Thế là Mùa Giáng Sinh đã qua, người ta tổ chức và mừng Lễ Sinh Nhật thật long trọng và đầy vẻ thơ mộng với nhiều màu sắc lung linh. Thật ra, hình ảnh Be Lem chỉ là một biến cố âm thầm nhỏ bé, lặng lẽ giữa một đế quốc La Mã huy hoàng tráng lệ.
Cuộc sống ẩn dật của Chúa Giêsu cũng trôi vào dĩ vãng, chẳng mấy ai quan tâm để ý. Phải đợi đến lúc Gioan Tẩy Giả xuất hiện, người ta mới dần dần sống lại những tâm tình mà họ đã nghe tiên tri Isaia loan báo trước đây. Cùng với Gioan, họ đang “chuẩn bị tinh thần” bằng những việc làm mà Gioan rao giảng, họ vội vàng xin chịu Phép Rửa, ăn năn sám hối để đón Chúa Giêsu-Đấng Cứu Độ muôn dân.
Đây là Con Ta yêu dấu
Nào có ai ngờ được rằng, Đức Giêsu, Đấng Thánh thiện cao cả, Đấng mà tiên tri Isaia loan báo, Gioan Tẩy giả giới thiệu, nói rằng : “Tôi không xứng đáng cởi dây dày cho Người”, giờ đây lại đến thật bình thường, khiêm hạ, đang đứng xếp hàng trong hàng ngũ “các tội nhân”. Đấng đến làm Phép Rửa trong Thánh Thần, lại xin chịu Phép Rửa sám hối của Gioan.
Thật là ngạc nhiên và khó tin Chúa Giêsu là “Đấng từ Trời mà đến” khi Người làm như vậy. Chúng ta tin Đức Giêsu là Đấng hoàn toàn vô tội mà. Do đó, Chúa Giêsu nhận phép Rửa, không phải để sám hối, cho bằng để mạc khải Thiên tính và sứ mạng của Người. Đây là lúc Chúa Cha xác nhận cho nhân loại biết Đức Giêsu là ai : “Người là Con Ta yêu dấu”, được xức dầu Thánh Thần để thi hành sứ mạng cứu độ. Sứ mạng cao cả được thực hiện trong thân phận làm người, thân phận của một “tôi tớ đau khổ” (Is 53, 4).
Khi chịu để được dìm xuống dòng sông, Người muốn xuống tận đáy vực thẳm của kiếp người đang bị chìm sâu trong tội lỗi, hầu lôi kéo tội nhân biết ăn năn sám hối, chuẩn bị đón nhận Phép Rửa của Người, Phép Rửa của sự tái sinh. Khi xếp hàng bên bờ sông Giordan, Người muốn đứng chung với tội nhân để nâng đỡ, an ủi và giao hoà tội nhân với Chúa Cha.
Nếu không có đức tin,làm sao có thể chấp nhận được mầu nhiệm Nhập thể, một Đức Giêsu với hai bản tính : Bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người. Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Chúa Giêsu đã làm người cho đến tận cùng với cái chết, chứ không chỉ trong một giai đoan, một thời gian nào đó, để chia sẻ với loài người trong kiếp sống lầm than khốn khổ. Người muốn liên đới với mọi người trong những đau thương, hèn yếu, để đem đến cho mọi người một sức sống mới, sức sống bởi Thần khí và dồi dào ân sủng.
Là Con yêu dấu của Chúa Cha, không chỉ trong lúc cúi mình chịu Phép Rửa, mà còn trải dài trong suốt cuộc sống. Tất cả những hành vi Chúa Giêsu làm, những phép lạ : chữa lành bệnh tật, cho kẻ câm nói được, kẻ què đi được… và kẻ chết được sống lại, Chúa Giêsu đã thực hiện không phải để tìm vinh danh cho mình, mà để thực thi Thánh ý và làm đẹp lòng Chúa Cha. Trước khi đi vào con đường khổ nạn, trên núi Tabor, Chúa Cha lại một lần nữa xác nhận : “Đây là Con yêu dấu của Ta“. Cuộc đời của Chúa Giêsu luôn là một thông điệp diễn tả về tình yêu bao la vô bờ bến của Thiên Chúa đối với nhân loại nói chung, và cho mỗi người chúng ta nói riêng. Như thế, ta chẳng còn lý do gì để thoái thác trong những bổn phận, trách nhiệm mà Chúa trao ban cho mỗi người, chúng ta phải cố gắng chu toàn để “sống xứng đáng là con Thiên Chúa “.
