Chúa Nhật 3 Thường Niên
Lc 1, 1-14; 4, 14-21
Hôm nay, Tin Mừng theo thánh Luca thuật lại một việc làm rất quan trọng của Chúa Giêsu trong bước khởi đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng. Ngài trở về Nazareth và trong Hội Đường, Ngài đã công bố “đường hướng hoạt động” dựa vào lời tiên tri Isaia : “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó…”
Có nhiều điều đặc biệt đáng nói trong việc làm quan trọng này của Chúa.
Thứ nhất, Chúa không chọn một địa điểm quan trọng như Giêrusalem, Capharnaum để công bố con đường hành động của mình như các nhà lãnh đạo thường làm, nhưng lại chọn Nazareth là một ngôi làng nhỏ bé để thực hiện công việc quan trọng như thế. Vì Ngài muốn những người trước tiên được nghe chương trình hành động của Ngài là những người nghèo khó, hèn mọn.
Thứ hai, sau khi trích đọc lời sấm của Isaia, mọi người chăm chú chờ đợi một bài diễn thuyết dài dòng và hùng hồn của Chúa, nhưng Chúa lại nói thật vắn tắt : “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe…”. Có lẽ đây là một bài diễn văn ngắn nhất của một nhà lãnh đạo kỳ lạ nhất. Lời công bố của Chúa tuy ngắn nhưng lại đầy đủ, bao gồm cả một kế hoạch to lớn của Ngài. Các nhà lãnh đạo khác như các ông Biệt Phái, các thầy Pharisiêu, nói nhiều nhưng làm ít, còn Chúa nói ít nhưng làm nhiều.
Thứ ba, điều đặc biệt nhất là tại sao Tin Mừng của Chúa không được rao giảng cho những người giàu có, những người có chức có quyền ? Không lẽ Tin Mừng chỉ dành cho những kẻ bất hạnh trong xã hội thôi sao ? Thế nào là “người nghèo khó”?
Vào năm 1992, trên màn ảnh nhỏ Đài Truyền Hình Thành Phố Hồ Chí Minh chiếu bộ phim truyền hình nhiều tập làm mê say và xúc động nhiều người. Tựa đề bộ phim là “Người Giàu Cũng Khóc” của Mêhicô. Nhân vật chính của bộ phim là Mariana, một cô gái nhà nghèo nhưng có tấm lòng nhân hậu và cao thượng, đã vượt qua những thử thách của số phận để đạt được tình yêu và hạnh phúc trong cuộc đời. Bên cạnh nhân vật Mariana là nhân vật Esther, một cô gái nhà giàu nhưng ích kỷ và độc ác. Vì thiếu lòng quảng đại, tình thương, nên đã không tìm gặp được sự hạnh phúc cho đời mình.
Điều gây ấn tượng nhất của bộ phim là : sau khi đóng phim, nữ diễn viên đóng vai Mariana đã được dân chúng Mêhicô ca ngợi hết lời. Và người ta quên hẳn tên thật của cô mà chỉ gọi cô bằng cái tên trong phim là Mariana. Mỗi ngày cô nhận được hàng trăm lá thư từ khắp nơi trên thế giới tỏ bày sự ngưỡng mộ và lòng yêu mến. Trong khi đó, nữ diễn viên đóng vai Esther vừa là một ca sỹ, vừa là một diễn viên, khi đóng xong bộ phim với vai diễn phản diện nham hiểm và đáng ghét, người ta vẫn còn căm ghét cô đến nỗi đã tẩy chay không đến nghe cô hát trong những lần cô biểu diễn nữa.
Như thế, Mariana là người nghèo nhưng là người hạnh phúc và trở thành “người giàu có” : giàu tình thương, giàu lòng bác ái, và dĩ nhiên, “giàu có” trên phương diện hạnh phúc.
Còn Esther, đại diện cho những người giàu có về tiền bạc, của cải, vật chất, nhưng lại là “người nghèo khó” về tình yêu thương, nghèo khó về tấm lòng hy sinh bác ái, nên họ cũng chính là những “người giàu cũng khóc”, họ luôn là những kẻ bất hạnh trong cuộc đời.
Như vậy, Tin Mừng được rao giảng không những cho những người nghèo khó về vật chất, nhưng còn cho cả những người giàu có đang khóc cho số phận bi thương của mình. Tin Mừng còn được rao giảng cho những người nghèo khó về tinh thần, những người nghèo khó về văn hóa, những người nghèo khó vì thiếu tình thương, những người nghèo khó khi phải sống trong bóng đêm lầm lạc của tội lỗi, thiếu ánh sáng thần linh soi chiếu. Tin Mừng còn được rao giảng cho những người nghèo khó về niềm tin và hy vọng, luôn sống trong thất vọng và chán chường, những người nghèo khó về tình bạn, tình bằng hữu, tình người, đang sống cô đơn giữa chợ đời.
Tin Mừng cũng được rao giảng không phải chỉ cho những người đang bị giam cầm sau những song sắt nhà tù, nhưng còn cho những kẻ đang bị giam cầm trong ích kỷ, trong vòng đam mê tội lỗi, trong xiềng xích của dục vọng và lòng tham lam.
