấy làm tức giận và không thể tưởng tượng được rằng Đấng Messia, Đấng Thiên Chúa sai đến, lại lưu tâm đến dân ngoại. Sự minh định của Chúa Giêsu là một tiếng chuông rót vào tai họ như là một lời phạm thượng đáng phải ném đá. Chúa Giêsu thường gặp thái độ trong mấy măm sống công khai. Ở đây nhắc lại dụ ngôn những người thợ (làm vườn nho vào giờ thứ 11: những người thợ giờ thứ nhất đã bất bình vì lòng quảng đại của ông chủ vườn nho đã thuê những người vào trước hết cũng bằng những người cuối hết). Đối với họ thì lòng tốt này là một điều bất công. Nhưng cách tính toán của Thiên Chúa không phải là cách của chúng ta. Nếu Thiên Chúa đã muốn chọn dân Do thái làm dân riêng Ngài (Đnl 7,6) không phải là vì Ngài không ưa thích dân tộc khác, nhưng chính là vì Ngài muốn dùng dân này như dụng cụ để mạc khải ơn cứu độ cho các dân tộc khác. Nếu nhờ phép rửa tội và nền giáo dục Kitô giáo, Thiên Chúa đã chọn chúng ta làm con cái Ngài, cũng không phải vì Ngài không ưa thích gì dân ngoại, nhưng chính vì Ngài muốn dùng gương lành của ta để lôi kéo họ đến cùng Ngài. Và nếu Thiên Chúa không thương ta, Ngài ban cho dân ngoại ân sủng hơn chúng ta (ân sủng do lòng quảng đại để sống một đời ngay thật, xứng hợp với lương tâm và trình độ ánh sáng chân lý mà họ có) thì lúc đó chúng ta cũng đừng căm phẫn về lòng tốt của Ngài, nhưng trước hết phải ca tụng Thiên Chúa là Đấng thiện hảo “muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhìn biết chân lý” (1Tm 2,4).
3. Mặc dù có ý định ném đá Chúa Giêsu, nhưng người Nazareth đã thất bại, Ngài vượt qua giữa họ mà đi bằng yên: giờ Ngài chưa đến. Điều này cho thấy rõ ràng, người Do thái giết được Chúa Giêsu vì Ngài đã tự do quyết định như vậy. Cái chết của Ngài lúc đó là một cái chết tự do ưng thuận.