Đã là người, ai cũng có một quê hương. Với nhiều người, quê hương là chùm khế ngọt, là nguồn động viên, là niềm tự hào cho nỗ lực tiến thân. Cũng vì thế, mà sau khi thành tài, thành danh, thành đạt, nhiều người đã trở về quê hương để “vinh quy bái tổ”.
Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người, hơn ba mươi năm làm người nơi dương thế, thì gần hết thời gian ấy, Người đã sống tại làng quê tên là Nazaret. Sau khi chịu phép rửa của Gioan bên bờ sông Gio-đan, Đức Giêsu bắt đầu công khai loan báo Tin Mừng. Bài Tin Mừng hôm nay kể: “Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nazaret, nơi Người sinh trưởng”.
Danh tiếng Đức Giêsu đang được nhiều người biết đến, nay Người trở về nơi Người sinh trưởng, phải chăng là để vinh quy bái tổ như nhiều người vẫn làm? Không, không phải thế! Người về quê hương trong sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, và tại đây, Người minh định sứ vụ của Người, như lời Ngôn Sứ Isaia đã tiên báo nhiều năm trước về Đấng Messia: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Người xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, trả tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày được khen thưởng”. Đọc xong trích đoạn Kinh Thánh này, chính Đức Giêsu khẳng định: “Hôm nay ứng nghiệm lời tai các ngươi vừa nghe”. Xác định như thế, Đức Giêsu không ảo tưởng, không tự mãn, không tự vơ cái không có về mình, nhưng muốn minh xác một sự thật, Người chính là Đấng được Chúa Cha sai đến, là Đấng các Tổ Phụ, các Ngôn Sứ từng loan báo, và là Đấng muôn dân đang trông đợi.
Đọc lại cuộc đời Đức Giêsu do các Thánh Sử ghi lại, chúng ta thấy Đức Giêsu nhiều lần đã cho người què đi được, người câm nói được, kẻ chết sống lại… Người đem niềm vui đến cho những người đang gặp bế tắc, như khi làm cho nước hóa rượu ngon, trong tiệc cưới nửa chừng hết rượu tại Canaan. Người đem sự giải thoát cho những người đang bị giam cầm trong ray rứt của tội lỗi như ông Gia Kêu, hoặc chị phụ nữ xứ Samari. Như vậy, việc làm của Đức Giêsu đã minh chứng lời Người nói. Chẳng thế mà, khi ông Gioan sai hai môn đệ đến hỏi Người: “Thầy là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?”. Đức Giêsu đã không trả lời thẳng câu hỏi nhưng đề nghị: “Hãy về thuật lại cho Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù được thấy, kẻ què đi được, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết chỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng.”.
Không chỉ trong thời đại của Người, bằng cuộc khổ nạn và sự phục sinh, xuyên qua thời gian, Đức Giêsu vẫn tiếp tục là tin vui cho những người đón nhận, và là Đấng chữa lành cho những ai thành tâm sám hối. Lịch sử Giáo Hội đã cho chúng ta rất nhiều bằng chứng. Một Augustinô sau những tháng ngày hoang đàng đã trở thành Thánh Giám Mục tiến sĩ của Hội Thánh. Một chàng sĩ quan ngang tàng và đầy tham vọng, đã trở thành vị sáng lập một Hội Dòng nổi tiếng, đó là Thánh Inhaxiô Loyola, Đấng sáng lập Dòng Tên.
Phần chúng ta hôm nay, có lẽ đã bao lần, mỗi người trong chúng ta cũng cảm nhận được sự nâng đỡ khi tham dự thánh lễ, hoặc cảm nhận được niềm vui và bình an nơi tòa cáo giải. Chẳng những thế, chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần trong ngày lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, đã được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần trong ngày lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức, chúng ta cũng được sai đi để đem Tin Mừng, đem sự chữa lành, và chia sẻ cảm nghiệm về hồng ân của Thiên Chúa cho những người chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống. Những điều này chắc chắn chúng ta đã nghe nhiều lần, nhưng cũng đã nhiều lần chúng ta tự hỏi như một cách để thoái thác: Chúa Giêsu là Chúa, nên Người làm được mọi sự như ý Người muốn, còn chúng ta, vốn mang yếu đuối và giới hạn, sao có thể chữa lành cho tha nhân?
Một hội viên Legio kể lại: Có lần bà đến thăm một người đàn ông đã lớn tuổi, không vợ con, không người thân. Ông có đạo nhưng đã không đến nhà thờ nhiều năm. Lần đầu tiên đến thăm ông, biết bà là người Công Giáo, ông xua đuổi và chửi rủa nặng lời. Dẫu vậy bà cứ kiên nhẫn đến thăm, khi thì quét cho ông cái sân, khi thì đổ đầy cho ông lu nước. Thái độ xua đuổi và hằn học bớt dần, nhưng chưa bao giờ ông thèm nói một câu, dù chỉ là lời cảm ơn. Hơn năm sau, ông đau nặng, hội viên Legio thay nhau đến chăm sóc và cơm nước cho ông, ông vẫn giữ thái độ lạnh lùng. Hai tuần trước khi qua đời, đột nhiên ông xin hội viên Legio đang giúp, mời Linh mục đến để ông xưng tội. Vài giờ sau, ông đã ra đi rất bình an.
Những hội viên Legio này cũng mang những yếu đuối và lầm lỡ như chúng ta, nhưng họ đang cùng với Đức Kitô đem Tin Mừng, và ơn giải thoát cho cụ già kia. Làm thế, chẳng phải họ đang tháo xiềng xích cho người bị gông cùm, và loan báo năm hồng ân của Thiên Chúa đó sao?
Để có thể loan báo thời gian ân phúc của Thiên Chúa, để có thể chữa lành cho anh chị em mình, mỗi người chúng ta phải để Chúa Thánh Thần thanh tẩy và hướng dẫn. Đời sống chúng ta phải thấm nhuần Tin Mừng, nhất là tinh thần khiêm tốn, hiền lành và yêu thương. Chúa Giêsu đã từng nói: “Hãy học với tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng”, và: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con hãy yêu thương nhau”. Bởi thế, trong năm Đức Tin này, chúng ta phải luôn xin Chúa khơi lại cho chúng ta những điều phải tin, những việc phải làm. Biết phó thác mọi sự cho tình yêu quan phòng của Chúa. Biết quan tâm đến nhu cầu của mọi người anh chị em chung quanh chúng ta, như lời kinh của Năm Đức Tin. Chẳng những thế, mỗi chúng ta còn phải nỗ lực, để những ơn chúng ta xin, trở thành cách suy nghĩ, lối hành động, và là lời nói của mỗi chúng ta trong đời sống hàng ngày. Amen.
Lm. Mt