Tin Mừng cũng được rao giảng cho những kẻ đang bị áp bức một cách bất công trong xã hội, nhưng cả những kẻ đang bị “áp bức” bởi những tham vọng xấu xa của chính mình.
Tin Mừng cũng đem lại ánh sáng cho cả những kẻ mù lòa tinh thần, những kẻ luôn sống trong bóng đêm của những mưu toan vị kỷ và sự gian dối.
Tin Mừng đang chiếu tỏa ánh sáng “văn minh tình thương” cho một thế giới đang “lãnh cảm” trước những nỗi đau xót của con người.
Chúa Giêsu đã đến khai mở “Năm Thánh của tình thương” với tư cách là Đấng Messia được Thánh Thần xức dầu và sai đi loan báo Tin Mừng.
Với Chúa Giêsu, Tin Mừng không phải chỉ là chữ viết, là lời đọc, là bài thuyết giảng, là lời nói văn hoa, là bài diễn văn hùng hồn, nhưng Tin Mừng chính là một hành động, là Tấm Bánh Tình Thương được bẻ ra và cho đi (Jn 6, 5-13).
Với Chúa Giêsu, Tin Mừng không chỉ là việc phục sinh Lazarô hay con trai bà góa thành Naim, nhưng Tin Mừng còn là sự phục sinh tâm hồn cho một Mađalêna tội lỗi, một Giakêu gian tham, một Tên Cướp Tốt Lành,…
Đặc biệt, Tin Mừng là chính sự Phục Sinh của Chúa, gieo vãi niềm hy vọng tươi sáng cho tất cả mọi người đang bị đè nặng dưới bản án tử hình.
Nếu nói như thế thì có rất nhiều người nghèo khó cần được đón nhận Tin Mừng. Chính mỗi người chúng ta cũng đang là người nghèo khó, cần mở lòng ra để đón nhận Tin Mừng. Không phải chỉ là lắng nghe Lời Chúa, không phải chỉ là đọc Lời Chúa, không phải chỉ là hát Lời Chúa, nhưng đón nhận Tin Mừng là đón nhận chính Chúa, vì Chúa Giêsu chính là Tin Mừng cho chúng ta. Đón nhận Chúa là để Chúa hòa tan trong đời mình, là để mình trở nên một Giêsu khác cho mọi người.
Như thế, sống Tin Mừng, còn có nghĩa là sống như Chúa, hành động như Chúa, yêu thương như Chúa, phục vụ như Chúa, tha thứ như Chúa. Sống như Chúa đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ chính mình trở thành con người mới, mặc lấy Chúa Giêsu, và cũng trở thành Tin Mừng cho anh em.
Chúng ta cũng lãnh nhận Thánh Thần để được sai đi loan báo Tin Mừng. Nhưng loan báo Tin Mừng bằng cách nào ?
Vào năm 1987, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến viếng thăm tiểu bang California, Hoa Kỳ. Những người chứng kiến buổi đón tiếp Đức Giáo Hoàng hôm ấy khó quên được hình ảnh rất cảm động khi Đức Giáo Hoàng bước xuống từ lễ đài cao để ôm hôn một người thanh niên tên là Tony Melendez đang hát với cây đàn guitar của mình. Điều gì đã làm cho người ta xúc động trong giây phút ấy ?
Tony Melendez khi chào đời không có hai cánh tay, nhưng anh đã biết vận dụng những ngón chân của mình để học và đánh đàn guitar. Anh còn dùng chân để làm nhiều việc khác nữa. Nhiều người đã hỏi anh : “Bí quyết nào đã giúp anh không những chấp nhận chính mình để vươn lên, nhất là có thể chơi đàn guitar một cách tuyệt diệu như thế ?”. Anh đã trả lời : “Tôi đã cầu nguyện : Lạy Chúa, xin nhận lấy con và dùng con theo Thánh Ý Chúa”.
Hãy trở nên dụng cụ trong bàn tay của Chúa, để qua chúng ta, Tin Mừng được rao giảng cho mọi người. Cách tốt nhất, mỗi người hãy là một cuốn sách Tin Mừng luôn mở ngỏ. Trong đó không phải được viết bằng chữ, nhưng được khắc họa bằng việc làm của đời sống chứng nhân.
Mẹ Têrêxa Calcutta đã nguyện ước đời mình trở thành cây bút chì trong bàn tay Thiên Chúa.
Chúng ta hãy biết biến đời mình thành cây bút chì ngoan ngoãn trong tay Chúa Thánh Thần để Ngài viết Tin Mừng vào lòng nhân thế.
Phalê tinh khiết và trong suốt. Nhưng phalê không ích gì trong bóng tối. Nó cần có ánh sáng chiếu rọi để trở nên rực rỡ.
Lạy Chúa, xin làm cho đời con tinh khiết và trong suốt như phalê, để ánh sáng Tin Mừng lấp lánh xuyên qua con chiếu soi cho mọi người.
Phalê trông giống thủy tinh. Nhưng khi đập vỡ, nó ngân lên âm thanh tuyệt vời.
Lạy Chúa, xin cho con biết chịu tan vỡ chính mình bằng hy sinh và đau khổ, để luôn vang lên âm thanh tuyệt diệu của Tin Mừng thức tỉnh mọi người.