Phép Rửa, chết để được sống
Thánh Phaolô nói : “Khi được Rửa tội, là anh em được mai táng với Đức Kitô, và trong Phép Rửa tội, anh em cũng được sống lại với Đức Kitô, và nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6, 4). Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa tội, ta trở nên nghĩa tử của Chúa Cha, là anh em của Chúa Giêsu. Mỗi một người, trong từng thân phận, là một thể hiện của tình yêu đặc biệt dành riêng cho từng cá nhân trong công cuộc tạo dựng. Con người là thụ tạo cao quí, chứ không phải là một sản phẩm được sản xuất hàng loạt. Cũng chính vì thế, Chúa Giêsu luôn ước mong và tìm đủ mọi cách, để mỗi người chúng ta cũng được trở nên “người con yêu dấu” là khi chúng ta “trở nên đồng hình đồng dạng” với Người.
Chúng ta hãy lắng nghe Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, trong diễn văn nhận sứ vụ ngày 24/5/2005, xác quyết : “Chỉ khi nào chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa sống động nơi Đức Kitô, thì khi đó chúng ta mới hiểu cuộc sống là gì. Chúng ta không phải là những sản phẩm tình cờ và vô nghĩa của sự tiến hoá. Mỗi một người trong chúng ta là kết quả một ý nghĩ của Thiên Chúa. Mỗi một người trong chúng ta đều được chọn, mỗi một người đều được yêu thương, mỗi một người đều là cần thiết. Không gì đẹp hơn là được ngạc nhiên bởi Phúc Âm, bởi sự gặp gỡ với Chúa Kitô. Không gì đẹp hơn là được biết Ngài, và nói với người khác về tình bạn với Ngài”.
Phép Rửa – sứ mạng “sai đi”
Sau khi chịu Phép Rửa, Chúa Giêsu được Thánh Thần ngự xuống, được Chúa Cha sai đi. Sứ mạng “sai đi“ ấy Chúa Giêsu đã thi hành trọn vẹn để ban ơn cứu độ cho nhân loại. Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta tiếp nối sứ mạng đó, noi gương Người để sống như Người giữa biển đời này. Trong môi trường chúng ta đang sống, ở đâu và lúc nào cũng đang cần nhân chứng cho sự khiêm tốn, dấn thân và quảng đại. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đang cần chứng nhân cho lẽ phải, cho sự thật. Liệu chúng ta có dám hy sinh để gột bỏ những đam mê bất chính, dám bị “đục đẽo” đi những tính toán vụ lợi, ích kỷ, để can đảm dám sống , dám chết, liên đới với tha nhân, chia sẻ những nỗi đau với các số phận hẩm hiu, long đong đang cần mỗi người chúng ta “yêu thương và phục vụ.”
Ngày nọ, một em bé đi thăm một nhà điêu khắc khi ông đang loay hoay đục đẽo một tảng đá cẩm thạch sần sùi. Em chẳng thấy gì ngoài tảng đá thô ráp và các mảnh đá bắn ra tung toé. Sau mấy tháng, em trở lại thăm nhà điêu khắc. Lần này em rất đỗi ngãc nhiên, thay vì tảng đá sần sùi, bây giờ là một con sư tử với những đường nét rất linh động, như sư tử thật. Em xúc động chạy đến nhà điêu khắc và hỏi : Thưa ông, làm thế nào ông biết được trong tảng đá có con sư tử (để đục cho nó thoát ra) ?.
Cuộc đời Kitô hữu chúng ta có khác chi tảng đá sần sùi thô ráp trong thế gian, với Phép Rửa của Đức Kitô, nhờ tài điêu khắc của Chúa Thánh Thần, cùng với những nỗ lực từ bỏ và hy sinh, chúng ta sẽ trở nên những Kitô hữu sống động với những đường nét tuyệt đẹp mà hồng ân Chúa ban cho, để mỗi người chúng ta cũng trở nên “con yêu dấu của Chúa”.