Lời Chúa hôm nay khởi đầu bằng một buổi cử hành Phụng vụ thật trang trọng. Buổi cử hành quy tụ đoàn dân Do Thái vừa lưu lạc từ miền đất Babylon trở về. Lắng nghe tiếng Chúa khi Lời Kinh Thánh được công bố, toàn dân đã cùng nhau bắt tay vào việc tái thiết Đền Thờ Jerusalem, ngôi đền thờ đã bị đổ nát sau bao năm tháng lưu đày, mở đầu cho một trang sử mới của dân tộc Israel. Lễ nghi và lời công bố trang trọng của tư tế Ezras trong Bài Đọc I cũng là hình ảnh báo trước cho nghi lễ Phụng vụ thứ hai tại Hội đường Nazareth…ở đó Đức Giêsu đã khai mở một thời đại mới của nhân loại, thời đại Thiên sai, thời đại của Ân sủng. Thời đại mà Tin Mừng được mang đến cho những người bé nhỏ, đau khổ, nghèo hèn…Nơi Đức Giêsu Kytô, Thiên Chúa đã đến ở với con người chúng ta với lời công bố đầy xúc động: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi”.
Sự hiện diện của Ngài, lời nói của Ngài, thái độ của Ngài và cuộc sống của Ngài đã làm cho lời loan báo của ngôn sứ Isaia thành hiện thực: Tin Mừng của Chúa thể hiện rất thực bằng niềm vui bừng nở, bằng thần lực chữa lành tật bệnh, xoa dịu đau thương.
Nơi con người Giêsu Kytô, Thánh Thần làm cho cử chỉ nhỏ bé, đơn sơ của loài người thành Lời Quyền Năng có sức chữa lành và cứu sống của Thiên Chúa. Vì Ngài là Đấng ban Sự Sống. Thánh Thần làm cho dáng vẻ dung dị đời thường của vị tôn sư Nazareth trở thành sức mạnh nối kết con tim nhân loại, xóa tan hiềm khích, hẹp hòi, vì Ngài là Đấng hướng dẫn và soi sáng, là Đấng quy tụ và Hiệp thông.
Có một vị thánh nọ thánh thiện đến độ không hề có ý nghĩ rằng mình là một con người thánh thiện. Ngày kia, một thiên thần đến nói với ngài: “Chúa sai tôi đến gặp ngài. Ngài hãy xin bất cứ điều gì ngài muốn, Chúa sẽ ban cho ngài. Vậy ngài có muốn được ơn chữa bệnh không?”
Vị thánh trả lời: “Không, thà để cho chính Chúa chữa trị thì tốt hơn”. Sứ thần đề nghị điều khác: “Ngài có muốn đem những người tội lỗi trở về đường công chính không?”
Vị thánh cũng lắc đầu từ chối: “Không, cải hoá tâm hồn con người không phải là việc của tôi. Đó là công việc của các thiên thần”. Vị sứ giả của Chúa mới gợi ý thêm: “Ngài có muốn trở thành một mẫu gương để thiên hạ tuôn đến bắt chước không?”
Vị thánh cũng khiêm tốn trả lời: “Không, bởi vì làm như thế tôi sẽ trở thành trung tâm thu hút sự chú ý”. Thiên thần mới hỏi: “Vậy thì ngài mong muốn điều gì?
Vị thánh trả lời: “Ơn Chúa, có ơn Chúa, đó là điều tôi hằng khao khát”. Vị thiên thần được Chúa sai đến vẫn chưa chịu bỏ cuộc, nên đề nghị lần cuối cùng: “Ngài phải xin một phép lạ. Nếu không, tôi đành phải để cho phép lạ xảy ra vậy”.
Vị thánh của chúng ta đành phải ưng thuận: “Vậy thì tôi xin điều này: ước gì mọi việc thiện được thực thi qua tôi mà tôi không hề hay biết”.
Thế là để cho lời ước của thánh nhân được thành sự, Thiên Chúa ban cho cái bóng phía sau lưng của ngài được mọi thứ quyền năng. Nơi nào có cái bóng phía sau lưng ngài đi qua, thì nơi đó, người bệnh được lành, đất đai trở thành phì nhiêu, nguồn suối phát sinh sự sống và niềm vui trở lại trên những gương mặt sầu khổ. Nhưng vị thánh không hề hay biết điều đó, vì dân chúng chú ý đến cái bóng đến độ quên hẳn con người của thánh nhân.
