Lễ vọng: GẶP GỠ ĐẤNG PHỤC SINH
Giới y khoa Việt Nam có lẽ không thể quên chàng trai tên Nguyễn Đức Minh, một thanh niên 24 tuổi, qua đời ngày 30/7/1996. Vốn là một chàng trai gặp nhiều bất hạnh : bị bệnh tim bẩm sinh và năm 18 tuổi trong một tai nạn, anh hoàn toàn bị mù lòa.
Thế nhưng anh đã vượt lên trên sự bất hạnh để học xong văn hóa phổ thông và học được nhiều loại nhạc cụ. Ý thức được bệnh tật của mình càng ngày càng trầm trọng và khó qua khỏi, anh đã đến gặp bác sĩ trưởng khoa giải phẫu trường Y Khoa Thành Phố Hồ Chí Minh để bày tỏ ý định hiến xác cho sinh viên thực tập. Đây là trường hợp hiến xác đầu tiên ở Việt Nam.
Sau khi qua đời, anh để lại di chúc, trong đó ghi lại điều anh mong ước : đó là được hiến xác cho ngành y học. Hiện nay xác của anh đang nằm tại trường Y Khoa Thành Phố Hồ Chí Minh để cho các sinh viên nghiên cứu.
Nguyễn Đức Minh được báo chí ca tụng là người Việt Nam đầu tiên hiến cơ thể mình cho khoa học. Anh được tôn vinh là “người sống mãi”, vì đã hiến thân cho hạnh phúc của người khác.
Hành vi hiến xác của người thanh niên thật cao đẹp biết bao. Thế nhưng, sự hiến thân của anh chỉ dừng lại ở nơi thân xác của mình. Tất cả sự nghiệp anh để lại cho hậu thế chỉ là cái xác được bảo quản trong phòng thí nghiệm. Anh không thể vượt qua sự chết để cho người khác sự sống.
Anh sống mãi, nhưng chỉ sống trong hoài niệm và sự tưởng nhớ của mọi người.
Trong đêm cực thánh này, khi bước vào mầu nhiệm Phục Sinh, chúng ta sẽ gặp gỡ một Đấng đã vượt qua sự chết để ban cho chúng ta sự sống. Vâng, chúng ta sẽ gặp gỡ không phải là một xác chết, nhưng là một Đấng Phục Sinh. Ngài không hiện diện với chúng ta như một xác ướp quý giá, nhưng Ngài đã sống lại thật và đang đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường đời. Ngài chính là Đấng Phục Sinh, Đấng chiến thắng tử thần.
Đó chính là kinh nghiệm của các người phụ nữ đi thăm mộ Chúa vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, mà thánh Marcô đã thuật lại trong bài Tin Mừng. Cùng với nước mắt và lòng thương nhớ, các bà mang theo thuốc thơm để ướp xác Chúa. Các bà đi vào mồ và thấy một thiên thần trong vóc dáng một người thanh niên. Thiên thần đã cho các bà biết : “Các người đừng sợ ! Các bà đi tìm Chúa Giêsu Nagiarét chịu đóng đinh. Nhưng Ngài đã sống lại và không còn ở đây nữa”. Như thế, các bà đi tìm “Chúa chịu chết”, nhưng đã gặp “Chúa sống lại”, đi tìm một xác chết nhưng đã gặp Đấng
Phục Sinh.
Từ kinh nghiệm của các người phụ nữ trong bài Tin Mừng, chúng ta cũng tìm thấy một con đường để gặp gỡ Đấng Phục Sinh, một cách thức để sống Mầu Nhiệm Phục Sinh. Sống Mầu nhiệm Phục Sinh là gì, nếu không phải là đi tìm gặp Đức Kitô Phục Sinh và để cho Ngài bước vào cuộc đời của mình ?
Đi tìm Đức Kitô Phục Sinh
Khi chúng ta bước vào đêm huyền diệu này, là chúng ta bắt đầu bước vào cuộc hành trình đi tìm gặp Đức Kitô Phục Sinh theo bước chân của các người phụ nữ đi thăm mộ Chúa. Các bà đã e ngại và sợ hãi : e ngại tảng đá chắn cửa mồ, sợ hãi bóng dáng tử thần. Cũng vậy, có biết bao thử thách đang chờ đón những ai đi tìm gặp Đấng Phục Sinh. Có biết bao tảng đá đang che lấp niềm hy vọng của cuộc đời. Có biết bao sự sợ hãi đang vây bọc cuộc sống. Có bao nấm mồ đang chôn vùi niềm hy vọng. Những điều đó dường như luôn làm cho chúng ta sợ hãi và tuyệt vọng.
Tất cả chỉ vì ta chưa tin đủ vào sự sống lại của Chúa, ta vẫn chỉ muốn đi tìm một xác chết, giữa lúc ngài đã sống lại. Chúng ta chỉ biết dừng lại nơi cửa mồ của Chúa.
Đức Kitô phục Sinh đã mở toang cửa mộ. Không cần ai phải lăn tảng đá, cũng không cần ai xức dầu thơm cho một tử thi. Vì Chúa đã sống lại từ cõi chết và ngôi mộ không thể chứa nổi một Đấng đang sống và đang đi tìm gặp những kẻ Ngài yêu mến.
Đức Kitô Phục Sinh đi tìm gặp chúng ta
Qua các người phụ nữ, Chúa Giêsu Phục Sinh đã hẹn gặp các môn đệ tại xứ Galilêa. Nhưng vì sợ hãi, các bà đã chạy trốn. Dù vậy, Chúa Phục Sinh vẫn gặp gỡ được các môn đệ và gặp gỡ nhiều lần sau khi sống lại từ cõi chết.
Quả thật, dù chúng ta không muốn gặp gỡ Chúa, Ngài vẫn đi bước trước để tìm gặp chúng ta. Ngài đến với chúng ta để ban cho chúng ta sự sống, lòng can đảm và sự bình an. Vì thế, sống mầu nhiệm Phục Sinh chính là để cho Đức Kitô phục sinh đến với đời ta và hoán cải đời ta. Ngài trao cho ta “một cái hẹn” để gặp gỡ ta vào một lúc nào đó và ở một nơi nào đó. Thế nhưng, chúng ta có thực sự muốn gặp Ngài, hay nhiều lần chúng ta đã để cho Ngài bị “lỡ hẹn” ?
Ngày kia, một người thanh niên tân tòng gặp lại người bạn ngoại giáo. Người bạn nói với người tân tòng một cách mỉa mai :
– Này anh bạn, từ ngày anh bạn theo đạo, anh bạn mất đi nhiều thứ đấy nhé !
Người tân tòng trả lời :
– Phải, từ ngày tôi gặp Chúa, tôi đánh mất rất nhiều : tôi đã làm mất đi cái xấu xa đê tiện, tôi làm mất đi trong tôi một thằng bợm nhậu và cờ bạc, tôi làm mất đi cái cảnh hỏa ngục đen tối trong gia đình mỗi khi tôi “say xỉn” trở về và đánh đập vợ con. Tôi cũng làm mất đi một tương lai bi đát đang chờ đón tôi và gia đình tôi.
Câu trả lời của người tân tòng trên chính là lời giải thích hay nhất về sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh trong cuộc đời chúng ta. Ước gì trong nước mắt, chúng ta luôn cảm nghiệm được niềm vui, trong sợ hãi xao xuyến, chúng ta vẫn can trường, vì chúng ta đang mở lòng ra để đón nhận Chúa Phục Sinh đang đến và hiện diện trong cuộc đời chúng ta.