Alkasami, một nhà thần bí người Ba Tư qua đời năm 1330, đã viết về tình yêu của Thiên Chúa như sau: “Cái đẹp đích thực, tình yêu đích thực chính là Thiên Chúa. Và tất cả những gì là đẹp, là dễ yêu trên thế giới này đều tỏ lộ trọn vẹn về tình yêu của Ngài. Mỗi lần chúng ta nhận ra một người đẹp, đôi mắt trí tuệ của chúng ta phải hướng vọng lên Chúa và tấm lòng của chúng ta phải hướng về Ngài. Cuộc đời của Kitô hữu phải là mọt cuộc chiêm ngắm triền miên về Ngài. Cuộc đời của Kitô hữu phải là một cuộc chiêm ngắm triền miên vẻ đẹp tuyệt vời là Thiên Chúa, và phải là tiệc cưới tươi vui vì có Chúa Giêsu Kitô là vị hôn phu là rượu mới thơm ngon của thời cứu thế”.
Suy tư trên có thể dẫn ta vào sứ điệp Lời Chúa hôm nay.
Đoạn sách Isaia hôm nay được sáng tác sau khi Israel trở về cố hương từ nơi lưu đầy. Tác giả đầy tràn niềm vui vì nhận ra rằng: tội phản bội đưa họ đến nô lệ, nhưng Chúa không bỏ rơi mà kiên nhẫn chờ đợi họ hoán cải để tha thứ và giải cứu. Ngài yêu họ như người chồng rất mực yêu người vợ mới cưới và họ trở thành niềm vui cho Thiên Chúa họ thờ. Niềm vui của Dân xưa khi được Chúa viếng thăm báo trước niềm vui tràn đầy của Dân mới, của cả nhân loại khi Đức Kitô đến để tháo cởi họ khỏi ách nô lệ tận căn là tội lỗi và dẫn họ vào Nước Chúa. Gia đình Cana vừa biểu trưng cho mỗi gia đình, vừa cho cả gia đình nhân loại.
Những chữ đầu tiên mở đầu cho bài Tin Mừng hôm nay thay vì chữ “Khi ấy”, thánh Gioan đã ghi rất rõ trong Tin Mừng của mình: “NGÀY THỨ BA” có tiệc cưới ở Cana.
Nhưng “ngày thứ ba” là ngày nào, và có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Những chữ “ngày thứ ba” gợi lên cho chúng ta lời tuyên xưng trong kinh Tin kính “ngày thứ ba, Người sẽ sống lại như lời Thánh Kinh”. Hơn nữa, theo Tin Mừng của Gioan, ngày thứ ba hôm ấy là ba ngày sau khi Đức Giêsu gặp gỡ Nathanael, cũng là ngày thứ năm khi Đức Giêsu với dân chúng ở bờ sông Jordan.
Như vậy, tiệc cưới Cana xảy ra vào ngày thứ tám, cũng là ngày thứ nhất trong tuần, tức là ngày Chúa nhật của Kytô giáo. Và vì thế, khi đặt câu chuyện vào bối cảnh của ngày Chúa nhật, thánh Gioan muốn thuật lại bữa tiệc cưới này trong ánh sáng và bầu khí Phục sinh của ngày thứ nhất.
Tại Do thái, lễ cưới là một cơ hội thật sự quan trọng, thường thì tiệc cưới kéo dài hơn một ngày. Lễ cưới chính thức cử hành vào buổi xế chiều. Sau bữa tiệc, đôi tân hôn được đưa về nhà mới. Họ được đưa đi qua những con đường làng, dưới ánh đuốc và những chiếc lọng che trên đầu. Con đường ấy càng dài càng tối vì gặp được nhiều người chúc mừng.
Sau lễ cưới, đôi tân hôn ở tại nhà, mở cửa để tiếp đón khách đến chung vui suốt một tuần. Những ngày ấy, họ đội vương miện và mặc y phục hôn lễ, được đối xử như vua và hoàng hậu. Đây quả là một cơ hội vô cùng đặc biệt trong đời người. Chúa Giêsu đã vui vẻ tham dự ngày hạnh phúc ấy. Vậy mà,…trục trặc lại xảy ra. Đó là điều mà Đức Maria đã tinh ý nhận ra: “Họ hết rượu nửa chừng”.