Cuộc sống âm thầm và những hy sinh từng ngày của chúng ta là một trong muôn ngàn cách thế thi ân của Thiên Chúa. Ngoài sự tưởng tượng và dự đoán của chúng ta, những khoảnh khắc nhỏ của cuộc sống chúng ta được Chúa dùng như cái bóng vô hình – nhờ đó – Ngài thông ban ơn lành cho người khác. Và giữa lòng thế giới hôm nay, Thánh Thần của Đức Kytô vẫn được ban tặng, vẫn được đổ tràn trên những người thiện tâm thiện chí: Nơi đâu có Thánh Thần, nơi đó độc ác, đố kỵ, được thay bằng lời nói yêu thương, bằng hành vi kiến tạo hòa bình. Nơi đâu có Thánh Thần, thì khô cằn, thấp kém, phàm tục được thanh tẩy, thần hóa để trở nên sống động hơn. Nơi đâu có những con người đầy Thần Khí, nơi đó dối trá, bất công nhường chỗ cho bình an, niềm vui và sự thật.
Lời công bố năm hồng ân của Chúa tại hội đường Nazareth vẫn không ngừng vang vọng qua mọi thời. Nhưng thế giới hôm nay chừng như vẫn có đó những vấp váp, hụt hẫng; con người thời đại vẫn phải đối diện với những thách đố mới của nền văn minh sự chết. Bất công, sự ác vẫn tồn tại, và xem ra đang thắng thế tại nhiều nơi trên thế giới. Vì thật ra, thế giới luôn được thu hút bởi nền văn minh tình thương, nhưng trong thực tế, còn biết bao trở ngại. Tuy nhiên, nhờ thập giá Đức Kytô, Đấng đã kéo cả thế giới lên cao khi bị giương lên khỏi đất – chúng ta xác tín rằng: tình yêu mạnh hơn sự chết.Vì thế, thánh Phaolô trong Bài Đọc II mời gọi chúng ta xích lại gần nhau, liên kết với nhau trong tình hiệp thông như những bộ phận của cùng một thân thể, bởi tình thương một khi được nhân lên, sẽ đủ sức chống lại cái ác và giúp xây dựng điều thiện.
Dường như ngày nay, mức sống càng được nâng cao, các tiện nghi càng được cải tiến, thì theo một nghĩa nào đó, con người dường như lại trở nên lệ thuộc hơn là làm chủ, và khoa học kỹ thuật càng hiện đại, thì con người lại rơi vào một trạng huống nô lệ mới.
Trong khi đó, dưới dáng vẻ dung dị, bằng những lối tắt của đời thường, sự hiện diện của Đức Kytô lại có sức nối kết lòng người, đổi thay thế giới. Điều kỳ diệu ấy không đến từ quyền lực, hay sức mạnh vật chất, mà khởi đi từ sức sống âm thầm nhưng vô cùng mãnh liệt của Thần Khí Thiên Chúa.
Cuộc sống sẽ đẹp hơn biết bao – nếu mỗi Kytô hữu biết lắng nghe Thần Khí Thiên Chúa.
Tiếng nói của Thần Khí được công bố qua Lời hằng sống của Thiên Chúa, mà Ngài là tác giả. Ngài ngỏ lời khi Phụng vụ được cử hành cách ý thức và sốt sắng, vì Phụng vụ là nơi Thần Khí lên tiếng, nơi Thần Khí giáo dục và đổi mới chúng ta. Tiếng nói của Thánh Thần còn vang vọng trong mọi cảnh huống cuộc sống, nơi những tâm hồn biết lắng nghe, đón nhận ý kiến của tha nhân trong đơn sơ, khiêm hạ; biết tôn trọng tiếng nói lương tâm trong tinh thần trách nhiệm.
Chuẩn bị bước vào một năm mới, một chặng đường mới, một khởi đầu mới, ước gì mỗi chúng ta cũng được biến đổi trở nên những con người đầy Thần Khí, được Thánh Thần ngự xuống, thánh hóa và sai đi. Để như Chúa Giêsu, và cùng với Ngài, chúng ta tiếp nối năm hồng ân của Chúa, năm của ân sủng và yêu thương.
Xin cho sức sống và thần lực đổi mới của Thánh Thần tràn đầy tâm hồn chúng ta. Ngài hiện diện khi con người biết sống yêu thương nhau. Ngài biến đổi thế giới, bắt đầu từ những thay đổi trong cuộc sống và cách sống của chúng ta. Khi đó, bằng con tim biết lắng nghe, kiếm tìm Ý Chúa, bằng lối sống đậm chất Tin Mừng của mỗi anh em chúng ta, Chúa Giêsu có thể tự hào lặp lại cho thế giới hôm nay lời Ngài đã tuyên bố trong Hội đường Nazareth: “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà quý vị vừa nghe”.
Lm. Giuse Trần Đình Túc