Chuyện xảy ra tại một làng chài ven biển. Trên rặng núi cao phía sau lưng làng, có một cụ già sống trong một ngôi nhà toàn bằng gỗ quý dựng ở lưng chừng núi. Dân làng vẫn thường ghé lại nghỉ chân mỗi khi lấy củi trên núi, phần vì ngôi nhà đẹp, phần vì họ rất quý ông lão.
Bỗng một đêm kia, cả làng thức giấc vì một đám cháy lớn chợt bùng lên ở sườn núi. Biết cụ già rất quý căn nhà gỗ, họ vội vàng mang nước lên núi để chữa cháy.
Khi dân làng đã lên được khá cao trên núi, từ biển khơi, một đợt sóng thần ùa vào cuốn phăng ngôi làng của họ. Lên đến nơi, họ vô cùng ngạc nhiên thấy ông lão vỗ tay reo mừng đón chào họ bên căn nhà đã cháy trụi.
Thì ra, vì ở trên cao, ông cụ đã thấy trước hiểm họa của cơn sóng thần. Nhưng đêm hôm khuya khoắt, không có cách nào báo động cho dân làng, ông đành hy sinh đốt cháy căn nhà yêu quý nhất đời mình, mong mọi người sẽ chạy lên cứu ông mà thoát nạn hồng thủy.
Chúng ta cũng có thể nhận ra tấm lòng bao la như thế của Thiên Chúa nơi bờ sông Jordan trong Tin Mừng hôm nay.
Sông Jordan, tiếng Do Thái là “yarad”, có nghĩa là “đi xuống”. Đây là con sông phát nguồn từ ngọn núi Hermon ở độ cao 520m, chảy xuống miền Nam rồi đổ vào biển Chết. Tại đây, độ sâu của nó là 394m dưới mực nước biển. Có thể nói, đây là điểm thấp nhất của các châu lục trên địa cầu.
Như thế, khi bước xuống sông Jordan để chịu phép Rửa, Chúa Giêsu của chúng ta đã đi xuống chỗ thấp nhất, không chỉ về chiều sâu không gian địa lý, mà còn về chiều sâu của xã hội loài người. Không như dòng người tuôn đến sông Jordan với ước muốn được tẩy sạch, Chúa Giêsu bước xuống dòng sông nặng trĩu tội khiên như để mang lấy vào thân mình những gì là nhơ uế, bất toàn của phận người. Đấng Cứu Độ trần gian đã hạ mình xuống ngang hàng với những kẻ thấp hèn nhất. Ba mươi năm, làm một chú thợ nhà quê, dường như vẫn chưa đủ đối với tình thương vô biên của Thiên Chúa, Ngài lại tự hạ mình xuống thêm một bậc nữa, xuống đến tận đáy xã hội nhân loại khi chấp nhận trở thành một kẻ cù bất cù bơ, chấp nhận mang lấy thân phận tội lỗi ngập tràn.
Dìm mình xuống dòng sông Jordan, Ngôi Lời Nhập Thể như muốn mượn làn nước tẩy đi tất cả mọi dáng vẻ cao quý của một vì Thiên Chúa, lột bỏ đi những gì là ngăn cách, để có thể gắn chặt đời mình với nhân loại và trở nên một người anh em của mọi người. Mượn dòng nước sám hối để xóa đi mọi khoảng cách còn lại, cửa Trời từng bị Adam đóng lại, nay mở ra. Trời lại nối liền với đất, để dòng sông thanh tẩy thành điểm hẹn gặp giữa Thiên Chúa với con người.
Thật vậy, khi cúi mình xuống trước mặt Gioan để xin vị Tiền hô làm phép rửa, Chúa Giêsu đã đứng về phía các tội nhân, bởi Ngài không muốn thống trị loài người, mà chỉ mong muốn biến đổi nhân loại tự sâu thẳm lòng người bằng chia sẻ, cảm thông hơn là dùng uy quyền bên trên mà xét xử phán đoán. Như lời ngôn sứ Isaia (BĐ I): Không nỡ bẻ gãy cây lau bị dập, không nỡ dập tắt tim đèn còn khói, Đấng chí cao đã chấp nhận dấn mình vào đáy thẳm tội lỗi, để con người được phục hồi và nâng dậy, trở những người con chí ái của Chúa Cha.
Thật lạ lùng, ngày khai mạc sứ vụ Cứu Thế, Đấng Messia đã không hiện diện trước toàn dân, như một vì Thiên Chúa, mà đến với trần đời trong tư cách một Con Người; Ngài hiển hiện trước mọi người không như một vị quân vương hiển hách, nhưng lặng lẽ hòa mình vào hàng ngũ những tội nhân.