Ơ Đông phương, tiếp đón khách được xem là một nhiệm vụ thiêng liêng, cho nên thiếu đồ ăn thức uống trong một tiệc cưới là điều vô cùng xấu hổ nhục nhã cho cả cô dâu lẫn chú rể.
Chúa Giêsu quả thật đã cứu một bàn thua trông thấy cho đôi Tân Hôn, khi làm cho 6 chum nước (80×6=480l) thành rượu. Trước là rượu cũ, đã không ngon lại thiếu hụt, sau là rượu mới, thật tuyệt hảo lại tràn trề. Và chắc chắn một điều là niềm vui trong đám cưới ấy đã được sự hiện diện của Chúa nhân lên, nhân lên trong vui sướng ngỡ ngàng và tràn trào hạnh phúc.
Với câu chuyện Nước hóa thành Rượu, Tin Mừng hôm nay muốn gợi lên cho chúng ta Niềm vui rộng lớn, Niềm vui bừng lên đẩy lùi những lo âu, hãi sợ, Niềm vui tràn trào lấp đầy những trống vắng, rỗng không. Đó là niềm vui của gặp gỡ, hội ngộ, được Thiên Chúa ở cùng.
Khởi đầu sứ vụ Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ đầu tay của mình để làm tràn đầy hạnh phúc cho đôi Tân hôn trong ngày cưới cũng giống như Yahweh Đức Chúa đã chúc phúc cho hôn lễ đầu tiên của nhân loại trong buổi đầu Sáng Tạo. Và nếu Eva cũ đã làm đổ vỡ Niềm Vui thuở đầu ấy, thì Đức Maria – Eva mới đã khơi dậy Ân phúc từ những đơn giản và rất đời thường của mình. Thật vậy, bài học yêu thương mà các gia đình và mỗi cộng đoàn tín hữu Kitô có thể rút ra từ cuộc sống của Đức Maria đó là sự tế nhị, lòng tử tế và thái độ biết lắng nghe để học biết về cuộc sống, về người khác.
Lắng nghe để nhận ra những khó khăn của người khác, lắng nghe để khám phá ra những điều kỳ diệu từ anh chị em xung quanh, ngay cả từ chính người con trong nhà của mình.
Trong lúc mọi người đều bó tay, bất lực thì Niềm vui của Chúa đã bừng lên từ cái nhìn đơn sơ nhưng vô cùng bén nhạy và tử tế của Mẹ; niềm vui của Chúa cũng đã được trải rộng và nhân lên từ những cộng tác thật âm thầm, thậm chí thật tầm thường của những gia nhân giúp việc trong ngày Hôn lễ.
Niềm vui của Chúa đã tràn trào từ những bữa tiệc, không phải để say sưa chè chén cho thỏa cái bụng của mình, nhưng là những giây phút con người gặp gỡ, hội ngộ với nhau để chung góp niềm vui, để kiến tạo hạnh phúc, để đem lại những điều tốt đẹp nhất cho nhau.
Và khi gặp gỡ, đón nhận những điều tốt lành của nhau như thế, họ giúp nhau khám phá ra Thiên Chúa yêu thương đang ở giữa mình, khám phá ra Ân phúc của Thiên Chúa đang được trao tặng trong cuộc sống, để cùng nhau làm cho Sức Sống, Niềm Vui của Chúa được đầy tràn cho mọi người xung quanh.
Như thế, Tiệc cưới Cana không chỉ đọng lại trong Tin Mừng Gioan như một câu chuyện thần thoại, hoang đường. Tiệc cưới ấy vẫn đang diễn ra, nơi những tấm lòng trĩu nặng thao thức với cuộc sống. Lạt lẽo, dửng dưng, bạc bẽo như nước lã trong dòng chảy cuộc sống sẽ thành rượu ngon nồng ấm men yêu thương, khi con người không chỉ biết sống cho riêng mình, mà còn biết sống cho nhau, biết bận tâm, nặng lòng vì người khác.
Thật vậy, mỗi một Thánh lễ, đặc biệt là Thánh lễ Chúa nhật, là một bữa tiệc Cưới, bữa tiệc của Chúa, bữa tiệc của hiệp thông trong tình yêu. Nhưng Nước lã của đời thường, Nước lã của cuộc sống hôm nay có thể trở thành Rượu ngon hay không – không chỉ ở quyền năng Thiên Chúa, mà còn tùy ở tấm lòng và quyết tâm thay đổi lối sống – từ hôm nay – của mỗi chúng ta.
Linh mục Giuse Trần Đình Túc