Thứ Sáu Tuần Thánh
THẬP GIÁ, Ô NHỤC VÀ VINH QUANG
Vào năm 1934, tại thủ đô Paris, nước Pháp, một người đàn ông tên Gustave Busset qua đời. Ông ta không có con cái, nhưng để lại một gia sản đáng giá. Người ta quyết định bán đấu giá tất cả đồ đạc của ông.
Trong cuộc bán đấu giá ấy, có sự hiện diện của một họa sĩ nghèo là Pierre Pinont. Sau khi đấu giá những đồ đạc đáng giá, người ta bán đến một cây thánh giá nặng nề thô thiển và bám đầy bùn đất dơ bẩn.
Không có ai mua cây thánh giá cả, chỉ duy có chàng họa họa sĩ nghèo chịu mua cây thánh giá với giá 25 quan. Nhiều người chê cười và cho rằng chằng họa sĩ ngu dại.
Thế nhưng, khi mang về nhà và lau chùi cây thánh giá sạch sẽ, chàng họa sĩ đã phát hiện ra hàng chữ nhỏ ở chân thánh giá : Benvenuto Cellini. Đó chính là tên một người thợ kim hoàn nổi tiếng người Ý.
Ngay lập tức, chàng họa sĩ đã đem cây thánh giá đến tiệm kim hoàn để kiểm tra và được biết : cây thánh giá đó được làm bằng vàng ròng và nó trị giá 60 ngàn đồng vàng. Sau đó, chính vua Louis-Philippe I đã mua cây thánh giá đó với giá 60 ngàn đồng vàng. Thế là sự ngu dại của chàng họa sĩ đã đáng giá bằng cả một kho tàng lớn lao !
Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội chiêm ngưỡng thập giá Đức Kitô. Quả thật, thập giá chính là một dụng cụ hành hình. Nhưng từ khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh và chết trên thập giá, thập giá không còn là dấu hiệu của sự ô nhục nữa. Trái lại, thập giá đã nở hoa cứu độ và là con đường vinh quang mở ra để mời gọi người tín hữu tiến bước.
Thập giá ô nhục
Bất cứ ai sống vào thời Chúa Giêsu cũng đều hiểu rõ và cảm nhận được sự nhục nhã của cây thập giá, nhất là nỗi ô nhục của kẻ bị đóng đinh vào thập giá. Chúng ta hãy nghe thánh Phaolô tuyên bố : “Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh, đó là một chướng kỳ ô nhục đối với người Do Thái và là điều điên rồ đối với người ngoại giáo” (1Cr 1, 23). Thập giá còn là thứ khổ hình dành riêng cho người nô lệ, không những đem đến một cái chết bi thảm, mà còn là một nỗi hổ thẹn đến cùng cực.
Chúa Giêsu không từ chối và chạy trốn thập giá, nhưng Ngài đã đón nhận để chu toàn thánh ý Chúa Cha. Chúa Giêsu đã không để cho thập giá đè bẹp mình, nhưng Ngài đã thăng hoa thập giá và biến thập giá thành con đường vinh quang bất diệt.
Thập giá vinh quang
Các môn đệ ngày xưa đã vấp phạm vì thập giá. Ngày nay cũng vậy, con người không dễ dàng chấp nhận thập giá. Theo cái nhìn thông thường, cuộc tử nạn của Chúa Giêsu là một thất bại lớn lao, là một nỗi thất vọng ê chề. Thật ra, cuộc tử nạn của Chúa Giêsu chính là một cuộc chiến thắng vẻ vang và thập giá trở thành vinh quang sáng ngời. Chính thập giá đã đưa Chúa Giêsu lên cao và nhờ vậy, Ngài đã kéo mọi người lên cùng Ngài. Thật vậy, Chúa Giêsu đã bị đóng chặt vào cây thập giá. Vì thế, Ngài đã tạo cho thập giá một thế đứng bất khuất trên giòng đời và qua mọi thời đại. Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại, vì vậy Ngài đã đem đến cho thập giá một ý nghĩa mới. Khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu đã chiếu tỏa vào thập giá một ánh vinh quang chói ngời.
Thập giá được biến đổi để trở thành Thánh Giá với một dáng đứng bất diệt muôn đời. Vì vậy, những ai chịu đóng đinh mình vào Thánh Giá, cũng sẽ được sống lại với Ngài. Những ai chấp nhận gắn bó với Thánh Giá, người ấy cũng được thông dự vào vinh quang Phục Sinh với Chúa.
Thánh Giá luôn phải là tư thế của người tín hữu hôm nay. Nghĩa là người tín hữu phải họa lại hình ảnh và vóc dáng của Thánh Giá trong đời mình : luôn vươn dậy, hai tay giang rộng, sẵn sàng đón nhận tất cả.
Hôm nay, ngày suy tôn Thánh Giá, chúng ta hãy cất lên lời kính thờ Thánh Giá :
Lạy Chúa, chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa.
Hát mừng Ngài sống lại hiển vinh
Ấy chính vì bởi cậy thập giá
Niềm hân hoan tràn ngập địa cầu.