Sự tự hạ âm thầm ấy không chỉ nêu gương khiêm nhường hay khuyến khích lòng sám hối, mà còn là một nỗ lực của Thiên Chúa để được ở lại, được liên đới với phận người và để cùng với con người thực hiện cuộc hành trình đổi đời, cởi bỏ đi những gì xấu xa, ràng buộc; mặc lấy sự sáng của Yêu thương, Ân sủng; để đi vào cuộc sống mới, cuộc sống những người Con yêu dấu của Thiên Chúa.
Cuộc hành trình ấy của Chúa Giêsu không có thảm hoa, không có lời chúc tụng, nhưng tràn ngập niềm vui của liên đới, yêu thương, của cảm thông, tha thứ, của sẻ chia và phục vụ, niềm vui của những con người sống hết mình cho người khác, dám chấp nhận những mất mát thiệt thòi về phần mình vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Như thế, mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa hôm nay, cũng là nhìn lại những bước chân của Chúa trong cuộc hành trình đi xuống với con người, cuộc hành trình nâng nhân loại lên cao, cuộc hành trình đưa nhân loại chúng ta vào gia đình Yêu Thương của Ba Ngôi chí thánh.
Cuộc sống hôm nay, xét theo dáng vẻ bên ngoài, cũng đang lên cao về nhiều phương diện, nhưng nhìn sâu vào bên trong, có lẽ chúng ta sẽ nhận ra nhiều tín hiệu đáng lo ngại: Lối sống đua đòi và cái nhìn thực dụng đang lấn dần chỗ đứng của nhân phẩm và những giá trị nhân linh, nghiêm trọng hơn là nơi gia đình: Dưới cái nhìn thực dụng, bằng thước đo là đồng tiền, ông bà, cha mẹ, anh chị trong gia đình nhiều khi không còn được tôn trọng, thảo kính nữa. Người “có tiếng nói”, có quyền quyết định mọi việc trong nhà- đồng nghĩa với người có địa vị cao, có thu nhập khá. Mọi giá trị thánh thiêng của gia đình bị đảo lộn, đạp đổ, khi đồng tiền được quý trọng hơn sự sống, khi giá trị con người được xác định bằng thời trang, tiện nghi hiện đại. Lối sống chạy theo vẻ hào nhoáng bề ngoài đã biến nhiều mái ấm thành những ngôi nhà ồn ào, sặc sỡ nhưng trống rỗng, vì thiếu vắng tình người, thiếu những nụ cười ấm áp, thiếu những ánh mắt cảm thông.
“Trong suốt lịch sử mấy trăm năm của Giáo Hội công giáo tại Việt Nam, gia đình vẫn là cái nôi thông truyền đức tin cho con cái, là trường dạy giáo lý đầu tiên cho thế hệ trẻ, là nơi đào tạo những Kitô hữu vững mạnh trong đức tin và gương mẫu trong đời sống đạo đức. Ngày nay, dù phải đối diện với nhiều lo toan trong cuộc sống, xin anh chị em cố gắng duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp này của gia đình công giáo. Hãy xây dựng gia đình mình thành ngôi nhà thờ phượng Chúa, trường dạy đức tin, và mái ấm tình thương”. (HĐGMVN, Thư mục vụ Năm Đức Tin, số 9).
Vì thế, lễ Chúa chịu phép rửa là lời mời gọi chúng ta nhìn lại đời sống gia đình, xứ đạo của mình. Mời gọi chấn chỉnh lại những gì còn thiếu sót, còn chưa đúng, chưa hay. Mời gọi sửa đổi lại lối sống của chính mình trong cách nhìn, nếp nghĩ; trong cung cách cư xử với mọi người.
Thật vậy, khi biết hy sinh những sở thích riêng tư để vun vén cho hạnh phúc gia đình, là chúng ta làm cho cửa Trời mở rộng. Khi biết đón nhận nhau trong tha thứ và đỡ nâng, là chúng ta làm cho những phàm tục của đời thường được mặc lấy giá trị vĩnh cửu và linh thánh. Đó cũng là lúc chúng ta đồng hành và nên đồng hình dạng với Đức Kytô, Đấng nhận lấy thiệt thòi, thua kém về mình để trở nên ân phúc cho anh em. Lễ Chúa chịu phép Rửa-vì thế, vẫn tiếp nối giữa lòng đời, khi con người biết hy sinh và dám sống hết mình vì hạnh phúc của người khác.
Xin Thánh Thần yêu thương đổ tràn trên chúng ta, giúp chúng ta sống cho tròn đầy ơn gọi kytô hữu qua bí tích Thánh Tẩy. Để như với Chúa Giêsu bên bờ sông Jordan, hôm nay, Cha trên trời cũng có thể ngỏ lời với mỗi người chúng ta rằng: “Đây là những người con yêu dấu của Ta. Các con rất đẹp lòng Ta.”
Lm Giuse Trần Đình Túc